• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/10/1996
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 748-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 10 tháng 10 năm 1996


CHỈ THỊ

Về việc triển khai thực hiện Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh

đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định

sô 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ

_________________________

Để đổi mới về cơ bản cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hơn nữa quyền tự chủ tài chính gắn liền với trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và trong việc sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước; đồng thời, đảm bảo sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước, ngày 3 tháng 10 năm 1996 Chính phủ đã ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước" kèm theo Nghị định số 59/CP.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước triển khai thực hiện Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh vừa được ban hành:

1. Bộ Tài chính:

- Ban hành trong tháng 10/1996 các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế nêu trên gồm:

+ Chế độ quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước;

+ Chế độ quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định;

+ Chế độ quản lý chi phí kinh doanh và giá thành sản phẩm;

+ Chế độ trích lập các khoản dự phòng giảm giá;

+ Chế độ phân phối lợi nhuận và quản lý các quỹ;

+ Chế độ kiểm toán, công khai hoá các chỉ tiêu tài chính và các nôi dung khác có liên quan.

- Điều chỉnh "Quy chế tài chính mẫu của Tổng công ty Nhà nước" phù hợp với những quy định của Quy chế trên.

- Điều chỉnh chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp cho phù hợp với Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Tổ chức tập huấn về Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 59/CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính cho các Bộ, Ngành, các địa phương, các doanh nghiệp Nhà nước (gồm Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp và kế toán trưởng) để triển khai thi hành thống nhất.

- Có biện pháp chấn chỉnh ngay công tác hạch toán kế toán, quản lý chi phí kinh doanh; tổ chức kiểm tra việc trích lập và sử dụng các quỹ trong doanh nghiệp Nhà nước cho đến hết năm 1996, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều tiết một phần tồn quỹ khen thưởng, phúc lợi ở những doanh nghiệp có tồn quỹ quá lớn (tính đến hết năm 1996) chuyển vào ngân sách Nhà nước để góp phần giải quyết nhiệm vụ tiền lương trong kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 1997.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Ban hành trước tháng 12/1996 các văn bản hướng dẫn xây dựng và đăng ký định mức lao động, đơn giá tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước để triển khai thực hiện vào đầu năm 1997 nhằm đưa công tác quản lý lao động, tiền lương vào nề nếp, bảo đảm tiền lương thực sự trở thành đòn bẩy kinh tế, khuyến khích phát triển kinh doanh, gắn tiền lương với năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh đối với doanh nghiệp và người lao động.

- Có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức quản lý doanh nghiệp, viên chức làm công tác lao động, tiền lương ở các Bộ, Ngành, các địa phương và doanh nghiệp Nhà nước để triển khai ngay các công việc xây dựng, điều chỉnh và xem xét phê duyệt lại đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm hoặc hoạt động dịch vụ đối với từng loại ngành nghề và các nội dung khác theo đúng quy định của Nhà nước.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương trong các doanh nghiệp để có các biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

- Khẩn trương trình Chính phủ ban hành cơ chế đổi mới về quản lý tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngàng Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty, Công ty và các tổ chức kinh tế Nhà nước khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức triển khai, hướng dẫn thi hành và kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh tại các doanh nghiệp Nhà nước.

4. Đề nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức cuộc vận động sâu rộng tới toàn thề các tổ chức công đoàn ngành, các công đoàn cơ sở, tới từng đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hơn nữa quyền làm chủ tập thể của người lao động trong doanh nghiệp, cùng Nhà nước kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính doanh nghiệp phù hợp với những quy định của Nhà nước.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.