• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/07/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1999
QUỐC HỘI
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 6 tháng 7 năm 1993

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ LỢI TỨC

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

 

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức như sau:

1/ Đoạn 1, Điều 8 được sửa đổi:

"Doanh thu để tính lợi tức chịu thuế là toàn bộ số tiền bán hàng, tiền gia công, tiền dịch vụ thu được."

2/ Điều 10 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 10 - Tổ chức, cá nhân kinh doanh (trừ hộ kinh doanh nhỏ, hộ buôn chuyến) nộp thuế lợi tức theo thuế suất ổn định trên lợi tức chịu thuế cả năm quy định sau đây:

1- Các ngành: điện năng; khai thác mỏ, khoáng sản, lâm sản và thuỷ sản; luyện kim; cơ khí; hoá chất cơ bản; phân bón; thuốc trừ sâu; vật liệu xây dựng; xây dựng và vận tải: 25%.

2- Các ngành: công nghiệp nhẹ; công nghiệp thực phẩm và sản xuất khác: 35%.

3- Thương nghiệp; ăn uống và dịch vụ các loại: 45%.

Các hộ kinh doanh tư nhân, các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh có lợi tức chịu thuế tính theo đầu người góp vốn, nếu lợi tức chịu thuế bình quân tháng lớn hơn 10 triệu đồng, thì ngoài việc nộp thuế theo mức cơ bản còn phải nộp thuế lợi tức bổ sung 25% trên phần lợi tức vượt trên 10 triệu đồng.

Doanh nghiệp Nhà nước nếu có lợi tức chịu thuế cao do lợi thế khách quan, thì ngoài việc phải nộp thuế lợi tức theo thuế suất quy định tại Điều này, phần lợi tức còn lại sau khi được phép trích lập các quỹ theo quy định của Pháp luật, phải nộp thuế lợi tức bổ sung không quá 50% số lợi tức còn lại. Chính phủ quy định chi tiết thuế suất thuế lợi tức bổ sung đối với từng ngành nghề."

3/ Điều 22 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 22 - Cơ sở sản xuất và một số ngành nghề khác cần khuyến khích đầu tư, nếu có đầu tư mở rộng sản xuất hoặc đầu tư chiều sâu mà đem lại hiệu quả cao hơn so với trước thì được giảm thuế lợi tức theo mức vốn đầu tư bỏ ra, nhưng tối đa không quá 50% số thuế lợi tức phải nộp cả năm và không vượt quá số lợi tức tăng thêm của năm tiếp theo do đầu tư mang lại. "

4/ Điều 23 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 23 - Tổ chức sản xuất kinh doanh do nguyên nhân khách quan mà bị lỗ, thì được chuyển số lỗ sang năm sau khi tính thuế lợi tức. Thời gian được chuyển lỗ để tính thuế lợi tức không quá 2 năm."

5/ Điều 25 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 25 - Cơ sở sản xuất mới thành lập được miễn thuế lợi tức 2 năm đầu, kể từ khi có lợi tức và được giảm 50% thuế lợi tức trong 2 năm tiếp theo; riêng cơ sở sản xuất mới thành lập ở các vùng có khó khăn, thì thời gian giảm thuế được kéo dài thêm 2 năm nữa.

Cơ sở đang sản xuất ở các vùng có khó khăn được giảm thuế lợi tức tối đa 50%, thời gian giảm thuế không quá 2 năm.

Chính phủ quy định cụ thể vùng có khó khăn nói tại Điều này."

6/ Điểm c, Khoản 1, Điều 27 được sửa đổi:

"c) Tổ chức, cá nhân nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo quy định của Luật này, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) số tiền nộp chậm;"

7/ Các chữ "Hội đồng Nhà nước" được sửa đổi thành các chữ "Uỷ ban thường vụ Quốc hội" và các chữ "Hội đồng Bộ trưởng" được sửa đổi thành các chữ "Chính phủ".

Điều 2

Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuế lợi tức đã ban hành cho phù hợp với Luật này.

Điều 3

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 1993.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 6 tháng 7 năm 1993.

 

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.