• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/09/1992
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 329-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 16 tháng 9 năm 1992

NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về lệ phí trọng tài và các khoản thu khác khi trọng tài kinh tế giải

quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế.

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Điều 35 của Pháp lệnh Trọng tài kinh tế ngày 10 tháng 1 năm 1990;

Theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Các bên ký kết hợp đồng kinh tế khi có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế được Trọng tài kinh tế thụ lý để giải quyết thì phải nộp lệ phí trọng tài.

Lệ phí trọng tài tính theo phần trăm giá trị của phần hợp đồng kinh tế có tranh chấp, được quy định cụ thể như sau:

Đến 100 triệu đồng là 4%;

Trên 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng là 4 triệu đồng + 3% của phần vượt quá 100 triệu đồng;

Trên 200 triệu đến 500 triệu đồng là 7 triệu đồng + 2% của phần vượt quá 200 triệu đồng;

Trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng là 13 triệu đồng + 1% của phần vượt quá 500 triệu đồng;

Trên 1 tỷ đồng là 18 triệu đồng + 0,1% của phần vượt quá 1 tỷ đồng.

Điều 2. Bên có yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế phải nộp số tiền bằng 30% lệ phí trọng tài theo thông báo của Trọng tài viên.

Nếu nhận được thông báo của Trọng tài viên mà đương sự không nộp 30% lệ phí thì Trọng tài kinh tế không nhận hồ sơ vụ tranh chấp và không giải quyết.

Khi Trọng tài kinh tế đã thụ lý hồ sơ mà đương sự rút đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp thì số tiền đã nộp (30% lệ phí) không được trả lại mà được nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Điều 3. Bên có đơn kháng cáo phải nộp lệ phí kháng cáo bằng 10% lệ phí trọng tài. Sau khi trọng tài kinh tế đã giải quyết kháng cáo, nếu đương sự kháng cáo đúng thì được trả lại số tiền lệ phí kháng cáo đã nộp, đồng thời lệ phí trọng tài được phân bổ lại theo quyết định giải quyết kháng cáo.

Điều 4. Khi Trọng tài kinh tế xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế, bên có lỗi phải nộp các khoản tiền chi phí thực tế, cần thiết cho việc xử lý vụ việc.

Điều 5. Đối với hợp đồng kinh tế thanh toán bằng ngoại tệ nào thì lệ phí trọng tài và các chi phí khác phải nộp bằng ngoại tệ ấy.

Điều 6. Lệ phí trọng tài được phân bổ như sau: 90% nộp vào Ngân sách Nhà nước, còn lại 10% trọng tài kinh tế được sử dụng.

Điều 7. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước căn cứ vào tính chất đơn giản hay phức tạp của vụ việc quy định tại Điều 4 Nghị định này để quy định mức thu cụ thể và Điều 6 Nghị định này để quy định việc sử dụng số lệ phí để lại cho trọng tài kinh tế.

Điều 8. Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 9. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Nghị định số 310-HĐBT ngày 27 tháng 8 năm 1990.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.