• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 04/04/2016
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 02/2008/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 31 tháng 1 năm 2008

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện

____________________________________

Căn cứ Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây được viết là Nghị định số 190/2007/NĐ-CP), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định như sau:

Phần I

ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Điều 2 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và từ đủ 15 tuổi đến đủ 55 tuổi đối với nữ, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng;

2. Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố;

3. Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

4. Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

5. Người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân;

6. Người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã nhận bảo hiểm xã hội một lần;

7. Người tham gia khác.

Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phần II

CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Mục 1

CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

1. Điều kiện hưởng lương hưu

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a1) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;

Ví dụ 1: Ông A sinh ngày 16/01/1971, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 02/2008 và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ tháng 02/2031 ông A đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

Ví dụ 2: Bà B sinh ngày 25/4/1983, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 3/2008 và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ tháng 5/2038 bà B đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

a2) Nam từ đủ 55 tuổi trở lên, nữ từ đủ 50 tuổi trở lên đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Ví dụ 3: Ông C sinh ngày 20/6/1960, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 8/2008, trước đó ông C đã có 21 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó có 16 năm làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ tháng 7/2015 ông C đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

a3) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nam từ đủ 50 tuổi trở lên, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên;

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ví dụ 4: Ông D sinh ngày 22/6/1960, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 5/2008, trước đó ông D đã có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ông được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động 61%. Từ tháng 7/2010 ông D đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng với mức thấp hơn.

b) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi đã có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên hoặc nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi đã có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên mà chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì được đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hằng tháng.

Ví dụ 5: Bà Đ đủ 55 tuổi, có 17 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bà Đ được đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 2 năm 5 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

Ví dụ 6: Ông E đủ 60 tuổi, có 15 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần. Ông E được đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 4 năm 6 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

2. Mức lương hưu hằng tháng

Mức lương hưu hằng tháng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Khi tính mức lương hưu hằng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 mục 1 phần II và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại điểm a khoản 4 mục 1 phần II Thông tư này, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính là một năm.

Ví dụ 7: Ông G hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi, có 20 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông G là 20 năm 7 tháng, số tháng lẻ 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông G là 21 năm.

- 15 năm đầu tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 21 là 6 năm, tính thêm: 6 x 2% = 12%;

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông G là: 45% + 12% = 57%.

Ví dụ 8: Ông H hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi, có 35 năm 2 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông H là 35 năm 2 tháng, số tháng lẻ 2 tháng không tính, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông H là 35 năm.

- 15 năm đầu tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 35 là 20 năm, tính thêm: 20 x 2% = 40%;

- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 40% = 85%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông H được tính mức tối đa bằng 75%.

Ví dụ 9: Bà K hưởng lương hưu khi đủ 55 tuổi, có 20 năm 10 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà K là 20 năm 10 tháng, số tháng lẻ 10 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của bà K là 21 năm.

- 15 năm đầu tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 21 là 6 năm, tính thêm: 6 x 3% = 18%;

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà K là: 45% + 18% = 63%.

Ví dụ 10: Bà E hưởng lương hưu khi đủ 55 tuổi, có 27 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà E là 27 năm 5 tháng, số tháng lẻ 5 tháng được tính là 0,5 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của bà E là 27,5 năm.

- 15 năm đầu tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 27,5 là 12,5 năm, tính thêm: 12,5 x 3% = 37,5%;

- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 37,5% = 82,5%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà E được tính mức tối đa bằng 75%.

b) Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tích số của tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 11: Ông G ở Ví dụ 7, có tỷ lệ hưởng lương hưu là 57%, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 920.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông G là:

57% x 920.000 đồng/tháng = 524.400 đồng/tháng

Ví dụ 12: Bà E ở Ví dụ 10, có tỷ lệ hưởng lương hưu là 75%, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.050.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà E là:

75% x 1.050.000 đồng/tháng = 787.500 đồng/tháng

3. Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

= [N -

30 đối với nam hoặc 25 đối với nữ

] x 0,5 x Mbqtn

Trong đó:

- N : số năm đóng bảo hiểm xã hội, một năm tính đủ 12 tháng.

- Mbqtn : mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 5 mục 1 phần II Thông tư này.

Ví dụ 13: Ông H ở Ví dụ 8, có mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 1.100.000 đồng/tháng. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông H được tính là 35 năm, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của ông H là:

(35 – 30) x 0,5 tháng x 1.100.000 đồng/tháng = 2.750.000 đồng

Ví dụ 14: Bà E ở Ví dụ 10, có mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 1.050.000 đồng/tháng. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà E được tính là 27,5 năm, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của bà E là:

(27,5 – 25) x 0,5 tháng x 1.050.000 đồng/tháng = 1.312.500 đồng

4. Mức hưởng bảo hiểm xã hội mội lần

a) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính như sau:

Mức hưởng BHXH một lần = N x 1,5 x Mbqtn

Trong đó:

- N : số năm đóng bảo hiểm xã hội, một năm tính đủ 12 tháng.

- Mbqtn : mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 5 mục 1 phần II Thông tư này.

Ví dụ 15: Bà H có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 18 năm, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 950.000 đồng/tháng. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của bà H được tính như sau:

18 x 1,5 tháng x 950.000 đồng/tháng = 25.650.000 đồng

Ví dụ 16: Ông L có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm 8 tháng được tính là 17 năm, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 1.100.000 đồng/tháng. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông L được tính như sau:

17 x 1,5 tháng x 1.100.000 đồng/tháng = 28.050.000 đồng

b) Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP bằng số tiền đã đóng; mức tối đa bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 17: Ông M có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến tháng 11/2008 là 8 tháng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 540.000 đồng/tháng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2008 theo quy định là 16%. Tháng 12/2008, ông M có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông M là:

8 tháng x 16% x 540.000 đồng/tháng = 691.200 đồng

Ví dụ 18: Bà N có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến tháng 12/2008 là 10 tháng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 540.000 đồng/tháng. Tháng 1/2009, bà N có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của bà N được tính là:

10 tháng x 16% x 540.000 đồng/tháng= 864.000 đồng

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần tối đa là:

1,5 tháng x 540.000 đồng/tháng = 810.000 đồng

Trong trường hợp này, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của bà N bằng mức tối đa 810.000 đồng.

5. Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính như sau:

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (Mbqtn)

=

Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH

Tổng số tháng đóng BHXH

Ví dụ 19: Ông N có quá trình đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

Từ tháng, năm

Đến tháng, năm

Số tháng đóng

Mức đóng hằng tháng (đồng/tháng)

Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (đồng/tháng)

3/2008

12/2008

10

86.400

540.000

1/2009

12/2009

12

100.800

630.000

1/2010

12/2010

12

131.400

730.000

1/2011

12/2011

12

153.000

850.000

1/2012

12/2012

12

198.000

990.000

1/2013

12/2013

12

198.000

990.000

1/2014

2/2014

2

198.000

990.000

Tổng

72 (6 năm)

 

 

 

Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông N được tính như sau:

Mbqtn =

{(10 x 540.000) + (12 x 630.000) + (12 x 730.000) + (12 x 850.000) + (24 x 990.000) + (2 x 990.000)}

72

= 800.833 đồng/tháng

Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nêu trên khi tính sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt quy định tại Điều 18 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP.

6. Tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng của hai loại hình bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 20: Ông P, có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí của ông P là 25 năm.

b) Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 17 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính như sau:

 

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH (Mbqtl,tn)

=

( Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc

x

Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc)

+

Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện

(Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc

+

Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện)

Trong đó:

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ và các khoản 4, 5, 6 mục IV Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 và khoản 7 mục IV phần A Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Liên Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động- Thương binh và Xã hội.

Ví dụ 21: Ông P ở Ví dụ 20, có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức bình quântiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.200.000 đồng/tháng và có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 138.000.000 đồng. Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông P là:

Mbqtl,tn =

{(2.200.000 x 15 x 12) + 138.000.000}

{(15 x 12) + (10 x 12)}

= 1.780.000 đồng/tháng

Khi tính mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương, tiền công đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt quy định tại Điều 32 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 và Điều 18 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP.

c) Mức lương hưu hằng tháng được tính như quy định tại khoản 2 mục 1 phần II Thông tư này.

d) Trường hợp người hưởng lương hưu quy định tại tiết a3 điểm a khoản 1 mục 1 phần II Thông tư này, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì mức lương hưu giảm đi 1%, cụ thể như sau:

- Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi đủ 60 đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.

- Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có từ đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi đủ 55 đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.

Ví dụ 22: Ông Đ, sinh ngày 21/6/1960, có 22 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó có 17 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7, sau đó ông bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 3 năm. Tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của ông Đ là 25 năm, mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 1.650.000 đồng/tháng. Ông Đ bị suy giảm khả năng lao động 61%. Từ tháng 7/2010 ông Đ đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn và được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông Đ là:

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 25 là 10 năm, tính thêm: 10 x 2% = 20%;

+ Ông Đ thuộc đối tượng được lấy mốc tuổi đủ 55 để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi, do nghỉ hưu trước 5 tuổi nên mức giảm là: 5 x 1% = 5%;

+ Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là: (45% + 20%) - 5% = 60%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông Đ là:

60% x 1.650.000 = 990.000 đồng/tháng

đ) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, nếu mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung.

Ví dụ 23: Ông Q có 1 năm 9 tháng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (10 tháng đóng trên mức thu nhập tháng 540.000 đồng/tháng và 11 tháng đóng trên mức thu nhập tháng 630.000 đồng/tháng), trước đó ông đã có 20 năm 3 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 1.100.000 đồng/tháng. Ông Q có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 22 năm. Giả định mức lương tối thiểu chung năm 2009 là 630.000 đồng/tháng. Tháng 12/2009, ông Q đủ 60 tuổi, đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Mức lương hưu của ông Q được tính như sau:

- 22 năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 59%;

- Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông Q là:

Mbqtl,tn =

{1.100.000 x (20 x 12 + 3) + (10 x 540.000 + 11 x 630.000)}

{(20 x 12 + 3) + (10 + 11)}

= 1.059.205 đồng/tháng

- Mức lương hưu hằng tháng của ông Q là:

59% x 1.059.205 = 624.931 đồng/tháng

- Mức lương hưu tính được thấp hơn mức lương tối thiểu chung, nên mức lương hưu của ông Q được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung 630.000 đồng/tháng.

e) Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo quy định tại khoản 3 mục 1 phần II Thông tư này và mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này.

g) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại khoản 4 mục 1 phần II Thông tư này và mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng quy định tại điểm b khoản 6 mục 1 phần II Thông tư này.

7. Thời điểm hưởng lương hưu

Thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính kể từ tháng liền kề sau tháng tổ chức bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ hợp lệ (sổ bảo hiểm xã hội, tờ khai cá nhân theo mẫu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu.

8. Thời điểm tạm dừng hưởng lương hưu hằng tháng

Thời điểm tạm dừng hưởng lương hưu hằng tháng quy định tại Điều 20 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính từ tháng liền kề với tháng người hưởng lương hưu hằng tháng chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo, hoặc xuất cảnh trái phép, hoặc bị toà án tuyên bố mất tích.

Mục 2

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

1. Mức trợ cấp tuất một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bị chết

a) Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 1 năm trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được tính như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = N x 1,5 x Mbqtn

Trong đó:

- N : số năm đóng bảo hiểm xã hội, một năm tính đủ 12 tháng. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì được tính như quy định tại điểm a khoản 2 mục 1 phần II Thông tư này.

- Mbqtn : mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 5 mục 1 phần II Thông tư này.

Ví dụ 24: Ông N ở Ví dụ 19, có 6 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 800.833 đồng/tháng, tháng 03/2014 ông N chết. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông N được tính như sau:

6 x 1,5 tháng x 800.833 đồng/tháng = 7.207.500 đồng

Ví dụ 25: Ông S có 4 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 950.000 đồng/tháng, tháng 10/2015 ông S chết.

- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 4 năm 4 tháng được tính bằng 4,5 năm;

- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông S được tính như sau:

4,5 x 1,5 tháng x 950.000 đồng/tháng = 6.412.500 đồng

b) Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP bằng số tiền đã đóng; mức tối đa bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 26: Ông T đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 02/2008 đến tháng 3/2008 (2 tháng) với mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 540.000 đồng/tháng, từ tháng 4/2008 đến tháng 6/2008 (3 tháng) với mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 590.000 đồng/tháng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2008 theo quy định là 16%. Tháng 7/2008 ông T chết, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông T được tính bằng số tiền đã đóng là:

(2 tháng x 16% x 540.000 đồng/tháng) + (3 tháng x 16% x 590.000 đồng/tháng) = 456.000 đồng

2. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu, mức trợ cấp tuất một lần được tính như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = 48 x Lh

Trong đó:

Lh : mức lương hưu đang hưởng.

Ví dụ 27: Ông U tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng lương hưu từ tháng 6/2028 với mức lương hưu là 1.500.000 đồng/tháng, tháng 7/2028 ông U chết. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông U được tính như sau:

48 tháng x 1.500.000 đồng/tháng = 72.000.000 đồng

b) Nếu chết từ tháng thứ 3 trở đi, mức trợ cấp tuất một lần được tính như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = 48 x Lh – ( t – 2 ) x 0,5 x Lh

Trong đó:

Lh : mức lương hưu đang hưởng;

t : số tháng đã hưởng lương hưu.

Ví dụ 28: Ông V tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng lương hưu từ tháng 01/2029 với mức lương hưu là 1.950.000 đồng/tháng, tháng 5/2030 ông V chết (hưởng lương hưu được 16 tháng). Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông V được tính như sau:

48 tháng x 1.950.000 đồng/tháng – (16 tháng – 2 tháng) x 0,5 x 1.950.000 đồng/tháng

= 79.950.000 đồng

3. Mức trợ cấp tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

a) Người đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 37 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 hoặc khoản 2 Điều 37 và Điều 38 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ.

b) Người đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm hoặc trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên mà không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần như mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, được tính như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = N x 1,5 x Mbqtl,tn

Trong đó:

- N : số năm đóng bảo hiểm xã hội, một năm tính đủ 12 tháng. Nếu có tháng lẻ thì được tính như quy định tại điểm a khoản 2 mục 1 phần II Thông tư này.

- Mbqtl,tn : mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm b khoản 6 mục 1 phần II Thông tư này.

Mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

c) Người đang hưởng lương hưu mà có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nhưng không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần, cách tính như quy định tại khoản 2 mục 2 phần II Thông tư này; mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết.

Phần III

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

1. Phương thức đóng

Phương thức đóng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đăng ký với tổ chức bảo hiểm xã hội theo một trong 3 phương thức sau:

a1) Đóng hằng tháng;

a2) Đóng hằng quý;

a3) Đóng 6 tháng một lần.

b) Thời điểm đóng được quy định như sau:

b1) 15 ngày đầu đối với phương thức đóng hằng tháng;

b2) 45 ngày đầu đối với phương thức đóng hằng quý;

b3) 3 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần.

2. Mức đóng hằng tháng

Mức đóng hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

Mức đóng hằng tháng

=

Tỷ lệ phần trăm đóng BHXH tự nguyện

x

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn

Trong đó:

a) Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn

 

= Lmin + m x 50.000 (đồng/tháng)

 

- Lmin: mức lương tối thiểu chung;

- m = 0, 1, 2, ... n

Mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

b) Tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 26 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP.

Ví dụ 29: Bà S đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 7/2008 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 890.000 đồng/tháng (tương ứng với Lmin 2008 = 540.000 đồng/tháng và m =7) theo phương thức đóng hằng tháng. Tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2008 là 16%. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của bà S trong năm 2008 sẽ là 142.400 đồng/tháng.

Tương tự, nếu m = 0 hoặc m = 1 thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng trong năm 2008 tương ứng là 86.400 đồng/tháng hoặc 94.400 đồng/tháng.

3. Mức đóng hằng quý hoặc 6 tháng một lần

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn phương thức đóng hằng quý hoặc 6 tháng một lần thì mức đóng bằng tích số của mức đóng hằng tháng theo quy định tại khoản 2 nêu trên với 3 đối với phương thức đóng hằng quý hoặc 6 đối với phương thức đóng 6 tháng một lần.

b) Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng hằng quý hoặc 6 tháng một lần, mà trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì không phải bù chênh lệch số tiền đã đóng theo mức lương tối thiểu chung đã được điều chỉnh.

4. Đăng ký lại phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được đăng ký lại phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổ chức bảo hiểm xã hội. Việc đăng ký lại phương thức đóng và mức đóng được thực hiện ít nhất là sau 6 tháng kể từ lần đăng ký trước.

Ví dụ 30: Ông X tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 5/2008 và đăng ký với tổ chức bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng hằng tháng, mức thu nhập tháng lựa chọn với m = 1. Sau đó ông có nguyện vọng được chuyển phương thức đóng sang hằng quý và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với m = 2. Thì việc thay đổi trên được thực hiện sớm nhất là từ tháng 11/2008.

5. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được coi là tạm dừng đóng khi không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và không có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Ví dụ 31: Ông Y tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 2/2008 đến tháng 6/2009. Từ tháng 7/2009 ông Y không đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện và không có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trường hợp này, ông Y được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

b) Người đang tạm dừng đóng, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổ chức bảo hiểm xã hội. Việc đăng ký lại phương thức đóng và mức đóng được thực hiện ít nhất là sau 3 tháng kể từ tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng đóng.

Ví dụ 32: Ông Y ở Ví dụ 31, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 7/2009. Sau đó ông Y có nguyện vọng tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ tháng 10/2009 trở đi.

Phần IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

3. Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để trong phạm vi, quyền hạn có hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Bạch Hồng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.