• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/02/2008
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 12/2008/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 28 tháng 1 năm 2008

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế

_________________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Điều 16 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Pháp chế là cơ quan tham mưu, tổng hợp giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bằng pháp luật về các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về xây dựng pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập dự kiến kế hoạch xây dựng pháp luật dài hạn, hàng năm và theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi được Bộ trưởng giao;

c) Chủ trì thẩm định về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch mà Bộ là một bên ký do các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Vụ chủ trì xây dựng thì việc thẩm định thực hiện theo cơ chế Hội đồng;

d) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tài liệu, hồ sơ về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của cấp trên để Bộ trưởng đề nghị tổ chức, cơ quan, cá nhân góp ý kiến, đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ gửi phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ; do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

2. Về rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ và theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi được Bộ trưởng giao;

c) Tổng hợp, trình Bộ trưởng phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

3. Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ do Bộ trưởng ban hành hoặc liên tịch ban hành, do các Bộ, ngành khác hoặc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ do Bộ trưởng phân công;

c) Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất Bộ trưởng xem xét, xử lý đối với các văn bản trái pháp luật.

4. Về phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi được Bộ trưởng giao;

c) Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ.

5. Về kiểm tra thực hiện pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Kiểm tra thực hiện pháp luật trong phạm vi được Bộ trưởng giao;

c) Tổng hợp kết quả kiểm tra của các đơn vị thuộc Bộ về tình hình thực hiện pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

d) Tham gia ý kiến đối với văn bản xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được Bộ trưởng giao.

6. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, kiểm tra, đánh giá và tổng kết tình hình thực hiện cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trong phạm vi được Bộ trưởng giao.

7. Tham gia thẩm định các dự án, điều ước quốc tế; đề án thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc Bộ theo phân công của Bộ trưởng hoặc đề nghị của tổ chức có chức năng thẩm định dự án, đề án.

8. Tham gia Hội đồng thẩm định, nghiệm thu các chương trình, đề án, dự án điều tra cơ bản, dự án quy hoạch, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn theo phân công của Bộ trưởng.

9. Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân về các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khi có yêu cầu, theo quy định của pháp luật.

10. Thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật theo phân công của Bộ trưởng.

11. Hướng dẫn nghiệp vụ về công tác pháp chế đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

12. Quản lý đội ngũ công chức, hồ sơ, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Vụ:

Lãnh đạo Vụ có Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.

Vụ trưởng điều hành hoạt động của Vụ, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về hoạt động của Vụ.

Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Vụ trưởng và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Công chức của Vụ chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ được giao; có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Vụ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của Vụ; bố trí công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn, bản mô tả công việc và nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 85/2003/QĐ-BNN ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Pháp chế và các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.