THÔNG TƯ
Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm,
xếp lương giáo viên trường dự bị đại học
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.
2. Thông tư này áp dụng đối với giáo viên giảng dạy trong các trường dự bị đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên (sau đây gọi chung là giáo viên dự bị đại học).
Điều 2. Mã số, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học bao gồm:
1. Giáo viên dự bị đại học hạng III - Mã số: V.07.07.19.
2. Giáo viên dự bị đại học hạng II - Mã số: V.07.07.18.
3. Giáo viên dự bị đại học hạng I - Mã số: V.07.07.17.
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên dự bị đại học
1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan có thẩm quyền về giáo dục dự bị đại học.
2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.
3. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.
Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
GIÁO VIÊN DỰ BỊ ĐẠI HỌC
Điều 4. Giáo viên dự bị đại học hạng III - Mã số: V.07.07.19
1. Nhiệm vụ
a) Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ bộ môn; tham gia xây dựng tài liệu, học liệu để triển khai chương trình giáo dục dự bị đại học;
b) Dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh theo kế hoạch giáo dục được duyệt;
c) Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất, hình thành năng lực tự học của học sinh;
d) Thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo quy định; tham gia quản lý học sinh nội trú; tham gia công tác tuyển sinh của nhà trường;
đ) Tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; vận dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế dạy học, giáo dục học sinh;
e) Tham gia tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh; tham gia tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc, các hội thi trong nhà trường; tham gia tổ chức các cuộc thi hoặc hội thi của học sinh hoặc giáo viên;
g) Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng theo quy định; tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông; hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm được chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan có thẩm quyền về giáo dục dự bị đại học và triển khai thực hiện vào nhiệm vụ được giao;
b) Có khả năng xây dựng và thực hiện được kế hoạch giáo dục; xây dựng tài liệu, học liệu triển khai chương trình giáo dục dự bị đại học; tham gia nghiên cứu khoa học;
c) Áp dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục, hình thành năng lực tự học của học sinh; sử dụng được các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh;
d) Có khả năng tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh; lồng ghép các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp vào trong hoạt động dạy học và giáo dục;
đ) Xây dựng được mối quan hệ hợp tác với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
e) Xây dựng và thực hiện được kế hoạch học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
g) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
Điều 5. Giáo viên dự bị đại học hạng II - Mã số: V.07.07.18
1. Nhiệm vụ
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên dự bị đại học hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng II còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, thẩm định tài liệu, học liệu của nhà trường để triển khai chương trình giáo dục dự bị đại học;
b) Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dự bị đại học trong trường dự bị đại học;
c) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề ở tổ bộ môn;
d) Chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường; tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp nghiên cứu khoa học cấp trường;
đ) Hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh dự bị đại học; chủ động đề xuất các hoạt động giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc trong nhà trường; tham gia đánh giá, hướng dẫn học sinh hoặc giáo viên trong các cuộc thi hoặc hội thi trong trường dự bị đại học.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông; hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan có thẩm quyền về giáo dục dự bị đại học và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao;
b) Có khả năng đề xuất phương án điều chỉnh linh hoạt kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; có khả năng thiết kế, xây dựng bài học phù hợp với các chủ đề trong chương trình giáo dục dự bị đại học;
c) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học; các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh;
d) Vận dụng các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;
đ) Chủ động, tích cực tạo dựng mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tin tưởng với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
e) Chủ động nghiên cứu và có khả năng cập nhật kịp thời các yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng vận dụng sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả các hình thức nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
g) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
h) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc được nhận bằng khen cấp bộ, ban, ngành trở lên do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục dự bị đại học;
i) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều 6. Giáo viên dự bị đại học hạng I - Mã số: V.07.07.17
1. Nhiệm vụ
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên dự bị đại học hạng II, giáo viên dự bị đại học hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Chủ trì biên soạn hoặc thẩm định kế hoạch giáo dục hoặc tài liệu, học liệu của nhà trường để triển khai chương trình giáo dục dự bị đại học;
b) Chủ trì công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên trong trường dự bị đại học;
c) Chủ trì xây dựng các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề của nhà trường; làm báo cáo viên các lớp hoặc khóa bồi dưỡng giáo viên dự bị đại học;
d) Chủ trì đánh giá, thẩm định đề tài nghiên cứu khoa học;
đ) Chủ trì tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc trong nhà trường;
e) Tham gia đánh giá kết quả bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của giáo viên dự bị đại học.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng thạc sĩ trở lên các ngành lý luận và phương pháp dạy học, lý luận và phương pháp dạy học bộ môn đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc ngành quản lý giáo dục;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan có thẩm quyền về giáo dục dự bị đại học vào các nhiệm vụ được giao;
b) Có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục dự bị đại học; vận dụng sáng tạo hoặc phổ biến, hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục;
c) Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp cập nhật và vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học; các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh;
d) Vận dụng linh hoạt các kiến thức để tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh có kết quả; có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp triển khai có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;
đ) Có khả năng đề xuất với nhà trường các biện pháp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh dự bị đại học;
e) Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
g) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
h) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành trở lên hoặc có 02 (hai) lần trở lên được nhận bằng khen cấp bộ, ban, ngành do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục dự bị đại học trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II;
i) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Chương III
HƯỚNG DẪN BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG
THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 7. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học
1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư này.
2. Khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
3. Không căn cứ vào trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên dự bị đại học mới được tuyển dụng.
Điều 8. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BNV" \t "_blank">06/2017/TT-BNV ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học (sau đây viết tắt là Thông tư số 06/2017/TT-BNV" \t "_blank">06/2017/TT-BNV), Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học (sau đây viết tắt là Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT) và Thông tư số 07/2018/TT-BNV ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học (sau đây viết tắt là Thông tư số 07/2018/TT-BNV) nay được xếp hạng chức danh nghề nghiệp tương đương theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
2. Các quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học theo Thông tư số 06/2017/TT-BNV" \t "_blank">06/2017/TT-BNV, Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 07/2018/TT-BNV tiếp tục được sử dụng và không cần phải ban hành quyết định thay thế.
Điều 9. Cách xếp lương
1. Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
b) Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
c) Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
2. Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp
1. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ hạng III, hạng II, hạng I theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BNV" \t "_blank">06/2017/TT-BNV, Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 07/2018/TT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng III, hạng II, hạng I quy định tại Thông tư này. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ ngạch giảng viên chính (mã số 15.110) tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ ngạch giảng viên (mã số 15.111) hoặc giáo viên trung học (mã số 15.113) tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III. Khi chuyển chức danh nghề nghiệp tương ứng thì thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp cũ được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp được chuyển.
2. Trường hợp giáo viên dự bị đại học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học các hạng III, hạng II, hạng I theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.
Điều 11. Điều khoản áp dụng
1. Trường hợp giáo viên dự bị đại học đã có bằng trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm hoặc có chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, lý luận dạy học do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp theo quy định trước ngày 22 tháng 5 năm 2021 thì được xác định là có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) nếu đã có bằng thạc sĩ trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên dự bị đại học hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 5 Thông tư này.
3. Nhiệm vụ của giáo viên dự bị đại học được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên dự bị đại học thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công. Hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng thực hiện.
4. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4, điểm b khoản 2 Điều 5 và điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này được xác định là chứng chỉ được cấp theo Chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định số 2003/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 7 năm 2023.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên dự bị đại học trong các trường dự bị đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Hiệu trưởng các trường dự bị đại học trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm:
a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;
b) Tổ chức bồi dưỡng hoặc cử giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.
Điều 13. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2024.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2017 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
4. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các trường dự bị đại học chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.