QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình
_______________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024; Luật Đất đai sửa đổi ngày 29 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Quyết định số 30/2024/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quyết định ban hành Quy trình sản xuất một số cây trồng, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 180/TTr-SNNPTNT ngày 20 tháng 9 năm 2024; Báo cáo số 384/BC-SNNPTNT ngày 30 tháng 9 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về bồi thường cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Báo Thái Bình;
- Cổng Thông tin điện tử của tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NNTNMT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Lại Văn Hoàn
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
Đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình
(Kèm theo Quyết định số: 32/2024/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)
______________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về đơn giá để áp dụng bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, cây trồng, vật nuôi; đơn vị, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
2. Chủ sở hữu cây trồng, vật nuôi trên đất Nhà nước thu hồi; người sử dụng đất quy định tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2024 khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương II
NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Chỉ bồi thường cây trồng, vật nuôi được tạo lập hợp pháp trước thời điểm thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Việc bồi thường trên nguyên tắc thống kê thực tế số lượng cây, khóm cây, diện tích cây trồng, diện tích có nuôi trồng thủy sản, thời điểm thu hoạch tại thời điểm thống kê, kiểm đếm lập phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư.
3. Chủ sở hữu cây trồng, vật nuôi được bồi thường theo quy định này được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao đất cho Nhà nước.
Điều 4. Nguyên tắc xác định bồi thường
1. Đối với cây hằng năm xác định đơn giá bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024.
2. Đối với cây lâu năm xác định đơn giá bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024.
3. Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại; căn cứ vào thực tế mà tổ chức làm công tác bồi thường xác định nhưng mức tối đa không quá 30% giá trị bồi thường tương ứng tại quy định này.
Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
4. Giống cây lâu năm sản xuất được bồi thường theo quy định này khi tổ chức, cá nhân có vườn ươm giống tuân thủ đúng quy định Điều 22 Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 và Điều 8 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
5. Đối với vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thống kê, kiểm đếm, lập phương án bồi thường mà chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm.
Trường hợp mật độ nuôi thuỷ sản tại thời điểm thống kê, kiểm đếm lập phương án bồi thường thấp hơn so với mật độ thuỷ sản tại quy định này thì mức bồi thường tính như sau: Mức bồi thường = (mật độ thực tế/mật độ theo quy định này) x đơn giá.
Điều 5. Quy định bổ sung một số trường hợp khác có thể xảy ra trong công tác bồi thường cây trồng, vật nuôi là thủy sản
1. Đối với các loại cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản chưa có trong quy định này thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng vận dụng đơn giá bồi thường của các loại cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản tương đương để tính bồi thường.
Trường hợp không có loại cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản tương đương thì khảo sát thực tế để xây dựng phương án bồi thường. Ủy ban nhân dân cấp huyện thỏa thuận với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trước khi phê duyệt.
2. Nhiều loại cây hằng năm trồng xen với nhau thì chọn cây trồng có số lượng nhiều nhất để bồi thường, các cây trồng còn lại được tính không quá 30% so với mức bồi thường cây cùng loại. Cây lâu năm có số lượng cây trồng cao hơn mật độ quy định thì chủ sở hữu cây trồng được hỗ trợ vượt tối đa 20% mật độ quy định, mức bồi thường tính không quá 30% mức bồi thường cây cùng loại. Cây hằng năm trồng xen, tận dụng quỹ đất trong vườn cây lâu năm, không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lâu năm thì được bồi thường theo quy định này.
Điều 6. Các trường hợp cây trồng, vật nuôi không được bồi thường
1. Cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản, vật nuôi khác được nuôi, trồng sau thời điểm thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (kể cả cây trồng đúng mật độ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật).
2. Cây trồng ngắn ngày, cây chuối, vật nuôi là thuỷ sản, vật nuôi khác đã đến thời kỳ thu hoạch tại thời điểm thống kê, kiểm đếm lập phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư.
Điều 7. Đo đường kính thân, chiều cao cây
1. Dụng cụ đo: Dùng thước cặp, thước kẹp, thước dây có đánh số.
2. Đơn vị tính: Centimet (cm).
3. Phương pháp đo:
a) Đường kính thân được đo tại vị trí thân ổn định trên mặt đất ít nhất 20 cm. Đối với cây mà một gốc có nhiều nhánh thì lấy nhánh có đường kính thân lớn nhất để tính cho cây đó (ký hiệu: Ø).
Đặt thước vuông góc với trục dọc thân cây, ba cạnh thước áp sát vào thân cây. Đọc kết quả xong mới được rút thước ra, mỗi cây được đo hai chiều vuông góc (thông thường đo theo chiều Đông - Tây và Nam - Bắc) rồi lấy giá trị trung bình.
b) Chiều cao được tính từ mặt đất ở vị trí gốc cây đến đỉnh sinh trưởng của thân chính (ký hiệu: Hvn).
Điều 8. Đơn giá bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản khi Nhà nước thu hồi đất
1. Đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất: Chi tiết theo (Phụ lục 01) ban hành kèm theo Quy định này.
2. Đơn giá bồi thường thiệt hại về vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất: Chi tiết theo (Phụ lục 02) ban hành kèm theo Quy định này.
Điều 9. Bồi thường vật nuôi khác mà không thể di chuyển được
Trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại đối với vật nuôi khác mà không thể di chuyển được Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án bồi thường cho từng trường hợp cụ thể thoả thuận với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với những trường hợp đã có quyết định thu hồi đất theo quy định pháp luật về đất đai trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện bồi thường theo Quy định này.
2. Đối với những trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và đã phê duyệt phương án bồi thường hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường theo phương án đã được phê duyệt hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường theo chính sách bồi thường do cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo chính sách, phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo Quy định này.
Điều 11. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan; chính quyền địa phương báo cáo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh đơn giá bồi thường cho các loại cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản có biến động tăng, giảm từ 20% trở lên so với đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản cùng loại, cùng thời gian sinh trưởng, cùng kích thước tại quy định này.
2. Cục Thống kê tỉnh: Công bố năng suất bình quân các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ xác định, thẩm định giá trị bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất; chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự phù hợp chính sách của phương án bồi thường cây trồng, vật nuôi trên địa bàn;
- Tổ chức thực hiện công tác bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn quản lý theo quy định này.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bồi thường về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Các Giám đốc sở; Thủ trưởng ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bồi thường cây trồng, vật nuôi theo quy định này và các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp./.