• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/12/2024
CHÍNH PHỦ
Số: 147/2024/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 9 tháng 11 năm 2024

CHÍNH PHỦ

_________
 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________________________________

Số:        /2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày     tháng 11 năm 2024

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet

và thông tin trên mạng

___________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật An ninh quốc gia ngày 14 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 11 tháng 01 năm 2022;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 24 tháng 11 năm 2023;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

Chính phủ ban hành Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ Internet là một loại hình dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet:

a) Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông khả năng truy nhập đến Internet;

b) Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông khả năng kết nối với nhau để chuyển tải lưu lượng Internet.

2. Trạm trung chuyển Internet là hệ thống thiết bị viễn thông gồm:

a) Trạm trung chuyển Internet do doanh nghiệp thiết lập để cung cấp dịch vụ kết nối Internet;

b) Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) do Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) thiết lập để thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Đại lý Internet là tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

5. Điểm truy nhập Internet công cộng bao gồm:

a) Địa điểm mà đại lý Internet được quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp dịch vụ;

b) Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp là địa điểm mà đơn vị thành viên hoặc cá nhân đại diện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trực tiếp quản lý để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;

c) Điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và điểm công cộng khác là địa điểm mà tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.

6. Người sử dụng Internet là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet hoặc điểm truy nhập Internet công cộng để sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trên Internet.

7. Tài nguyên Internet là tập hợp tên miền, địa chỉ Internet (còn gọi là địa chỉ IP), số hiệu mạng (còn gọi là ASN) và tên, số khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam, bao gồm:

a) Tài nguyên Internet Việt Nam là: Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; Địa chỉ Internet; Số hiệu mạng và tên, số quốc gia Việt Nam khác do Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) phân bổ, cấp;

b) Tài nguyên Internet quốc tế là: Tên miền quốc tế; Địa chỉ Internet; Số hiệu mạng và tên, số quốc tế khác do các tổ chức quốc tế phân bổ, cấp cho tổ chức, cá nhân sử dụng, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

8. Tên miền quốc tế là tên miền dùng chung cấp cao nhất (viết tắt là gTLD), tên miền quốc gia (viết tắt là ccTLD) không phải tên miền quốc gia Việt Nam, tên miền cấp dưới của các tên miền nêu trên.

9. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là tên miền quốc gia cấp cao nhất của Việt Nam (".vn") và các tên miền cấp dưới tên miền quốc gia cấp cao nhất ".vn" do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, cấp quyền sử dụng.

10. Tên miền dùng chung cấp cao nhất mới (viết tắt là New gTLD) là gTLD được Tổ chức quản lý tên miền và số quốc tế (ICANN) phân bổ, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân theo Chương trình mở rộng đuôi tên miền dùng chung cấp cao nhất của ICANN (còn gọi là New gTLD program).

11. Dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền là dịch vụ mà Tổ chức quản lý tên miền cấp cao nhất - Registry và các Nhà đăng ký cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khả năng đăng ký, duy trì, quản lý, thay đổi thông tin đăng ký tên miền thông qua các hoạt động: Thu thập, lưu trữ, quản lý, đảm bảo an toàn dữ liệu tên miền, thông tin chủ thể tên miền; đảm bảo an toàn hoạt động của tên miền; quản lý, vận hành các hệ thống kỹ thuật phục vụ cho hoạt động đăng ký, duy trì tên miền; quản lý, giám sát, thúc đẩy việc đăng ký, sử dụng tên miền. Dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền bao gồm: Dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và Dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế.

a) Dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là dịch vụ do Trung tâm Internet Việt Nam và Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cung cấp. Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện các hoạt động của Tổ chức quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (.vn Registry); quản lý dữ liệu và đảm bảo hoạt động của toàn bộ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống kỹ thuật của .vn Registry phục vụ cho hoạt động đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thực hiện các hoạt động tiếp nhận và xử lý yêu cầu từ chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; quản lý dữ liệu và đảm bảo hoạt động của các tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” của khách hàng của Nhà đăng ký;

b) Dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế là dịch vụ do các Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới (New gTLD Registry), các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam.

12. Bảo vệ quyền lợi quốc gia liên quan tới New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD là việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phản đối, ngăn chặn việc đăng ký, sử dụng các tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD có thể xâm phạm lợi ích quốc gia.

13. Tạm ngừng hoạt động tên miền là việc áp dụng biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngừng hoạt động của tên miền hoặc ngăn chặn truy cập tới nguồn thông tin vi phạm trong một khoảng thời gian, phục vụ công tác xử lý vi phạm và công tác quản lý về tài nguyên Internet.

14. Thu hồi tên miền là việc áp dụng biện pháp kỹ thuật cần thiết để xóa bỏ quyền sử dụng tên miền của chủ thể, phục vụ công tác xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và công tác quản lý về tài nguyên Internet.

15. Giữ nguyên hiện trạng đăng ký, sử dụng tên miền là việc áp dụng biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc thay đổi chủ thể đăng ký sử dụng hoặc thay đổi Nhà đăng ký quản lý tên miền phục vụ công tác xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp tên miền.

16. Thông tin trên mạng là thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua Internet và mạng nội bộ.

17. Thông tin tổng hợp trên các trang thông tin điện tử tổng hợp là thông tin đã được đăng, phát trên báo chí Việt Nam và thông tin đã được đăng phát trên các trang thông tin điện tử của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ.

18. Tin giả là những thông tin sai lệch một phần hoặc toàn bộ so với sự thật, do một hoặc nhiều chủ thể tạo ra nhằm phục vụ mục đích, ý đồ riêng.

19. Trang thông tin điện tử (website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin, ứng dụng (application) trên Internet được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp, sử dụng nội dung, dịch vụ khác nhau trên Internet.

20. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp.

21. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, hoạt động, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó.

22. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập được thể hiện dưới hình thức trang thông tin điện tử để cung cấp, trao đổi thông tin của cá nhân đó hoặc các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

23. Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành là trang thông tin điện tử cung cấp các dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; xây dựng; lao động, thương binh và xã hội; tư pháp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

24. Diễn đàn nội bộ trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng cho hoạt động trao đổi, hỏi đáp thông tin nội bộ liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó.

25. Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin được thiết lập trên nền tảng trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng, cung cấp các dịch vụ, công cụ cho phép người sử dụng dịch vụ cung cấp, trao đổi, tương tác, chia sẻ thông tin với nhau.

26. Tài khoản mạng xã hội (user account) là tài khoản được cá nhân, tổ chức thiết lập trên một mạng xã hội để truy cập và sử dụng các dịch vụ, tính năng của mạng xã hội đó.

27. Trang cộng đồng (fanpage) là trang thông tin điện tử được thiết lập trên một mạng xã hội do tài khoản mạng xã hội tạo ra để cung cấp, truyền đưa, thu thập, trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối cộng đồng người sử dụng mạng xã hội đó.

28. Kênh nội dung (channel) là trang thông tin điện tử được thiết lập trên một mạng xã hội do tài khoản mạng xã hội tạo ra để cung cấp, truyền đưa, thu thập, trao đổi, chia sẻ thông tin (thường dưới hình thức video), kết nối cộng đồng người sử dụng mạng xã hội đó.

29. Nhóm cộng đồng (group) là một tập hợp nhiều tài khoản mạng xã hội được thiết lập trên cùng một mạng xã hội do một hoặc nhiều tài khoản mạng xã hội là chủ thể tạo ra và quản trị theo phạm vi, mục đích hoạt động được xác định cụ thể nhằm cung cấp, truyền đưa, thu thập, trao đổi, chia sẻ thông tin trong nhóm.

30. Phát trực tuyến (livestream) là tính năng cho phép các tài khoản trên các mạng xã hội hoặc trên các nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử truyền tải trực tuyến các nội dung, các dữ liệu dưới dạng âm thanh, hình ảnh theo thời gian thực.

31. Ứng dụng trên mạng (application) là chương trình phần mềm được thiết kế để giúp người sử dụng dùng một hoặc một số tính năng, dịch vụ trên mạng.

32. Kho ứng dụng trên mạng là một nền tảng số dùng để đăng tải, phân phối, cài đặt, cập nhật các ứng dụng trên mạng.

33. Cung cấp thông tin xuyên biên giới là việc tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp thông tin và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam truy cập hoặc sử dụng dịch vụ.

34. Dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là việc cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng để chơi các trò chơi điện tử.

35. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử.

36. Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng là địa điểm mà tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng bao gồm: Điểm truy nhập Internet công cộng có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thông qua mạng máy tính mà không truy nhập Internet.

37. Người chơi trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là người chơi) là cá nhân giao kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng hoặc đến điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng để chơi trò chơi điện tử trên mạng.

38. Đơn vị ảo trong trò chơi điện tử trên mạng là một loại đơn vị do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khởi tạo, quy ước và phát hành để người chơi sử dụng, trao đổi, mua bán vật phẩm ảo, điểm thưởng, các kỹ năng, các tính năng trong các trò chơi điện tử trên mạng của doanh nghiệp đó.

39. Vật phẩm ảo trong trò chơi điện tử trên mạng là hình ảnh đồ họa của những vật thể phi vật lý trong trò chơi như đồ vật, nhân vật, công cụ, trang bị... theo quy tắc nhất định do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng thiết lập, khởi tạo.

40. Điểm thưởng trong trò chơi điện tử trên mạng là các phần thưởng theo hình thức tính điểm mà người chơi nhận được trong quá trình tham gia trò chơi do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng quy ước và thiết lập. Điểm thưởng không bao gồm tiền thưởng, tiền khuyến mãi hoặc hình thức khác được quy đổi và có giá trị bên ngoài trò chơi.

41. Dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong trò chơi điện tử trên mạng là toàn bộ những hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng thu tiền từ người chơi, bao gồm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán và các dịch vụ thanh toán khác theo quy định của pháp luật.

42. Thẻ nạp tiền trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là thẻ game) là thẻ nội bộ do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phát hành, chỉ dùng để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng hợp pháp của doanh nghiệp đó hoặc của các doanh nghiệp khác trong cùng một tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con của doanh nghiệp đó.

43. Dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là dịch vụ do tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin thông qua hạ tầng mạng viễn thông di động đến thuê bao viễn thông di động (không bao gồm: Dịch vụ tra cứu thông tin sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp; chăm sóc khách hàng; xác nhận giao dịch).

44. An ninh thông tin mạng là việc bảo đảm thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

45. Dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu là dịch vụ cung cấp không gian lưu trữ do các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết lập cho tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Chính sách phát triển, quản lý Internet và thông tin trên mạng

1. Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet.

3. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hạ tầng Internet băng rộng đến trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, thư viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các điểm truy nhập Internet công cộng và hộ gia đình. Chú trọng việc phổ cập dịch vụ Internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.

5. Khuyến khích và tạo điều kiện sử dụng rộng rãi tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, tên miền tiếng Việt và chuyển đổi sang công nghệ địa chỉ Internet IPv6 (viết tắt là công nghệ IPv6).

6. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Internet trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Chương II

QUẢN LÝ, CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET,

TÀI NGUYÊN INTERNET

 

Mục 1

DỊCH VỤ INTERNET

Điều 5. Điều kiện hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng

1. Đại lý Internet được phép hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh đại lý Internet;

b) Ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet;

c) Trường hợp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này.

2. Chủ điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp không phải đăng ký kinh doanh đại lý Internet và ký hợp đồng đại lý Internet. Trường hợp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này.

3. Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng trong phạm vi các địa điểm này:

a) Không phải đăng ký kinh doanh đại lý Internet và ký hợp đồng đại lý Internet nếu không thu cước;

b) Phải đăng ký kinh doanh đại lý Internet và ký hợp đồng đại lý Internet nếu có thu cước.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định các biện pháp về thời gian hoạt động của các đại lý Internet và điểm truy nhập Internet công cộng không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ điểm truy nhập Internet công cộng

1. Đại lý Internet có trách nhiệm sau đây:

a) Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được quyền sử dụng để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ tại địa điểm đó;

b) Treo biển “Đại lý Internet” trên đó bao gồm thông tin về số đăng ký kinh doanh đại lý Internet. Trường hợp Đại lý Internet đồng thời là điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thì treo biển theo quy định tại Điều 63 Nghị định này;

c) Niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ Internet ở nơi dễ nhận biết, bao gồm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 9 Luật Viễn thông, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

d) Cung cấp dịch vụ truy nhập Internet theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng đại lý Internet;

đ) Trường hợp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, đại lý Internet còn có trách nhiệm của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng theo quy định tại Điều 68 Nghị định này;

e) Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 9 Luật Viễn thông;

g) Được yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý Internet với mình hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ truy nhập Internet và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp Internet đó;

h) Được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet do cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tổ chức trên địa bàn;

i) Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin mạng;

k) Đại lý Internet không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại lý Internet có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định tại khoản 8 Điều 68 Nghị định này.

2. Chủ điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Treo biển “Điểm truy nhập Internet công cộng”, trên đó bao gồm thông tin về tên doanh nghiệp và số giấy phép cung cấp dịch vụ Internet của doanh nghiệp; trường hợp điểm truy nhập Internet công cộng đồng thời là điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thì treo biển theo quy định tương ứng tại điểm b khoản 2 Điều 62 Nghị định này;

b) Trách nhiệm quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i khoản 1 Điều này;

c) Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định tại khoản 8 Điều 68 Nghị định này.

3. Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet có thu cước có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ giờ mở, đóng cửa của địa điểm;

b) Trách nhiệm quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1 Điều này.

4. Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet không thu cước có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ giờ mở cửa, đóng cửa theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này;

b) Trách nhiệm quy định tại điểm a, điểm c, điểm e, điểm h, điểm i khoản 1 Điều này.

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng Internet

Người sử dụng Internet có trách nhiệm sau đây:

1. Tuân thủ thời gian hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng.

2. Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin mạng và các quy định khác có liên quan tại Nghị định này.

Điều 8. Kết nối Internet

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet được kết nối trực tiếp đi quốc tế, kết nối trực tiếp với nhau và kết nối với các trạm trung chuyển Internet.

2. Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ, với các mục đích sau đây:

a) Bảo đảm an toàn và hoạt động liên tục của mạng Internet Việt Nam trong trường hợp xảy ra sự cố đối với mạng viễn thông trong nước và quốc tế. Trong trường hợp mất kết nối quốc tế, VNIX chuyển tiếp lưu lượng đảm bảo hoạt động liên tục cho mạng Internet Việt Nam;

b) Thúc đẩy kết nối Internet trong nước, thúc đẩy phát triển nội dung trong nước;

c) Kết nối trao đổi lưu lượng Internet giữa các mạng sử dụng số hiệu mạng và địa chỉ Internet độc lập hợp lệ tại Việt Nam và quốc tế;

d) Tham gia kết nối với trạm trung chuyển Internet của khu vực và quốc tế, kết nối hệ thống máy chủ tên miền gốc -ROOT DNS và các hệ thống mạng quốc tế khác để phát triển hạ tầng, nội dung và trao đổi lưu lượng Internet;

đ) Kết nối các mạng sử dụng địa chỉ Internet IPv6, thúc đẩy chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang công nghệ IPv6.

3. Trong trường hợp xảy ra sự cố đối với mạng Internet trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm phối hợp, kết nối, định tuyến qua VNIX để bảo đảm an toàn và hoạt động liên tục của mạng Internet Việt Nam theo điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Mục 2

TÀI NGUYÊN INTERNET

Điều 9. Đăng ký, sử dụng, thay đổi thông tin đăng ký, tạm ngừng, thu hồi, hoàn trả tên miền

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền quốc tế mà tổ chức quốc tế phân bổ, cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam.

2. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều có quyền đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền quốc tế.

3. Việc đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký, hoàn trả tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thực hiện thông qua Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoàn tất việc nộp lệ phí đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định trước khi tên miền được cấp quyền sử dụng hoặc được tiếp tục duy trì quyền sử dụng và trả tiền dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền được cung cấp bởi các Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo thỏa thuận giữa hai bên.

4. Việc đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Bình đẳng, không phân biệt đối xử;

b) Đăng ký trước được xét cấp trước, trừ các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của pháp luật, tên miền được bảo vệ, tên miền dùng chung theo quy định;

c) Tuân thủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền theo quy định của Luật Viễn thông và các văn bản pháp luật có liên quan.

5. Tên miền do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký phải bảo đảm:

a) Không có cụm từ xâm phạm đến lợi ích quốc gia;

b) Phải phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc;

c) Phải thể hiện tính nghiêm túc để tránh sự hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt;

d) Không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không có các cụm từ dễ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc sản phẩm báo chí nếu chủ thể đăng ký sử dụng không phải là cơ quan báo chí;

đ) Không có các cụm từ dễ gây nhầm lẫn là trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nếu chủ thể đăng ký sử dụng không phải đối tượng đăng ký tên miền để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội theo quy định của pháp luật.

6. Tên miền là tên gọi các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chỉ dành cho các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác không được đăng ký, sử dụng các tên miền này.

7. Thông tin phải cung cấp khi đăng ký sử dụng tên miền:

a) Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: Tên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; mã định danh điện tử của tổ chức; mã số doanh nghiệp; mã số thuế; địa chỉ đầy đủ của trụ sở chính; số điện thoại; địa chỉ thư điện tử; thông tin người quản lý tên miền; thông tin người quản lý kỹ thuật của tên miền; thông tin tổ chức hoặc cá nhân nộp phí, lệ phí đăng ký sử dụng tên miền; mục đích sử dụng tên miền trong trường hợp đăng ký tên miền để thiết lập trang thông điện tử tổng hợp, mạng xã hội, báo điện tử và cập nhật thông tin mục đích sử dụng tên miền khi có thay đổi;

b) Đối với cá nhân, hộ kinh doanh: Họ và tên cá nhân; tên hộ kinh doanh, họ và tên chủ hộ kinh doanh hoặc đại diện hộ kinh doanh; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu và nơi cấp, ngày cấp; mã số đăng ký hộ kinh doanh; mã số thuế hộ kinh doanh; địa chỉ thường trú đầy đủ tới số nhà; địa chỉ tạm trú đầy đủ tới số nhà; số điện thoại; địa chỉ thư điện tử.

8. Chủ thể nộp hồ sơ đăng ký sử dụng tên miền được xác thực thông qua chữ ký số trong hồ sơ đăng ký tên miền, qua hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc giải pháp công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu nhằm đảm bảo sự đầy đủ, khớp đúng giữa thông tin nhận biết chủ thể và thông tin, dữ liệu trên hồ sơ đăng ký sử dụng.

9. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 23 tuổi được ưu tiên, hỗ trợ trong đăng ký sử dụng tên miền cấp 3 dưới “.id.vn” bao gồm: miễn, giảm lệ phí đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; miễn, giảm phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong thời hạn cụ thể theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Doanh nghiệp và Hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật được ưu tiên, hỗ trợ trong đăng ký sử dụng tên miền cấp 3 dưới “.biz.vn” bao gồm: miễn, giảm về lệ phí đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; miễn, giảm phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong thời hạn cụ thể theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

10. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được sử dụng tên miền dưới tên miền đã đăng ký cho các đơn vị thành viên, cá nhân đang làm việc trong cơ quan, tổ chức trực thuộc và phải có trách nhiệm quản lý các tên miền cấp dưới tên miền đó. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được cấp tên miền dưới tên miền của mình cho các chủ thể khác.

11. Báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của các tổ chức của Đảng, cơ quan của Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ Internet ở Việt Nam.

12. Trường hợp các chủ thể đăng ký chuyển giao New gTLD với ICANN:

a) Trước khi thực hiện đăng ký chuyển giao New gTLD với ICANN, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gửi Bản khai các thông tin theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này tới Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được văn bản đề nghị của chủ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời chủ thể và trường hợp từ chối thì phải nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm ICANN chính thức chuyển giao New gTLD, chủ thể phải có văn bản thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông;

d) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp các tên miền cấp dưới New gTLD mà mình đã đăng ký cho các đơn vị, cá nhân trực thuộc; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được cấp tên miền cấp dưới New gTLD mà mình đã đăng ký cho các chủ thể khác;

đ) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu cấp tên miền cấp dưới New gTLD đã đăng ký cho các chủ thể khác ngoài các đơn vị, cá nhân trực thuộc thì phải đáp ứng các điều kiện và thủ tục cấp giấy phép hoạt động tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam quy định tại Điều 15 Nghị định này.

13. Tên miền bị xử lý tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng tên miền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

b) Theo yêu cầu bằng văn bản thực thi quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về thông tin và truyền thông hoặc thanh tra chuyên ngành khác;

c) Các trường hợp thông tin đăng ký sử dụng tên miền không chính xác, không xác định được chủ thể đăng ký sử dụng tên miền; hồ sơ đăng ký sử dụng tên miền không đầy đủ, không chính xác; tên miền đăng ký không đúng quy định quản lý về cấu trúc, đối tượng đăng ký sử dụng;

d) Chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không thực hiện việc nộp đủ phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

14. Tên miền ở trạng thái tạm ngừng hoạt động không được: Thay đổi thông tin chủ thể; Chuyển đổi máy chủ tên miền (DNS); chuyển đổi nhà đăng ký; chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền.

15. Tên miền đã tạm ngừng hoạt động được gỡ bỏ trạng thái tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 13 Điều này: Khi hết thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu tạm ngừng hoạt động tên miền hoặc khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động tên miền;

b) Đối với các trường hợp quy định tại điểm b khoản 13 Điều này: Khi hết thời hạn tạm ngừng nêu trong văn bản thực thi quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính hoặc khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan đã ban hành quyết định tạm ngừng hoạt động tên miền;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 13 Điều này: Nếu chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền thực hiện việc cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin, hồ sơ đăng ký sử dụng tên miền trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm tên miền bị tạm ngừng hoạt động;

d) Đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 13 Điều này: Nếu chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền thực hiện nộp đủ phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí.

16. Tên miền bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện yêu cầu thu hồi tên miền tại quyết định, bản án, phán quyết giải quyết tranh chấp tên miền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tại Văn bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải;

b) Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các trường hợp thu hồi tên miền phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc không còn phù hợp quy hoạch tài nguyên Internet quy định tại Luật Viễn thông;

c) Thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về thông tin và truyền thông hoặc thanh tra chuyên ngành khác có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi tên miền hoặc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

d) Thực hiện yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 13 Điều này để ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng tên miền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

đ) Áp dụng với Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không nộp đủ phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí;

e) Các trường hợp thông tin đăng ký sử dụng tên miền không chính xác, không xác định được chủ thể đăng ký sử dụng tên miền mà chủ thể không cập nhật, bổ sung hoặc hoàn thiện thông tin; tên miền đăng ký không đúng quy định quản lý về cấu trúc, đối tượng đăng ký sử dụng; chủ thể tên miền là tổ chức, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, không còn tồn tại mà không có sự chuyển quyền sử dụng hợp lệ sang chủ thể khác theo quy định của pháp luật; cá nhân đã qua đời mà không có sự chuyển quyền sử dụng hợp lệ sang chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

17. Tên miền được giữ nguyên hiện trạng khi có yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD

1. New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD liên quan đến quyền lợi quốc gia Việt Nam bao gồm:

a) Tên miền là tên quốc gia, mã quốc gia Việt Nam;

b) Tên miền có các cụm từ là tên gọi, tên viết tắt của Việt Nam qua các thời kỳ, thể hiện hình ảnh quốc gia của Việt Nam;

c) Tên miền là tên địa danh, tên các địa bàn thuộc khu vực biên giới biển, khu vực biên giới đất liền, khu vực biên giới trên không của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Tên miền là tên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

đ) Tên miền là tên các địa danh của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới;

e) Tên miền là tên di tích quốc gia và tên di tích quốc gia đặc biệt, tên bảo vật quốc gia, tên di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tên các biểu tượng văn hóa quốc gia, tên khu du lịch quốc gia Việt Nam;

g) Tên miền là tên gọi các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội;

h) Tên miền có các cụm từ cần phải bảo vệ theo các quy định về an ninh quốc phòng, ngoại giao của Việt Nam;

i) Tên miền là tên các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ của Việt Nam;

k) Các tên miền khác theo quy định của Chính phủ.

2. Trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia liên quan tới New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan: Thực hiện thẩm định các yêu cầu đăng ký, sử dụng New gTLD; thực hiện biện pháp phản đối tới ICANN hoặc các tổ chức quản lý tên miền quốc tế trong trường hợp các tổ chức này cho đăng ký, sử dụng các tên miền có thể xâm phạm lợi ích quốc gia theo các tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Các bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, đơn vị liên quan: Lập danh mục, theo dõi việc đăng ký, sử dụng các tên miền thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị theo các tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều này; đề xuất kinh phí để thực hiện việc đăng ký sử dụng tên miền cần bảo vệ trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước để thực hiện bảo vệ quyền lợi quốc gia; tham gia thẩm định yêu cầu đăng ký, sử dụng New gTLD theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 11. Hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

1. Hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là hệ thống thông tin nhằm bảo đảm hoạt động cho tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trên Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) thiết lập, quản lý và vận hành hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.

2. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm phối hợp, kết nối, định tuyến để bảo đảm hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” hoạt động an toàn, ổn định.

Điều 12. Cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền

1. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hướng dẫn, được cung cấp thông tin về việc đăng ký, sử dụng tên miền và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền.

3. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận, xác thực thông tin chủ thể đăng ký sử dụng tên miền, quản lý, lưu trữ đầy đủ, chính xác và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu, thông tin do chủ thể cung cấp khi đăng ký tên miền quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định này, sao lưu hồ sơ dữ liệu tên miền theo quy định pháp luật;

b) Xây dựng và công bố công khai các biểu mẫu, quy trình, thủ tục đăng ký tên miền;

c) Từ chối cung cấp dịch vụ khi chủ thể đăng ký sử dụng tên miền không đáp ứng quy định về đăng ký, sử dụng tên miền;

d) Báo cáo, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý vi phạm theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thực hiện việc tạm ngừng hoạt động hoặc phối hợp thu hồi tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) trong các trường hợp quy định tại khoản 13, khoản 16 Điều 9 Nghị định này; các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế có trách nhiệm tạm ngừng hoạt động hoặc thu hồi tên miền quốc tế theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật trong các trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c khoản 13, điểm c, điểm d, điểm e khoản 16 Điều 9 Nghị định này.

4. Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” ngoài tuân thủ quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thì có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Thiết lập hệ thống máy chủ tên miền, hệ thống kỹ thuật cung cấp dịch vụ và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các tên miền và dữ liệu tên miền của tổ chức, cá nhân. Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” ở trong nước phải sử dụng máy chủ tên miền dùng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và đặt tối thiểu 02 cụm máy chủ tên miền tại Việt Nam để quản lý dữ liệu và trả lời truy vấn tên miền khi cung cấp dịch vụ; sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cho các trang thông tin điện tử, công cụ cung cấp dịch vụ trực tuyến đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”;

b) Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thu tiền dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo thỏa thuận dịch vụ với chủ thể đăng ký sử dụng tên miền cho các hoạt động do Nhà đăng ký thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 3 Nghị định này;

c) Khi cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải đảm bảo: Không xâm phạm và gây tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể cũng như của các Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” khác; không được lợi dụng ưu thế của Nhà đăng ký tên miền để chiếm đoạt, cản trở hoặc tìm cách cản trở các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền hợp pháp. Trong trường hợp phát triển kênh phân phối, phải có hợp đồng với tổ chức, doanh nghiệp tham gia kênh phân phối và đảm bảo tổ chức, doanh nghiệp tham gia kênh phân phối không được thực hiện vai trò của Nhà đăng ký trong quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”;

d) Khi chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” ký với Trung tâm Internet Việt Nam, Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải chuyển giao đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, thông tin tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” do mình quản lý về Trung tâm Internet Việt Nam hoặc Nhà đăng ký do Trung tâm Internet Việt Nam chỉ định sẽ tiếp nhận, quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” của Nhà đăng ký chấm dứt hợp đồng.

5. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam và Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam ngoài tuân thủ quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thì có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khi cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam và Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam phải báo cáo về việc cung cấp dịch vụ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Hình thức báo cáo trực tuyến tại địa chỉ thongbaotenmien.vn;

b) Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký tên miền quốc tế thông báo việc sử dụng tên miền quốc tế theo quy định của pháp luật;

c) Trước ngày 15 của tháng đầu tiên hàng quý, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam; tổ chức quản lý tên miền cấp cao dùng chung mới tại Việt Nam báo cáo danh sách, thông tin cập nhật các tên miền quốc tế mà mình đang quản lý về Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) trên trực tuyến tại địa chỉ thongbaotenmien.vn. Thông tin báo cáo về tên miền, ngày đăng ký; thông tin chủ thể đăng ký sử dụng tên miền theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định này; thông tin biến động về tên miền quản lý (tên miền chuyển đi, tên miền chuyển đến) trong kỳ báo cáo;

d) Thiết lập tối thiểu 02 cụm máy chủ tên miền tại Việt Nam để quản lý dữ liệu và trả lời truy vấn tên miền khi cung cấp dịch vụ.

6. Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới ngoài tuân thủ quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thì có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Khi cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế xuyên biên giới cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới phải báo cáo về việc cung cấp dịch vụ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Hình thức báo cáo trực tuyến tại địa chỉ thongbaotenmien.vn;

b) Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới báo cáo cập nhật danh sách tên miền quốc tế do tổ chức, doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam năm trước đó. Việc báo cáo thực hiện thông qua môi trường mạng tại địa chỉ thongbaotenmien.vn;

c) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, không hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc truy cập vào các trang thông tin điện tử, ứng dụng kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng.

7. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập vào các trang thông tin điện tử, các ứng dụng kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam.

Điều 13. Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

1. Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, bao gồm:

a) Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam: Được cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cho chủ thể tại Việt Nam và ở nước ngoài;

b) Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài: Được cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cho chủ thể ở nước ngoài.

2. Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được cung cấp dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài ký hợp đồng với ICANN hoặc với Nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của ICANN;

b) Có đủ năng lực kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động để triển khai cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền;

c) Ký hợp đồng với Trung tâm Internet Việt Nam để trở thành nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.

3. Hồ sơ đề nghị cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cho tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” bao gồm:

a) Đơn đề nghị cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

c) Bản dịch được công chứng Hợp đồng của Tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài ký với ICANN hoặc nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của ICANN (áp dụng trong trường hợp tổ chức ở nước ngoài ký hợp đồng với nhà đăng ký tên miền chính thức của ICANN);

d) Kế hoạch triển khai về kỹ thuật đảm bảo đủ năng lực và phù hợp với quy mô hoạt động để cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính, hoặc nộp trực tuyến tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam). Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

5. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) có văn bản trả lời tổ chức, doanh nghiệp về kết quả xem xét hồ sơ đề nghị.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) xem xét, thỏa thuận và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” với tổ chức, doanh nghiệp trên cơ sở các tiêu chí sau:

a) Nhu cầu cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”;

b) Phù hợp với quy hoạch tài nguyên Internet;

c) Đáp ứng các Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

7. Hợp đồng cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” ký giữa Trung tâm Internet Việt Nam và Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 14.  Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam

1. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam.

2. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam được cung cấp dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam;

b) Có hợp đồng ký với ICANN hoặc nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của ICANN để cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam;

c) Được Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) xác nhận hoàn thành việc báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam:

a) Hồ sơ báo cáo bao gồm:

Báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

Bản sao Hợp đồng ký với ICANN hoặc hợp đồng ký với nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của ICANN để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam;

b) Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam).

Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Xác nhận hoàn thành báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo hợp lệ của doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) gửi văn bản xác nhận việc hoàn thành báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam, đồng thời đưa doanh nghiệp vào danh sách quản lý tại trang thông tin điện tử: thongbaotenmien.vn. Trường hợp hồ sơ báo cáo không hợp lệ theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ sau khi nhận được văn bản xác nhận việc hoàn thành báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam từ Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam).

Trường hợp doanh nghiệp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động của Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều này hoặc Nhà đăng ký có thông báo bằng văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) có văn bản thông báo hủy bỏ xác nhận hoạt động Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam và bỏ tên doanh nghiệp khỏi danh sách Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam tại trang thông tin điện tử thongbaotenmien.vn.”.

Điều 15. Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới (New gTLD Registry) tại Việt Nam

1. Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam là các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép để cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền cấp dưới New gTLD tại Việt Nam.

2. Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới được cung cấp dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam;

b) Có đủ năng lực kỹ thuật, tổ chức, nhân sự để triển khai hoạt động của tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới và bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin;

c) Được cấp phép hoạt động Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam theo quy định tại Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động Tổ chức quản lý  tên miền  dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam được lập thành 01 bộ, gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

c) Đề án hoạt động có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đề nghị cấp phép. Đề án bao gồm các nội dung chính: Báo cáo thuyết minh về quy mô hoạt động và năng lực kỹ thuật, tổ chức, nhân sự; các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin để triển khai hoạt động của tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam.

4. Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam). Trường hợp nộp trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

5. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ của tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp phép hoạt động Tổ chức quản lý tên miền dùng chung cấp cao nhất mới tại Việt Nam. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 16. Xử lý tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

1. Căn cứ giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo yêu cầu của nguyên đơn, gồm đầy đủ yếu tố quy định dưới đây:

a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại mà bên nguyên đơn có quyền, lợi ích hợp pháp;

b) Bị đơn không có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;

c) Bị đơn sử dụng tên miền với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý mà bên nguyên đơn có quyền, lợi ích hợp pháp nhằm thu lợi bất chính khi có một trong các nội dung sau:

Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là chủ thể quyền của tên, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính hoặc

Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là chủ thể quyền của tên, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh hoặc

Bị đơn sử dụng tên miền với mục đích cố tình thu hút người sử dụng Internet truy cập vào trang web của mình hoặc các địa chỉ trực tuyến khác với việc cố ý khiến người dùng nhầm lẫn với tên, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của nguyên đơn nhằm mục đích thu lợi bất chính, hoặc cạnh tranh không lành mạnh hoặc

Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

2. Bị đơn được coi là có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền tranh chấp khi đáp ứng một trong những điều kiện sau đây:

a) Bị đơn đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền tranh chấp liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ của bị đơn trước khi có tranh chấp;

b) Bị đơn được công chúng biết đến bởi tên miền tranh chấp cho dù không phải chủ thể quyền của tên, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý;

c) Bị đơn đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp, không vì mục đích thương mại hoặc không lợi dụng uy tín, danh tiếng của tên, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của nguyên đơn nhằm thu lợi bất chính;

d) Có bằng chứng khác chứng minh được tính hợp pháp của bị đơn liên quan đến tên miền.

3. Trong quá trình giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) giữ nguyên hiện trạng đăng ký, sử dụng tên miền theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) xử lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có tranh chấp căn cứ văn bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải; quyết định, phán quyết của trọng tài theo quy định của pháp luật về trọng tài; bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án.

Trường hợp văn bản hòa giải, quyết định, phán quyết của trọng tài, bản án, quyết định của tòa án nêu rõ tên miền tranh chấp bị thu hồi cho phép nguyên đơn đăng ký sử dụng thì người được thi hành án (là nguyên đơn trong vụ việc giải quyết tranh chấp) được ưu tiên đăng ký trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày văn bản, quyết định, phán quyết, bản án có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn này tên miền sẽ được cho đăng ký tự do.

Việc thi hành quyết định của tòa án, trọng tài trong giải quyết tranh chấp tên miền được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan.

Điều 17. Đăng ký, sử dụng, phân bổ, cấp, thu hồi địa chỉ Internet và số hiệu mạng

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) thực hiện việc đăng ký địa chỉ Internet và số hiệu mạng với các tổ chức quốc tế; phân bổ, cấp địa chỉ Internet và số hiệu mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam.

2. Nguyên tắc phân bổ, cấp địa chỉ Internet và số hiệu mạng:

a) Đăng ký trước, được xét phân bổ, cấp trước;

b) Việc phân bổ, cấp địa chỉ Internet và số hiệu mạng đồng bộ với chính sách phân bổ, cấp  địa chỉ Internet và số hiệu mạng quy định bởi tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC);

c) Địa chỉ Internet thu hồi hoặc được hoàn trả từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ, cấp theo nguyên tắc đăng ký trước được xét duyệt xử lý hồ sơ trước và căn cứ trên mức độ cần thiết, khả năng sử dụng ngay vùng địa chỉ đề nghị phân bổ, cấp thể hiện qua việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có địa chỉ Internet để sử dụng hoặc đã sử dụng hết ít nhất 80% các vùng địa chỉ Internet được phân bổ, cấp trước đó.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) niêm yết thông tin về vùng địa chỉ Internet và thời điểm mở tiếp nhận hồ sơ đề nghị phân bổ, cấp lại vùng địa chỉ Internet tại địa chỉ diachiip.vn.

d) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nhận địa chỉ Internet và số hiệu mạng từ các tổ chức quốc tế phải báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) để đưa vùng địa chỉ Internet hoặc số hiệu mạng vào danh mục quản lý bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Địa chỉ Internet, số hiệu mạng tiếp nhận vào Việt Nam theo quy định sẽ là tài nguyên Internet Việt Nam, được Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ, cấp.

3. Đối tượng được đề nghị phân bổ, cấp địa chỉ Internet:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thiết lập mạng kết nối với Internet được quyền đề nghị phân bổ, cấp địa chỉ Internet để sử dụng nội bộ hoặc cấp lại cho khách hàng trong trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông;

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu được phân bổ, cấp địa chỉ Internet IPv4 từ vùng địa chỉ Internet IPv4 sau hoàn trả hoặc thu hồi đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) niêm yết;

c) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay đổi tên chủ thể đăng ký trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này;

d) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận địa chỉ Internet hoặc số hiệu mạng từ các tổ chức quốc tế theo quy định tại điểm d khoản 2, khoản 7 Điều này.

4. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được phân bổ, cấp địa chỉ Internet thì được đăng ký sử dụng số hiệu mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng hồ sơ và thông tin mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi đăng ký địa chỉ Internet để cấp số hiệu mạng khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có yêu cầu.

5. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được đề nghị thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng trong các trường hợp sau:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đổi tên theo quyết định của cấp có      thẩm quyền;

b) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức quản lý, vận hành mạng, dịch vụ đang sử dụng vùng địa chỉ Internet, số hiệu mạng;

c) Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc có hoạt động mua bán doanh nghiệp, góp vốn, cổ phần giữa các doanh nghiệp hoặc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ giữa nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con dẫn tới sự thay đổi về tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành mạng, dịch vụ đang sử dụng vùng địa chỉ Internet, số hiệu mạng.

6. Thủ tục phân bổ, cấp địa chỉ Internet, số hiệu mạng:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam).

Trường hợp nộp trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Hồ sơ bao gồm: Bản khai đăng ký địa chỉ Internet (hoặc địa chỉ Internet và số hiệu mạng) theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) Quyết định thành lập, hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14; bản sao hợp lệ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc văn bản tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các giấy tờ chứng minh sự thay đổi hợp lệ về quyền sử dụng (đối với trường hợp thay đổi tên chủ thể);

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, lệ phí đăng ký sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng; phí duy trì sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng đầy đủ, hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) có trách nhiệm phân bổ, cấp địa chỉ Internet, số hiệu mạng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối phân bổ, cấp, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) phải thông báo kết quả bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam nhận địa chỉ Internet, số hiệu mạng từ các tổ chức quốc tế phải thực hiện:

a) Đóng các khoản phí phát sinh theo quy định của các tổ chức quản lý địa chỉ quốc tế để có thể thực hiện chuyển vùng địa chỉ, số hiệu mạng vào danh mục quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam);

b) Nộp lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet và phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

8. Địa chỉ Internet, số hiệu mạng bị xử lý thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các trường hợp thu hồi địa chỉ Internet, số hiệu mạng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc không còn phù hợp quy hoạch tài nguyên Internet quy định tại Luật Viễn thông;

b) Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi địa chỉ Internet, số hiệu mạng hoặc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm;

c) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn các hành vi sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

d) Địa chỉ Internet, số hiệu mạng không nộp đủ phí duy trì sử dụng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí;

đ) Các trường hợp thông tin đăng ký sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng không chính xác hoặc không xác định được chủ thể đăng ký sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng do chủ thể không cập nhật, bổ sung hoặc hoàn thiện thông tin.

Điều 18. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ IPv6

1. Công nghệ IPv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác được hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Công nghệ cao.

2. Cơ quan nhà nước khi đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có kết nối Internet phải bảo đảm các thiết bị này có hỗ trợ công nghệ IPv6.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình bảo đảm tất cả thiết bị, phần mềm viễn thông và công nghệ thông tin kết nối Internet được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng công nghệ IPv6 và lộ trình ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị, phần mềm không hỗ trợ công nghệ IPv6.

Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet có trách nhiệm sau đây:

a) Đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet theo quy định của pháp luật;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đăng ký, bao gồm tính chính xác, tính trung thực của thông tin và bảo đảm không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;

c) Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng tài nguyên Internet theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông các thông tin sau đây: tên miền, nhà đăng ký đang quản lý tên miền, các thông tin quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định này.

3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng địa chỉ Internet và số hiệu mạng phải thực hiện định tuyến và sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet phải cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

5. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet phải nộp lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet và phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

 

Chương III

QUẢN LÝ, CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN TRÊN MẠNG

 

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 20. Phân loại trang thông tin điện tử

Trang thông tin điện tử được phân loại như sau:

1. Báo điện tử và tạp chí điện tử.

2. Trang thông tin điện tử tổng hợp.

3. Trang thông tin điện tử nội bộ.

4. Trang thông tin điện tử cá nhân.

5. Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành.

6. Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại Nghị định này.

7. Trang thông tin điện tử cung cấp thông tin dưới hình thức Cổng thông tin điện tử.

Điều 21. Nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng

1. Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức báo điện tử, xuất bản điện tử và quảng cáo trên mạng phải tuân theo các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo và sở hữu trí tuệ.

2. Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân theo quy định tại Mục 2 Chương III và các quy định có liên quan tại Nghị định này và các quy định có liên quan về báo chí.

3. Việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải tuân theo quy định tại Chương IV, các quy định có liên quan tại Nghị định này và quy định của pháp luật về viễn thông.

4. Việc quản lý, cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành phải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan của Nghị định này.

5. Việc quản lý, cung cấp và sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet và các quy định có liên quan tại Nghị định này.

6. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng.

7. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin của người sử dụng dịch vụ trừ các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng dịch vụ đồng ý cung cấp thông tin;

b) Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

8. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi lưu trữ, truyền đưa trên mạng thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trên môi trường mạng.

2. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

b) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

c) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo quy định của pháp luật;

d) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

đ) Chỉ đạo và triển khai hoạt động giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo quy định tại Chương V Nghị định này;

e) Công bố kết quả xác minh về tin giả trên Trang thông tin điện tử tingia.gov.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử);

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Công an trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên môi trường mạng; bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

4. Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

5. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan:

a) Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trên môi trường mạng sau đây: Thương mại; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; giáo dục, đào tạo; lao động, việc làm an sinh xã hội và thuế;

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trên môi trường mạng.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trên địa bàn theo thẩm quyền, có các nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng tại địa phương; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin vi phạm trên mạng liên quan đến địa phương;

b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng tại địa phương;

c) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo thẩm quyền;

d) Báo cáo định kỳ việc quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trên địa bàn gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 25 tháng 11 hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.

Điều 23. Cung cấp thông tin xuyên biên giới

1. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.

Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng xuyên biên giới cho người chơi tại Việt Nam thì phải tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 37 Nghị định này.

2. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam triển khai các biện pháp kỹ thuật để thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới không hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật.

3. Chỉ những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 100.000 (một trăm nghìn) lượt trở lên có trách nhiệm như sau:

a) Thông báo thông tin liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo quy định tại khoản 4 Điều này trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc đáp ứng số lượng người truy cập theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

c) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành, theo quy trình xử lý quy định tại khoản 5 Điều này;

d) Thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với các cơ quan báo chí Việt Nam khi cung cấp thông tin dẫn lại từ báo chí Việt Nam trên cơ sở quy định về sở hữu trí tuệ;

Thỏa thuận hợp tác về nội dung giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới với các cơ quan báo chí Việt Nam cần có các thông tin cơ bản sau: Thời hạn thỏa thuận; phạm vi, nội dung được sử dụng và trách nhiệm của mỗi bên; phương thức/hình thức trả quyền lợi;

Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận hợp tác, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới không được sử dụng hoặc không hiển thị thông tin dẫn lại từ các cơ quan báo chí Việt Nam;

đ) Lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân); trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;

Cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác; thực hiện xóa thông tin của người sử dụng dịch vụ sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật.

e) Thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;

g) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em;

h) Có công cụ bằng phương tiện điện tử để tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người sử dụng dịch vụ về nội dung, dịch vụ;

i) Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam về những nội dung vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật.

Đối với những khiếu nại về quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan;

k) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp kho ứng dụng phải thực hiện việc gỡ bỏ các ứng dụng vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán của Việt Nam; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người chơi tại Việt Nam cung cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng hoặc Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi đăng tải trò chơi điện tử lên kho ứng dụng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu mà mình cung cấp cho kho ứng dụng;

l) Mô tả quy trình, cách thức phân phối nội dung trên mạng xã hội của mình và công bố công khai trong Thỏa thuận cung cấp dịch vụ/Tiêu chuẩn cộng đồng cho người sử dụng biết để lựa chọn sử dụng dịch vụ;

m) Cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an;

n) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, phổ biến quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, an toàn thông tin mạng đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;

o) Tuân thủ quy định tại điểm c khoản 6 Điều 24 Nghị định này khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội;

Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức;

p) Trường hợp thành lập văn phòng đại diện hoặc doanh nghiệp tại Việt Nam thì:

Văn phòng đại diện có trách nhiệm phối hợp tiếp nhận và thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới mà mình đại diện thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành về xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;

Doanh nghiệp tại Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành để xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;

q) Thực hiện báo cáo định kỳ chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này về hoạt động cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam hoặc báo cáo đột xuất liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tình huống khẩn cấp khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Báo cáo được gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc gửi thư điện tử (email) đến địa chỉ report_abei@mic.gov.vn hoặc gửi trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp gửi qua thư điện tử (email) hoặc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Thông tin và hình thức thông báo:

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện Thông báo thông tin liên hệ tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Thông báo gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc gửi thư điện tử (email) đến địa chỉ report_abei@mic.gov.vn hoặc gửi trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp gửi qua thư điện tử (email) hoặc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) gửi Giấy xác nhận cho tổ chức, doanh nghiệp theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Quy trình xử lý nội dung vi phạm pháp luật:

a) Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm quy định của pháp luật theo ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý được phân công.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an là cơ quan tiếp nhận thông báo, hỗ trợ xử lý các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam;

b) Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện quy trình xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật như sau:

Đối với việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 05 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ), các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện việc khoá tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời gian khoá tạm thời từ 07 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào số lần và mức độ vi phạm.

Khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện việc khoá vĩnh viễn các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập khi đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khoá tạm thời từ 03 lần trở lên.

Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp kho ứng dụng thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ các ứng dụng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời chậm nhất là 24 giờ các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này hoặc không ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm và thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

6. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông:

a) Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử chậm nhất là 24 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh, khiếu nại từ người sử dụng về các nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng; thực hiện việc loại bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 24 giờ khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) hoặc cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành; thực hiện việc xử lý các yêu cầu, khiếu nại về sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ;

b) Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) về việc cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài để cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam định kỳ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nội dung báo cáo gồm: Tên doanh nghiệp cho thuê chỗ; địa chỉ và điểm đặt thiết bị; pháp nhân của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ dữ liệu; tiền thuê chỗ lưu trữ dữ liệu; thời hạn thuê; số lượng thiết bị thuê; dung lượng kết nối Internet;

Doanh nghiệp nộp báo cáo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập vào các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).

7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam có trách nhiệm sau:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới xử lý các thông tin vi phạm bằng các hình thức phù hợp;

b) Thông báo vi phạm cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) bằng văn bản và gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc gửi thư điện tử (email) đến địa chỉ report_abei@mic.gov.vn;

c) Khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam nếu thông tin vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mục 2

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ, MẠNG XÃ HỘI

Điều 24. Nguyên tắc quản lý trang thông tin điện tử

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

2. Trang thông tin điện tử không phải cấp phép theo quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành;

b) Trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ;

c) Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;

d) Diễn đàn nội bộ trên trang thông tin điện tử.

3. Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành, Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trang thông tin điện tử cá nhân, khi có cung cấp thông tin tổng hợp thì phải có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

4. Các trang thông tin điện tử quy định tại Điều 20 Nghị định này hoạt động tại Việt Nam có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền.

Các trang thông tin điện tử có trách nhiệm gỡ bỏ kịp thời chậm nhất là 24 giờ các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nội dung, ứng dụng, dịch vụ vi phạm pháp luật và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm pháp luật đã được xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền.

5. Việc cấp phép và quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp tuân thủ theo các quy định sau:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định này;

b) Trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí chỉ được dẫn lại, đăng lại các sản phẩm báo chí đã được phát hành, phát sóng trước đó và thông tin tổng hợp theo quy định của pháp luật. Quy trình, thủ tục cấp phép, quản lý như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp;

c) Trang thông tin điện tử tổng hợp được phép liên kết với cơ quan báo chí điện tử (không bao gồm các đài phát thanh, truyền hình) để sản xuất nội dung về các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội theo quy định tại Điều 37 Luật Báo chí trên cơ sở phải có văn bản thỏa thuận hợp tác sản xuất về nội dung.

6. Việc cấp phép và quản lý mạng xã hội tuân thủ theo các quy định sau:

a) Phân loại mạng xã hội:

Mạng xã hội nước ngoài do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Việc quản lý mạng xã hội nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.

Mạng xã hội trong nước do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại Việt Nam cung cấp, bao gồm: Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn: Là mạng xã hội có tổng số lượt truy cập (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 10.000 lượt trở lên hoặc có trên 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng; mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp: Là các mạng xã hội có tổng số lượt truy cập (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) dưới 10.000 lượt hoặc có dưới 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng;

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ được cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội (đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn) hoặc Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội (đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp);

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ rà soát, thống kê và có văn bản thông báo nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định tại Điều 29, Điều 31 Nghị định này đối với các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn;

c) Các mạng xã hội trực tiếp cung cấp dịch vụ nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, có thu tiền thuê bao người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Các mạng xã hội có trách nhiệm xác thực và gắn biểu tượng đã xác thực cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp có pháp nhân tại Việt Nam, người có ảnh hưởng khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân này;

d) Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu thì có thể thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội;

đ) Nền tảng số đa dịch vụ là nền tảng cung cấp, tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một trang thông tin điện tử hoặc một ứng dụng.

Nền tảng số đa dịch vụ khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội và các dịch vụ chuyên ngành khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận thông báo cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan;

Trong trường hợp nền tảng số đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp thì phải phân định hai loại hình này thành các chuyên mục riêng biệt theo nguyên tắc không xen lẫn nội dung với nhau;

e) Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành nếu cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này;

g) Các cơ quan báo chí trong vòng 10 ngày sau khi thiết lập tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội trong và ngoài nước có trách nhiệm Thông báo thông tin với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, chịu trách nhiệm về các thông tin do cơ quan báo chí cung cấp đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Báo chí và các quy định của Nghị định này; tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đã được ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

Văn bản Thông báo nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) gửi Giấy xác nhận cho cơ quan báo chí theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

7. Hiệu lực Giấy phép, Giấy xác nhận:

a) Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội có thời hạn theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 05 năm;

b) Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội không còn hiệu lực khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác hoặc một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này.

Trường hợp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội không còn hiệu lực, bị thu hồi, việc cấp lại giấy phép thực hiện như thủ tục cấp mới theo quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định này.

8. Thẩm quyền cấp phép:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) cấp Giấy xác nhận thông báo đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp;

c) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử) cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho cơ quan báo chí, cơ quan ngoại giao và lãnh sự, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc trung ương, tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Sở Thông tin và Truyền thông địa phương;

d) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc các đối tượng quy định tại điểm c khoản này và có trụ sở chính hoạt động tại địa phương.

9. Thông tin và vị trí cần hiển thị trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trong nước:

a) Tên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội; tên cơ quan chủ quản (nếu có); địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ; tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung; biểu tượng trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép/cấp xác nhận.

Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải có thêm số Giấy phép/Giấy xác nhận đang còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp phép;

Phải ghi rõ tên trang và tên loại hình dịch vụ (trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội). Tên loại hình dịch vụ phải ghi ở ngay dưới tên trang, có cỡ chữ cao bằng 2/3 cỡ chữ của tên trang và có màu không bị lẫn vào màu nền. Tên trang không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã;

b) Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội truy cập qua tên miền: Tên trang và tên loại hình dịch vụ đặt trên đầu trang chủ, các thông tin cần hiển thị khác nằm ở cuối trang chủ;

Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội truy cập qua ứng dụng trên mạng: Tên trang và tên loại hình dịch vụ đặt trên đầu giao diện chính của ứng dụng; các thông tin cần hiển thị khác nằm ở mục Thông tin liên hệ.

10. Chế độ báo cáo:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện chế độ báo cáo định kỳ chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm theo Mẫu số 14 (đối với trang thông tin điện tử tổng hợp) hoặc Mẫu số 15 (đối với mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp báo cáo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương định kỳ 06 tháng một lần (chậm nhất ngày 08 tháng 6 và chậm nhất ngày 27 tháng 11 hàng năm) gửi báo cáo hoạt động quản lý nhà nước về thông tin điện tử trên mạng tại địa phương tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Báo cáo định kỳ gồm các nội dung đánh giá công tác quản lý, cấp phép và xử lý vi phạm, số liệu cấp phép và xử lý vi phạm, các vấn đề phát sinh, đề xuất, kiến nghị...

Điều 25. Điều kiện thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước chỉ được cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Điều kiện cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp:

a) Là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp;

b) Đã đăng ký sử dụng tên miền để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và đáp ứng quy định tại Điều 26 Nghị định này;

c) Đáp ứng các điều kiện về tổ chức, nhân sự và kỹ thuật theo quy định tại Điều 27 Nghị định này;

d) Có biện pháp quản lý nội dung, thông tin theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.

4. Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước:

a) Là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phù hợp với dịch vụ mạng xã hội cung cấp;

b) Đã đăng ký sử dụng tên miền để cung cấp dịch vụ mạng xã hội và đáp ứng quy định tại Điều 26 Nghị định này;

c) Đáp ứng các điều kiện về tổ chức, nhân sự và kỹ thuật theo quy định tại Điều 27 Nghị định này;

d) Có biện pháp quản lý nội dung, thông tin theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.

5. Điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội:

a) Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn. Trong trường hợp mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp có nhu cầu cấp Giấy phép để cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu thì vẫn được xem xét cấp phép;

b) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 26. Điều kiện về tên miền, tên trang đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước

Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội qua tên miền thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, tên miền, tên trang không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã.

2. Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng tên miền “.vn” là tên miền chính và lưu trữ dữ liệu người sử dụng dịch vụ tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.

3. Tên miền “.vn” phải được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp phép đăng ký sử dụng, còn thời hạn sử dụng ít nhất là 06 tháng tại thời điểm đề nghị cấp phép và phải tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp phép.

4. Trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cấp phép không sử dụng tên miền có dãy ký tự trùng với tên địa phương khác.

Điều 27. Điều kiện về tổ chức, nhân sự, kỹ thuật đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước

1. Điều kiện về tổ chức, nhân sự:

a) Có bộ phận quản lý nội dung, thông tin và bộ phận quản lý kỹ thuật. Nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung, thông tin là người có quốc tịch Việt Nam;

b) Có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng và liên hệ được.

2. Điều kiện về kỹ thuật:

Thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp: Lưu trữ tối thiểu 90 ngày đối với nội dung thông tin tổng hợp kể từ thời điểm đăng tải; lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;

b) Đối với mạng xã hội: Lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng dịch vụ và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải; thực hiện xóa thông tin của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật;

c) Tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng dịch vụ;

d) Phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật;

đ) Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;

e) Đảm bảo phải có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu theo quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản này.

3. Ngoài việc bảo đảm các điều kiện kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều này, hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân); trường hợp người sử dụng dịch vụ là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;

b) Thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

c) Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ khi có yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, hoặc cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành;

d) Thiết lập cơ chế cảnh báo và sử dụng các công cụ lọc thông tin khi người sử dụng đăng thông tin có nội dung vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng.

Điều 28. Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước

1. Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp:

a) Có quy trình quản lý nội dung, thông tin: Xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải;

b) Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải không vi phạm bản quyền, phải chính xác theo đúng nội dung nguồn; nội dung dẫn lại chỉ được phát hành theo đúng thời gian trong thỏa thuận (bằng văn bản) giữa cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng không sớm hơn 01 giờ tính từ thời điểm phát hành nội dung nguồn; nội dung dẫn lại phải gỡ ngay sau khi nội dung nguồn bị gỡ (không chậm hơn 03 giờ sau khi nội dung nguồn bị gỡ);

c) Có công cụ bằng phương tiện điện tử để tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người sử dụng dịch vụ về nội dung, dịch vụ;

d) Không cho đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được dẫn lại;

đ) Nội dung tổng hợp ghi rõ tên tác giả và tên nguồn tin (viết đầy đủ tên nguồn tin), thời gian cơ quan báo chí đăng, phát thông tin đó, đặt đường dẫn liên kết đến bài viết nguồn ngay cuối bài dẫn lại;

e) Tách riêng các chuyên mục trao đổi, hỏi đáp liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó;

g) Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp có hoạt động liên kết sản xuất nội dung với cơ quan báo chí: Không liên kết sản xuất các nội dung liên quan đến điều tra, phản ánh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; các cơ quan báo chí điện tử chịu trách nhiệm về thông tin liên kết trên trang thông tin điện tử tổng hợp; tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin bài phát hành của cơ quan báo chí đó trong 01 tháng; nhân viên, cộng tác viên của trang thông tin điện tử tổng hợp khi tham gia sản xuất nội dung liên kết không được lấy danh nghĩa phóng viên, biên tập viên, nhà báo;

h) Có văn bản thỏa thuận hợp tác nguồn tin với ít nhất 03 cơ quan báo chí.

2. Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội:

a) Có Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội bảo đảm đầy đủ các nội dung được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định này; đăng tải Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng dịch vụ phải đồng ý Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội (bằng phương thức điện tử) thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tính năng của mạng xã hội;

b) Có nhân sự trực 24/7 để xử lý các vấn đề gồm: Tiếp nhận, xử lý và phản hồi các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam; giải quyết và phản hồi khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ Việt Nam;

c) Có giải pháp kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội;

d) Có biện pháp bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ;

đ) Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng dịch vụ trong việc cho phép thu thập thông tin của mình hoặc cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;

e) Không sắp xếp nội dung đăng tải của người sử dụng theo các chuyên mục cố định; không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cả nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội. Đối với các cơ quan báo chí đăng tải nội dung trên mạng xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 24 Nghị định này;

g) Phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Điều 29. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp:

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14); Điều lệ hoạt động (đối với các tổ chức hội, đoàn thể);

Quyết định thành lập hoặc Điều lệ hoạt động phải có chức năng nhiệm vụ phù hợp với nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử tổng hợp;

c) Đề án hoạt động có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép, bao gồm các nội dung chính: Mục đích cung cấp thông tin, nội dung thông tin, các chuyên mục dự kiến, nguồn tin, bản in trang chủ và các trang chuyên mục chính; phương án nhân sự, kỹ thuật, quản lý nội dung, thông tin bảo đảm hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp phù hợp với các quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 25 Nghị định này; thông tin địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam; trường hợp liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất nội dung cần nêu rõ tỷ lệ tin bài liên kết, cơ chế hợp tác, sản xuất, biên tập, cơ chế kiểm duyệt tin bài, đăng phát trên trang thông tin điện tử tổng hợp;

d) Bản in/bản scan màu (nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính) hoặc bản chụp (nộp qua dịch vụ công trực tuyến) giao diện trang chủ và các trang chuyên mục chính; trang chủ phải có đầy đủ thông tin dự kiến theo quy định tại khoản 9 Điều 24 Nghị định này;

đ) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) văn bản thỏa thuận hợp tác nguồn tin giữa trang thông tin điện tử tổng hợp và cơ quan báo chí cần có các thông tin cơ bản sau: Thời hạn thỏa thuận; phạm vi nội dung được dẫn lại; trách nhiệm quản lý nội dung, thông tin mỗi bên (cơ quan báo chí có trách nhiệm thông báo cho trang thông tin điện tử tổng hợp để kịp thời cập nhật thông tin đã sửa đổi);

Đối với văn bản thỏa thuận hợp tác để liên kết sản xuất nội dung giữa trang thông tin điện tử tổng hợp với cơ quan báo chí phải ghi rõ: Cơ chế hợp tác sản xuất tin bài, cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung các tin bài trong phạm vi liên kết; lĩnh vực hợp tác sản xuất nội dung (tuân thủ quy định tại điểm c khoản 5 Điều 24 Nghị định này) và cam kết tuân thủ các quy định tại điểm g khoản 1 Điều 28 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14); Điều lệ hoạt động (đối với các tổ chức hội, đoàn thể);

Quyết định thành lập hoặc Điều lệ hoạt động phải có chức năng nhiệm vụ phù hợp với phạm vi, lĩnh vực mà người sử dụng có thể thông tin trao đổi trên mạng xã hội;

c) Đề án hoạt động có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép, bao gồm các nội dung chính: Mô tả chi tiết các dịch vụ (bao gồm dịch vụ có thu tiền và không thu tiền), giao diện trang chủ và giao diện trang dịch vụ, phạm vi; lĩnh vực thông tin trao đổi; phương án tổ chức nhân sự, kỹ thuật, quản lý nội dung, thông tin nhằm bảo đảm hoạt động của mạng xã hội phù hợp với các quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này; thông tin địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam;

d) Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội có xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép, phải có tối thiểu các nội dung sau: Các nội dung cấm trao đổi, chia sẻ trên mạng xã hội; trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trong đó ghi rõ trách nhiệm người sử dụng dịch vụ không được lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí không phép; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội; cơ chế xử lý đối với người sử dụng vi phạm thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; cảnh báo cho người sử dụng dịch vụ các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng; cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ mạng xã hội với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc với tổ chức, cá nhân khác; cơ chế xử lý đối với khiếu nại của người sử dụng dịch vụ với thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do người sử dụng dịch vụ đăng tải trên mạng xã hội; công khai việc có hay không thu thập, xử lý các thông tin của người sử dụng dịch vụ trong thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; mô tả biện pháp bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng dịch vụ trong việc cho phép thu thập thông tin của mình hoặc cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác; chính sách bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội;

đ) Bản in/bản scan màu (nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính) hoặc bản chụp (nộp qua dịch vụ công trực tuyến) giao diện trang chủ và các trang chuyên mục của mạng xã hội; trang chủ phải có đầy đủ thông tin theo quy định tại khoản 9 Điều 24 Nghị định này.

Điều 30. Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép một đoạn mã (thể hiện biểu tượng trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép) qua địa chỉ thư điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của các cơ quan báo chí địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có trách nhiệm thẩm định và chuyển hồ sơ kèm theo văn bản đề nghị cấp giấy phép đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) xem xét cấp phép theo quy định của pháp luật. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện gắn đoạn mã đã được cấp vào nội dung mô tả dịch vụ trên kho ứng dụng (nếu có) và trang thông tin điện tử tổng hợp. Đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Điều 31. Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội

1. Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ gửi văn bản thông báo đến mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn (qua dịch vụ bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử) về việc nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.

Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn được tiếp tục cung cấp dịch vụ mạng xã hội hiện có, nhưng phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp Giấy phép theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép một đoạn mã (thể hiện biểu tượng mạng xã hội đã được cấp phép) qua địa chỉ thư điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện gắn đoạn mã đã được cấp vào nội dung mô tả dịch vụ trên kho ứng dụng (nếu có) và trên mạng xã hội. Đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

2. Quy trình, thủ tục cấp Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội:

Trước khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải gửi thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo Mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14); Điều lệ hoạt động (đối với các tổ chức hội, đoàn thể) đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp gửi trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) cấp Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo Mẫu số 21 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp xác nhận thông báo một đoạn mã (thể hiện biểu tượng mạng xã hội đã thông báo) qua địa chỉ thư điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện gắn đoạn mã đã được cấp vào nội dung mô tả dịch vụ trên kho ứng dụng (nếu có) và trên mạng xã hội. Đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Điều 32. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép, Giấy xác nhận.

2. Thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép, Giấy xác nhận:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép/Giấy xác nhận trong những trường hợp sau: Thay đổi cơ quan chủ quản (nếu có); thay đổi tên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; thay đổi địa chỉ trụ sở chính; thay đổi địa điểm đặt máy chủ; thay đổi nhân sự chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân sự quản lý nội dung; thay đổi tên trang (nếu có); thay đổi, bổ sung nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp, phương thức cung cấp thông tin (tên miền, hệ thống phân phối ứng dụng) đối với trang thông tin điện tử tổng hợp; thay đổi tên của mạng xã hội (nếu có), loại hình dịch vụ, phạm vi cung cấp dịch vụ (tên miền, hệ thống phân phối ứng dụng) đối với mạng xã hội theo Mẫu số 22 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Mẫu số 23 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội), Mẫu số 24 (đối với Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và các tài liệu chứng minh có liên quan (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ sửa đổi, bổ sung Giấy phép/Giấy xác nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thẩm định, cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép/Giấy xác nhận đã cấp theo Mẫu số 18 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Mẫu số 19 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội), Mẫu số 21 (đối với Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này sau khi cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung và ghi rõ ngày cấp Giấy phép/Giấy xác nhận lần đầu, ngày cấp sửa đổi, bổ sung. Giấy phép/Giấy xác nhận sửa đổi, bổ sung có hiệu lực kể từ ngày cấp sửa đổi, bổ sung tới ngày hết hiệu lực của Giấy phép/Giấy xác nhận được cấp ban đầu. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Gia hạn Giấy phép:

a) Chậm nhất 30 ngày trước khi hết hạn Giấy phép đã được cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn gia hạn Giấy phép đã được cấp gửi văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép theo Mẫu số 25 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Mẫu số 26 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thẩm định, cấp gia hạn Giấy phép đã cấp theo Mẫu số 18 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Mẫu số 19 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Việc xét gia hạn Giấy phép được thực hiện dựa trên việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong Giấy phép và các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng.

Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

c) Giấy phép được gia hạn không quá 01 lần và không quá 02 năm. Trong thời hạn được gia hạn giấy phép, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định này.

4. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp khi nhận chuyển nhượng trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 30 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Điều 31 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội) Nghị định này.

5. Cấp lại Giấy phép/Giấy xác nhận:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có Giấy phép/Giấy xác nhận bị mất, bị hư hại không còn sử dụng được thực hiện đề nghị cấp lại Giấy phép/Giấy xác nhận đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo Mẫu số 27 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Mẫu số 28 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép/Giấy xác nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét, cấp lại Giấy phép/Giấy xác nhận theo Mẫu số 18 (đối với Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp), Mẫu số 19 (đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội), Mẫu số 21 (đối với Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

Giấy phép/Giấy xác nhận được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy phép/Giấy xác nhận được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: ngày cấp Giấy phép/Giấy xác nhận lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

Điều 33. Trình tự thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội; đình chỉ hoạt động trang thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ mạng xã hội

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong thời hạn 03 tháng khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng 02 lần;

b) Không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 25 hoặc không thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 35 Nghị định này sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này yêu cầu bằng văn bản;

c) Không thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong vòng 60 ngày kể từ khi có thông báo bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Không thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 34, khoản 7 Điều 35 Nghị định này;

b) Không triển khai các biện pháp khắc phục để bảo đảm tính khả khi sau khi hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động 03 tháng;

c) Có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động hoặc sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không triển khai hoạt động trên thực tế và không có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp phép/cấp xác nhận;

d) Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không còn hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 24 Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội:

a) Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này ra Quyết định đình chỉ hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong thời hạn 03 tháng;

b) Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này thông báo bằng văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khắc phục. Sau 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn yêu cầu trong văn bản thông báo mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không có báo cáo và không khắc phục vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong thời hạn 03 tháng;

c) Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội và yêu cầu chấm dứt hoạt động.

4. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, đình chỉ hoạt động trang thông tin điện tử trong các trường hợp sau:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử không thực hiện gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 23 và khoản 4 Điều 24 Nghị định này;

b) Cơ quan có thẩm quyền không có thông tin liên hệ hoặc không thể liên hệ được (qua thông tin liên hệ được công bố trên trang thông tin điện tử) với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử trong thời hạn 24 giờ (kể từ khi cơ quan có thẩm quyền liên hệ lần đầu) để yêu cầu gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

c) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử không thực hiện dừng hoặc chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có trách nhiệm sau đây:

1. Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và cung cấp thông tin tổng hợp theo quy định của pháp luật.

2. Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người sử dụng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định.

3. Xây dựng quy trình quản lý nội dung, thông tin tổng hợp, kịp thời cập nhật, điều chỉnh các nội dung dẫn lại khi nội dung nguồn thay đổi.

4. Kiểm tra, giám sát và loại bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc khi tự phát hiện vi phạm; thực hiện việc xử lý các yêu cầu, khiếu nại về sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ.

5. Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

6. Kết nối đến hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ việc theo dõi đăng tải tin bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp và thống kê lượng người truy cập.

7. Báo cáo theo quy định tại khoản 10 Điều 24 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 35. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm sau đây:

1. Cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ các quy định của Nghị định này. Trường hợp mạng xã hội có cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác thì phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan.

2. Thực hiện việc quản lý và cung cấp dịch vụ mạng xã hội tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ với người sử dụng dịch vụ; mô tả quy trình, cách thức phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình và công bố công khai trong Thỏa thuận cung cấp dịch vụ/Tiêu chuẩn cộng đồng cho người sử dụng dịch vụ biết để lựa chọn sử dụng dịch vụ.

3. Bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cả nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội.

5. Kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện vi phạm.

6. Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm quy định của pháp luật theo yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định này.

7. Thực hiện việc khoá tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 05 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ) chậm nhất là 24 giờ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc khi tự phát hiện vi phạm. Thời gian khóa tạm thời từ 07 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.

Thực hiện việc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã bị tạm khóa từ 03 lần trở lên khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không xử lý nội dung, dịch vụ vi phạm pháp luật, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn hoạt động các tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

8. Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam về những nội dung vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật.

Đối với những khiếu nại về quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.

9. Cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

10. Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người sử dụng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định.

11. Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ, xác thực và quản lý nội dung, thông tin của người sử dụng dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định này; thực hiện xóa thông tin của người sử dụng dịch vụ sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định.

12. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cung cấp thông tin, phổ biến quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đến người sử dụng dịch vụ.

13. Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

14. Kết nối đến hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ việc thống kê, theo dõi lượng người sử dụng dịch vụ, truy cập.

15. Cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).

16. Báo cáo theo quy định tại khoản 10 Điều 24 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan  có thẩm quyền.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam

Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội (bao gồm tổ chức, cá nhân) có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định của pháp luật.

2. Được bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định của pháp luật trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

3. Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.

5. Các tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội có quyền đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) để được tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật về cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo.

6. Tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện việc cung cấp thông tin, dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định của pháp luật về thuế, thanh toán khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, hoạt động giao dịch liên quan trên mạng xã hội.

7. Chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã…; phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình; có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng dịch vụ) chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc chậm nhất là 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ; không lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

8. Tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội khi cung cấp thông tin bằng tính năng livestream phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này. Trường hợp cung cấp thông tin liên quan đến các dịch vụ chuyên ngành khác thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành.

 

Mục 3

TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ TRÊN MẠNG

Điều 37. Nguyên tắc quản lý trò chơi điện tử trên mạng

1. Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại như sau:

a) Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);

b) Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);

c) Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);

d) Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4);

đ) Đối với các thể loại trò chơi điện tử trên mạng mới phát sinh không thuộc quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản này, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất biện pháp quản lý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Doanh nghiệp được phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng và Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng.

3. Doanh nghiệp được phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi có Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam, gồm cả việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Nghị định này và quy định về đầu tư nước ngoài.

Điều 38. Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi

1. Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo các độ tuổi như sau:

a) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên (ký hiệu là 18+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu thì có sử dụng hình ảnh vũ khí cận cảnh, nhân vật mô phỏng người thật;

b) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, thì không có hình ảnh, hoạt động thể hiện tính chất bạo lực;

c) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng thì chỉ sử dụng các nhân vật hoạt họa mô phỏng hoặc không mô phỏng người thật hoặc chỉ sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu mà không có sự hiện diện của nhân vật mô phỏng người thật trong quá trình chơi, có sử dụng vũ khí dưới hình ảnh hoạt họa và hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu;

d) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+) là trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng trong việc phân loại trò chơi theo độ tuổi:

a) Tự phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi trong hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Việc phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi là một trong các nội dung được thẩm định của trò chơi điện tử trên mạng;

c) Hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi trong màn hình thiết bị trò chơi và trong các nội dung quảng cáo; vị trí hiển thị do doanh nghiệp chủ động lựa chọn. Biểu tượng của kết quả phân loại trò chơi phải có kích thước và màu sắc dễ nhận biết.

3. Khi phát hiện doanh nghiệp phân loại trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng theo độ tuổi người chơi không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại việc phân loại trò chơi trong thời hạn 15 ngày.

Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi như yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp ngừng phát hành đối với trò chơi đó và thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi. Sau 15 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành mà doanh nghiệp không ngừng phát hành theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương tiến hành thu hồi Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng và Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã cấp cho doanh nghiệp.

Điều 39. Cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp; có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng và liên hệ được;

b) Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;

c) Có đủ khả năng tài chính, tổ chức, nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp;

d) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật để kết nối thanh toán với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài khoản thanh toán của mình trên hệ thống ứng dụng trò chơi (tài khoản game);

đ) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin của người chơi tại Việt Nam bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam. Thực hiện việc xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi; trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; thực hiện xóa thông tin của người chơi sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định;

e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;

g) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi;

h) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý nội dung trao đổi, chia sẻ trong trò chơi và trên diễn đàn của trò chơi (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này;

i) Có biện pháp quản lý nội dung, thông tin tài khoản người chơi bảo đảm lưu trữ đầy đủ, cập nhật liên tục, chính xác thông tin về quá trình sử dụng dịch vụ của người chơi bao gồm: Tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, các thông tin có liên quan đến việc sở hữu vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng của người chơi;

k) Có phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, chất lượng dịch vụ và quyền lợi chính đáng của người chơi;

l) Có phương án dự phòng về thiết bị và kết nối, phương án sao lưu dữ liệu để bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

2. Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 10 năm.

3. Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng sẽ hết hiệu lực trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản hoặc một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy phép tại khoản 2 Điều 47 Nghị định này.

4. Trường hợp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng bị thu hồi hoặc hết hiệu lực, việc cấp Giấy phép thực hiện như thủ tục cấp mới theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định này.

Điều 40. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 29 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

3. Đề án cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu doanh nghiệp đề nghị cấp phép, bao gồm các nội dung chính sau:

a) Kế hoạch cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, tổ chức, nhân sự, kỹ thuật thực hiện cung cấp dịch vụ bảo đảm đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định này;

b) Sơ đồ tổng thể hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ, địa điểm đặt hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ;

c) Thông tin về hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ gồm phần chính và phần dự phòng (tên, chức năng, cấu hình dự kiến của thiết bị) bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin; kế hoạch sao lưu dữ liệu và phương án dự phòng; kế hoạch bảo đảm quyền lợi của người chơi và dữ liệu thông tin của người chơi;

d) Thông tin chi tiết về phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ (tên miền, kênh phân phối trò chơi, địa chỉ IP); doanh nghiệp kết nối mạng Internet và mạng viễn thông (tên doanh nghiệp, địa chỉ, dung lượng kênh kết nối);

đ) Thông tin về việc dự kiến kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Điều 41. Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) xem xét, cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 42. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng trong thời hạn 10 ngày kể từ khi thay đổi các nội dung sau:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

c) Địa chỉ trụ sở chính, văn phòng giao dịch;

d) Địa chỉ đặt hoặc thuê máy chủ.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng theo Mẫu số 31 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu, văn bản chứng minh các lý do cần sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thẩm định và cấp Giấy phép sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Giấy phép sửa đổi, bổ sung có hiệu lực kể từ ngày cấp sửa đổi, bổ sung tới ngày hết hiệu lực của Giấy phép được cấp ban đầu. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

5. Gia hạn Giấy phép:

a) Chậm nhất 30 ngày trước khi hết hạn Giấy phép đã được cấp, doanh nghiệp muốn gia hạn Giấy phép đã được cấp gửi văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép theo Mẫu số 32 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đến trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thẩm định, cấp gia hạn Giấy phép theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Việc xét gia hạn Giấy phép được thực hiện dựa trên việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng và các quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

c) Giấy phép được gia hạn 01 lần và không quá 02 năm. Trong thời hạn được gia hạn Giấy phép, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 Nghị định này.

6. Cấp lại Giấy phép:

a) Doanh nghiệp có Giấy phép bị mất, bị hư hại không còn sử dụng được thực hiện đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 33 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) xem xét, cấp lại Giấy phép cho doanh nghiệp theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy phép được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: ngày cấp Giấy phép lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

7. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định này.

Điều 43. Cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Doanh nghiệp được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các điều kiện sau:

a) Có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng còn thời hạn tối thiểu 06 tháng;

b) Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử không vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng và quy định về sở hữu trí tuệ; không mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài; không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động sau: Khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kích động tự tử, bạo lực; khiêu dâm, dung tục trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử; vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá; đánh bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

c) Trò chơi điện tử trên mạng có kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Nghị định này.

2. Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng có thời hạn theo thời hạn của văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam nhưng không quá 05 năm. Trong trường hợp thời hạn của văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam hết hạn, nếu doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng tiếp tục được nhượng quyền phát hành trò chơi thì thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại Quyết định theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 46 Nghị định này.

Điều 44. Hồ sơ đề nghị cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng

Hồ sơ đề nghị cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng theo Mẫu số 34 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Giấy tờ, tài liệu, bằng chứng chứng minh quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ; văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành trò chơi tại Việt Nam. Đối với trò chơi được đối tác nước ngoài nhượng quyền phát hành, phải có hợp pháp hóa lãnh sự tại nước sở tại kèm theo văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam (văn bản, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải dịch sang tiếng Việt có chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực).

3. Đề án phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu doanh nghiệp đề nghị cấp Quyết định, bao gồm các nội dung sau:

a) Tên, nguồn gốc, xuất xứ của trò chơi; Nội dung, kịch bản trò chơi đáp ứng quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 43 Nghị định này và bao gồm: Hệ thống nhân vật, hệ thống nhiệm vụ, bản đồ (sơ đồ), hệ thống đơn vị ảo, vật phẩm ảo, điểm thưởng, âm thanh, hình ảnh, hoạt động tương tác, thực hiện các nhiệm vụ của các nhân vật, hoạt động đối kháng giữa các nhân vật với nhau (bao gồm hình ảnh nhân vật, vũ khí, tính năng....); phiên bản phát hành; kết quả phân loại độ tuổi người chơi;

b) Thông tin chi tiết về phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ gồm: Tên miền và địa chỉ IP của trang thông tin điện tử giới thiệu, cung cấp trò chơi, ứng dụng trò chơi; tên kho ứng dụng phân phối trò chơi;

c) Thông tin về dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong trò chơi điện tử trên mạng của doanh nghiệp, các hình thức thanh toán cho trò chơi và thu tiền của người chơi.

4. Thiết bị lưu trữ/tài liệu điện tử thể hiện các hình ảnh, hoạt động, âm thanh đặc trưng trong trò chơi: Đăng ký tài khoản; bản đồ, sơ đồ; một số tuyến nhân vật, vật phẩm, đồ trang bị cho nhân vật; hoạt động đối kháng đặc trưng giữa các nhân vật đang làm nhiệm vụ; hoạt động quản lý nội dung trao đổi, chia sẻ của người chơi trong trò chơi và trên diễn đàn của trò chơi (nếu có); hiển thị thông tin về phân loại độ tuổi, thông tin khuyến cáo.

Điều 45. Quy trình, thủ tục cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) tiến hành tổ chức thẩm định trò chơi. Trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) xem xét, cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng cho doanh nghiệp theo Mẫu số 35 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cho doanh nghiệp một đoạn mã (thể hiện biểu tượng trò chơi điện tử G1 đã được cấp phép phát hành) qua địa chỉ thư điện tử của doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Doanh nghiệp được cấp Quyết định thực hiện gắn đoạn mã đã được cấp vào nội dung mô tả trò chơi điện tử trên kho ứng dụng (nếu có) và trang thông tin điện tử cung cấp trò chơi điện tử. Đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Điều 46. Sửa đổi, bổ sung, cấp lại Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung của Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được cấp trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi tên trò chơi, nguồn gốc của trò chơi;

b) Thay đổi kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi;

c) Nâng cấp phiên bản có thay đổi nội dung, kịch bản trò chơi so với phiên bản đã được cấp Quyết định;

d) Thay đổi, bổ sung phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được phê duyệt (tên miền đối với trò chơi cung cấp trên trang thông tin điện tử, địa chỉ IP, kênh phân phối trò chơi);

đ) Thay đổi địa chỉ đặt hoặc thuê máy chủ.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng theo Mẫu số 36 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu, văn bản chứng minh các lý do cần sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung của Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thẩm định cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp theo Mẫu số 35 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này sau khi cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung và ghi rõ ngày cấp Quyết định lần đầu, ngày cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

5. Cấp lại Quyết định:

a) Doanh nghiệp có Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng bị mất hoặc bị hư hại không còn sử dụng được hoặc thực hiện theo điều khoản chuyển tiếp tại khoản 4 Điều 82 Nghị định này hoặc trong trường hợp văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành trò chơi tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định này được tiếp tục gia hạn thì Doanh nghiệp thực hiện đề nghị cấp lại Quyết định theo Mẫu số 37 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) xem xét, cấp lại Quyết định theo Mẫu số 35 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

d) Quyết định được cấp lại có nội dung chính tương tự Quyết định được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: ngày cấp Quyết định lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

6. Doanh nghiệp đã được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng khi chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Quyết định theo quy định tại Điều 43, Điều 44 Nghị định này.

Điều 47. Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng; thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, đình chỉ phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng trong thời hạn 03 tháng khi doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

b) Không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 43 Nghị định này sau khi đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) yêu cầu khắc phục bằng văn bản.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng khi:

a) Doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, đình chỉ phát hành theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không triển khai các biện pháp khắc phục bảo đảm tính khả khi sau khi hết thời gian bị đình chỉ;

b) Các trường hợp Giấy phép hết hiệu lực theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 39 Nghị định này hoặc Quyết định hết hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định này;

c) Có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động hoặc sau 12 tháng kể từ ngày Giấy phép/Quyết định có hiệu lực mà doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ và không có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép/Quyết định.

3. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng:

a) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, đình chỉ phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng của doanh nghiệp trong thời hạn 03 tháng;

b) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) ra thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn yêu cầu trong văn bản thông báo mà doanh nghiệp không khắc phục thì Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, đình chỉ phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng của doanh nghiệp trong thời hạn 03 tháng;

c) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định khoản 2 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) ra Quyết định thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng của doanh nghiệp.

4. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng không thực hiện việc dừng phát hành trò chơi có nội dung vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng hoặc tại khoản 1 Điều 43 Nghị định này theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

b) Cơ quan có thẩm quyền không thể liên hệ được với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (qua thông tin liên hệ trên Giấy phép) trong thời hạn 24 giờ (kể từ khi cơ quan có thẩm quyền liên hệ lần đầu) để yêu cầu dừng phát hành trò chơi có nội dung vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng không thực hiện dừng hoặc chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 48. Cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận cung cấp trò chơi G2, G3, G4 trên mạng khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp; có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại rõ ràng và liên hệ được;

b) Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;

c) Có đủ khả năng tài chính, tổ chức, nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp;

d) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật để kết nối thanh toán với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài khoản thanh toán của mình trên hệ thống ứng dụng trò chơi (tài khoản game);

đ) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin của người chơi tại Việt Nam bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam. Thực hiện việc xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi; trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; thực hiện xóa thông tin của người chơi sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định;

e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;

g) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo trò chơi và khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi;

h) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý nội dung trao đổi, chia sẻ trên diễn đàn của trò chơi (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này;

i) Có biện pháp quản lý nội dung, thông tin tài khoản người chơi bảo đảm lưu trữ đầy đủ, cập nhật liên tục, chính xác thông tin về quá trình sử dụng dịch vụ của người chơi bao gồm: Tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, các thông tin có liên quan đến việc sở hữu vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng của người chơi;

k) Có phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin; đảm bảo chất lượng dịch vụ và quyền lợi chính đáng của người chơi;

l) Có phương án dự phòng về thiết bị và kết nối, phương án sao lưu dữ liệu để bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

2. Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3, G4 trên mạng có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 10 năm.

3. Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3, G4 trên mạng không còn hiệu lực trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản hoặc một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận tại khoản 2 Điều 53 Nghị định này.

4. Trường hợp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3, G4 trên mạng bị thu hồi hoặc không còn hiệu lực, việc cấp lại Giấy chứng nhận thực hiện như thủ tục cấp mới theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Nghị định này.

Điều 49. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo Mẫu số 38 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

3. Đề án cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu doanh nghiệp đề nghị cấp chứng nhận, bao gồm các nội dung sau:

a) Kế hoạch cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, tổ chức, nhân sự, kỹ thuật thực hiện cung cấp dịch vụ bảo đảm đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định này;

b) Sơ đồ tổng thể hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ, địa điểm đặt hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ;

c) Thông tin về hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ về phần chính và phần dự phòng (gồm tên, chức năng, cấu hình dự kiến của thiết bị) bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin; kế hoạch sao lưu dữ liệu và phương án dự phòng; kế hoạch bảo đảm quyền lợi của người chơi và bí mật thông tin của người chơi;

d) Thông tin chi tiết về phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ (tên miền, kênh phân phối trò chơi, địa chỉ IP); doanh nghiệp kết nối mạng Internet và mạng viễn thông (tên doanh nghiệp, địa chỉ, dung lượng kênh kết nối);

đ) Thông tin về việc dự kiến kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Điều 50. Quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng

1. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xem xét, cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng cho doanh nghiệp theo Mẫu số 39 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 51. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng

1. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp khi có thay đổi một trong những nội dung sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

c) Loại hình trò chơi điện tử đang cung cấp (G2, G3, G4);

d) Địa chỉ trụ sở chính, văn phòng giao dịch;

đ) Địa chỉ đặt hoặc cho thuê máy chủ.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo Mẫu số 40 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu, văn bản chứng minh các lý do cần sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xem xét cấp Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp theo Mẫu số 39 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung có hiệu lực kể từ ngày cấp sửa đổi, bổ sung tới ngày hết hiệu lực của giấy chứng nhận được cấp ban đầu. Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

5. Gia hạn Giấy chứng nhận:

a) Chậm nhất 15 ngày trước khi hết hạn Giấy chứng nhận đã được cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn gia hạn Giấy chứng nhận đã được cấp gửi văn bản đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận theo Mẫu số 41 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương thẩm định, cấp gia hạn Giấy chứng nhận theo Mẫu số 39 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Việc xét gia hạn Giấy chứng nhận được thực hiện dựa trên việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong giấy chứng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng và các quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

c) Giấy chứng nhận được gia hạn 01 lần và không quá 02 năm. Trong thời hạn được gia hạn Giấy chứng nhận, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 48, Điều 49, Điều 50 Nghị định này.

6. Cấp lại Giấy chứng nhận:

a) Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận bị mất, bị hư hại không còn sử dụng được thực hiện đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 42 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp theo Mẫu số 39 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

d) Giấy chứng nhận được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy chứng nhận được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: ngày cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

7. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Nghị định này.

Điều 52. Cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng

1. Trước khi chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng không vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng và quy định về sở hữu trí tuệ; không mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài; không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động sau: Khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kích động tự tử, bạo lực; khiêu dâm, dung tục trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử; vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá; đánh bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành bao gồm: Tờ khai Thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo Mẫu số 43 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương thẩm định hồ sơ Thông báo phát hành. Trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xem xét, cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng cho doanh nghiệp theo Mẫu số 44 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng có thời hạn theo thời hạn của văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam nhưng không quá 05 năm. Trong trường hợp văn bản ủy quyền/nhượng quyền trò chơi hết hạn, nếu doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng tiếp tục được nhượng quyền phát hành trò chơi thì thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại Giấy xác nhận theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Doanh nghiệp phải thực hiện Thông báo bổ sung thông tin trong quá trình cung cấp trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo Mẫu số 45 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động nếu trong quá trình cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có thay đổi một trong những nội dung sau đây:

a) Tên trò chơi, nguồn gốc của trò chơi;

b) Kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi;

c) Loại hình trò chơi điện tử đang cung cấp (G2, G3, G4);

d) Thay đổi, bổ sung phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được phê duyệt (tên miền đối với trò chơi cung cấp trên trang thông tin điện tử, địa chỉ IP, kênh phân phối đối với trò chơi cung cấp cho thiết bị di động;

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ Thông báo bổ sung thông tin trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bổ sung của doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xem xét, cấp sửa đổi, bổ sung Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng cho doanh nghiệp theo Mẫu số 44 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Doanh nghiệp có Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng bị mất hoặc bị hư hại không còn sử dụng được hoặc thực hiện theo điều khoản chuyển tiếp tại khoản 7, Điều 82 Nghị định này hoặc trong trường hợp văn bản ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này được tiếp tục gia hạn, Doanh nghiệp thực hiện đề nghị cấp lại Giấy xác nhận theo Mẫu số 46 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đề nghị hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xem xét, cấp lại Giấy xác nhận cho doanh nghiệp theo Mẫu số 44 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Giấy xác nhận được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy xác nhận được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: ngày cấp Giấy xác nhận lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

Điều 53. Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng; thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng

1. Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, đình chỉ phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng trong thời hạn 03 tháng khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

b) Không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 48 hoặc khoản 1 Điều 52 Nghị định này sau khi đã được Sở Thông tin và Truyền thông địa phương yêu cầu khắc phục bằng văn bản.

2. Sở Thông tin và Truyền thông địa phương thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi:

a) Doanh nghiệp đã bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không triển khai các biện pháp khắc phục bảo đảm tính khả thi theo yêu cầu sau khi hết thời gian đình chỉ;

b) Các trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định này hoặc Giấy xác nhận hết hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định này;

c) Có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động hoặc sau 12 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận có hiệu lực mà doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ và không có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận.

3. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

a) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, đình chỉ việc phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng. Thời hạn đình chỉ là  03 tháng;

b) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương ra thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Sau 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn yêu cầu trong văn bản thông báo mà doanh nghiệp không khắc phục thì Sở Thông tin và Truyền thông địa phương ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, đình chỉ việc phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng. Thời hạn đình chỉ là 03 tháng;

c) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định khoản 2 Điều này, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng của tổ chức, doanh nghiệp.

4. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng không thực hiện việc dừng phát hành trò chơi có nội dung vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng hoặc tại khoản 1 Điều 52 Nghị định này theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

b) Cơ quan có thẩm quyền không thể liên hệ được với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng (qua thông tin liên hệ trên Giấy chứng nhận) trong thời hạn 24 giờ (kể từ khi cơ quan có thẩm quyền liên hệ lần đầu) để yêu cầu dừng phát hành trò chơi có nội dung vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng không thực hiện dừng hoặc chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 54. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có trách nhiệm sau:

1. Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người chơi đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định;

2. Có trang thông tin điện tử giới thiệu, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và hiển thị đầy đủ các thông tin sau:

a) Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi đối với từng trò chơi;

b) Quy tắc của từng trò chơi (bao gồm cả việc thu tiền của người chơi);

c) Các quy định quản lý nội dung, thông tin, quản lý hoạt động của trò chơi;

d) Các quy tắc về giải quyết khiếu nại, tranh chấp quyền lợi phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi;

đ) Hiển thị thông tin của doanh nghiệp gồm: Tên doanh nghiệp; địa chỉ văn phòng giao dịch; số điện thoại liên hệ; số Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định phát hành; đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Khi cung cấp trò chơi trên kho ứng dụng, phần mô tả thông tin của trò chơi trên kho ứng dụng phải thể hiện số Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định phát hành; ngày, tháng, năm cấp; đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

3. Áp dụng các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi do doanh nghiệp cung cấp, bao gồm:

a) Nội dung quảng cáo, giới thiệu về trò chơi (trên chương trình quảng cáo, trên trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng của doanh nghiệp) phải đúng với nội dung, kịch bản, âm thanh, hình ảnh trong trò chơi đã được cấp phép, tuân thủ các quy định về quảng cáo và phải bao gồm các thông tin sau: Tên trò chơi; phân loại trò chơi theo độ tuổi; khuyến cáo về những tác động ngoài mong muốn về thể chất, tinh thần có thể xảy ra đối với người chơi;

b) Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ, xác thực và quản lý nội dung, thông tin của người chơi theo quy định của pháp luật, đảm bảo chỉ những người chơi đã cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định này mới được tham gia chơi trò chơi; cung cấp trò chơi có nội dung phù hợp với lứa tuổi; cảnh báo mức độ ảnh hưởng của việc chơi quá thời gian/ngày và áp dụng biện pháp giới hạn giờ chơi đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người chơi theo đúng quy tắc của trò chơi đã công bố; chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin; có bộ phận để tiếp nhận và giải quyết khiếu nại và các tranh chấp phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi.

5. Tuân thủ quy định về vật phẩm ảo, điểm thưởng, đơn vị ảo theo quy định tại Điều 57 Nghị định này.

6. Trường hợp ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải: Thông báo trên trang thông tin điện tử cung cấp trò chơi tối thiểu 90 ngày trước ngày dự kiến ngừng cung cấp dịch vụ (trừ trường hợp phải dừng, đình chỉ hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền); có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi; báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền cấp phép về các nội dung này 15 ngày trước ngày chính thức ngừng cung cấp dịch vụ.

7. Triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn, nội dung chia sẻ, trao đổi giữa các người chơi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này.

8. Không được quảng cáo trò chơi điện tử trên mạng khi chưa được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng hoặc cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng tại các diễn đàn, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và phương tiện thông tin đại chúng khác.

9. Nộp phí thẩm định trò chơi điện tử trên mạng theo quy định về phí và lệ phí.

10. Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định này và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.

11. Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền.

12. Tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản có liên quan về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, bảo mật thông tin của người chơi; Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin của người chơi cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

13. Tuân thủ quy định về việc phát hành và quản lý thẻ game theo quy định tại Điều 58 Nghị định này.

14. Kết nối với các hình thức thanh toán hợp pháp để thu tiền người chơi, thanh toán cho trò chơi điện tử trên mạng do doanh nghiệp phát hành.

15. Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Điều 55. Hội đồng tư vấn thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng và Tổ giúp việc của Hội đồng tư vấn thẩm định

1. Hội đồng tư vấn thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng bao gồm đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan, có trình độ chuyên môn phù hợp.

2. Hội đồng tư vấn thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng có nhiệm vụ tư vấn trong quá trình thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng và các trường hợp đặc biệt khác theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), bảo đảm công việc tư vấn thẩm định chặt chẽ, khách quan.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng.

4. Hội đồng tư vấn thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng được thành lập Tổ giúp việc để giúp việc cho Hội đồng liên quan đến việc thẩm định trò chơi điện tử G1 trên mạng. Tổ giúp việc do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thành lập.

Điều 56. Thông tin người chơi

1. Khi đăng ký tài khoản sử dụng trò chơi điện tử trên mạng, người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin sau đây: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam. Trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải lưu giữ các thông tin của người chơi trong suốt quá trình người chơi sử dụng dịch vụ và trong 06 tháng sau khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ, bảo đảm người chơi có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác; phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi.

Điều 57. Quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng chỉ được khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử trên mạng theo đúng nội dung mà doanh nghiệp đã báo cáo trong hồ sơ được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng, Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

2. Người chơi được dùng điểm thưởng hoặc đơn vị ảo có trong tài khoản trò chơi của mình để mua, đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khởi tạo trong chính trò chơi đó.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung trò chơi đã được phê duyệt, cấp Quyết định. Không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng (bằng tiền hoặc hiện vật thật bên ngoài trò chơi) vào giao diện, tính năng của trò chơi điện tử trên mạng.

4. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử trên mạng và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo, không được quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động, thẻ ngân hàng, thẻ mua hàng, thẻ game, thẻ quà tặng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử trên mạng.

5. Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

Điều 58. Quy định về phát hành thẻ game

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được phát hành và chịu trách nhiệm quản lý thẻ game.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng chỉ sử dụng thẻ game để cho phép người chơi nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng hợp pháp của chính doanh nghiệp đó hoặc của các doanh nghiệp khác trong một tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con của doanh nghiệp đó; không sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng không phép hoặc vào mục đích khác.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi phát hành thẻ game phải ban hành quy định nội bộ về phát hành thẻ áp dụng trong hệ thống của mình. Khi phát hành thẻ phi vật lý, doanh nghiệp phải xây dựng tài liệu mô tả quy trình mở/ngừng sử dụng thẻ, quy trình thực hiện giao dịch thẻ, quy trình quản lý rủi ro (bao gồm các bước: Nhận diện, đo lường, kiểm soát và xử lý rủi ro), phạm vi sử dụng thẻ và biện pháp kiểm soát việc sử dụng thẻ đúng phạm vi đã thỏa thuận.

Báo cáo về số lượng, mệnh giá thẻ, doanh thu do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phát hành trong báo cáo định kỳ của doanh nghiệp và gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.

4. Trước khi ngừng phát hành, sử dụng thẻ game 30 ngày, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động để theo dõi, quản lý.

Nội dung báo cáo: Tổng số số lượng thẻ đã phát hành, tổng số lượng thẻ đã nạp tiền, tổng số lượng thẻ còn tồn, mệnh giá thẻ, tổng doanh thu trong thời gian doanh nghiệp phát hành thẻ.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng gửi báo cáo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 59. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet

1. Từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng chưa được cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 37 Nghị định này.

2. Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng chưa được cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 37 Nghị định này hoặc theo quy định tại khoản 4 Điều 47 và khoản 4 Điều 53 Nghị định này.

3. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin; điều tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

4. Báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện các hành vi vi phạm trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

5. Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng triển khai biện pháp bảo vệ trẻ em và giới hạn giờ chơi đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Điều 60. Trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng chưa được cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 37 Nghị định này.

2. Thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng chưa được cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 37 Nghị định này hoặc theo quy định tại khoản 4 Điều 47 và khoản 4 Điều 53 Nghị định này.

3. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin; điều tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Điều 61. Quy định về cung cấp thông tin và chế độ báo cáo

1. Cung cấp thông tin:

a) Định kỳ hàng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) công bố và cập nhật danh sách các doanh nghiệp và các trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp phép; danh sách các trò chơi đã ngừng phát hành; danh sách các Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định đã bị đình chỉ, thu hồi, không còn hiệu lực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử);

b) Định kỳ hàng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương công bố và cập nhật danh sách các doanh nghiệp và các trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp phép, danh sách các trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã ngừng cung cấp, danh sách các Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận bị đình chỉ, thu hồi, không còn hiệu lực trên Cổng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Chế độ báo cáo:

a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng một lần (chậm nhất ngày 06 tháng 6 và chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm) theo Mẫu số 47 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp gửi báo cáo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương gửi báo cáo định kỳ 06 tháng một lần (chậm nhất ngày 08 tháng 6 và chậm nhất ngày 27 tháng 11 hàng năm) về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử tại địa phương hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu theo Mẫu số 48 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Sở Thông tin và Truyền thông địa phương gửi báo cáo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc gửi trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 62. Điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;

b) Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” ghi rõ tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là đại lý Internet thì thêm nội dung “Đại lý Internet”. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp thì thêm nội dung “Điểm truy nhập Internet công cộng”;

c) Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế và cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng áp dụng trên địa bàn;

b) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc phổ biến pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị danh sách các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được cấp và bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn, danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định/Giấy xác nhận phát hành và danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã bị thu hồi hoặc dừng hoạt động; thông báo cho các chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định/Giấy xác nhận phát hành và danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã bị thu hồi hoặc dừng hoạt động và thực hiện báo cáo định kỳ chậm nhất ngày 20 tháng 11 hàng năm về Sở Thông tin và Truyền thông các nội dung theo Mẫu số 49 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm.

Hình thức gửi báo cáo: Nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 63. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có thời hạn 03 năm.

2. Mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng quy định theo Mẫu số 50 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 64. Quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 51a hoặc Mẫu số 51b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Xuất trình chứng minh nhân dân/căn cước/căn cước công dân/hộ chiếu của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là cá nhân; bản sao chứng minh nhân dân/căn cước/căn cước công dân/hộ chiếu của cá nhân đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp quản lý điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp không thể tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

c) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 65. Sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trong thời hạn 10 ngày kể từ khi thay đổi các nội dung sau:

a) Thay đổi tên điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;

b) Thay đổi chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là cá nhân hoặc thay đổi người quản lý trực tiếp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là tổ chức, doanh nghiệp.

2. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận theo Mẫu số 52a hoặc Mẫu số 52b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các tài liệu có liên quan đến các thông tin thay đổi (nếu có).

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng sửa đổi, bổ sung thay thế cho Giấy chứng nhận cũ. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng sửa đổi, bổ sung có thời hạn bằng thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận cũ.

Điều 66. Gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Chậm nhất 30 ngày trước khi hết hạn Giấy chứng nhận đã được cấp, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân muốn gia hạn Giấy chứng nhận đã được cấp thực hiện thủ tục đề nghị cấp gia hạn Giấy chứng nhận.

Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn theo quy định tại Mẫu số 53a hoặc Mẫu số 53b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Xuất trình chứng minh nhân dân/căn cước/căn cước công dân/hộ chiếu của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là cá nhân; bản sao chứng minh nhân dân/căn cước/căn cước công dân/hộ chiếu của cá nhân đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp quản lý điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp không tra cứu được trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp 01 hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép  hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thẩm định và cấp gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng theo Mẫu số 54 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được gia hạn 01 lần và không quá 02 năm. Trong thời hạn được gia hạn Giấy chứng nhận, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 63, Điều 64 Nghị định này.

4. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng bị mất, bị hư hại không còn sử dụng được thực hiện đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử theo Mẫu số 55a hoặc Mẫu số 55b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng theo Mẫu số 50 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: Ngày cấp Giấy xác nhận lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

Điều 67. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động đối với một trong các trường hợp sau:

a) Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hết hiệu lực.

2. Trường hợp bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, sau thời hạn 01 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận, chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận mới nếu đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Điều 68. Trách nhiệm của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có trách nhiệm sau đây:

1. Được thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại địa điểm ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đã được cấp.

2. Được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet sau khi đã ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.

3. Được yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý Internet với mình hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ truy nhập Internet và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp đó.

4. Được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet, trò chơi điện tử do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức trên địa bàn.

5. Có bảng niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử ở nơi mọi người dễ nhận biết, bao gồm các điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 7, Điều 69 Nghị định này.

6. Có bảng niêm yết danh sách cập nhật các trò chơi điện tử trên mạng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phát hành tại điểm cung cấp dịch vụ kèm theo phân loại trò chơi theo độ tuổi (thông tin được cập nhật từ trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

7. Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng.

8. Không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.

9. Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

10. Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của người chơi

Người chơi có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được chơi các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng, cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 7 Nghị định này.

3.  Được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bảo đảm quyền lợi theo quy tắc của trò chơi điện tử và quy tắc giải quyết khiếu nại, tranh chấp được công bố trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

4. Lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp với độ tuổi của mình.

5. Không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

6. Thực hiện việc đăng ký thông tin người chơi theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định này, đảm bảo các thông tin đăng ký là chính xác.

7. Chấp hành quy định về quản lý giờ chơi, quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

 

Chương IV

CUNG CẤP DỊCH VỤ NỘI DUNG THÔNG TIN

TRÊN MẠNG VIỄN THÔNG DI ĐỘNG

Điều 70. Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là việc tổ chức, doanh nghiệp thiết lập hệ thống thiết bị tại Việt Nam để kết nối tới mạng viễn thông di động nhằm cung cấp nội dung thông tin tới người sử dụng dịch vụ viễn thông di động gắn liền với dịch vụ nhắn tin, dịch vụ thoại (dịch vụ gọi giá cao, dịch vụ gọi tự do, dịch vụ giải đáp thông tin) và dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động.

Đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là việc tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền các thông tin về tổ chức, doanh nghiệp, loại hình dịch vụ nội dung thông tin cung cấp, phương thức cung cấp dịch vụ và cam kết bảo đảm đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

2. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động thực hiện thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Viễn thông phải có Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật tại Nghị định này về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin chuyên ngành do mình cung cấp.

Đối với dịch vụ gọi tự do, dịch vụ gọi giá cao thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Đối với các dịch vụ nội dung thông tin cung cấp tới người sử dụng dịch vụ viễn thông di động gắn liền với dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động thì tổ chức, doanh nghiệp phải có Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận chuyên ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp.

3. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

b) Có nội dung thông tin bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 43 Điều 3 và khoản 2 Điều này; có phương án cung cấp dịch vụ và cam kết bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động quy định tại Điều 74 Nghị định này.

Điều 71. Quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 56 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập (hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14); hoặc Quyết định chức năng, nhiệm vụ hoặc Điều lệ hoạt động (đối với các tổ chức hội, đoàn thể) có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động;

c) Báo cáo hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 61 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong trường hợp cấp mới do Giấy chứng nhận đăng ký kết nối hết thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc không còn hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Thời hạn và quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động:

a) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông và chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ. Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động cho tổ chức, doanh nghiệp theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời, nêu rõ lý do và quy định pháp luật có liên quan.

3. Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có thời hạn theo đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp nhưng không quá 05 (năm) năm.

4. Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động không còn hiệu lực trong các trường hợp như sau:

a) Tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản;

b) Tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận tại khoản 2 Điều 73 Nghị định này.

Điều 72. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:

a) Tên tổ chức, doanh nghiệp;

b) Địa chỉ trụ sở chính;

c) Người đại diện theo pháp luật;

d) Tên dịch vụ nội dung thông tin (bổ sung dịch vụ mới, ngừng cung cấp dịch vụ, thay đổi tên dịch vụ);

đ) Mã, số viễn thông sử dụng để cung cấp dịch vụ;

e) Phương thức đăng ký, cung cấp dịch vụ.

Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung có hiệu lực tới ngày hết hiệu lực của Giấy chứng nhận được cấp ban đầu.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận theo Mẫu số 58 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh có liên quan về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Thời hạn và quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận:

a) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thẩm định, cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này sau khi cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký kết nối:

a) Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký kết nối hết hạn, tổ chức, doanh nghiệp muốn gia hạn giấy chứng nhận phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận theo Mẫu số 59 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thẩm định, cấp gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

 

 

c) Giấy chứng nhận được gia hạn 01 lần với thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày hết hạn của Giấy chứng nhận đề nghị gia hạn.

5. Cấp lại Giấy chứng nhận:

a) Tổ chức, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận bị mất, bị hư hại không còn sử dụng được thực hiện đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 60 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

d) Giấy chứng nhận được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy chứng nhận được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: Ngày cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

6. Việc xét cấp sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 70 Nghị định này.

Điều 73. Trình tự thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định này ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời hạn 03 tháng khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật An ninh mạng được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền;

b) Không tuân thủ quy định tại Điều 74 Nghị định này sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong các trường hợp sau:

a) Đến hết thời hạn bị đình chỉ, tổ chức, doanh nghiệp không báo cáo cơ quan quản lý và không có phương án khả thi để khắc phục vi phạm;

b) Có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động hoặc trả lại Giấy chứng nhận;

c) Tổ chức, doanh nghiệp không triển khai trên thực tế việc cung cấp dịch vụ sau 12 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận có hiệu lực.

3. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động:

a) Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện và thông báo về việc tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời hạn 03 tháng;

b) Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện và thông báo về việc tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ra thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp khắc phục. Sau 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn yêu cầu trong văn bản thông báo mà tổ chức, doanh nghiệp không khắc phục thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ban hành Quyết định đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời hạn 03 tháng;

c) Khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về việc tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) chuyển nội dung liên quan tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xác minh và có ý kiến để làm cơ sở cho việc thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này;

d) Khi tổ chức, doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định khoản 2 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Điều 74. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định này có trách nhiệm sau đây:

1. Được thiết lập hệ thống thiết bị và thuê đường truyền dẫn viễn thông để kết nối tới các doanh nghiệp viễn thông di động. Được cung cấp dịch vụ theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm) hoặc không định kỳ.

2. Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người sử dụng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định.

3. Thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng, khai thác kho số viễn thông, tài nguyên Internet theo quy hoạch và quy định quản lý tài nguyên viễn thông.

4. Bảo đảm cung cấp nội dung thông tin tới người sử dụng dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin cung cấp và đảm bảo đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định khi cung cấp dịch vụ.

5. Ban hành công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, hướng dẫn giải quyết khiếu nại cho người sử dụng biết trước khi cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Cung cấp dịch vụ theo đúng chất lượng, giá cước dịch vụ đã công bố với người sử dụng dịch vụ.

7. Đối với các dịch vụ cung cấp theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm), chỉ được cung cấp dịch vụ sau khi có xác nhận đồng ý của người sử dụng dịch vụ và có thông báo đăng ký dịch vụ thành công đến người sử dụng dịch vụ.

Phương thức xác nhận và thông báo: Qua tin nhắn ngắn SMS hoặc qua phương thức khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định theo quy định pháp luật.

Thông báo đăng ký dịch vụ thành công đến người sử dụng dịch vụ bao gồm các thông tin sau: Thuê bao đã đăng ký thành công [tên dịch vụ vừa đăng ký]; mã, số viễn thông để cung cấp dịch vụ; chu kỳ cước, giá cước; cách hủy; tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ.

8. Bảo đảm cho người sử dụng khả năng từ chối dịch vụ; hủy dịch vụ; tra cứu lịch sử các giao dịch trừ cước trong vòng 180 ngày kể từ ngày đăng ký; truy vấn miễn phí các dịch vụ thông tin đã đăng ký bằng các hình thức phù hợp (nhắn tin tới số dịch vụ, gọi điện đến tổng đài hỗ trợ hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của doanh nghiệp và các hình thức khác). Trường hợp thuê bao đã yêu cầu hủy dịch vụ, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải gửi ngay tin nhắn thông báo về kết quả xử lý.

9. Bảo đảm cung cấp dịch vụ theo đúng các yêu cầu của người sử dụng đã đăng ký; không thực hiện việc thu tiền dịch vụ đối với các dịch vụ nội dung thông tin mà người sử dụng không nhận được hoặc nhận được nội dung thông tin không đầy đủ, hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu đã đăng ký.

10. Nội dung quảng cáo về dịch vụ phải bao gồm các thông tin sau: Tên dịch vụ, cách đăng ký, chu kỳ cước, giá cước, cách từ chối, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ. Việc quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

11. Lưu trữ tối thiểu 12 tháng đối với các nội dung thông tin đã cung cấp; lưu trữ tối thiểu 24 tháng dữ liệu xử lý các yêu cầu đăng ký, yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ, chi tiết cước, thông tin khiếu nại của người sử dụng và kết quả xử lý khiếu nại kể từ ngày tiếp nhận, xử lý để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.

12. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải có tổng đài hỗ trợ, tư vấn cho người sử dụng dịch vụ.

13. Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chịu sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

15. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định tại Điều 77 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 75. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông di động

Doanh nghiệp viễn thông di động khi hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định này có trách nhiệm sau đây:

1. Thực hiện hợp tác kinh doanh với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo nguyên tắc sau đây:

a) Thông qua thương lượng trên cơ sở bảo đảm công bằng, hợp lý, phù hợp với quyền, lợi ích của các bên tham gia;

b) Sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và cơ sở hạ tầng viễn thông;

c) Bảo đảm hoạt động an toàn, thống nhất của các mạng viễn thông;

d) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm bí mật thông tin của người sử dụng theo quy định của pháp luật;

đ) Cung cấp kết nối cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động về mặt kỹ thuật trên mạng viễn thông và thực hiện kết nối kịp thời, hợp lý, công khai, minh bạch;

e) Không phân biệt đối xử về kết nối, giá cước, thanh toán, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông.

2. Chịu trách nhiệm kiểm soát quy trình, hệ thống cung cấp dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, đảm bảo việc đăng ký, xác thực, từ chối, gia hạn, hủy dịch vụ, thu cước và thông báo tới người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.

3. Chịu trách nhiệm đảm bảo chỉ kết nối để cung cấp dịch vụ với các dịch vụ nội dung tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tạm ngừng, ngừng kết nối hoặc từ chối kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp viễn thông di động phát hiện hoặc đã xác thực các thông tin phản ánh về các nội dung, dịch vụ vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

b) Có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao). Thời gian thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu;

c) Có Quyết định đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối theo quy định tại Nghị định này hoặc có Quyết định thu hồi hoặc thông báo chấp nhận hoàn trả mã, số viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông;

d) Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động không có Giấy chứng nhận hoặc Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực.

5. Các doanh nghiệp viễn thông di động thống nhất sử dụng mã, số viễn thông phù hợp quy hoạch về kho số để người sử dụng dịch vụ truy vấn thông tin các dịch vụ nội dung thông tin đang sử dụng. Nội dung thông tin cung cấp cho người sử dụng bao gồm: Tên dịch vụ; mã, số viễn thông cung cấp dịch vụ; chu kỳ cước; giá cước; cách hủy dịch vụ.

6. Gửi thông báo tới thuê bao vào ngày 25 hàng tháng để thông tin tới người sử dụng về dịch vụ nội dung đang sử dụng (bao gồm các thông tin: Tên dịch vụ; gói dịch vụ đang đăng ký; giá cước dịch vụ) qua tin nhắn ngắn SMS hoặc các phương thức khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.

7. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động để giải quyết khiếu nại, tranh chấp về giá cước, chất lượng dịch vụ cho người sử dụng theo quy định tại Điều 76 Nghị định này.

8. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định tại Điều 77 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan có thẩm quyền.

Điều 76. Giải quyết khiếu nại về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Doanh nghiệp viễn thông di động và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có nghĩa vụ thực hiện trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý khiếu nại theo các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và quy định pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp phát hiện thu phí sử dụng dịch vụ nội dung sai quy định, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm hoàn trả lại phần phí dịch vụ đã thu sai cho người sử dụng dịch vụ trong vòng 30 ngày kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại.

Điều 77. Chế độ báo cáo

1. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm theo Mẫu số 61 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Báo cáo nộp trực tiếp, qua đường bưu chính, qua phương tiện điện tử hoặc dịch vụ công trực tuyến tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.

2. Tổ chức, doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 01 năm một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Tổ chức, doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm theo Mẫu số 62 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Tổ chức, doanh nghiệp gửi báo cáo đến trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 78. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

Người sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được sử dụng các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.

2. Tuân thủ quy định sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật.

3. Tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc quyết định sử dụng dịch vụ của mình.

4. Có quyền khiếu nại, tố cáo khi chất lượng dịch vụ, nội dung dịch vụ không đúng với nội dung dịch vụ mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động đã công bố, thỏa thuận.

 

Chương V

GIÁM SÁT THÔNG TIN VÀ NGĂN CHẶN, GỠ BỎ THÔNG TIN

VI PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN MẠNG

Điều 79. Giám sát thông tin trên mạng

1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an triển khai hệ thống kỹ thuật phục vụ giám sát, thu thập thông tin trên mạng trong phạm vi cả nước.

2. Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm sau đây:

a) Triển khai các biện pháp giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên mạng trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp theo hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an (đối với các vi phạm về bản quyền, sở hữu trí tuệ thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định có liên quan);

b) Cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến thuê bao viễn thông, Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên mạng đảm bảo có thể tra cứu, định danh chính xác tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) hoặc của Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).

Điều 80. Ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng

1. Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện, hoặc phối hợp thực hiện ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên mạng liên quan tới lĩnh vực, địa bàn quản lý. Trường hợp cần thiết, kịp thời gửi thông tin vi phạm pháp luật trên mạng liên quan tới lĩnh vực, địa bàn quản lý tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để xử lý.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) là đầu mối chỉ đạo và giám sát tuân thủ đối với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp khác thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet thực hiện từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

4. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông có trách nhiệm:

a) Thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao);

b) Từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao);

c) Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet kết nối, nhận yêu cầu điều phối, báo cáo kết quả qua hệ thống kỹ thuật và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).

5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm:

a) Triển khai các giải pháp trên thiết bị truy cập mạng do doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng để bảo vệ người sử dụng không truy cập vào các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thông tin mạng; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao);

b) Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn và điều phối các doanh nghiệp triển khai các giải pháp theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

 

 

Điều 81. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền phải quy định trong hợp đồng cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đăng ký, duy trì tên miền nội dung yêu cầu tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ có trách nhiệm:

1. Không cung cấp, đăng tải, lưu giữ, truyền đưa các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật khi sử dụng dịch vụ Internet.

2. Thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP VÀ THI HÀNH

Điều 82. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2013/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp.

Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp nếu có hoạt động liên kết với cơ quan báo chí theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 24 Nghị định này thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 29 Nghị định này.

2. Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2013/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp.

Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tiến hành rà soát và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) về tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trong thời gian 06 tháng liên tục) và số lượng người sử dụng thường xuyên trong tháng trên mạng xã hội do mình quản lý.

3. Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp.

4. Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được cấp sẽ hết hiệu lực khi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng đã cấp cho doanh nghiệp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP hết hiệu lực.

5. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP phải tiến hành rà soát, thống kê và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) về các trò chơi đang phát hành (danh sách và số lượng trò chơi đã được cấp phép kèm theo thông tin về trò chơi gồm: Tên trò chơi, phân loại độ tuổi, nguồn gốc trò chơi, phạm vi, phương thức cung cấp dịch vụ; danh sách và số lượng trò chơi đã dừng phát hành).

6. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 của liên Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến tiến hành rà soát, thống kê các trò chơi đang phát hành và thực hiện thủ tục đề nghị cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng theo quy định tại Điều 43, Điều 44 Nghị định này.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) tiến hành thẩm định và cấp lại Quyết định đối với những trò chơi điện tử G1 trên mạng đáp ứng các điều kiện theo quy định hoặc có văn bản thông báo dừng phát hành đối với những trò chơi điện tử G1 trên mạng không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 43 Nghị định này.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo dừng phát hành của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thì doanh nghiệp phải dừng phát hành trò chơi.

7. Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp sẽ hết hiệu lực khi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã cấp cho doanh nghiệp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP hết hiệu lực.

8. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP phải tiến hành rà soát, thống kê và báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động về các trò chơi đang phát hành (danh sách và số lượng trò chơi đã được cấp phép kèm theo thông tin về trò chơi gồm: Tên trò chơi, phân loại độ tuổi, nguồn gốc trò chơi, loại hình trò chơi cung cấp (G2, G3, G4), phạm vi, phương thức cung cấp dịch vụ); danh sách và số lượng trò chơi đã dừng phát hành.

9. Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động sẽ hết hiệu lực sau 90 ngày kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực. Để tiếp tục cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định này, các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại Điều 71 Nghị định này.

10. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 23 và điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định này.

11. Sau 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 5, khoản 6, khoản 8, khoản 10 Điều này thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

12. Đối với hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Quyết định/Giấy xác nhận nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa được cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Quyết định/Giấy xác nhận thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018, Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, trừ trường hợp các bên lựa chọn áp dụng quy định của Nghị định này.

Điều 83. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 12 năm 2024.

2. Bãi bỏ các quy định sau:

a) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

b) Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

c) Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Điều 84. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung quy định tại Điều 9, khoản 2 Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 19 Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành                    Nghị định này.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 [daky]

 

Hồ Đức Phớc

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hồ Đức Phớc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.