• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/08/2017
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 304/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 23 tháng 11 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Áp dụng thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên.

Điều 2. Mục tiêu:

1. Tạo điều kiện ổn định và cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2002 và số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là các Quyết định số 132 và 134) về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên và một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

2. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ở các tỉnh Tây Nguyên một cách bền vững. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hoá nghề rừng để rừng và đất rừng phải có chủ thực sự.

Điều 3. Nguyên tắc chỉ đạo:

1. Giao rừng, khoán bảo vệ rừng phải đảm bảo yêu cầu tạo điều kiện ổn định và cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trước hết là các hộ thuộc đối tượng của các Quyết định số 132 và 134 ở các tỉnh Tây Nguyên; các khu rừng được giao, được khoán bảo vệ phải bảo đảm ổn định và phát triển.

2. Việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng phải được bàn bạc dân chủ, tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc và thủ tục phải đơn giản, phù hợp với thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

3. Lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, gắn với việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ trong các chương trình của nhà nước.

Điều 4. Đối tượng và hạn mức giao rừng, khoán bảo vệ rừng:

1. Đối tượng rừng được giao và khoán bảo vệ:

a) Rừng được khoán bảo vệ: Là các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các khu rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa. Các loại rừng này được ngân sách nhà nước đầu tư khoán bảo vệ.

b) Rừng được giao là rừng sản xuất, bao gồm :

- Rừng tự nhiên đang được quy hoạch là rừng sản xuất và các loại rừng sau khi quy hoạch lại được chuyển thành rừng sản xuất, nhưng không thuộc loại rừng được khoán bảo vệ nêu trên.

- Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch để trồng rừng sản xuất.

- Rừng sản xuất do lâm trường, công ty quản lý được sắp xếp, tổ chức lại theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

- Rừng thiêng, rừng nghĩa trang, rừng phòng hộ bảo vệ mỏ nước của buôn, làng... do Ủy ban nhân dân xã hoặc cộng đồng dân cư đang quản lý sử dụng.

2. Đối tượng được giao rừng và khoán bảo vệ rừng:

a) Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống tại xã có rừng, có nhu cầu được giao rừng và khoán bảo vệ rừng; trước hết ưu tiên đồng bào là người dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ thuộc các đối tượng quy định tại các Quyết định số 132 và 134 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Các cộng đồng dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số sống trong buôn, làng có cùng phong tục tập quán, truyền thống và có nhu cầu được giao rừng, khoán bảo vệ rừng.

3. Hạn mức giao rừng và khoán bảo vệ rừng:

a) Giao rừng: Căn cứ vào quỹ rừng, quỹ đất quy hoạch là rừng sản xuất của xã, số lượng hộ gia đình (thuộc đối tượng của các Quyết định số 132 và số 134) và cộng đồng dân cư trong xã có nguyện vọng được giao rừng, Ủy ban nhân dân xã lập phương án giao rừng, bảo đảm diện tích rừng giao cho một hộ gia đình không quá 30 ha (theo Luật Đất đai năm 2003); nếu có đất nông nghiệp trong khu vực rừng được giao thì diện tích rừng giao bình quân không quá 25 ha một hộ; diện tích rừng giao cho cộng đồng tuỳ theo quỹ rừng và nhu cầu được giao rừng của từng cộng đồng.

b) Khoán bảo vệ rừng: Căn cứ quỹ rừng thuộc địa bàn của xã (rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa và rừng sản xuất thuộc các lâm trường, nông trường quốc doanh quản lý), số lượng hộ gia đình (thuộc đối tượng của các Quyết định số 132 và số 134) và cộng đồng có nhu cầu nhận khoán bảo vệ rừng; các chủ rừng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân xã lập phương án và triển khai khoán bảo vệ rừng cho các bên nhận khoán. Diện tích rừng khoán cho hộ gia đình không thấp hơn mức bình quân chung toàn quốc từ 15 - 20 ha/hộ; diện tích rừng khoán cho cộng đồng tuỳ theo quỹ rừng và nhu cầu nhận khoán của cộng đồng.

Điều 5. Quyền lợi của người được giao rừng và đất trồng rừng sản xuất: 

1. Được hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích rừng được giao.

2. Được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách khuyến lâm, khuyến nông của nhà nước.

3. Nếu là hộ nghèo đang thiếu đói thì được trợ cấp 10 kg gạo/khẩu/tháng để cứu đói trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời hạn trợ cấp gạo do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

4. Các hộ được giao rừng và đất trồng rừng sản xuất là đối tượng của các Quyết định số 132 và số 134 thì tiếp tục được hưởng các chính sách đã quy định trong các Quyết định này, cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở.

b) Hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để khai hoang diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

c) Hỗ trợ 400.000 đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước sinh hoạt.

5. Được hưởng các chính sách ưu đãi khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 6. Quyền lợi của người nhận khoán bảo vệ rừng:

1. Được hưởng tiền khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/năm.

2. Được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất (nếu có nhu cầu trồng rừng, làm giầu rừng nhận khoán) và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách khuyến lâm, khuyến nông của nhà nước.

3. Nếu là hộ nghèo đang thiếu đói thì được trợ cấp 10 kg gạo/khẩu/tháng để cứu đói trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời hạn trợ cấp gạo do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

4. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng là đối tượng của các Quyết định số 132 và số 134 thì tiếp tục được hưởng các chính sách đã quy định trong các Quyết định này, cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở.

b) Hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để khai hoang diện tích đất sản xuất nông nghiệp (chỉ được áp dụng tại các vùng đệm của rừng đặc dụng hoặc các vùng rừng phòng hộ ít xung yếu, nếu có đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp thì hộ nhận khoán bảo vệ rừng phải báo cáo với chủ rừng để chủ rừng báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền giao đất, xem xét cho phép mới được khai hoang).

c) Hỗ trợ 400.000 đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước sinh hoạt.

5. Được hưởng các chính sách ưu đãi khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 7. Nghĩa vụ của hộ gia đình và cộng đồng khi được giao rừng, khoán bảo vệ rừng.

1. Quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đúng mục đích, ranh giới đã ghi trong quyết định giao rừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

2. Tổ chức sản xuất, phát triển rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, quy chế, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng và các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

3. Thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định chung tại địa phương.

Điều 8. Nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1. Khẩn trương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên rà soát, quy hoạch lại các loại rừng; xác định rõ diện tích các loại rừng: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng phải đóng cửa rừng, rừng sản xuất và đất quy hoạch trồng rừng sản xuất để làm cơ sở cho việc giao, khoán bảo vệ rừng. Việc này phải làm xong trong Quý I năm 2006.

2. Khẩn trương thẩm định Đề án Đổi mới, sắp xếp và phát triển lâm trường quốc doanh (theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2005.

3. Xây dựng quy trình, sổ tay hướng dẫn phương pháp thực hiện thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng; hướng dẫn chỉ đạo công tác khuyến lâm, khuyến nông.

4. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện thí điểm việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo nội dung Quyết định này; xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền Bộ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết thí điểm và đề xuất các chủ trương tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 9. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối kinh phí, bảo đảm cho việc thực hiện thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành đúng tiến độ, theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các Bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan, tuỳ theo chức năng của Bộ, ngành được giao, căn cứ vào nội dung Quyết định này, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện.

Điều 10. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên:

1. Chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng trong buôn, làng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn các xã xây dựng phương án giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện trên địa bàn.

Điều 11. Tiến độ thực hiện:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp triển khai việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo các nội dung của Quyết định này và hoàn thành vào quý III năm 2006.

Điều 12. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành:

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quyết định này thay thế Quyết định số 1174/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc; Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.