• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/04/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 12/2004/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 30 tháng 3 năm 2004

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2004

 

Sau hơn một năm thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các Bộ, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo kiên quyết và đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nhân dân và ngành Giao thông vận tải, nên bước đầu đã kiềm chế được tỷ lệ tăng tai nạn giao thông, giảm đáng kể nạn ùn tắc giao thông. So với năm 2002, trong khi hạ tầng giao thông vận tải chưa được cải thiện nhiều, phương tiện tham gia giao thông vẫn tiếp tục tăng cao, số vụ tai nạn giao thông năm 2003 đã giảm được 7.762 vụ (giảm 27,2%), giảm 1.046 người chết (giảm 8,1%) và 11.084 người bị thương (giảm 34,8%); tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể số điểm thường xảy ra ùn tắc; đặc biệt, trong thời gian Sea Games 22 đã không để xảy ra ùn tắc giao thông ở các nơi có các hoạt động thi đấu.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa vững chắc và chưa đồng đều, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông còn lớn, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề xã hội rất bức xúc. Trong tháng 02 năm 2004, tai nạn giao thông ở 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cả về số vụ, số người chết và bị thương, trong đó có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Quán triệt và chấp hành nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy kết quả bước đầu đã đạt được, trong năm 2004 phải phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu: tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2003, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp thu các ý kiến tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 08 tháng 3 năm 2004, hoàn chỉnh Báo cáo công tác trật tự an toàn giao thông năm 2003, gửi đến các cơ quan liên quan và tất cả các địa phương trong tháng 4 năm 2004. Trên cơ sở Báo cáo này, các Bộ, ngành liên quan và địa phương, nhất là các địa phương thời gian qua không giảm được tỷ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn, báo cáo cấp uỷ Đảng và tổ chức sơ kết đánh giá, kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ ở ngành, địa phương mình; trong đó lưu ý không đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan mà cần tập trung làm rõ trách nhiệm chủ quan trong việc chỉ đạo và thực hiện các giải pháp an toàn giao thông trong năm 2003; đồng thời tập trung bàn thực hiện đồng bộ cụ thể 12 giải pháp nêu trong Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong năm 2004, phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của ngành Công an và Giao thông vận tải.

2. Yêu cầu các cấp, các ngành:

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của mọi tầng lớp nhân dân; coi đây là biện pháp cơ bản, lâu dài để làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và xây dựng nếp sống văn minh.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các đoàn viên, hội viên và nhân dân trên từng địa bàn dân cư; đẩy mạnh cuộc vận động phong trào "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông" với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Bộ Văn hóa thông tin chủ trì phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tổ chức thường xuyên chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, biểu dương người tốt, việc tốt, phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, phê phán những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạo dư luận xã hội đồng thuận với các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các biện pháp kiên quyết của các lực lượng thực thi pháp luật; việc tuyên truyền phải khách quan và tất cả vì mục tiêu làm giảm tai nạn giao thông, vì an toàn của mỗi người và lợi ích của xã hội, tránh những thông tin một chiều, không có lợi, gây phân tâm và khó khăn trở ngại trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng chương trình giáo dục pháp luật về giao thông, ý thức chấp hành pháp luật phù hợp với từng cấp học; hướng dẫn các trường tổ chức và vận động sinh viên, học sinh sử dụng phương tiện giao thông công cộng; hạn chế phương tiện xe máy cá nhân và không để học sinh chưa đủ tuổi đi học bằng xe máy.

3. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển vận tải công cộng trên địa bàn lãnh thổ, đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai đầu tư trước các công trình nhằm xoá những "điểm đen" về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; có biện pháp nhanh chóng khắc phục các giao cắt đồng mức; phát triển mạng đường bộ cao tốc trên các tuyến có mật độ giao thông cao, chỉ đạo khẩn trương xây dựng hệ thống giao thông bánh sắt đô thị trên cao và đi ngầm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ chính sách phát triển đầu tư cho phương tiện giao thông công cộng phù hợp, có trọng điểm đối với các vùng, địa phương.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực:

a) Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an:

- Trong tháng 4 năm 2004 trình Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, để thống nhất thực hiện trong cả nước các biện pháp kiên quyết được nhiều địa phương áp dụng thời gian qua có kết quả tốt, như tạm giữ phương tiện vi phạm có thời hạn, đánh dấu số lần vi phạm trên Giấy phép lái xe, tịch thu xe và bán phát mãi đưa vào công quỹ khi có hành vi đua xe trái phép...

- Có biện pháp kiên quyết, cụ thể để chấn chỉnh công tác đào tạo lái xe, việc sát hạch cấp giấy phép, nâng cấp bằng lái xe, nhất là đối với bằng lái xe khách, xe tải nặng, taxi; có biện pháp cụ thể ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm để khắc phục bằng được tệ nạn lái xe nghiện ma tuý, nghiện rượu bia.

- Tăng cường công tác kiểm định kỹ thuật an toàn phương tiện, có lộ trình phù hợp để hạn chế tiến tới loại bỏ xe công nông, xe lôi... kiên quyết không để xe quá hạn, xe không đủ tiêu chuẩn an toàn lưu hành trên đường.

- Điều chỉnh phù hợp hệ thống biển báo tốc độ, nhất là ở các tuyến quốc lộ, bảo đảm an toàn và giao thông bình thường.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ. Chấn chỉnh công tác quản lý vận tải hành khách, có biện pháp kiên quyết để xoá bỏ tệ nạn "cơm tù", nạn cưỡng đoạt tài sản hành khách, "nạn xe dù, bến cóc", tranh giành khách và các tệ nạn khác tại bến xe; có biện pháp cụ thể để phòng tránh tai nạn đò ngang, đò dọc trên sông và đường ngang đường sắt.

5. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm: đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, hữu hiệu nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn hiện nay.

Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan có liên quan và Uỷ ban nhân dân các địa phương tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Thanh niên xung kích để tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý kịp thời, kiên quyết các vi phạm trên các tuyến đường có tỷ lệ tai nạn giao thông cao, nhất là các quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 51... Phải bảo đảm thường xuyên có lực lượng tuần tra kiểm soát, nhất là vào những thời điểm, những đoạn đường thường xảy tai nạn.

Phát hiện và xử lý thật nghiêm những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, như phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hoặc lái xe trong tình trạng say bia rượu, lái xe nghiện ma tuý, phải tập trung chỉ đạo ngăn chặn không để xảy ra các hành vi đua xe trái phép

Trong khi chờ sửa đổi Nghị định số 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ, cho phép thực hiện việc tạm giữ phương tiện vi phạm theo hướng dẫn của Bộ Công an. Việc bấm lỗ bằng lái khi lái xe có vi phạm, Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xử lý bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả không để xảy ra tiêu cực. Để giảm thiểu thương vong cho người tham gia giao thông do chấn thương sọ não, mỗi địa phương chọn một số điểm thích hợp trên một số quốc lộ để chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm.

Đối với các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải đưa ra truy tố trước pháp luật.

6. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân công các thành viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hàng quý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện.

Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.