• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/07/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2006
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 69/2001/QĐ-BNN-KL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 26 tháng 6 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng búa Bài cây và búa Kiểm lâm

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

- Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12-8-1991;

- Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1-11-1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Theo đề nghị của Ông Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý, sử dụng búa bài cây và búa Kiểm lâm".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 300/LN-KL ngày 12-8-1991 và Quyết định số 302/ LN-KL ngày 12-8-1991 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Những quy định trước đây trái quy định của Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện; Chánh Thanh tra Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

Quy chế

Quản lý, sử dụng búa bài cây và búa Kiểm lâm

(Ban hành theo Quyết định số 69/2001/QĐ-BNN-KL

ngày 26 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Chương I: Quy định chung

Điều 1. Búa Bài cây và búa Kiểm lâm

1. Búa Bài cây là loại búa được chế tạo bằng thép theo mẫu thống nhất sử dụng trong cả nước, dùng để đóng vào gỗ thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này. Mặt búa hình vuông, mỗi cạnh 30 mm, bên trong hình vuông có chữ QL và số hiệu búa (có mẫu búa Bài cây kèm theo).

2. Búa Kiểm lâm là loại búa được chế tạo bằng thép theo mẫu thống nhất sử dụng trong cả nước, dùng để đóng vào gỗ thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy chế này. Mặt búa hình tròn, có đường kính 32 mm, trong hình tròn có chữ KL và số hiệu búa (có mẫu búa Kiểm lâm kèm theo).

Điều 2. Mục đích, đối tượng đóng búa Bài cây:

1. Mục đích đóng búa Bài cây:

a) Xác định đúng cây gỗ được phép khai thác.

b) Xác định quyền sở hữu gỗ của chủ rừng.

c) Làm cơ sở kiểm tra, đóng dấu búa Kiểm lâm.

2. Đối tượng đóng búa Bài cây: Tất cả các loại gỗ khai thác ở rừng tự nhiên trong nước có đường kính đầu lớn từ 25 cm trở lên phải được đóng búa Bài cây, gồm:

a) Gỗ trong thiết kế khai thác chính.

b) Gỗ khai thác với mục đích thương mại từ rừng khoanh nuôi bằng nguồn vốn của Nhà nước.

c) Gỗ tận dụng trong khai thác chính.

d) Gỗ thuộc các đối tượng khai thác tận dụng, tận thu gỗ nằm từ rừng tự nhiên.

e) Gỗ được cắt ngắn hoặc xẻ nhống từ cây gỗ đã có dấu búa Bài cây thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này.

Điều 3. Mục đích, đối tượng, đóng búa Kiểm lâm:

1. Mục đích đóng búa Kiểm lâm:

a) Chứng nhận gỗ đã khai thác hợp pháp.

b) Xác định xuất xứ của gỗ khai thác.

c) Xác nhận gỗ hợp pháp để cho phép lưu thông.

2. Đối tượng đóng búa Kiểm lâm:

a) Gỗ nguyên liệu khai thác trong nước: Tất cả các loại gỗ tròn nguyên liệu khai thác trong nước có đường kính đầu lớn từ 25 cm trở lên, chiều dài từ 1m trở lên; các loại gỗ xẻ nguyên liệu, gỗ đẽo có chiều dày từ 5 cm trở lên, chiều rộng từ 20 cm trở lên và chiều dài từ 1m trở lên phải được đóng dấu búa Kiểm lâm, gồm:

a.1) Gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước thuộc các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

a.2) Gỗ khai thác từ cây trồng phân tán và rừng trồng có tên gỗ trùng với tên gỗ rừng tự nhiên đã được Hạt Kiểm lâm sở tại hoặc UBND xã chứng nhận.

a.3) Gỗ nguyên liệu có quy cách quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đã có dấu búa Kiểm lâm nhưng được cắt ngắn để tiếp tục vận chuyển.

a.4) Gỗ đã có quyết định xử lý tịch thu.

b) Gỗ nhập khẩu:

b.1) Gỗ tròn hoặc gỗ xẻ nhập khẩu chính ngạch được cắt ngắn hoặc gỗ xẻ được xẻ ra từ gỗ tròn có quy cách như điểm a khoản 2 Điều này.

b.2) Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ có nguồn gốc nhập khẩu, nhưng không có dấu búa của nước xuất khẩu thì cũng phải đóng búa Kiểm lâm.

Điều 4. Trách nhiệm chế tạo, quản lý, sử dụng búa bài cây, búa Kiểm lâm

1. Cục Phát triển Lâm nghiệp có trách nhiệm chế tạo búa Bài cây, Quyết định cấp, thu hồi Búa bài cây, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng búa Bài cây của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cục Kiểm lâm có trách nhiệm chế tạo búa Kiểm lâm, Quyết định cấp, thu hồi búa Kiểm lâm, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm của các Chi cục Kiểm lâm.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý búa Bài cây và Quyết định giao cho đơn vị, Công chức thực hiện việc đóng búa Bài cây.

4. Chi cục Kiểm lâm quản lý búa Kiểm lâm, Quyết định giao búa Kiểm lâm cho các Hạt Kiểm lâm, Hạt Phúc Kiểm lâm sản (sau đây gọi là Hạt Kiểm lâm), Đội Kiểm lâm cơ động để thực hiện đóng búa Kiểm lâm.

Điều 5. Lập lý lịch gỗ, đánh số thứ tự đầu lóng gỗ tròn và gỗ xẻ

1. Chủ rừng hoặc chủ gỗ có trách nhiệm phân loại gỗ, lập lý lịch gỗ theo quy định, viết số thứ tự bằng sơn theo lý lịch gỗ (chủ rừng có thể đóng thêm dấu búa chữ, búa số) vào hai đầu lóng gỗ tròn và gỗ xẻ; xuất trình hồ sơ thiết kế khai thác được duyệt, giấy phép khai thác và thống nhất với cơ quan Kiểm lâm sở tại về thời gian, địa điểm đóng búa Kiểm lâm.

2. Đối với gỗ xử lý tịch thu, cơ quan Kiểm lâm đánh số thứ tự theo lý lịch gỗ bằng sơn vào hai đầu lóng (khúc) gỗ tròn hoặc gỗ xẻ.

Điều 6. Phương pháp đo đếm gỗ

1. Đối với gỗ tròn

a) Đo chiều dài: Dùng thước dây để đo, phải đặt thẳng thước, sau mỗi thước đo phải vạch dấu, rồi mới đo tiếp. Nếu hai đầu gỗ cắt bằng thì đo từ mặt cắt ngang đầu gỗ này đến mặt cắt ngang đầu gỗ kia; nếu một đầu gỗ cắt xiên, lệch thì đo ở đầu mép cắt có chiều dài ngắn nhất; nếu đầu gỗ có sẹo, bịn thì đo từ mép trong lỗ sẹo; đơn vị tính mét (m) lấy 2 số lẻ.

b) Đo đường kính (hoặc vanh): Dùng thước kẹp hoặc thước dây không co dãn để đo, đo đường kính (hoặc vanh) hai đầu cây gỗ cả dác, không kể vỏ.

Nếu đo bằng thước kẹp hoặc thước dây phải đo ở hai đầu lóng (khúc) gỗ, cách mặt cắt ngang mỗi đầu lóng (khúc) gỗ 10 cm, lấy số trung bình cộng, đơn vị tính cen ti mét (cm), lấy một số lẻ, phải đặt thước thẳng góc thân cây.

c) Chủ rừng hay chủ gỗ ghi vào lý lịch gỗ loại thước kẹp hay thước dây đã dùng khi đo gỗ, các đơn vị có chức năng kiểm tra cũng phải dùng loại thước đó để đo lại gỗ.

2. Đối với gỗ xẻ, gỗ đẽo: đo đếm cụ thể từng hộp, phách, tấm, gỗ đẽo theo ba chiều: chiều dày và chiều rộng đơn vị tính cen ti mét (cm), lấy một số lẻ; chiều dài đơn vị tính mét (m) và lấy hai số lẻ để tính khối lượng gỗ.

Trường hợp các mặt gỗ xẻ hoặc mặt gỗ đẽo bị chéo, không tạo thành hình hộp thì đo ở các chiều có kích thước nhỏ nhất.

3. Đối với gỗ bổ đôi, bổ tư: trên cơ sở gỗ đã được bổ, xác định đường kính bình quân cây gỗ, từ đó tính khối lượng cây gỗ đã được bổ, nếu bổ đôi thì lấy khối lượng cây gỗ chia hai, bổ tư thì chia tư, sau đó tính khối lượng từng loại gỗ

.4. Sai số cho phép trong đo đếm về khối lượng đối với gỗ tròn là ± 10%, gỗ xẻ là ± 5%.

5. Trường hợp gỗ có khuyết tật như rỗng ruột, mục trong, mục ngoài...thì được trừ phần khối lượng gỗ khuyết tật đó trong quá trình đo đếm. Phương pháp xác định gỗ rỗng ruột, mục trong, mục ngoài như sau:

a) Rỗng ruột, mục trong: đo đường kính lớn nhất gỗ bị rỗng ruột, mục trong ở mặt cắt ngang lóng (khúc) gỗ, đo chiều dài phần gỗ bị rỗng ruột, mục trong; tính khối lượng gỗ bị rỗng ruột, mục trong, lấy khối lượng của lóng (khúc) gỗ trừ khối lượng gỗ bị rỗng ruột, mục trong, được khối lượng gỗ thực tế sử dụng.

b) Mục ngoài: đo chỗ mục sâu nhất (d) của mặt cắt ngang lóng (khúc) gỗ; lấy đường kính của cả lóng (khúc) gỗ (D) trừ đường kính phần mục (d); sau đó tính khối lượng thực tế sử dụng.

c) Khối lượng gỗ khuyết tận được trừ do rỗng ruột, mục trong, mục ngoài của từng lóng (khúc) phải ghi vào lý lịch gỗ, làm cơ sở cho các đơn vị có chức năng kiểm tra khi tiến hành phúc tra khối lượng.

Điều 7. Nghiêm cấm làm những việc sau:

1. Đóng búa Bài cây vào gỗ không thuộc đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quy chế này hoặc đóng búa Bài cây vào gỗ ngoài diện tích thiết kế khai thác gỗ đã được duyệt.

2. Đóng búa Kiểm lâm vào gỗ không thuộc đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế này hoặc đóng búa Kiểm lâm ra ngoài phạm vi quản lý.

3. Cho người khác mượn búa Bài cây, búa Kiểm lâm.

4. Xoá dấu búa Kiểm lâm đã đóng trên gỗ.

5. Chế tạo, sử dụng búa Bài cây giả, búa Kiểm lâm giả.

Chương II: Quản lý, sử dụng Búa Bài cây

Điều 8. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:

1. Trước Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp và pháp luật trong việc quản lý, sử dụng búa Bài cây ở địa phương, đơn vị mình.

2. Khi tiến hành thiết kế khai thác: Quyết định giao búa Bài cây cho đơn vị thiết kế khai thác hoặc cho đơn vị quản lý nghiệp vụ Lâm nghiệp thực hiện việc đóng búa Bài cây; sau khi kết thúc đợt thiết kế khai thác ra Quyết định thu hồi búa; khi giao, thu hồi búa phải lập biên bản (cả trường hợp búa hỏng).

3. Nếu búa Bài cây bị hỏng, ký hiệu, số hiệu búa bị mòn, sứt mẻ, không in rõ chữ số khi đóng vào gỗ, phải thu hồi, báo cáo Cục Phát triển lâm nghiệp và nộp theo Quyết định của Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp.

4. Số hiệu búa phải được thay đổi hàng năm cho từng đơn vị chủ rừng.

5. Trường hợp búa Bài cây bị mất phải ra Quyết định huỷ búa bị mất, thông báo cho các cơ quan Công an, Kiểm lâm, Viện KSND cùng cấp, cơ quan thông tin đại chúng và báo cáo Cục Phát triển Lâm nghiệp chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày búa Bài cây bị mất. Làm rõ trách nhiệm cá nhân làm mất búa Bài cây.

6. Được phép uỷ quyền cho Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp thực hiện việc giao, thu hồi búa Bài cây.

Điều 9. Thủ trưởng đơn vị và Công chức được giao búa Bài cây có trách nhiệm:

1. Đối với Thủ trưởng đơn vị thiết kế khai thác:

a) Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và pháp luật về quản lý, sử dụng búa Bài cây ở đơn vị.

b) Tổ chức bảo quản búa Bài cây trong quá trình được giao, không được để mất búa. Khi giao búa cho công chức trong đơn vị hoặc thu hồi búa phải lập biên bản giao, nhận; nếu bị mất búa Bài cây phải lập biên bản, làm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT chậm nhất 05 ngày, kể từ ngày búa bị mất.

c) Chỉ đạo thu hồi búa Bài cây bị hỏng, nộp cho Sở Nông nghiệp và PTNT để được cấp búa Bài cây khác.

2. Đối với Công chức đơn vị thiết kế khai thác được giao nhiệm vụ đóng búa Bài cây:

a) Trực tiếp nhận, nộp búa, ký biên bản giao nhận, nộp búa Bài cây. Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và pháp luật trong việc quản lý, sử dụng búa Bài cây đúng quy định.

b) Trực tiếp đóng búa Bài cây vào đối tượng gỗ được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

c) Thực hiện đúng quy định tại Điều 10 Quy chế này, ghi chép kết quả đóng búa, nộp búa cho Thủ trưởng cơ quan khi kết thúc đợt đóng búa.

d) Không được để mất búa; nếu làm mất búa phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng cơ quan biết. Chịu trách nhiệm cá nhân về việc làm mất búa.

3. Công chức Sở Nông nghiệp và PTNT (hoặc Chi cục PTLN) được giao nhiệm vụ đóng búa Bài cây chịu trách nhiệm:

a) Thực hiện theo quy định tại điểm a, c, d khoản 2 Điều này.

b) Trực tiếp đóng búa Bài cây vào đối tượng gỗ đã được quy định tại điểm b, c, d và e khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

Điều 10. Quy định đóng búa Bài cây

1. Đối với gỗ thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 2 Quy chế này phải đóng 3 dấu búa Bài cây; hai dấu búa đối diện nhau ở vị trí chiều cao 1,3 m của thân cây tính từ mặt đất, một dấu ở gốc dưới tầm chặt cách mặt đất khoảng 1/3 đường kính thân cây. Trước khi đóng búa Bài cây phải vát hết vỏ cây đến phần gỗ rộng 10 cm dài 20 cm. Dấu búa phải đóng rõ nét, cùng một hướng nhất định theo địa hình để dễ nhận biết. không đóng dấu búa lên bạnh, vè cây gỗ. Số hiệu búa Bài cây phải được thể hiện trong hồ sơ thiết kế khai thác.

2. Đối với gỗ thuộc đối tượng quy định tại các điểm c, d và e khoản 2 Điều 2 Quy chế này được đóng 2 dấu búa Bài cây đối diện nhau trên thân cây, cách mặt cắt ngang lóng (khúc) gỗ là 50 cm.

3. Trường hợp công nghệ khai thác là xẻ nhống tại rừng: chủ rừng lập lý lịch những khúc gỗ tròn cần xẻ được cắt từ cây gỗ đã có dấu Búa bài cây, sau đó mới được tiến hành xẻ nhống tại rừng, lập lý lịch gỗ đã được xẻ nhống, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đóng búa Bài cây bổ sung vào hai đầu mặt cắt ngang của tấm gỗ xẻ nhống làm căn cứ nghiệm thu, đóng búa Kiểm lâm.

4. Nếu trong khu vực được phép khai thác, phát sinh cây gỗ bị đổ, gẫy, gỗ cành ngọn có đường kính từ 25 cm trở lên hoặc do quá trình vận xuất, vận chuyển gỗ làm mất dấu búa Bài cây, thì Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cùng chủ rừng có sự chứng kiến của đại diện Hạt Kiểm lâm sở tại lập biên bản xác định số lượng, khối lượng gỗ, sau đó đóng búa Bài cây theo quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Địa điểm đóng búa Bài cây bổ sung theo khoản 3, khoản 4 Điều này là tại khu vực được phép khai thác.

Chương III: Quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm

Điều 11. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm:

1. Trước Cục trưởng Cục Kiểm lâm và pháp luật về quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm ở địa phương, đơn vị mình.

2. Ra Quyết định giao búa Kiểm lâm cho các Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm.

3. Trường hợp gỗ tròn, gỗ xẻ có nguồn gốc nhập khẩu, nhưng không có dấu búa của nước xuất khẩu thì báo cáo Cục Kiểm lâm cấp búa Kiểm lâm có số hiệu riêng để đóng vào đối tượng gỗ trên.

4. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra Quyết định sử dụng, thu hồi, thay búa phải thông báo cho các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, Công an cùng cấp, các Chi cục Kiểm lâm và báo cáo lên Cục Kiểm lâm.

5. Trường hợp búa Kiểm lâm bị mất phải ra Quyết định huỷ búa, xử lý trách nhiệm cá nhân; đồng thời thông báo cho các cơ quan, Chi cục Kiểm lâm có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng và báo cáo Cục Kiểm lâm.

Điều 12. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động chịu trách nhiệm:

1. Trước Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và pháp luật trong việc quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm ở đơn vị mình.

2. Khi giao búa Kiểm lâm cho công chức Kiểm lâm sử dụng phải có lệnh bằng văn bản.

3. Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày búa Kiểm lâm bị mất phải xử lý trách nhiệm cá nhân, thông báo cho các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, công an cùng cấp, các cơ quan thông tin đại chúng và báo cáo Chi cục Kiểm lâm.

4. Khi chủ rừng trình lý lịch gỗ đã khai thác để được đóng búa Kiểm lâm lên các cây gỗ đã có dấu búa Bài cây, trong thời hạn 10 ngày Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phải bố trí công chức Kiểm lâm đến địa điểm, theo thời gian đã thống nhất để kiểm tra, đóng búa Kiểm lâm, xác nhận lý lịch gỗ đã đóng búa Kiểm lâm do chủ rừng hoặc chủ gỗ lập.

Điều 13. Công chức Kiểm lâm được giao nhiệm vụ đóng búa Kiểm lâm chịu trách nhiệm:

1. Trực tiếp nhận búa Kiểm lâm và ký vào sổ giao nhận búa Kiểm lâm, chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và pháp luật về quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm được giao theo đúng quy định.

2. Chỉ được sử dụng búa Kiểm lâm trong địa bàn quản lý của đơn vị khi có lệnh của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động.

3. Trực tiếp đóng búa Kiểm lâm, thực hiện đóng búa Kiểm lâm đúng thời gian, địa điểm theo lệnh của lãnh đạo đơn vị và quy định tại các Điều 14 Điều 15 và Điều 16 Quy chế này, ghi chép vào sổ nhật ký đóng búa Kiểm lâm và nộp lại búa Kiểm lâm cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm hoặc Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động khi kết thúc đợt đóng búa Kiểm lâm.

4. Quản lý sử dụng búa Kiểm lâm đúng quy định, không được cho mượn búa, để mất búa. Nếu búa Kiểm lâm bị mất phải báo cáo ngay với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động để báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm có biện pháp giải quyết. Chịu trách nhiệm cá nhân về việc làm mất búa.

Điều 14. Địa điểm đóng búa Kiểm lâm

1. Đối với gỗ thuộc đối tượng được quy định tại a.1 điểm a, khoản 2 Điều 3 và khoản 3 Điều 10 Quy chế này, địa điểm đóng búa Kiểm lâm là các bãi giao do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

2. Đối với gỗ thuộc đối tượng quy định tại a.2 điểm a khoản 2 Điều 3 Quy chế này, địa điểm đóng búa Kiểm lâm là tại khu khai thác.

3. Đối với gỗ được quy định tại a.3 điểm a và tại b.1 điểm b khoản 2 Điều 3 Quy chế này, địa điểm đóng búa Kiểm lâm là nơi cắt ngắn hoặc xẻ cây gỗ đó.

4. Đối với gỗ được quy định tại b.2 điểm b khoản 2 Điều 3 Quy chế này, địa điểm đóng búa Kiểm lâm là nơi tập kết gỗ của doanh nghiệp ở cửa khẩu nhập.

5. Đối với gỗ tịch thu, địa điểm đóng búa Kiểm lâm là kho của cơ quan Kiểm lâm hoặc kho của tổ chức, cá nhân được giao bảo quản.

Điều 15. Kiểm tra gỗ và đóng búa Kiểm lâm

1. Trước khi đóng búa Kiểm lâm, công chức Kiểm lâm được giao nhiệm vụ đóng búa Kiểm lâm phải kiểm tra giấy phép khai thác gỗ, dấu búa Bài cây, dấu sơn (dấu búa chữ, búa số nếu có) theo lý lịch gỗ đã được lập cho từng lóng gỗ tròn hoặc gỗ xẻ, kiểm tra đo đếm, đối chiếu với lý lịch gỗ do chủ rừng hoặc chủ gỗ lập, nếu không có dấu hiệu vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước thì tiến hành đóng búa Kiểm lâm.

2. Nếu phát hiện gỗ không có dấu búa bài cây hoặc khai thác ngoài địa danh được phép khai thác, phải lập biên bản vi phạm, báo cáo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm xử lý theo quy định pháp luật.

3. Trường hợp khai thác đúng cây gỗ có dấu búa Bài cây, đúng địa danh, diện tích trong giấy phép khai thác:

a) Nếu sai chủng loại thì cùng chủ rừng lập biên bản để Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm báo cáo Chi cục Kiểm lâm; chủ rừng báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp giải quyết cho đóng búa Kiểm lâm.

b) Nếu tổng khối lượng khai thác vượt từ 11% đến 15% phải cùng chủ rừng lập biên bản để Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm báo cáo Chi cục Kiểm lâm; chủ rừng báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp giải quyết cho đóng búa Kiểm lâm.

c) Nếu tổng khối lượng khai thác vượt trên 15% thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết.

4. Khi đóng búa Kiểm lâm phải có hai công chức Kiểm lâm và đại diện chủ rừng hoặc chủ gỗ, đơn vị khai thác. Sau mỗi đợt đóng búa Kiểm lâm phải lập biên bản xác nhận đóng búa Kiểm lâm và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và pháp luật về lý lịch gỗ đã xác nhận, dấu búa Kiểm lâm đã đóng trên gỗ.

Điều 16. Phương pháp đóng búa Kiểm lâm

1. Đối với gỗ tròn, gỗ xẻ hợp pháp thì đóng hai dấu búa ở hai đầu mặt cắt ngang của gỗ và chỉ đóng một lần. Dấu búa Kiểm lâm chồng lên dấu sơn viết số thứ tự lóng gỗ tròn hoặc gỗ xẻ và rõ ký hiệu, số hiệu búa Kiểm lâm.

2. Trường hợp gỗ xẻ nhống có dấu búa Bài cây và gỗ được chủ rừng đóng dấu búa số, búa chữ, thì không được đóng chồng dấu búa Kiểm lâm lên dấu búa Bài cây và dấu búa số, búa chữ.

3. Nếu một đầu lóng gỗ đẽo bịn thì búa Kiểm lâm được đóng chồng lên dấu sơn viết số thứ tự lóng gỗ theo lý lịch đã được lập ở đầu bịn gỗ, đầu gỗ còn lại búa Kiểm lâm đóng vào mặt cắt ngang.

4. Đối với gỗ đã có dấu búa Kiểm lâm, nhưng cắt ngắn phải đóng búa Kiểm lâm bổ sung vào gỗ đã được cắt ngắn. Trước khi cắt ngắn, chủ rừng hoặc chủ gỗ phải ghi mã số búa bài cây vào gỗ cắt ngắn (bằng sơn) và báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để kiểm tra, đóng dấu búa Kiểm lâm theo quy định tại khoản 1 Điều này, lập biên bản xác nhận lý lịch gỗ do chủ gỗ lập (ghi lóng A,B).

5. Đối với gỗ thuộc đối tượng quy định tại b.1 điểm b khoản 2 Điều 3 Quy chế này, chủ gỗ phải lập lý lịch, tên gỗ, ghi mã số cây vào gỗ (bằng sơn) theo đúng lý lịch gốc do nước ngoài lập, báo cáo Hạt Kiểm lâm sở tại để được đóng búa Kiểm lâm theo quy định tại khoản 1 Điều này và lập biên bản xác nhận lý lịch gỗ do chủ gỗ lập.

6. Đối với gỗ nhập khẩu không có dấu búa của nước xuất khẩu: Chủ gỗ phải xuất trình lý lịch gỗ do nước xuất khẩu lập và hồ sơ hoàn thành thủ tục Hải quan, cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra, đóng búa Kiểm lâm theo quy định tại khoản 1 Điều này và lập biên bản đóng búa Kiểm lâm.

7. Trường hợp gỗ có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp vượt khối lượng so với chứng từ nhập khẩu:

a. Nếu khối lượng gỗ vượt từ 11% đến 15%(đối với gỗ tròn) và từ 6 % đến 10% (đối với gỗ xẻ), thì cơ quan Kiểm lâm sở tại phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết cho nhập khẩu.

b. Nếu khối lượng gỗ vượt trên 15% (đối với gỗ tròn) và trên 10% (đối gỗ xẻ) thì cơ quan Kiểm lâm sở tại cùng cơ quan chức năng lập biên bản báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết.

8. Gỗ nhập khẩu tiểu ngạch có quy định riêng.

Điều 17. Thu hồi và thay búa Kiểm lâm

1. Những trường hợp thu hồi hoặc thay búa Kiểm lâm:

a) Hạt Kiểm lâm hoặc Đội Kiểm lâm cơ động bị giải thể.

b) Búa Kiểm lâm bị hư hỏng, ký hiệu và số hiệu búa bị mòn, sứt mẻ không in rõ chữ số khi đóng vào gỗ.

c) Khi thấy cần thiết phải thay đổi búa Kiểm lâm từ Hạt Kiểm lâm này sang Hạt Kiểm lâm khác.

2. Búa Kiểm lâm được thu hồi theo điểm b khoản 1 Điều này phải nộp lên Cục Kiểm lâm theo Quyết định của Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Điều 18. Chế độ báo cáo

1. Hàng tháng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động báo cáo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm về kết quả thực hiện việc quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm và khối lượng gỗ đã được đóng búa Kiểm lâm

2. Hàng quý Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo kết qủa thực hiện việc quản lý, sử dụng búa Kiểm lâm về Cục Kiểm lâm để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương IV: Khen thưởng và kỷ luật

Điều 19. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thi hành Quy chế quản lý sử dụng búa bài cây và búa Kiểm lâm hoặc phát hiện những người vi phạm những quy định của Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 20. Kỷ luật

Người nào vi phạm những quy định của Quy chế này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Đẳng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.