• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/01/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 14/08/2008
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 45/2001/QĐ-BGD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 26 tháng 12 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005

_____________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ ;

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo ;

Căn cứ Quyết định số 27/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường mầm non ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Vụ Giáo dục Mầm non có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Các ông (bà) Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Đặng Huỳnh Mai

 QUY CHẾ

CÔNG NHẬN TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

 GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2002 ĐẾN NĂM 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45 /2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 26/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định tiêu chuẩn, tổ chức xét và công nhận Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005 đối với các trường mẫu giáo, trường mầm non trong cả nước theo hai loại hình dưới đây :

1. Các trường mầm non, trường mẫu giáo là cơ sở giáo dục mầm non thuộc các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ở địa bàn : đồng bằng, trung du, miền núi, hải đảo và các vùng ngoại thành, thị gọi chung là Trường mầm non nông thôn.

2. Các trường mầm non, trường mẫu giáo là cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, đường phố (không thuộc lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp) và các trường trong cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp gọi chung là Trường mầm non thành thị.

Điều 2. Điều kiện xét và cấp thẩm quyền công nhận.

1. Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định, các trường mầm non và trường mẫu giáo công lập, bán công, dân lập, tư thục đạt danh hiệu tiên tiến năm liền kề với năm đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được quyền tự đánh giá và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận trường mầm non nông thôn, trường mầm non thành thị đạt chuẩn quốc gia.

Điều 3- Thời hạn công nhận.

Thời hạn công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 4 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận. Trong thời hạn 4 năm, nếu trường đã đạt chuẩn quốc gia có vi phạm về tiêu chuẩn thì tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm mà được xem xét để tiếp tục công nhận hoặc không công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Điều 4- Trách nhiệm của cấp quản lý giáo dục ở địa phương.

Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm lựa chọn, tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia trên cơ sở những trường hiện có, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương về việc đầu tư xây dựng các trường mầm non, trường mẫu giáo mới theo tiêu chuẩn quy định và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục của địa phương.

 Chương 2

TIÊU CHUẨN TRƯỜNG MẦM NON NÔNG THÔN

ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

Điều 5. Tiêu chuẩn 1 - Tổ chức quản lý nhà trường.

1. Tổ chức quản lý :

a. Nhà trường thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh sự quản lý của chính quyền địa phương, đồng thời chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền về kế hoạch và các biện pháp cụ thể của nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non.

b. Chấp hành tốt sự chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, thực hiện đầy đủ, có nền nếp các hoạt động chuyên môn. Các nhóm lớp có đủ sổ sách và kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c. Công tác hành chính, quản trị đảm bảo được các điều kiện cho hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ và chăm lo đời sống giáo viên, cán bộ nhân viên. Tối thiểu phải đạt được các yêu cầu dưới đây :

- Thực hiện đầy đủ, chính xác các hồ sơ, sổ sách và chế độ thu chi hợp lý, đúng nguyên tắc tài chính của nhà nước. Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ việc chăm sóc giáo dục trẻ.

- Thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách đối với người lao động, có tổ chức cải thiện đời sống cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, khuyến khích động viên toàn trường tham gia các phong trào thi đua đạt danh hiệu giáo viên giỏi, lao động giỏi.

- Giáo viên làm việc theo hợp đồng (nếu có) được hưởng tiền lương tối thiểu không dưới mức lương cơ bản, các chế độ phụ cấp và bảo hiểm theo quy định của nhà nước.

2. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể :

- Trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng địa phương.

- Hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên có tác dụng thiết thực thúc đẩy sự phát triển của trường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

- Hội Phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường trong các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, tạo ra được hiệu quả tốt đối với phong trào giáo dục mầm non.

Điều 6. Tiêu chuẩn 2 - Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

1. Ban Giám hiệu :

a. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định của Điều lệ trường mầm non. Hiệu trưởng đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục.

b. Được xếp loại tốt trở lên về năng lực và hiệu quả quản lý, có khả năng tổ chức trường mầm non, nắm vững mục tiêu đào tạo và nội dung chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, được giáo viên, cán bộ nhân viên trong trường và nhân dân địa phương tín nhiệm.

c. Nếu là trường công lập, bán công, hiệu trưởng phải là công chức nhà nước.

2. Giáo viên và nhân viên :

a. Định biên : Đảm bảo có đủ giáo viên nhà trẻ, giáo viên mẫu giáo và nhân viên quy định trong Điều lệ trường mầm non, đồng thời được vận dụng theo Thông tư số 3-CB/UB ngày 7/3/1980 của Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương hướng dẫn thi hành Quyết định số 304-CP ngày 29/8/1979 được áp dụng quy định cho trường mầm non nông thôn trong giai đoạn hiện nay như sau:

- Giáo viên nhà trẻ :

+ Trẻ 4 tháng đến 6 tháng tuổi : 4 cô nuôi dạy (1nhóm) 15 trẻ.

+ Trẻ 7 tháng đến 12 tháng tuổi : 4 cô nuôi dạy (1nhóm) 18 trẻ.

+ Trẻ 13 tháng đến 18 tháng tuổi : 3 cô nuôi dạy (1 nhóm) 20 trẻ.

+ Trẻ 19 tháng đến 24 tháng tuổi : 3 cô nuôi dạy (1 nhóm) 22 trẻ.

+ Trẻ 25 tháng đến 36 tháng tuổi : 2 cô nuôi dạy (1 nhóm) 25 trẻ.

- Giáo viên mẫu giáo :

+ Học hai buổi có bán trú : 1,5 đến 2 giáo viên / 1 lớp.

+ Học hai buổi không bán trú : 1 giáo viên / 1 lớp.

(Số lượng trẻ mẫu giáo quy định cho 1 lớp : Theo Điều lệ trường mầm non).

b. Trình độ đào tạo của giáo viên : Có ít nhất 90% tổng số giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn (tốt nghiệp trung học sư phạm mầm non) trở lên. Số giáo viên còn lại đều đã được bồi dưỡng hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, thường xuyên được bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

c. Phẩm chất đạo đức của giáo viên và cán bộ nhân viên : Giáo viên và cán bộ nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước, có 30% giáo viên, cán bộ nhân viên đạt lao động giỏi và có giáo viên giỏi cấp tỉnh, không có người vi phạm pháp luật, không có giáo viên yếu kém.

Điều 7. Tiêu chuẩn 3 - Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị.

1. Quy mô trường lớp : Trường mầm non và trường mẫu giáo nông thôn có hai loại hình phổ biến như sau :

a. Loại trường tập trung tại một điểm :

- Đối với trường mầm non có từ 2 nhóm trẻ và 3 lớp mẫu giáo trở lên.

- Đối với trường mẫu giáo có từ 5 lớp mẫu giáo trở lên.

(Tất cả các nhóm lớp đều được phân chia theo độ tuổi và có tổ chức ăn bán trú).

b. Loại trường nhiều địa điểm (bao gồm 1 điểm chính và các điểm lẻ) :

- ở điểm chính có tổ chức ăn bán trú, chia (nhóm, lớp) theo độ tuổi và đảm bảo số (nhóm, lớp) như sau :

+ Đối với trường mầm non có ít nhất 1 nhóm trẻ và 2 lớp mẫu giáo.

+ Đối với trường mẫu giáo có từ 3 lớp trở lên.

- ở điểm lẻ nếu chưa tổ chức cho trẻ ăn bán trú và chia theo độ tuổi thì có thể tổ chức theo (nhóm, lớp) ghép, nhưng ưu tiên tổ chức lớp riêng cho trẻ 5 tuổi.

2. Địa điểm trường lớp :

Trường lớp đặt ở nơi trung tâm dân cư, đường đi lại thuận tiện, môi trường trong sạch, cảnh quan đẹp. Diện tích mặt bằng của trường có bình quân tối thiểu 10m2 / 1 trẻ (trong đó 50% là diện tích sân vườn). Các công trình của trường xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, tường sơn vôi mầu sáng, sàn nhà làm bằng nguyên vật liệu tốt, đảm bảo hợp vệ sinh, cửa thông thoáng, có đủ ánh sáng, cánh cửa chắc chắn và sơn màu đẹp.

3. Các phòng chức năng, khu nhà bếp phục vụ bán trú, sân chơi và các trang thiết bị tối thiểu (quy định cho trường tập trung tại một điểm và điểm chính của trường có nhiều địa điểm) :

a. Phòng nhóm lớp học tập và vui chơi của trẻ :

- Các phòng nhóm lớp mẫu giáo, nhà trẻ có thể sử dụng vừa là phòng tổ chức cho trẻ hoạt động chung (giờ học tập trung), hoạt động góc, vừa là phòng ngủ và ăn trưa của trẻ. Phòng được cải tạo hoặc xây dựng có diện tích mặt bằng trong lớp tối thiểu là 55 m2 (trong đó giành 5 m2 để phản nằm và chăn gối ngủ trưa của trẻ). Phía trước và sau phòng nhóm lớp có hiên chơi (diện tích ít nhất của mỗi hiên là 10 m2). Trong phòng nhóm lớp được trang bị đủ bàn ghế cho trẻ, bảng của giáo viên và có đủ đồ dùng, đồ chơi, được sắp xếp ngăn nắp theo chủ điểm giáo dục, có tranh ảnh, hoa, cây cảnh trang trí đẹp, phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b. Các phòng chức năng :

- Phòng Hiệu trưởng : Là phòng làm việc của Hiệu trưởng, vừa là phòng họp của Ban Giám hiệu (nếu chưa có điều kiện). Phòng có diện tích tối thiểu là 15 m2. Trong phòng có đầy đủ các phương tiện làm việc và tiếp khách của hiệu trưởng.

- Văn phòng nhà trường : Là phòng họp và sinh hoạt của tổ chuyên môn, vừa là phòng làm việc của các Phó Hiệu trưởng (nếu chưa có phòng riêng cho phó hiệu trưởng). Phòng có diện tích tối thiểu là 25 m2 có bàn làm việc của Phó Hiệu trưởng, bàn ghế họp và tủ văn phòng.

- Phòng hoạt động âm nhạc : Là phòng cho trẻ hoạt động nghệ thuật, có diện tích tối thiểu là 60 m2, có gương trên tường và gióng múa theo quy định trong công văn Hướng dẫn số 759/GDMN ngày 14/2/1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trang bị các thiết bị điện tử và nhạc cụ (tivi, video, máy cat-sét, dàn âm thanh ; đàn organ, guitar hoặc các nhạc cụ khác), có đủ đồ dùng, đồ chơi âm nhạc, quần áo, trang phục, đạo cụ múa, có tủ trưng bày các đồ dùng, đồ chơi.

- Phòng y tế : Diện tích tối thiểu là 15 m2, có các trang thiết bị y tế và đồ dùng theo dõi sức khoẻ trẻ (tủ thuốc, cân đo sức khoẻ, biểu đồ tăng trưởng…), có thông báo các biện pháp tích cực can thiệp chữa bệnh và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, có bảng kế hoạch theo dõi tiêm phòng và khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên cho trẻ, có tranh ảnh tuyên truyền chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ. Phụ trách phòng y tế có thể là y, bác sĩ hoặc do giáo viên mầm non kiêm nhiệm.

- Khu vệ sinh : Khu vực vệ sinh của trẻ được xây dựng khép kín bên trong hoặc bên ngoài liền với nhóm lớp, thuận tiện cho trẻ sử dụng, có chỗ phân chia trẻ trai, gái riêng, đảm bảo luôn luôn sạch sẽ, không có mùi hôi. Có đủ nước sạch để dùng và có vòi nước cho trẻ rửa tay. Diện tích một khu vệ sinh cho trẻ tối thiểu là 12m2. Các thiết bị vệ sinh được trang bị bằng đồ men sứ, kích thước phù hợp trẻ. Nhà trường có khu vệ sinh riêng cho người lớn.

c. Khu vực nhà bếp phục vụ trẻ bán trú và sân chơi :

- Khu vực nhà bếp phục vụ trẻ bán trú : Bao gồm nơi chế biến thực phẩm, nhà bếp và chỗ chia thức ăn. Tất cả các khu vực này xây dựng theo quy trình một chiều và được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, thuận tiện. Nhà trường có đầy đủ đồ dùng phục vụ việc chăm sóc trẻ đảm bảo vệ sinh và đúng quy cách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kho thực phẩm luôn luôn sạch sẽ, có phân chia khu vực để các loại thực phẩm riêng biệt không ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn của trẻ.

- Sân chơi : Diện tích sân chơi quy hoạch, thiết kế phù hợp với tỷ lệ đã quy định ở (khoản 2, Điều 6). Khu vực trẻ chơi lát gạch, láng xi măng hoặc trồng thảm cỏ. Sân chơi có cây che bóng mát, có ít nhất 5 loại đồ chơi ngoài trời. Các đồ chơi ngoài trời phù hợp trẻ, có hình dáng, mầu sắc đẹp.

d. Tường bao quanh và cổng trường :

Tường bao quanh ngăn cách với bên ngoài (xây bằng gạch, làm bằng bê tông, kim loại, gỗ hoặc trồng cây xanh cắt tỉa thành tường rào). Cổng trường trang trọng, có biển trường rõ ràng theo quy định trong Điều lệ trường mầm non.

4. Các yêu cầu khác :

a. Các điểm lẻ ở thôn xóm có phòng nhóm lớp, khu vệ sinh, tường bao quanh xây dựng như ở điểm chính. Trong nhóm lớp có đủ đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu giáo dục. Sân chơi có cây bóng mát và có đồ chơi ngoài trời.

b. Trong khu vực trường (bao gồm cả điểm chính và các điểm lẻ) có vườn cây, có nguồn nước sạch đủ phục vụ mọi sinh hoạt và có hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước nhanh, đảm bảo vệ sinh.

c. Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi của trường đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Điều 8. Tiêu chuẩn 4 - Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Nhà trường thực hiện nghiêm chỉnh chương trình Chăm sóc Giáo dục trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai tốt nhiệm vụ năm học, đẩy mạnh các hoạt động chuyên đề. Kết quả hàng năm đạt :

1. Tỷ lệ chuyên cần của trẻ : 95% đối với trẻ 5 tuổi ; 80% đối với trẻ ở các độ tuổi khác (bao gồm cả trẻ nhà trẻ và mẫu giáo).

2. Về chăm sóc : 80% trẻ đạt sức khoẻ kênh A. Không có trẻ kênh C.

3. Về chất lượng giáo dục : 80% trẻ phát triển đạt được yêu cầu trong Quy định mục tiêu kế hoạch đào tạo nhà trẻ, trường mẫu giáo ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ ngày 3/2/1990 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Bảo vệ trẻ : 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Điều 9. Tiêu chuẩn 5 - Thực hiện xã hội hoá giáo dục.

1. Công tác tham mưu :

Nhà trường là nòng cốt trong việc vận động, tham mưu với các cấp, các ngành của địa phương thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục mầm non.

2. Sự tham gia của cộng đồng vào việc chăm sóc giáo dục trẻ :

a. Phối hợp tốt với các đoàn thể ở địa phương và phụ huynh học sinh trong công tác tuyên truyền, phổ biến (dưới nhiều hình thức cho các bậc cha mẹ và trong cộng đồng) về tầm quan trọng của giáo dục mầm non, về kiến thức nuôi dạy trẻ.

b. ở địa phương có sự phối hợp giữa Gia đình-Nhà trường-Xã hội trong phong trào giáo dục mầm non đảm bảo tỷ lệ huy động :

- 95% trẻ 5 tuổi ra lớp.

- 30% trẻ ở các độ tuổi khác (cả nhà trẻ và mẫu giáo) ra lớp.

c. Có sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các cá nhân, các gia đình để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ tốt chăm sóc giáo dục trẻ.

Chương 3

TIÊU CHUẨN TRƯỜNG MẦM NON THÀNH THỊ

ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA  

Điều 10. Tiêu chuẩn 1 - Công tác tổ chức quản lý nhà trường :

1. Tổ chức quản lý (như quy định tại Điều 4, Chương II của Quy chế này).

2. Hoạt động của các Đoàn thể (như quy định tại Điều 4, Chương II của Quy chế này).

3. Quản lý chăm sóc giáo dục trẻ :

- Thu nhận tối đa trẻ 5 tuổi và số trẻ trong độ tuổi khác thuộc địa bàn trường đóng vào trường theo quy định của Điều lệ trường mầm non.

- Thực hiện đúng, đủ các nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, tổ chức tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ, thường xuyên cải tiến chất lượng bữa ăn hàng ngày cho trẻ.

- Thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ mỗi năm 2 lần. Theo dõi biểu đồ cân nặng (hàng quý đối với trẻ mẫu giáo, hàng tháng đối với trẻ nhà trẻ). Thực hiện tiêm phòng theo quy trình của cơ sở y tế, có các biện pháp phòng bệnh theo mùa và phòng tránh tai nạn cho trẻ.

- Có sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, tổ chức kiến tập, thi tay nghề hàng năm, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Điều 11. Tiêu chuẩn 2 - Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

1. Ban giám hiệu :

- Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng có trình độ đại học trở lên. Trong đó có ít nhất 2 người được đào tạo chuyên ngành giáo dục mầm non ; Hiệu trưởng đã qua đào tạo hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục.

- Được xếp loại khá trở lên về năng lực và hiệu quả quản lý, có khả năng tổ chức trường mầm non, nắm vững mục tiêu đào tạo và nội dung chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, được giáo viên, cán bộ nhân viên trong trường và nhân dân địa phương tín nhiệm.

2. Giáo viên và nhân viên:

a. Định biên : Đảm bảo có đủ giáo viên nhà trẻ, giáo viên mẫu giáo và nhân viên quy định trong Điều lệ trường mầm non, đồng thời được vận dụng theo Thông tư số 3-CB/UB ngày 7/3/1980 của Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương hướng dẫn thi hành Quyết định số 304-CP ngày 29/8/1979 về biên chế của nhà trẻ.

b. Trình độ đào tạo : Trường có ít nhất 50% giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên. Số giáo viên còn lại tốt nghiệp trung học sư phạm mầm non.

c. Phẩm chất đạo đức của giáo viên và nhân viên : Giáo viên và nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước, có 50% giáo viên, cán bộ nhân viên đạt lao động giỏi, có ít nhất 10% giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, không có người vi phạm pháp luật, không có giáo viên yếu kém.

Điều 12. Tiêu chuẩn 3 - Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ :

Nhà trường thực hiện nghiêm chỉnh chương trình Chăm sóc Giáo dục trẻ theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai tốt nhiệm vụ năm học, đẩy mạnh các hoạt động chuyên đề. Kết quả hàng năm đạt :

1. Tỷ lệ chuyên cần của trẻ : 80% (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo).

2. Về chăm sóc : 98% trẻ có cân nặng kênh A. Không có trẻ kênh C.

3. Về chất lượng giáo dục : 98% trẻ phát triển đạt được yêu cầu trong Quy định mục tiêu kế hoạch đào tạo nhà trẻ, trường mẫu giáo ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ ngày 3/2/1990 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Bảo vệ trẻ : 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Điều 13 . Tiêu chuẩn 4 - Tổ chức trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị.

1. Quy mô trường lớp.

a. Trường tập trung tại 1 điểm , tất cả các (nhóm, lớp) đều chia theo độ tuổi và tổ chức cho trẻ ăn bán trú với quy mô như sau :

- Trường mẫu giáo có từ 5 lớp trở lên.

- Trường mầm non có từ 9 (nhóm, lớp) trở lên.

- Số lượng trẻ trong (nhóm, lớp) được quy định theo Điều lệ trường mầm non.

b. Địa điểm trường đặt tại nơi có môi trường tốt, có đường đi lại thuận tiện.

2. Cơ sở vật chất và trang thiết bị :

Cơ sở vật chất của trường được xây dựng kiên cố, đảm bảo yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo khoa học. Các phòng sinh hoạt và học tập của trẻ đảm bảo các điều kiện vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, có đủ ánh sáng tự nhiên, thông thoáng, diện tích cửa sổ tối thiểu bằng 1/5 diện tích nền nhà, sàn nhà làm bằng nguyên vật liệu tốt, đảm bảo vệ sinh.

a. Phòng nhóm nhà trẻ :

- Phòng đón, trả trẻ : Diện tích tối thiểu 10 m2, có cửa thông với phòng hoạt động, vui chơi của trẻ, có góc tuyên truyền giáo dục các bậc cha mẹ.

- Phòng nhóm trẻ : Có mật độ tối thiểu 2 m2/trẻ (khoảng 50 m2), là nơi sinh hoạt chính cho trẻ chơi tập và ăn. có cửa thông với phòng ngủ và có hiên chơi ở xung quanh (hoặc phía trước, phía sau) của phòng. Diện tích tối thiểu mỗi hiên chơi là 12 m2. Các nhóm trẻ có đủ đồ dùng, đồ chơi và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo tiêu chuẩn của trường trọng điểm.

- Phòng ngủ của trẻ : Diện tích tối thiểu 30 m2, đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, có đủ giường nằm, chăn gối và đồ dùng phục vụ trẻ ngủ an toàn, phù hợp.

b. Phòng lớp mẫu giáo :

- Phòng học : Diện tích tối thiểu 55 m2, là phòng hoạt động chính của trẻ học tập, vui chơi, có hiên chơi phía trước, phía sau hoặc xung quanh, diện tích tối thiểu mỗi hiên chơi là 12 m2. Hiên chơi sử dụng là nơi cho trẻ ăn (nếu để trẻ ăn trong phòng học thì phải đảm bảo vệ sinh, không ảnh hướng đến môi trường vui chơi, học tập của trẻ). Các lớp có đủ đồ dùng, đồ chơi và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo tiêu chuẩn trường trọng điểm.

- Phòng ngủ của trẻ : Diện tích tối thiểu 40 m2, đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, có đủ giường nằm, chăn gối và đồ dùng phục vụ trẻ ngủ an toàn, phù hợp.

c. Các phòng chức năng phục vụ chăm sóc giáo dục trẻ :

- Phòng Hiệu trưởng và phòng các phó hiệu trưởng : Là phòng làm việc của Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng, có diện tích tối thiểu 20 m2, có đầy đủ các phương tiện làm việc, có bảng thống kê, kế hoạch theo dõi hoạt động của trường.

- Văn phòng nhà trường : Là phòng họp của Ban Giám hiệu và hoạt động của tổ chuyên môn, có diện tích tối thiểu là 25 m2, có bàn ghế họp và tủ văn phòng.

- Phòng hoạt động âm nhạc : Là phòng cho trẻ hoạt động nghệ thuật, có diện tích tối thiểu là 60 m2, có gương trên tường và gióng múa theo quy định trong công văn Hướng dẫn số 759/GDMN ngày 14/2/1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trang bị các thiết bị điện tử và nhạc cụ (tivi, video, máy cat-sét, dàn âm thanh, đàn organ, guitar hoặc các nhạc cụ khác), có đồ dùng, đồ chơi âm nhạc, quần áo, trang phục, đạo cụ múa, có tủ trưng bày các đồ dùng, đồ chơi âm nhạc, có sân khấu biểu diễn.

- Phòng truyền thống : Diện tích tối thiểu 40 m2, là nơi trưng bày hiện vật, tranh ảnh lưu lại những hoạt động của trường trong quá trình xây dựng, phát triển. Nhà trường cũng có thể kết hợp sử dụng phòng truyền thống làm nơi trưng bày, bảo quản đồ dùng, đồ chơi chung của toàn trường.

- Phòng hội trường : Diện tích tối thiểu 70 m2 phục vụ các hoạt động ngày hội, ngày lễ lớn tập trung toàn trường.

- Phòng y tế : Diện tích tối thiểu 15 m2, có các trang thiết bị y tế và đồ dùng theo dõi sức khoẻ trẻ (tủ thuốc, cân đo sức khoẻ, biểu đồ cân nặng …), có thông báo các biện pháp tích cực can thiệp chữa bệnh và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, có bảng kế hoạch theo dõi tiêm phòng và khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên cho trẻ, có tranh ảnh tuyên truyền chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ. Phục vụ ở phòng y tế là bác sĩ hoặc y sĩ.

- Phòng hành chính : Là phòng đón tiếp phụ huynh để giải quyết công việc thanh quyết toán hàng tháng và điều hành các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, có diện tích tối thiểu 15 m2, có trang bị máy vi tính, và các phương tiện làm việc.

- Khu vực nhà bếp phục vụ trẻ bán trú : Bao gồm nơi chế biến thực phẩm, nhà bếp và chỗ chia thức ăn. Tất cả các khu vực này xây dựng theo quy trình một chiều và được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, thuận tiện. Nhà trường có đầy đủ đồ dùng phục vụ việc chăm sóc trẻ đảm bảo vệ sinh và đúng quy cách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kho thực phẩm luôn luôn sạch sẽ, có phân chia khu vực để các loại thực phẩm riêng biệt không ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn của trẻ.

- Phòng vệ sinh : Phòng vệ sinh của trẻ được xây dựng khép kín bên trong mỗi (nhóm, lớp), thuận tiện cho trẻ sử dụng, có chỗ cho trẻ trai, gái riêng, đảm bảo luôn sạch sẽ, không có mùi hôi, có đủ nước sạch để dùng và có vòi nước cho trẻ rửa tay. Diện tích một phòng vệ sinh cho trẻ tối thiểu là 12 m2. Các thiết bị vệ sinh được trang bị bằng đồ men sứ, kích thước phù hợp trẻ. Nhà trường có khu vệ sinh riêng cho người lớn.

d. Sân chơi, tường bao quanh và cổng trường :

- Sân chơi : Diện tích sân chơi quy hoạch, thiết kế bố cục thuận tiện, hợp lý, tạo được khung cảnh sư phạm, đẹp, hài hoà phù hợp tỷ lệ trẻ với diện tích mặt bằng quy định ở Điều lệ trường mầm non. Khu vực trẻ chơi lát gạch, láng xi măng hoặc trồng thảm cỏ, có cây che bóng mát hoặc dàn che nắng, có ít nhất 10 loại đồ chơi ngoài trời. Các đồ chơi ngoài trời phù hợp trẻ, có hình dáng, mầu sắc đẹp.

- Tường bao quanh và cổng trường : Tường bao quanh ngăn cách với bên ngoài (xây bằng gạch, làm bằng bê tông, bằng kim loại, gỗ hoặc trồng cây xanh cắt tỉa thành tường rào). Cổng trường trang trọng, có biển trường rõ ràng theo quy định của Điều lệ trường mầm non.

e. Các yêu cầu khác :

- Trong khu vực trường có vườn cây xanh, có nguồn nước sạch đáp ứng phục vụ mọi sinh hoạt của trường và có hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước nhanh, đảm bảo vệ sinh.

- Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi của trường đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

- Sắp xếp, trang trí trong nhóm lớp phải đảm bảo yêu cầu giáo dục thẩm mỹ, phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ.

Điều 14. Tiêu chuẩn 5 - Thực hiện xã hội hoá giáo dục.

1. Công tác tham mưu :

Nhà trường là nòng cốt trong việc vận động, tham mưu với các cấp, các ngành của địa phương thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục mầm non.

2. Sự tham gia của cộng đồng vào việc chăm sóc giáo dục trẻ :

- Nhà trường phối hợp tốt với các đoàn thể ở địa phương và phụ huynh học sinh trong công tác tuyên truyền, phổ biến (dưới nhiều hình thức cho các bậc cha mẹ và trong cộng đồng) về tầm quan trọng của giáo dục mầm non, về kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ.

- Có sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các cá nhân, các gia đình để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trang thiết bị chăm sóc giáo dục trẻ.

Chương 4

TỔ CHỨC XÉT VÀ CÔNG NHẬN TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA 

Điều 15. Hồ sơ xét đề nghị công nhận.

Những trường mầm non, trường mẫu giáo được xét đề nghị công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia phải có hồ sơ bao gồm :

1. Bản đề nghị được xét công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

2. Bản đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đạt được của trường trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo các tiêu chuẩn quy định của Quy chế.

3. Các biên bản kiểm tra, thẩm định và văn bản đề nghị công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của Hội đồng xét đề nghị cấp huyện, cấp tỉnh.

4. Các văn bản phụ lục kèm theo.

Điều 16. Cơ quan thường trực.

1. Trong thời gian chưa thành lập Hội đồng xét đề nghị thì ở các cấp có một cơ quan thường trực.

- Cấp huyện : Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Cấp tỉnh : Sở Giáo dục và Đào tạo,

- Bộ Giáo dục và Đào tạo : Vụ Giáo dục Mầm non.

2. Nhiệm vụ của cơ quan thường trực :

- Hướng dẫn các trường (thuộc địa phương quản lý) đã có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đồng thời tiếp nhận hồ sơ để chuyển lên các cấp xét công nhận.

- Dự kiến danh sách Hội đồng xét đề nghị và chịu trách nhiệm trình các cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập.

- Cơ quan thường trực cấp huyện, tỉnh chủ trì tổ chức lễ công nhận cho các trường được Bộ cấp Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

- Theo dõi hoạt động, phát hiện và đề nghị xử lý những sai phạm (nếu có) của những trường đã được công nhận chuẩn quốc gia.

Điều 17. Hội đồng xét đề nghị cấp huyện, cấp tỉnh.

1. Thành lập Hội đồng :

Các Hội đồng cấp huyện, cấp tỉnh được thành lập hàng năm do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quyết định. Thời gian hoạt động được quy định trong quyết định thành lập để thực hiện việc xét và đề nghị công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

2. Thành phần Hội đồng :

a. Chủ tịch Hội đồng : Phó chủ tịch ủy ban Nhân dân

b. Phó chủ tịch Hội đồng :

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp huyện).

- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Đối với cấp tỉnh).

c. Các uỷ viên và thư ký của Hội đồng : Do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quyết định nếu thấy cần thiết có đại diện của ban ngành (Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch Đầu tư, Y tế, Tài chính, Mặt trận Tổ quốc, Tổ chức Chính quyền , Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, v.v...).

3. Nhiệm vụ của Hội đồng :

a. Căn cứ vào các tiêu chuẩn trong Quy chế này, Hội đồng cấp huyện tiến hành kiểm tra nhà trường (kiểm tra xác suất sự phát triển của trẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách của trường và các nhóm lớp theo quy định về tài chính và hoạt động chuyên môn ; kiểm tra tiêu chuẩn đội ngũ, công tác quản lý, công tác xã hội hóa giáo dục), đánh giá và quyết định việc đề nghị Hội đồng cấp tỉnh thẩm định.

b. Hội đồng cấp tỉnh thẩm định kết quả kiểm tra của Hội đồng cấp huyện theo quy định của Quy chế này và quyết định việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Điều 18. Các bước thực hiện.

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn quốc gia của trường mầm non, trường mẫu giáo và chuyển đến Hội đồng xét đề nghị cấp huyện. Hội đồng xét đề nghị cấp huyện tổ chức kiểm tra, xét và làm các văn bản đề nghị gửi lên Hội đồng xét đề nghị cấp tỉnh kèm theo biên bản kiểm tra và hồ sơ quy định tại điều 15 của Quy chế này.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và chuyển lên Hội đồng cấp tỉnh. Hội đồng xét đề nghị cấp tỉnh tổ chức kiểm tra và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia kèm theo biên bản kiểm tra và hồ sơ quy định tại điều 15 của Quy chế này.

3. Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và tổ chức xét duyệt, kiểm tra kết quả đạt được của nhà trường. Nếu thấy trường đã đủ điều kiện theo quy định của Quy chế thì lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

4. Sau mỗi đợt xét công nhận, các cấp thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản với các trường mầm non chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia về các điều kiện và từng tiêu chuẩn cụ thể để nhà trường và địa phương có kế hoạch tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 

 

 

 

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.