THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 143/2007/TT-BTC ngày 03/12/2007
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia
_______________________________
Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 43/2012/NĐ-CP ngày 17/5/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung mội số điều của Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 143/2007/TT-BTC ngày 03/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia (gọi tắt là Thông tư 143/2007/TT-BTC),
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 143/2007/TT-BTC như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Phần II:
“4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia
4.1. Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia
Việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; quy trình, thủ tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 30/2011/TT-BKHCN nngày 15/11/2011 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ Tài chính quy định một số nội dung cụ thể như sau:
a) Lập, phê duyệt, thực hiện và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hàng năm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia
- Quý II hàng năm, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia gửi đề nghị kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho năm sau kèm theo dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đến Bộ Tài chính.
- Bộ Tài chính tổ chức việc xem xét dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tổng hợp, gửi lấy ý kiến, đồng thời thông báo trên trang tin điện tử (website) của Bộ Tài chính; trên cơ sở đó hoàn chỉnh, phê duyệt kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hằng năm.
- Trường hợp do yêu cầu cấp thiết của quản lý nhà nước, việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hàng năm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
b) Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Bước 1: Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thành lập Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc chỉ định cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc có đại điện của Bộ Tài chính tham gia (sau đây gọi chung là Ban soạn thảo) để xây dựng hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; rà soát, chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn và tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với những mặt hàng dự trữ quốc gia được Chính phủ phân công trực tiếp quản lý.
Bước 2: Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổ chức lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định.
Hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) gồm:
- Công văn của Bộ, ngành đề nghị Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia.
- Văn bản giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cơ quan, tổ chức kèm theo dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được phê duyệt.
- Báo cáo quá trình xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng.
- Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kèm theo thuyết minh; bản sao tài liệu gốc được sử dụng làm căn cứ để xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tài liệu tham khảo;
- Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi dự thảo để tham gia ý kiến kèm theo văn bản góp ý của các tổ chức, cá nhân.
- Biên bản làm việc của Ban soạn thảo, biên bản hội nghị, hội thảo đối với dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tài liệu liên quan khác.
Bước 3: Bộ Tài chính thẩm tra hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia, hồ sơ chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xem xét tính đầy đủ, hợp lệ và chuyển hồ sơ dự thảo kèm theo biên bản thẩm tra đến Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để thẩm định.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giúp Bộ Tài chính quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực dự trữ quốc gia, thẩm tra hồ sơ dự thảo, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.
Bước 4: Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ và hoàn chỉnh lại dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định.
Bước 5: Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ và văn bản tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Trường hợp không thống nhất với ý kiến thẩm định, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
c) Kinh phí xây dựng hoặc chuyển đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia được tính trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Việc quản lý và sử dụng kinh phí thuộc ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ.
4.2. Xây dựng và quyết định chỉ tiêu chất lượng và yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời
Việc xây dựng và quyết định chỉ tiêu chất lượng và yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời thực hiện theo quy định sau:
a) Chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau đây:
- Tiêu chuẩn quốc gia;
- Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;
- Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;
- Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
b) Quy trình xây dựng, quyết định áp dụng
- Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thành lập Ban soạn thảo hoặc chỉ định cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc để xây dựng chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời đối với hàng dự trữ quốc gia mới đưa vào dự trữ hoặc chưa kịp sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu kỹ thuật của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành do thay đổi yêu cầu kỹ thuật hoặc công nghệ bảo quản; tổ chức lấy ý kiến cơ quan chức năng, chuyên gia, hoàn thiện dự thảo gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính.
- Hồ sơ gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) bao gồm:
+ Dự thảo hồ sơ chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời; bản thuyết minh về căn cứ, quá trình xây dựng; bản sao các tài liệu gốc được sử dụng làm căn cứ để xây dựng dự thảo và các tài liệu tham khảo;
+ Báo cáo tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia kèm theo danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi dự thảo để tham gia ý kiến và văn bản góp ý của các tổ chức, cá nhân.
- Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời đã ban hành trong nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
4.3. Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia
Trách nhiệm xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:
a) Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của những mặt hàng dự trữ quốc gia trực tiếp quản lý, gửi Bộ Tài chính.
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước chịu trách nhiệm thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia do Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 6.1 Phần II:
“b) Cấp vốn mua hàng dự trữ quốc gia
Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiểm tra hồ sơ, thủ tục, cấp vốn cho các cơ quan; đơn vị dự trữ quốc gia được các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia giao nhiệm vụ để mua tăng hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại Quyết định số 42/2004/QĐ-BTC ngày 22/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định chi ngân sách trung ương bằng hình thức lệnh chi tiền. Căn cứ cấp phát gồm:
- Văn bản đề nghị cấp vốn của Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;
- Dự toán được cấp có thẩm quyền giao;
- Văn bản giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch mua hàng của Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;
- Văn bản phê duyệt giá trúng thầu; giá thanh toán đối với trường hợp chỉ định thầu, chọn thầu, chào hàng cạnh tranh hoặc giá mua giới hạn tối đa hàng dự trữ quốc gia của cơ quan có thẩm quyền;
- Hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia.
Bộ Tài chính cấp vốn mua theo tiến độ thực hiện và các điều khoản thanh toán ghi trong hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia. Đối với hợp đồng nhập khẩu hàng dự trữ quốc gia thì cấp vốn mua theo điều khoản thanh toán ghi trong hợp đồng nhập khẩu; trường hợp phải ký quỹ mở thư tín dụng (L/C) thì Bộ Tài chính cấp vốn mua theo mức ký quỹ vào tài khoản ký quỹ của đơn vị dự trữ quốc gia nhập khẩu mở lại ngân hàng để thanh toán theo các điều khoản ghi trong hợp đồng nhập khẩu.
3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 6.2 Phần II:
”6.2. Vốn bán hàng dự trữ quốc gia
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước được sử dụng vốn bán hàng để thực hiện mua hàng theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao.
Trong vòng 15 ngày sau khi kết thúc đợt bán hàng, cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia nộp tiền bán hàng dự trữ quốc gia vào tài khoản tiền gửi dự trữ quốc gia bằng tiền do Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) quản lý. Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nộp tiền bán hàng dự trữ quốc gia vào tài khoản tiền gửi vốn dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước mở tại Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp cần vốn để mua hàng dự trữ quốc gia mang tính thời vụ trước khi xuất bán đổi hàng thì Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho tạm ứng từ dự trữ quốc gia bằng tiền hoặc từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước; sau khi hoàn thành việc xuất bán đổi hàng phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng trong năm.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 7.1 Phần II:
“a) Chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia bao gồm các chi phí cần thiết, hợp lý phát sinh trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia bao gồm:
- Chi chuẩn bị nhập, xuất: tuyên truyền, quảng cáo, tập huấn hướng dẫn; sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định thiết bị, phương tiện đo lường; mua sắm công cụ, dụng cụ, bao bì (nếu có);
- Chi phí giao, nhận tại cửa kho: Kiểm tra hồ sơ, chất lượng hàng; cân, đong, đo, đếm, sang bao, đổ bao; bốc xếp hàng dự trữ quốc gia từ phương tiện vận chuyển vào kho hoặc từ kho lên phương tiện vận chuyển; công tác an ninh, bảo vệ; chi làm đêm, thêm giờ, thông tin liên lạc, bữa ăn giữa ca, in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, mái che tạm phục vụ trực tiếp cho việc giao, nhận hàng; hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết;
- Các chi phí khác có liên quan.
Mức chi cụ thể cho các nội dung quy định tại điểm này được thực hiện theo chế độ quy định của Nhà nước, đối với những nội dung chưa quy định mức chi, thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia quyết định chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 11.1 Phần II:
“d) Đơn vị dự trữ quốc gia được trích Quỹ phúc lợi và Quỹ khen thưởng từ các khoản nêu tại Điểm a, Điểm b, Điểm c của khoản này tối đa bằng 3 (ba) tháng lương thực hiện của đơn vị; được sử dụng cùng với số tiết kiệm do thực hiện cơ chế giao tự chủ về kinh phí chi thường xuyên để bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức tối đa không quá 1 (một) lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định; số còn lại được sử dụng để mua sắm, sửa chữa lớn tài sản phục vụ cho công tác quản lý dự trữ quốc gia.
Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước được quyết định điều hòa việc trích quỹ giữa các đơn vị trực thuộc trong phạm vi mức trích quy định.”
Điều 2. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2012.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.