CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH
V/v tăng cường thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ
________________________
Trong những năm qua, việc thực hiện Bộ Luật Lao động, Pháp lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả, điều kiện và môi trường làm việc có cải thiện, góp phần bảo vệ sức khỏe và bảo đảm quyền lợi của người lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các vụ cháy nổ.
Tuy nhiên, việc thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Pháp lệnh Bảo hộ lao động ở các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động chưa thật nghiêm. Tinh trạng vi phạm các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động còn khá phổ biến việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, kiểm tra môi trường lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ trong nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tư nhân.
Để tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, duy trì và cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm sức khoẻ và an toàn cho người lao động, Ưỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị :
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn đôn đốc, đẩy mạnh việc thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ sức khoẻ và bảo hộ lao động, đặc biệt là các quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời từng bước củng cố và nâng cao hiệu lực của hệ thống thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Xây dựng các chương trình hành động về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hộ lao động theo quy định. Hàng năm có kế hoạch tổ chức tốt Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ; tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, hướng dẫn và thực hiện khen thưởng về công tác này.
2. Sở Y tế có trách nhiệm thường xuyên tham mưu và giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp của tất cả các cơ sở, tổ chức và cá nhân sử dụng người lao động đóng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng mạng lưới y tế theo quy định của Nhà nước. Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện việc chăm sóc sức khoẻ người lao động trong các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ. Giám định môi trường lao động, đo đạc các yếu tố độc hại phát sinh trong môi trường lao động và yêu cầu người sử dụng lao động có biện pháp khắc phục khi các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép hoặc thấy có khả năng xẩy ra sự cố bất thường gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng người lao động và báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, xử lý kịp thời. Tổ chức bổi dưỡng cho cán bộ tuyến dưới về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và tổ chức khám, quản lý sức khoẻ định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
3. Các sở chủ quản các doanh nghiệp có sử dụng lao động cần thường xuyên làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ theo quy định của Nhà nước; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, kiểm tra, thanh tra các hoạt động về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ cho người lao động.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng ở tỉnh và huyện, thị xã tăng cường các chuyên mục về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ để phổ biến các quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn trong phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ, giúp người lao động, người sử dụng lao động có ý thức tự giác và chủ động thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
5. Giám đốc doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở tuyên truyền, giáo dục vân động người lao động thực hiện nghiêm chỉnh quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên, các đội phòng chống tai nạn, sự cố xảy ra; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động và hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và những thiệt hại do điều kiện lao động xấu gây ra.
6. UBND huyện, thị xã thực hiện quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trên địa bàn, cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các cơ quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy và các nội dung khác của việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại địa phương. Xử lý nghiêm minh các đơn vị và cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
Nhận chỉ thị này, yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở trong phạm vi toàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế hướng dẫn và tổng hợp tình hình thực hiện của các cấp, các ngành báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.