• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/04/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 06/01/2004
CHÍNH PHỦ
Số: 19/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 6 tháng 4 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

của Chính phủ số 19-CP ngày 06 tháng 4 năm 1996 ban hành Quy chế giáo dục tại xã, phường,

thị trấn đối với những người vi phạm pháp luật

 ____________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những người vi phạm pháp luật".

Điều 2. Các Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế ban hành kèm theo nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này. Những quy dịnh trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Võ Văn Kiệt

 

QUY CHẾ

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những người vi phạm pháp luật

(Ban hành kèm theo Nghị định số 19-CP ngày 06 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những người vi phạm pháp luật (gọi tắt là Giáo dục tại xã, phường, thị trấn) là biện pháp xử lý hành chính do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) quyết định áp dụng đối với những quy định tại Điều 2 của Quy chế này tại nơi cư trú của họ trong thời hạn từ ba tháng đến sáu tháng. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội, đơn vị dân cư ở cơ sở và gia đình quản lý, giáo dục những người nói trên nhằm giúp đỡ họ sửa chữa sai phạm để trở thành người có ích trong xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống cộng đồng.

Điều 2. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với những đối tượng sau đây:

1.  Người từ đủ 12 tuổi đến 16 tuổi thực hiện những hành vi có các dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, nhưng xét nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người đó chưa đến mức cần thiết phải đưa vào Trường Giáo dưỡng;

2.  Người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiều lần có hành vi càn quấy, trộm cắp vặt, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng, đã được chính quyền và nhân dân địa phương giáo dục mà chưa chịu sửa chữa, nhưng xét nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người đó chưa đến mức cần thiết phải đưa vào Trường Giáo dưỡng hoặc cơ sở giáo dục;

3. Người mại dâm, người nghiện ma tuý đã được gia đình, chính quyền và đoàn thể địa phương nhắc nhở, giáo dục mà chưa chịu sửa chữa, nhưng xét nhân thân và hoàn cảnh gia đình của người đó chưa đến mức cần thiết phải đưa vào Cơ sơ chữa bệnh.

Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không áp dụng đối với người dưới 12 tuổi.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, độ tuổi, hoàn cảnh gia đình và quan hệ xã hội của người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn để quyết định áp dụng hình thức giáo dục tại xã và thời hạn áp dụng biện pháp này.

Điều 4. Việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì với tinh thần trách nhiệm và tình thương đối với người được áp dụng biện pháp này.

Điều 5. Nghiêm cấm việc xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc buộc người đó phải thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật không quy định.

Điều 6. Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã và mọi công dân giám sát việc quyết định và thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, phát hiện và tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này.

Chương II

THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG,

THỊ TRẤN. HÌNH THỨC VÀ TRÌNH TỰ ÁP DỤNG

Điều 7. Trưởng công an cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, đại diện các cơ quan, tổ chức xã hội, đơn vị dân cư ở cơ sở hoặc đại diện gia đình có thể đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã xem xét việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những đối tượng được quy định tại Điều 2 của Quy chế này.

Đề nghị có thể làm bằng văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã hoặc trình bày trực tiếp với đại diện của Uỷ ban Nhân dân cấp xã; trong trường hợp trình bày trực tiếp, thì phải được ghi thành biên bản.

Nội dung của văn bản đề nghị hoặc biên bản phải ghi rõ địa điểm lập biên bản, ngày, tháng, năm đề nghị; họ tên, địa chỉ của người đề nghị hoặc tên của cơ quan, tổ chức đề nghị; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú nhân thân của người được đề nghị giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lý do đề nghị; văn bản hoặc biên bản phải có chữ ký của người đề nghị, biên bản phải ghi rõ họ tên, chức vụ và có chữ ký của người ghi biên bản.

Văn bản đề nghị và biên bản phải tuân theo mẫu quy định.

Điều 8. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã triệu tập và chủ trì cuộc họp gồm Trưởng công an cấp xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở. Tuỳ theo từng đối tượng được đề nghị giáo dục có thể mời đại diện của Nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Ban chăm sóc, giáo dục trẻ em, Thanh tra nhân dân, Tổ hoà giải tại cơ sở và đại diện gia đình hoặc người giám hộ của người được đề nghị tham gia cuộc họp.

Tại cuộc họp, người đề nghị trình bày lý do, nêu những vi phạm pháp luật của người được đề nghị giáo dục tại xã, phường, thị trấn, những biện pháp giúp đỡ, giáo dục đã áp dụng đối với người đó (nếu có). Trong trường hợp cần thiết người được đề nghị giáo dục có thể yêu cầu được có mặt và được trình bày ý kiến của mình. Các đại biểu tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến, thảo luận về việc áp dụng biện pháp giáo dục đối với người được đề nghị.

Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã giao cho Trưởng công an cùng cấp xác minh làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của người được đề nghị giáo dục.

Điều 9. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của cuộc họp quy định tại Điểu 8 của Quy chế này, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục đối với người được đề nghị; tuỳ từng đối tượng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định việc giao trách nhiệm cho cơ quan công an, nhà trường, tổ chức xã hội, đơn vị dân cư ở cơ sở (sau đây gọi chung là Tổ chức được giao) hoặc gia đình quản lý, giáo dục người đó.

Quyết định được gửi cho người được giáo dục, gia đình người đó và Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục.

Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nội dung theo quy định tại Điều 58 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 10. Tổ chức được giao có trách nhiệm phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục và báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã.

Người được phân công giúp đỡ phải thường xuyên gặp gỡ người được giáo dục; thông qua gia đình, bạn bè tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn người đó đến vi phạm pháp luật và tân tư nguyện vọng của người được giáo dục; giúp người đó làm bản cam kết sửa chữa sai phạm và theo dõi việc thực hiện bản cam kết đó;

Khi người được phân công giúp đỡ không còn điều kiện giúp đỡ thì tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phải kịp thời phân công người khác thay thế và báo cáo với Chủ tịch Uỷ Nhân dân cấp xã.

Điều 11. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành, Tổ chức được giao quản lý, giáo dục phải tổ chức cuộc họp kiểm điểm người được giáo dục.

Tuỳ từng đối tượng được giáo dục, Tổ chức được giao mời đại diện của các cơ quan, tổ chức hữu quan ở cơ sở như Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, đơn vị dân cư, đại diện gia đình, dòng họ, những người láng giềng tham dự cuộc họp kiểm điểm người được giáo dục. Người được giáo dục phải tự mình đọc bản kiểm điểm trước cuộc họp. Các đại biểu tham dự cuộc họp phân tích những sai phạm của người được giáo dục và góp ý kiến xây dựng, giúp đỡ người đó sửa chữa để tiến bộ.

Đối với người mại dâm thì việc kiểm điểm được thực hiện trước đại diện tổ chức phụ nữ ở cơ sở, người được phân công trực tiếp giúp đỡ và đại diện gia đình của người đó.

Điều 12. Ngay sau cuộc họp kiểm điểm, người được giáo dục phải làm ban cam kết với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã, trong đó nêu rõ quyết tâm và hướng sửa chữa sai phạm của mình. Bản cam kết của người chưa thành niên từ 12 đến 16 tuổi phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người không biết chữ thì việc cam kết phải được lập thành biên bản.

Bản cam kết phải có ý kiến của người được phân công giúp đỡ, người được giáo dục phải trực tiếp đưa bản cam kết của mình cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã.

Điều 13. Người đứng đầu Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phải thường xuyên trao đổi, bàn bạc với người được phân công giúp đỡ để nắm tình hình, tiến bộ của người được giáo dục, kịp thời giúp đỡ người đó giải quyết những vướng mắc trong khi chấp hành biện pháp này; kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã về các hình thức giúp đỡ thích hợp đối với người được giáo dục như học nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn, trợ giúp công cụ, phương tiện; tạo điều kiện làm ăn sinh sống; động viên thăm hỏi khi ốm đau hoặc khi gia đình người được giáo dục có việc hiếu hỉ; hàng tháng báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã về công việc đã làm và sự tu dưỡng của người được giáo dục.

Điều 14. Người được giáo dục có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh bản cam kết của mình, tích cực sửa chữa sai phạm; phải học tập, làm ăn lương thiện và tham gia các hoạt động chung ở địa phương; mỗi tháng một lần phải kiểm điểm trước Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý giáo dục và kết quả sửa chữa sai phạm, sự tiến bộ của mình.

Điều 15. Trong trường hợp người được giáo dục là người nghiện ma tuý, hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tài sản của gia đình thì người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan có thể đề nghị Toà án xem xét việc hạn chế năng lực hành vi dân sự của người đó, sau đó thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã.

Điều 16. Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục, người được giáo dục có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng, nhưng mỗi lần vắng mặt không được qua 1 tháng và tổng số thời gian vắng mặt không được vượt quá một phần ba (1/3) thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục; và phải tuân theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú đến 10 ngày, thì phải xin phép Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú;

b) Trong trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú từ trên 10 ngày đến 1 tháng, thì phải làm đơn xin phép kèm theo ý kiến của người được phân công giúp đỡ trực tiếp; đối với người dưới 16 tuổi thì phải có ý kiến của bố mẹ hoặc người giám hộ và được Chủ tịch uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú cho phép. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú để phối hợp quản lý, giáo dục. Khi hết thời hạn cho phép tạm trú, người được giáo dục phải làm bản kiểm điểm có xác nhận của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi tạm trú.

Thời gian người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời gian chấp hành quyết định nếu người đó không vi phạm pháp luật tại địa phương nơi đến tạm trú; nếu có vi phạm thì thời gian vắng mặt không được tính vào thời gian chấp hành quyết định;

c) Trong trường hợp vì các lý do chính đáng như thay đổi nơi cư trú, đi học hoặc có việc làm ổn định ở địa phương khác thì người được giáo dục phải làm đơn đề nghị và có ý kiến của người được phân công giúp đỡ trực tiếp, có sự xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức nơi người đó sẽ đến cư trú, học tập hoặc làm việc. Căn cứ vào đơn đề nghị và các ý kiến xác nhận đó, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú cho phép, đồng thời thông báo bằng văn bản và gửi toàn bộ hồ sơ của người được giáo dục cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi người đó sẽ đến cư trú và thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó sẽ làm việc để tiếp tục quản lý, giáo dục.

Điều 17. Người được giáo dục có thể đề đạt nguyện vọng, kiến nghị của mình với Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục hoặc với chính quyền địa phương; có quyền khiếu nại, tố cáo về những việc làm trái pháp luật của những người có liên quan đến việc quyết định và thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Đối với người được giáo dục là vị thành niên thì Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, Đoàn thanh niên hoặc Đội thiếu niên để có các hình thức giáo dục thích hợp như sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hoá văn nghệ, lao động, thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác.

Điều 19. Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cùng cấp trong việc lập, quản lý hồ sơ và theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục. Hồ sơ gồm có:

a) Sơ yếu lý lịch;

b) Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục;

c) Biên bản cuộc họp về việc đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục; bản xác minh của Trưởng công an cấp xã quy định tại đoạn 4 Điều 8 Quy chế này (nếu có);

d) Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã về áp dụng biện pháp giáo dục;

đ) Biên bản các cuộc họp kiểm điểm, các báo cáo hàng tháng của Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục;

e) Các bản kiểm điểm, bản cam kết sửa chữa sai phạm của người được giáo dục;

g) Các giấy chứng nhận đã chấp hành xong hoặc quyết định thôi áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được áp dụng biện pháp này.

Hồ sơ về giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ về quản lý hồ sơ, tài liệu, công văn của Nhà nước.

Điều 20. Khi hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong cho người được giáo dục.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã gửi giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được áp dụng biện pháp này, lưu 1 bản tại hồ sơ, đồng thời thông báo cho tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục và gia đình người được giáo dục.

Điều 21. Kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được trích một phần từ ngân sách của xã, phường, thị trấn; từ kinh phí của các Chương trình phòng chống tệ nạn xã hội và được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và của nhân dân.

Kinh phí phải được sử dụng đúng mục đích cho việc: lập hồ sơ, cho vay vốn, hỗ trợ làm ăn sinh sống, điều trị, chữa bệnh cho người được giáo dục; phụ cấp cho người được phân công giúp đỡ trực tiếp và các công việc khác phục vụ cho công tác giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Đối với người nghiện ma tuý, người mại dâm, gia đình của người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc bản thân người đó có trách nhiệm đóng góp một phần chi phí cho việc điều trị, chữa bệnh; trong trường hợp thực sự có khó khăn thì họ làm đơn đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã xem xét, quyết định được miễn, giảm.

Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thu, chi và quản lý kinh phí nói trên.

Chương III

KHEN THƯỞNG - XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định về giáo dục tại xã, phường, thị trấn được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung của Nhà nước.

Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục có tiến bộ rõ rệt thì Tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục làm văn bản đề nghị và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã ra quyết định thôi áp dụng biện pháp giáo dục đối với người đó. Việc ban hành quyết định nói trên được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Quy chế này.

Điều 23. Người có thẩm quyền trong việc quyết định, thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà dung túng, bao che, xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người được giáo dục hoặc vi phạm các quy định khác về giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu người được giáo dục lại vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính ở mức cao hơn hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.