• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2016
QUỐC HỘI
Số: 93/2015/QH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 25 tháng 11 năm 2015

LUẬT

TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

__________

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tố tụng hành chính.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Luật tố tụng hành chính

Luật tố tụng hành chính quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Luật tố tụng hành chính góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng và hiệu lực của Luật tố tụng hành chính

1. Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng hành chính trên lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với hoạt động tố tụng hành chính do cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành ở nước ngoài.

3. Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với việc giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì nội dung vụ án hành chính có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

4. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình.

6. Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.

7. Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

8. Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).

9. Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.

10. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

11. Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

12. Vụ án phức tạp là vụ án có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người; có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn; có đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài.

13. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.

14. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Điều 4. Tuân thủ pháp luật trong tố tụng hành chính

Mọi hoạt động tố tụng hành chính của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo quy định của Luật này.

Điều 5. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.

Điều 6. Xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.

Điều 7. Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

1. Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri gây ra.

Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.

Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết.

2. Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trường hợp Tòa án giải quyết cả phần yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với việc giải quyết vụ án hành chính mà phần quyết định của bản án về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo hoặc kháng nghị hoặc bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì phần quyết định về bồi thường thiệt hại trong các trường hợp này là một phần của vụ án hành chính. Thủ tục giải quyết đối với phần quyết định về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bị hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại được thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 8. Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, thực hiện các quyền tố tụng khác của mình theo quy định của Luật này.

Điều 9. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính

1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định của Luật này.

Điều 10. Nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi là Viện kiểm sát) theo quy định của Luật này khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết.

Điều 11. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm, trừ trường hợp xét xử vụ án hành chính đối với khiếu kiện danh sách cử tri.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 12. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính

1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính có Hội thẩm nhân dân tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn theo quy định của Luật này.

2. Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 13. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

1. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 14. Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng hành chính

1. Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người phiên dịch, người giám định, thành viên Hội đồng định giá không được tiến hành, tham gia tố tụng nếu có căn cứ cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Việc phân công người tiến hành tố tụng phải bảo đảm để họ vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 15. Tòa án xét xử tập thể

Tòa án xét xử tập thể vụ án hành chính và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

Điều 16. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai

1. Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn do Luật này quy định, bảo đảm công bằng.

2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án có thể xét xử kín.

Điều 17. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính

1. Trong tố tụng hành chính, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, địa vị xã hội.

2. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án.

3. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều 18. Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Điều 19. Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hoặc người khác có đủ điều kiện theo quy định của Luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

3. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án.

4. Không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hành chính.

Điều 20. Đối thoại trong tố tụng hành chính

Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này.

Điều 21. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính là tiếng Việt.

Người tham gia tố tụng hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này phải có người phiên dịch.

Người tham gia tố tụng hành chính là người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói hoặc người khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng của người khuyết tật để dịch lại.

Điều 22. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

2. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

4. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan có người có hành vi vi phạm pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 23. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Điều 24. Giám đốc việc xét xử

Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án cấp tỉnh), Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án cấp huyện) trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Điều 25. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính

1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

3. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó.

Điều 26. Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án

1. Tòa án có trách nhiệm tống đạt, chuyển giao, thông báo bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án theo quy định của Luật này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án khi có yêu cầu của Tòa án và phải thông báo kết quả việc chuyển giao đó cho Tòa án.

Điều 27. Việc tham gia tố tụng hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng hành chính theo quy định của Luật này, góp phần vào việc giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.

Điều 28. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại; cá nhân có quyền tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động tố tụng hành chính.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo.

Điều 29. Án phí, lệ phí và chi phí tố tụng

Án phí, lệ phí và chi phí tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Chương II

THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN

Điều 30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

4. Khiếu kiện danh sách cử tri.

Điều 31. Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện

Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;

3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Điều 32. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh

Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;

2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;

3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;

4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;

6. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

7. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

8. Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

Điều 33. Xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện

1. Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.

Trường hợp người khởi kiện không thể tự mình làm văn bản thì đề nghị Tòa án lập biên bản về việc lựa chọn cơ quan giải quyết. Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án xử lý như sau:

a) Trường hợp người khởi kiện lựa chọn Tòa án giải quyết thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án;

b) Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 của Luật này trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.

Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

2. Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tất cả những người này đều lựa chọn một trong hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trong đó có người lựa chọn Tòa án giải quyết và có người lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc trường hợp có người chỉ khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền và người khác chỉ khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết được xác định như sau:

a) Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại độc lập với nhau thì việc giải quyết yêu cầu của người khởi kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án, còn việc giải quyết khiếu nại của những người khiếu nại thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

b) Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại không độc lập với nhau thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án.

4. Trường hợp người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

Điều 34. Chuyển vụ án cho Tòa án khác, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án xác định vụ án đó không phải là vụ án hành chính mà là vụ án dân sự và việc giải quyết vụ án này thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án giải quyết vụ án đó theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng dân sự quy định, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

3. Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Tòa án phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền.

4. Khi xét xử phúc thẩm vụ án hành chính mà xác định vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

5. Khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính mà xác định vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

6. Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị quyết định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ án hành chính phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị.

7. Chánh án Tòa án cấp tỉnh giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Tòa án cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Tòa án cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau; giữa các Tòa án cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, Tòa án cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của các Tòa án nhân dân cấp cao khác nhau.

Điều 35. Nhập hoặc tách vụ án hành chính

1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết bằng một vụ án hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính;

b) Việc nhập hai hay nhiều vụ án hành chính thành một vụ án hành chính phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.

2. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án hành chính khác nhau để giải quyết trong trường hợp quyết định hành chính bị khởi kiện liên quan đến nhiều người khởi kiện và quyền lợi, nghĩa vụ của những người khởi kiện đó không liên quan với nhau.

3. Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Chương III

CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ VIỆC THAY ĐỔI NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

Điều 36. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng hành chính gồm có:

a) Tòa án;

b) Viện kiểm sát.

2. Những người tiến hành tố tụng hành chính gồm có:

a) Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án

1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức công tác giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án; bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;

b) Quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án hành chính, Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử vụ án hành chính; phân công Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hành chính bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại Điều 14 của Luật này;

c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;

d) Quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên tòa;

đ) Ra quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng hành chính;

e) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc kiến nghị Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật này;

h) Kiến nghị với cơ quan, cá nhân có văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản, chấm dứt hành vi đó nếu phát hiện có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật;

i) Kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này;

k) Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật;

l) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

2. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, trừ quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm e khoản 1 Điều này. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xử lý đơn khởi kiện;

2. Lập hồ sơ vụ án hành chính;

3. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật này;

4. Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

5. Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, quyết định tiếp tục đưa vụ án hành chính ra giải quyết;

6. Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

7. Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật này;

8. Quyết định đưa vụ án hành chính ra xét xử;

9. Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp;

10. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này;

11. Chủ tọa hoặc tham gia Hội đồng xét xử vụ án hành chính; biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

12. Xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét văn bản hành chính, hành vi hành chính đó theo quy định của pháp luật;

13. Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này;

14. Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật;

15. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Hội thẩm nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án;

2. Đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính ra quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền;

3. Tham gia Hội đồng xét xử vụ án hành chính;

4. Tiến hành hoạt động tố tụng và ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thẩm tra hồ sơ vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

2. Kết luận về việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra, đề xuất phương án giải quyết vụ án hành chính với Chánh án Tòa án;

3. Thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này;

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án

Khi được phân công, Thư ký Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên tòa;

2. Phổ biến nội quy phiên tòa;

3. Kiểm tra và báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa;

4. Ghi biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản lấy lời khai của người tham gia tố tụng;

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát

1. Khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính;

b) Quyết định phân công Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật này và thông báo cho Tòa án biết; phân công Kiểm tra viên tiến hành tố tụng đối với vụ án hành chính bảo đảm đúng nguyên tắc theo quy định tại Điều 14 của Luật này;

c) Quyết định thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

d) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật này;

đ) Yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Luật này;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật này;

g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

2. Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.

Điều 43. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên

Khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, Kiểm sát viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện;

2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án;

3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 84 của Luật này;

4. Tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này;

5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án;

6. Yêu cầu, kiến nghị Tòa án thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Luật này;

7. Đề nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật;

8. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Điều 44. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên

Khi được phân công, Kiểm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

2. Lập hồ sơ kiểm sát vụ án hành chính theo sự phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát;

3. Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Luật này.

Điều 45. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;

2. Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;

3. Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện;

4. Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;

5. Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện;

6. Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện;

7. Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bị khởi kiện;

8. Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 46. Những trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi

Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

2. Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng;

3. Họ đã tham gia giải quyết vụ án hành chính đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và đã ra bản án sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao được tham gia xét xử vụ án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

4. Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Điều 47. Những trường hợp Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi

Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

2. Đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

3. Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ án đó.

Điều 48. Thủ tục từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án

1. Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân,Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc của việc đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.

2. Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi những người quy định tại khoản 1 Điều này tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Điều 49. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án

1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định.

Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì giải quyết như sau:

a) Thẩm phán là Chánh án Tòa án cấp huyện do Chánh án Tòa án cấp tỉnh quyết định;

b) Thẩm phán là Chánh án Tòa án cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với Tòa án cấp tỉnh đó quyết định;

c) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.

2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án mà không có người dự khuyết thay thế ngay thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi; nếu người bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoãn phiên tòa, Chánh án Tòa án phải cử người khác thay thế.

Điều 50. Những trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

2. Đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong vụ án đó.

Điều 51. Thủ tục từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

1. Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên.

Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Kiểm tra viên phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi Kiểm tra viên.

2. Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Điều 52. Quyết định việc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Việc thay đổi Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định.

2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Kiểm sát viên do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Việc cử Kiểm sát viên thay thế Kiểm sát viên bị thay đổi do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoãn phiên tòa, Viện trưởng Viện kiểm sát phải cử người khác thay thế và thông báo bằng văn bản cho Tòa án.

Chương IV

NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG

Điều 53. Người tham gia tố tụng

Người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.

Điều 54. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của đương sự

1. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng hành chính như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính.

3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng hành chính của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

4. Đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

5. Đương sự là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

Điều 55. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm:

1. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa;

2. Nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật;

3. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu;

4. Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án nếu có thay đổi địa chỉ, nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án;

5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;

7. Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản;

8. Được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

9. Nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

10. Đề nghị Tòa án quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

11. Đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại và tham gia phiên họp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;

12. Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

13. Tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;

14. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

15. Tham gia phiên tòa, phiên họp;

16. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;

17. Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng;

18. Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

19. Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng;

20. Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng;

21. Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;

22. Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án;

23 Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

24. Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

25. Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác;

26. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện

Người khởi kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này;

2. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Điều 57. Quyền, nghĩa vụ của người bị kiện

Người bị kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này;

2. Được Tòa án thông báo về việc bị kiện;

3. Chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;

4. Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.

Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập, tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc với bên bị kiện.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện quy định tại Điều 56 của Luật này.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị kiện hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này.

Điều 59. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính

1. Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.

2. Trường hợp người khởi kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

3. Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.

Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.

4. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức đã giải thể mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.

5. Trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

6. Việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng có thể được Tòa án chấp nhận ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Điều 60. Người đại diện

1. Người đại diện trong tố tụng hành chính bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

2. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính có thể là một trong những người sau đây, trừ trường hợp người đó bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật:

a) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Người giám hộ đối với người được giám hộ;

c) Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

d) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật;

đ) Những người khác theo quy định của pháp luật.

3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.

Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.

4. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện.

Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.

6. Những người sau đây không được làm người đại diện:

a) Nếu họ là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

b) Nếu họ đang là người đại diện trong tố tụng hành chính cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.

7. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Điều 61. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

2. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;

b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

c) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.

4. Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Luật sư phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật luật sư;

b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư;

c) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều này xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.

5. Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.

6. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng hành chính;

b) Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

c) Tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc trong trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét;

d) Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Luật này;

đ) Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;

e) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 9, 16, 19 và 20 Điều 55 của Luật này;

g) Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Người làm chứng

1. Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án được đương sự đề nghị và Tòa án triệu tập tham gia tố tụng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

2. Người làm chứng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được liên quan đến việc giải quyết vụ án;

b) Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được liên quan đến việc giải quyết vụ án;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về khai báo của mình, bồi thường thiệt hại do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác;

d) Phải có mặt tại Tòa án và tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải được thực hiện tại Tòa án, tại phiên tòa; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa;

đ) Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên;

e) Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc việc khai báo đó ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình;

g) Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai;

h) Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật;

i) Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

k) Khiếu nại hành vi tố tụng, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Điều 63. Người giám định

1. Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần được giám định, được các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn hoặc được Tòa án trưng cầu để giám định đối tượng đó theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự.

2. Người giám định có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Được đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định;

b) Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề liên quan đến đối tượng giám định;

c) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định;

d) Thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;

đ) Bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;

e) Không được tự mình thu thập tài liệu là đối tượng giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ người đã quyết định trưng cầu giám định;

g) Độc lập đưa ra kết luận giám định; kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ;

h) Được thanh toán các khoản chi phí theo quy định của pháp luật;

i) Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Người giám định phải từ chối hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

a) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;

b) Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;

c) Đã thực hiện việc giám định đối với cùng một đối tượng cần giám định trong cùng vụ án đó;

d) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

đ) Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 64. Người phiên dịch

1. Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

Người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói cũng được coi là người phiên dịch.

Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói biết được ngôn ngữ, ký hiệu của họ thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm phiên dịch cho người khuyết tật đó.

2. Người phiên dịch có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án;

b) Phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa;

c) Đề nghị người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giải thích thêm lời nói cần phiên dịch;

d) Không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi phiên dịch;

đ) Được thanh toán các khoản chi phí theo quy định của pháp luật;

e) Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Người phiên dịch phải từ chối hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

a) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;

b) Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

d) Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 65. Thủ tục từ chối người giám định, người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch

1. Trước khi mở phiên tòa, việc từ chối người giám định, người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch phải được lập thành văn bản và nêu rõ lý do của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi; việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Chánh án Tòa án quyết định.

2. Tại phiên tòa, việc từ chối người giám định, người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch phải được ghi vào biên bản phiên tòa; việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi.

Chương V

CÁC BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

Điều 66. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 68 của Luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2. Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 68 của Luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

3. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.

Điều 67. Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

2. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Điều 68. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

2. Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính.

3. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

Điều 69. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

Điều 70. Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính

Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính được áp dụng nếu có căn cứ cho rằng việc tiếp tục thực hiện hành vi hành chính sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

Điều 71. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng đương sự thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Điều 72. Trách nhiệm trong việc yêu cầu, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Đương sự yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường.

3. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng, gây thiệt hại cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải bồi thường.

4. Việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 73. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm viết đơn;

b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Tóm tắt nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc hành vi hành chính bị khởi kiện;

đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

3. Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận đơn yêu cầu, Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu, Viện kiểm sát cùng cấp.

Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét ra quyết định áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời; trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Hội đồng xét xử thông báo, nêu rõ lý do cho người yêu cầu và ghi vào biên bản phiên tòa.

4. Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án chỉ định ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu, Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 74. Thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Theo yêu cầu của đương sự, Tòa án xem xét, quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng khi xét thấy không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác.

2. Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng;

b) Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;

c) Vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

d) Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Luật này;

đ) Vụ án được đình chỉ theo quy định tại Điều 143 của Luật này.

3. Thủ tục thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật này.

Điều 75. Hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay.

2. Tòa án phải cấp hoặc gửi ngay quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Điều 76. Khiếu nại, kiến nghị việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo của Thẩm phán về việc không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Tại phiên tòa, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Hội đồng xét xử về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Điều 77. Giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

3. Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.

Chương VI

CHỨNG MINH VÀ CHỨNG CỨ

Điều 78. Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính

1. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.

2. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 79. Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh

1. Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:

a) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;

b) Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

c) Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì Thẩm phán có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp, giao nộp văn bản xuất trình văn bản gốc, bản chính.

2. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đưa ra tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản đó không phải chứng minh. Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận hoặc không phản đối của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.

Điều 80. Chứng cứ

Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Điều 81. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;

2. Vật chứng;

3. Lời khai của đương sự;

4. Lời khai của người làm chứng;

5. Kết luận giám định;

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;

7. Kết quả định giá, thẩm định giá tài sản;

8. Văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;

9. Văn bản công chứng, chứng thực;

10. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 82. Xác định chứng cứ

1. Tài liệu đọc được được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó.

3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.

7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.

8. Kết quả định giá, thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.

9. Văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.

10. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật được xác định là chứng cứ.

Điều 83. Giao nộp tài liệu, chứng cứ

1. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại khoản 2 Điều 84 của Luật này để giải quyết vụ án.

2. Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của tài liệu, chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ án hành chính và một bản giao cho đương sự nộp tài liệu, chứng cứ giữ.

3. Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.

4. Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm quy định tại Điều 130 của Luật này.

5. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.

6. Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ và có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án.

Điều 84. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ

1. Đương sự có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:

a) Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử;

b) Thu thập vật chứng;

c) Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;

đ) Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;

e) Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;

g) Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;

h) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Trong các trường hợp do Luật này quy định, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng;

c) Xem xét, thẩm định tại chỗ;

d) Trưng cầu giám định;

đ) Quyết định định giá tài sản;

e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án;

h) Biện pháp khác theo quy định của Luật này.

3. Khi tiến hành các biện pháp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.

4. Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ quy định tại điểm a và điểm g khoản 2 Điều này.

Khi Thẩm tra viên tiến hành biện pháp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo cho các đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

6. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp kháng nghị bản án hoặc quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị.

Điều 85. Lấy lời khai của đương sự

1. Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án, trong trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản. Trường hợp đương sự không biết chữ thì phải có người làm chứng do đương sự chọn.

3. Việc lấy lời khai của đương sự chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.

Điều 86. Lấy lời khai của người làm chứng

1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng.

2. Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như việc lấy lời khai của đương sự theo quy định tại Điều 85 của Luật này.

Điều 87. Đối chất

1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.

2. Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất.

Điều 88. Xem xét, thẩm định tại chỗ

1. Thẩm phán tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định; phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.

2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Biên bản phải được đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

4. Thẩm phán có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Điều 89. Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định

1. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

2. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.

3. Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa rõ ràng thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa để trực tiếp trình bày về nội dung liên quan.

4. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án đã được kết luận giám định trước đó.

5. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Điều 90. Trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo

1. Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 89 của Luật này.

2. Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

3. Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu Tòa án quyết định trưng cầu giám định.

Điều 91. Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản; thỏa thuận về việc xác định giá tài sản và cung cấp cho Tòa án.

2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tiến hành thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.

Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.

3. Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;

b) Các đương sự đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;

c) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản;

d) Người khởi kiện thỏa thuận với tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản theo mức giá cao hơn so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm thu lợi bất chính từ tài sản của Nhà nước hoặc người bị kiện thỏa thuận với tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp hơn so với giá thị trường nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá có vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.

4. Trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá được thực hiện như sau:

a) Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 45 của Luật này không được tham gia Hội đồng định giá.

Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá;

b) Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án. Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết để tiếp tục tiến hành định giá;

c) Việc định giá phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản.

5. Việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án hành chính.

Điều 92. Ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh tình tiết của vụ án hành chính.

2. Trong quyết định ủy thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện và những công việc cụ thể ủy thác để thu thập tài liệu, chứng cứ.

3. Tòa án nhận được quyết định ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác.

4. Trường hợp việc thu thập tài liệu, chứng cứ phải tiến hành ở nước ngoài thì Tòa án làm thủ tục ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này hoặc thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

5. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Tòa án giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án.

Điều 93. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ

1. Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ thì đương sự phải làm đơn ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp, lý do yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu biết.

2. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho mình hoặc tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính.

Đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao tự mình không thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.

3. Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng có thể bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

4. Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 94. Bảo quản tài liệu, chứng cứ

1. Tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp tại Tòa án thì việc bảo quản tài liệu, chứng cứ đó do Tòa án chịu trách nhiệm.

2. Tài liệu, chứng cứ không thể giao nộp được tại Tòa án thì người đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ đó có trách nhiệm bảo quản.

3. Trường hợp cần giao tài liệu, chứng cứ cho người thứ ba bảo quản thì Thẩm phán ra quyết định và lập biên bản giao cho người đó bảo quản. Người nhận bảo quản phải ký tên vào biên bản, được hưởng thù lao và phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.

4. Nghiêm cấm việc hủy hoại tài liệu, chứng cứ.

Điều 95. Đánh giá chứng cứ

1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.

2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

Điều 96. Công bố và sử dụng chứng cứ

1. Mọi chứng cứ được công bố và sử dụng công khai như nhau, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tòa án không công khai nội dung chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những chứng cứ không được công khai.

3. Người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải giữ bí mật chứng cứ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này theo quy định của pháp luật.

Điều 97. Bảo vệ chứng cứ

1. Trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì đương sự có quyền làm đơn đề nghị Tòa án quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ. Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số trong các biện pháp niêm phong, thu giữ, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phục chế, khám nghiệm, lập biên bản và biện pháp khác.

2. Trường hợp người làm chứng bị đe dọa, khống chế hoặc mua chuộc để không cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp chứng cứ sai sự thật thì Tòa án có quyền quyết định buộc người có hành vi đe dọa, khống chế hoặc mua chuộc phải chấm dứt hành vi đe dọa, khống chế hoặc mua chuộc người làm chứng. Trường hợp hành vi đó có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát xem xét về trách nhiệm hình sự.

Điều 98. Quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ

1. Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

2. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương VII

CẤP, TỐNG ĐẠT, THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG

Điều 99. Nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 100. Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo

1. Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng hành chính.

2. Bản án, quyết định của Tòa án.

3. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.

4. Văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định phải cấp, tống đạt hoặc thông báo.

Điều 101. Những người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

1. Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng.

2. Người có chức năng tống đạt.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng làm việc khi Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu.

4. Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Luật này quy định.

5. Nhân viên của tổ chức dịch vụ bưu chính.

6. Những người khác theo quy định của pháp luật.

Điều 102. Các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.

2. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

3. Niêm yết công khai.

4. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Điều 303 của Luật này.

Điều 103. Tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

1. Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật này thì được coi là hợp lệ.

2. Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 104. Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt, thông báo hoặc được ủy quyền cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng.

Điều 105. Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo bằng phương tiện điện tử

Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.

Điều 106. Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân

1. Người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ.

2. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo đã chuyển đến nơi cư trú mới và đã thông báo cho Tòa án việc thay đổi nơi cư trú thì phải cấp, tống đạt hoặc thông báo theo nơi cư trú mới của họ.

3. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố) hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng.

4. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 108 của Luật này.

Điều 107. Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức

Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

Điều 108. Thủ tục niêm yết công khai

1. Niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 106 và Điều 107 của Luật này.

2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

3. Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày kể từ ngày niêm yết.

Điều 109. Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

1. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

2. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của đương sự khác. Trường hợp này, đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

Điều 110. Thông báo kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không phải là người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng thì người thực hiện phải thông báo ngay bằng văn bản kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho Tòa án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng đó.

Chương VIII

PHÁT HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BÃI BỎ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 111. Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án thực hiện như sau:

a) Trường hợp chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Điều 112 của Luật này thực hiện việc kiến nghị;

b) Trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Điều 112 của Luật này thực hiện việc kiến nghị.

2. Văn bản kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải có những nội dung chính sau đây:

a) Tên của Tòa án ra văn bản kiến nghị hoặc đề nghị;

b) Tóm tắt nội dung vụ án và những vấn đề pháp lý đặt ra để giải quyết vụ án;

c) Tên, số, ngày, tháng, năm của văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ có liên quan đến việc giải quyết vụ án;

d) Phân tích những quy định của văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

đ) Kiến nghị hoặc đề nghị của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.

3. Kèm theo văn bản kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền kiến nghị là văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Điều 112. Thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

1. Chánh án Tòa án cấp huyện có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án Tòa án cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tự mình hoặc theo đề nghị của Chánh án Tòa án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

4. Trường hợp tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này để thực hiện quyền kiến nghị; trường hợp này, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 187 của Luật này để chờ ý kiến của Chánh án Tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 141 của Luật này.

Điều 113. Trách nhiệm giải quyết đề nghị về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị quy định tại Điều 111 của Luật này thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền kiến nghị phải xem xét và xử lý như sau:

1. Trường hợp đề nghị có căn cứ thì phải ra văn bản kiến nghị gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật và thông báo cho Tòa án đã đề nghị biết để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

2. Trường hợp đề nghị không có căn cứ thì phải ra văn bản trả lời cho Tòa án đã đề nghị biết để tiếp tục giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 114. Trách nhiệm thực hiện kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Cơ quan nhận được kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án có trách nhiệm giải quyết như sau:

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án quy định tại Điều 112 của Luật này đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì cơ quan đã ban hành văn bản đó phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Tòa án đã kiến nghị. Nếu quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án;

2. Trường hợp kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương IX

KHỞI KIỆN, THỤ LÝ VỤ ÁN

Điều 115. Quyền khởi kiện vụ án

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

3. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

Điều 116. Thời hiệu khởi kiện

1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

5. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.

Điều 117. Thủ tục khởi kiện

1. Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 của Luật này.

2. Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của cá nhân; ở phần cuối đơn cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

4. Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

5. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Điều 118. Đơn khởi kiện

1. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

d) Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;

đ) Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);

e) Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;

g) Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

2. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Điều 119. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:

1. Nộp trực tiếp tại Tòa án;

2. Gửi qua dịch vụ bưu chính;

3. Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Điều 120. Xác định ngày khởi kiện vụ án hành chính

1. Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn.

2. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.

3. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn đến Tòa án qua dịch vụ bưu chính thì ngày khởi kiện là ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

4. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 34 và khoản 3 Điều 165 của Luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 121. Nhận và xem xét đơn khởi kiện

1. Tòa án nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và ghi vào sổ nhận đơn.

Việc nhận đơn khởi kiện được ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án trả lời cho người khởi kiện biết qua thư điện tử. Trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 246 của Luật này;

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này.

4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được thông báo cho người khởi kiện, phải ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Điều 122. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện

1. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án.

2. Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.

3. Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

Điều 123. Trả lại đơn khởi kiện

1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

b) Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;

c) Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

d) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

đ) Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

e) Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;

g) Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;

h) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.

2. Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao lại và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.

Điều 124. Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện

1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.

2. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trường hợp người khởi kiện, Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.

4. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và người khởi kiện có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp;

b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

5. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.

6. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;

b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng. Quyết định này phải được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.

Điều 125. Thụ lý vụ án

1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.

2. Thẩm phán thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý. Việc thụ lý vụ án phải được ghi vào sổ thụ lý.

3. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người khởi kiện mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp chưa trả lại đơn khởi kiện thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án;

b) Trường hợp đã trả lại đơn khởi kiện mà người khởi kiện chứng minh được là họ đã nộp tiền tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định, nhưng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên họ nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án không đúng hạn thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý vụ án; trường hợp này ngày khởi kiện là ngày nộp đơn khởi kiện lần đầu;

c) Trường hợp sau khi Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ án; trường hợp này ngày khởi kiện là ngày nộp lại đơn khởi kiện.

4. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người khởi kiện không nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thông báo cho họ biết về việc không thụ lý vụ án với lý do là họ không nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp này, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

5. Sau khi Thẩm phán thụ lý vụ án mà Tòa án nhận được đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 129 của Luật này để giải quyết trong cùng một vụ án hành chính thì ngày thụ lý vụ án được xác định như sau:

a) Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo;

b) Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí;

c) Trường hợp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì ngày thụ lý vụ án là ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu độc lập cuối cùng, nếu họ đều thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc là ngày người nộp cuối cùng cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, nếu họ thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí.

6. Khi nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí của đương sự thì Tòa án phải cấp cho họ giấy xác nhận về việc nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Điều 126. Thông báo về việc thụ lý vụ án

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

b) Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án;

c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện;

d) Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết;

đ) Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn;

e) Danh mục tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện;

g) Thời hạn người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp ý kiến bằng văn bản về yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo hoặc yêu cầu độc lập (nếu có) cho Tòa án;

h) Hậu quả pháp lý của việc người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện.

Điều 127. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án

1. Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử theo đúng thời hạn quy định của Luật này.

3. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 128. Quyền, nghĩa vụ của người được thông báo

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo hoặc yêu cầu độc lập (nếu có).

Trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Tòa án gia hạn một lần, nhưng không quá 07 ngày.

2. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã nhận được thông báo, nhưng không nộp ý kiến bằng văn bản trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lý do chính đáng thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của Luật này.

3. Người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (nếu có), trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

4. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) thực hiện nhiệm vụ và thông báo cho Tòa án.

Điều 129. Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với người khởi kiện hoặc với người bị kiện thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:

a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập đến thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Thủ tục yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Luật này về thủ tục khởi kiện của người khởi kiện.

Chương X

THỦ TỤC ĐỐI THOẠI VÀ CHUẨN BỊ XÉT XỬ

Điều 130. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:

1. 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật này;

2. 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 116 của Luật này;

3. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Điều 131. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

1. Lập hồ sơ vụ án.

2. Yêu cầu đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ, văn bản ghi ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện cho Tòa án; yêu cầu người khởi kiện nộp bản sao tài liệu, chứng cứ để Tòa án gửi cho đương sự.

3. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này.

4. Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

5. Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật này; trừ vụ án theo thủ tục rút gọn và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri.

6. Ra một trong các quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;

c) Đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Điều 132. Lập hồ sơ vụ án hành chính

1. Hồ sơ vụ án hành chính gồm đơn và tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác; tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập liên quan đến vụ án; văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án hành chính.

2. Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ án hành chính phải được đánh số bút lục, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm và phải được lưu giữ, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 133. Giao nộp tài liệu, chứng cứ

1. Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 83 của Luật này.

2. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp trước đó thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự phải giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm.

Điều 134. Nguyên tắc đối thoại

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các điều 135, 198 và 246 của Luật này.

2. Việc đối thoại phải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự;

b) Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ;

c) Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Điều 135. Những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được

1. Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

2. Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng.

3. Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại.

Điều 136. Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại

1. Trước khi tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại giữa các đương sự, Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.

2. Trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135 của Luật này thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành việc đối thoại.

Điều 137. Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại

1. Thành phần tham gia phiên họp gồm có:

a) Thẩm phán chủ trì phiên họp;

b) Thư ký phiên họp ghi biên bản;

c) Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);

đ) Người phiên dịch (nếu có).

2. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp.

3. Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp và thông báo bằng văn bản việc hoãn phiên họp, mở lại phiên họp cho các đương sự.

Điều 138. Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại

1. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho đương sự biết quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

2. Khi tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, rút yêu cầu khởi kiện; yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

b) Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

c) Việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

d) Vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

3. Sau khi các đương sự trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các đề nghị của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này; trường hợp đương sự vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.

4. Sau khi tiến hành xong việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán tiến hành thủ tục đối thoại như sau:

a) Thẩm phán phổ biến cho đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc đối thoại để họ tự nguyện thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án;

b) Người khởi kiện trình bày bổ sung về yêu cầu khởi kiện, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm của người khởi kiện về hướng giải quyết vụ án (nếu có);

c) Người bị kiện trình bày bổ sung ý kiến về yêu cầu của người khởi kiện, những căn cứ ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện và đề xuất hướng giải quyết vụ án (nếu có);

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày bổ sung và đề xuất ý kiến giải quyết phần liên quan đến họ (nếu có);

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người khác tham gia phiên họp đối thoại (nếu có) phát biểu ý kiến;

e) Tùy từng trường hợp, Thẩm phán yêu cầu đương sự nêu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, đồng thời kiểm tra hiệu lực pháp luật của văn bản đó. Thẩm phán có thể phân tích để các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án;

g) Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

h) Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất.

5. Thư ký phiên họp ghi biên bản về diễn biến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

 Điều 139. Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; biên bản đối thoại

1. Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp;

b) Địa điểm tiến hành phiên họp;

c) Thành phần tham gia phiên họp;

d) Ý kiến của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 138 của Luật này;

đ) Các nội dung khác;

e) Kết luận của Thẩm phán về việc chấp nhận, không chấp nhận các đề nghị của đương sự.

2. Biên bản đối thoại phải có các nội dung sau đây:

a) Nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

c) Nội dung đã được đương sự thống nhất, không thống nhất.

3. Đối với trường hợp không tiến hành đối thoại được quy định tại Điều 135 của Luật này thì lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký phiên họp ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Những người tham gia phiên họp có quyền được xem biên bản phiên họp ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Điều 140. Xử lý kết quả đối thoại

1. Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.

2. Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

3. Trường hợp qua đối thoại mà người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các đương sự không thực hiện cam kết của mình thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án .

Trường hợp nhận được quyết định hành chính mới hoặc văn bản rút đơn khởi kiện thì Tòa án phải thông báo cho các đương sự khác biết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, nếu các đương sự không có ý kiến phản đối thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì quyết định của Tòa án có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Điều 141. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án

1. Tòa án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;

b) Đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

c) Đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp có thể xét xử vắng mặt đương sự;

d) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác hoặc kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan;

đ) Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó.

2. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 142. Hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án

1. Tòa án không xoá tên vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án đó để theo dõi.

2. Khi lý do tạm đình chỉ quy định tại Điều 141 của Luật này không còn thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

3. Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

4. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.

Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ trong thời gian ngắn nhất để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.

Điều 143. Đình chỉ giải quyết vụ án

1. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;

b) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập;

d) Người khởi kiện không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ;

đ) Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

e) Người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu;

g) Thời hiệu khởi kiện đã hết;

h) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này mà Tòa án đã thụ lý.

2. Khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự nếu có yêu cầu.

3. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 144. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án

1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 143 của Luật này và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được xử lý theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Điều 145. Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

1. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đó.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 146. Quyết định đưa vụ án ra xét xử

1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;

b) Việc xét xử được tiến hành công khai hay xét xử kín;

c) Tên, địa chỉ của người tham gia tố tụng;

d) Nội dung việc khởi kiện;

đ) Họ, tên của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có).

2. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định.

Điều 147. Gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát

Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng với việc gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án.

Chương XI

PHIÊN TÒA SƠ THẨM

Mục 1

YÊU CẦU CHUNG VỀ PHIÊN TÒA SƠ THẨM

Điều 148. Yêu cầu chung đối với phiên tòa sơ thẩm

Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Điều 149. Thời hạn mở phiên tòa

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Điều 150. Địa điểm tổ chức phiên tòa

Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 151 của Luật này.

Điều 151. Hình thức bố trí phòng xử án

1. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được treo chính giữa phía trên phòng xử án và phía trên chỗ ngồi của Hội đồng xét xử.

2. Phòng xử án phải có các khu vực được bố trí riêng cho Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác và người tham dự phiên tòa.

Điều 152. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói

1. Việc xét xử bằng lời nói và phải được tiến hành tại phòng xử án.

2. Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án tại phiên tòa bằng cách hỏi và nghe trình bày, tranh luận trực tiếp về tình tiết, chứng cứ của vụ án của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa, nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát.

Điều 153. Nội quy phiên tòa

1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.

2. Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

3. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn Thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, những người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

5. Mọi người tham dự phiên tòa phải có trang phục nghiêm chỉnh; có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.

6. Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được Chủ tọa phiên tòa cho phép; không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án; không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

7. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án, trừ trường hợp được Chủ tọa phiên tòa đồng ý cho rời khỏi phòng xử án nếu có lý do chính đáng.

Người dưới mười sáu tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.

8. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa.

9. Chỉ những người được Hội đồng xét xử đồng ý mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được Chủ tọa phiên tòa đồng ý cho ngồi để hỏi, trả lời hoặc phát biểu.

Điều 154. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và 02 Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 249 của Luật này. Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân trong trường hợp sau đây:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến nhiều đối tượng;

2. Vụ án phức tạp.

Điều 155. Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án

1. Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa án.

2. Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế thành viên Hội đồng xét xử vắng mặt để tham gia xét xử vụ án.

3. Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên tòa.

4. Trường hợp Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.

Điều 156. Sự có mặt của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.

2. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.

Điều 157. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật của người khởi kiện mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

d) Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Điều 158. Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa

Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

1. Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

2. Người khởi kiện, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;

3. Trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều 157 của Luật này.

Điều 159. Sự có mặt của người làm chứng

1. Người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án để trình bày tình tiết của vụ án mà họ biết. Trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án thì Chủ tọa phiên tòa công bố lời khai đó.

2. Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử.

Điều 160. Sự có mặt của người giám định

1. Người giám định có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định.

2. Trường hợp người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Điều 161. Sự có mặt của người phiên dịch

1. Người phiên dịch có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.

2. Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 162. Hoãn phiên tòa

1. Các trường hợp phải hoãn phiên tòa:

a) Trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 155, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 161 của Luật này;

b) Thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;

c) Trường hợp phải tiến hành giám định lại theo quy định tại Điều 170 của Luật này.

2. Trường hợp hoãn phiên tòa được quy định tại khoản 2 Điều 159 và khoản 2 Điều 160 của Luật này.

Điều 163. Thời hạn, quyết định và thẩm quyền hoãn phiên tòa

1. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa, trừ phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn là 15 ngày.

2. Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án và họ, tên những người tiến hành tố tụng;

c) Vụ án được đưa ra xét xử;

d) Lý do của việc hoãn phiên tòa;

đ) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.

3. Quyết định hoãn phiên tòa phải được Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp Chủ tọa phiên tòa vắng mặt thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.

Điều 164. Thủ tục ra bản án, quyết định của Tòa án tại phiên tòa

1. Bản án phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.

2. Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên tòa phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản.

3. Quyết định về các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải viết thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Điều 165. Tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa

1. Tại phiên tòa, nếu có một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 141 của Luật này thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.

2. Tại phiên tòa, nếu có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 của Luật này thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.

3. Trường hợp đương sự xuất trình quyết định hành chính mới mà quyết định hành chính đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và không thuộc thẩm quyền của Tòa án đang xét xử sơ thẩm vụ án thì Hội đồng xét xử đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền.

Điều 166. Biên bản phiên tòa

1. Biên bản phiên tòa phải ghi đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật này;

b) Mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa;

c) Các câu hỏi, câu trả lời và phát biểu tại phiên tòa;

d) Các nội dung khác phải được ghi vào biên bản phiên tòa theo quy định của Luật này.

2. Ngoài việc ghi biên bản phiên tòa, Tòa án có thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa.

3. Sau khi kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử phải kiểm tra biên bản; Chủ tọa phiên tòa và Thư ký phiên tòa ký vào biên bản.

4. Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.

Điều 167. Chuẩn bị khai mạc phiên tòa

Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải tiến hành các công việc sau đây:

1. Phổ biến nội quy phiên tòa;

2. Kiểm tra, xác định sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu có người vắng mặt thì cần phải làm rõ lý do;

3. Ổn định trật tự trong phòng xử án;

4. Yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án.

Điều 168. Thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng

1. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng theo quy định của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người khởi kiện, người đại diện hợp pháp của người khởi kiện có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;

b) Người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

c) Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

2. Chủ tọa phiên tòa công bố lý do đương sự vắng mặt hoặc đơn của đương sự đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Chủ tọa phiên tòa công bố tóm tắt nội dung vụ án và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử thảo luận về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án.

4. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát.

5. Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và tuyên án theo quy định của Luật này.

Mục 2

THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TÒA

Điều 169. Khai mạc phiên tòa

1. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Thư ký phiên tòa báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt.

3. Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự.

4. Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.

5. Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch.

6. Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không; hỏi những người có quyền về người giám định có vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này không.

7. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

8. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.

Điều 170. Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch

Trường hợp tại phiên tòa có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu theo quy định của Luật này; nếu không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.

Trường hợp có ý kiến về người giám định vi phạm một trong các quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này, Hội đồng xét xử phải xem xét; nếu có căn cứ thì quyết định tiến hành giám định lại theo quy định của pháp luật.

Điều 171. Bảo đảm tính khách quan của người làm chứng

1. Trước khi người làm chứng được hỏi về những vấn đề mà họ biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án, Chủ tọa phiên tòa có thể quyết định những biện pháp cần thiết để những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan.

2. Trường hợp lời khai của đương sự và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì Chủ tọa phiên tòa có thể quyết định cách ly đương sự với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.

Điều 172. Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

1. Chủ tọa phiên tòa hỏi người khởi kiện về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

2. Chủ tọa phiên tòa hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có
yêu cầu độc lập về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập.

Điều 173. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

2. Trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút.

Điều 174. Thay đổi địa vị tố tụng

Trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành người khởi kiện.

Mục 3

TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA

Điều 175. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa

1. Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án.

2. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.

3. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt ý kiến không liên quan đến vụ án.

Điều 176. Trình bày của đương sự

1. Trường hợp đương sự vẫn giữ yêu cầu, quan điểm của mình và không thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử tóm tắt nội dung yêu cầu của đương sự, thông báo kết luận tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, những vấn đề cần tranh tụng, yêu cầu đương sự trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn theo trình tự sau đây:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;

b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày ý kiến của người bị kiện đối với yêu cầu của người khởi kiện; yêu cầu, đề nghị của người bị kiện và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Người bị kiện có quyền bổ sung ý kiến;

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

2. Trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày về yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

3. Tại phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ có quyền bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật này để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình.

Điều 177. Thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa

1. Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 176 của Luật này, theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa, thứ tự hỏi của từng người được thực hiện như sau:

a) Người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Người tham gia tố tụng khác;

c) Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;

d) Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

2. Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lặp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng.

Điều 178. Hỏi người khởi kiện

1. Trường hợp có nhiều người khởi kiện thì phải hỏi riêng từng người một.

2. Chỉ hỏi người khởi kiện về vấn đề mà người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.

3. Người khởi kiện có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trả lời thay cho người khởi kiện và sau đó người khởi kiện trả lời bổ sung.

Điều 179. Hỏi người bị kiện

1. Trường hợp có nhiều người bị kiện thì phải hỏi riêng từng người một.

2. Chỉ hỏi người bị kiện về vấn đề mà người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.

3. Người bị kiện có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trả lời thay cho người bị kiện và sau đó người bị kiện trả lời bổ sung.

Điều 180. Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Trường hợp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phải hỏi riêng từng người một.

2. Chỉ hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về vấn đề mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của người khởi kiện, người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trả lời thay cho họ và sau đó người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả lời bổ sung.

Điều 181. Hỏi người làm chứng

1. Trường hợp có nhiều người làm chứng thì phải hỏi riêng từng người một.

2. Trước khi hỏi người làm chứng, Chủ tọa phiên tòa phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với các đương sự trong vụ án; nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người giám hộ hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi.

3. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ tình tiết của vụ án mà họ biết. Sau khi người làm chứng trình bày xong thì chỉ hỏi thêm người làm chứng về vấn đề mà họ trình bày chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với những lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

4. Sau khi trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

5. Trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người làm chứng và những người thân thích của họ, Hội đồng xét xử quyết định không tiết lộ những thông tin về nhân thân của người làm chứng và không để những người trong phiên tòa nhìn thấy họ.

6. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hỏi người làm chứng sau khi được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa.

Điều 182. Công bố các tài liệu của vụ án

1. Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án trong các trường hợp sau đây:

a) Người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã có lời khai;

b) Lời khai của người tham gia tố tụng tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai trước đó;

c) Khi Hội đồng xét xử thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên.

2. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc để bảo vệ người chưa thành niên theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử không công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Điều 183. Nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh

Theo yêu cầu của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác hoặc của Kiểm sát viên hoặc khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 182 của Luật này.

Điều 184. Xem xét vật chứng

1. Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa.

2. Hội đồng xét xử có thể cùng với các đương sự đến xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được nếu xét thấy cần thiết.

Điều 185. Hỏi người giám định

1. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định. Khi trình bày, người giám định có quyền giải thích về kết luận giám định, căn cứ để đưa ra kết luận giám định.

2. Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với chứng cứ khác của vụ án.

3. Trường hợp người giám định không có mặt tại phiên tòa thì Chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định.

4. Khi có người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại; trường hợp xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại không cần thiết thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục phiên tòa; trường hợp xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại và tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Điều 186. Kết thúc việc hỏi tại phiên tòa

Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác xem họ có yêu cầu hỏi vấn đề gì nữa không; trường hợp có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì Chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc hỏi.

Điều 187. Tạm ngừng phiên tòa

1. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;

b) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;

c) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;

d) Cần phải báo cáo với Chánh án Tòa án có thẩm quyền để đề nghị, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 111 của Luật này;

đ) Các bên đương sự đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đương sự tự đối thoại;

e) Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại quy định tại khoản 4 Điều 185 của Luật này.

2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa, nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa không còn. Hết thời hạn này, nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

Điều 188. Trình tự phát biểu khi tranh luận

1. Sau khi kết thúc việc hỏi, việc tranh luận tại phiên tòa được thực hiện như sau:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày. Người khởi kiện có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến;

b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện tranh luận, đối đáp. Người bị kiện có quyền bổ sung ý kiến;

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến;

d) Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa;

đ) Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

2. Trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự trình bày khi tranh luận.

3. Trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người tham gia tố tụng khác thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ, văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

Điều 189. Phát biểu khi tranh luận và đối đáp

Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa cũng như kết quả việc hỏi tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác.

Điều 190. Phát biểu của Kiểm sát viên

Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

Điều 191. Nghị án

1. Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án.

2. Chỉ có các thành viên của Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án. Khi nghị án, các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Trường hợp Hội đồng xét xử gồm 05 thành viên thì Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là người biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

3. Khi nghị án, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính (nếu có) liên quan để quyết định về các vấn đề sau đây:

a) Tính hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện;

b) Tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính;

c) Thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính;

d) Mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và những người có liên quan;

đ) Tính hợp pháp và có căn cứ của văn bản hành chính có liên quan (nếu có);

e) Vấn đề bồi thường thiệt hại và vấn đề khác (nếu có).

4. Khi nghị án phải có biên bản ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

5. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thêm thời gian thì Hội đồng xét xử có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án, nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa biết ngày, giờ và địa điểm tuyên án; nếu Hội đồng xét xử đã thực hiện việc thông báo mà có người tham gia tố tụng vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc tuyên án theo quy định tại Điều 195 của Luật này.

Điều 192. Trở lại việc hỏi và tranh luận

Qua tranh luận hoặc qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

Điều 193. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử

1. Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Hội đồng xét xử có quyền quyết định:

a) Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;

b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy;

c) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

d) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

đ) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh;

e) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

g) Buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra;

h) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước.

3. Trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì Hội đồng xét xử báo cáo Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó. Trường hợp này, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý cho Tòa án biết để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính mà có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 112 của Luật này.

Điều 194. Bản án sơ thẩm

1. Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Bản án gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định và phần quyết định của Tòa án, cụ thể như sau:

a) Trong phần mở đầu phải ghi rõ tên Tòa án xét xử sơ thẩm; số và ngày thụ lý vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đối tượng khởi kiện; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử;

b) Trong phần nội dung vụ án và nhận định của Tòa án phải ghi yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, khởi kiện của cơ quan, tổ chức; đề nghị, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) mà Tòa án áp dụng để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan;

c) Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó.

3. Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án.

Điều 195. Tuyên án

Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án có mặt các đương sự. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt theo quy định tại khoản 5 Điều 191 của Luật này thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án. Trường hợp xét xử kín theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này thì Hội đồng xét xử tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án.

Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy, trừ trường hợp đặc biệt có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án và có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo.

Trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết.

Điều 196. Cấp, gửi trích lục bản án, bản án

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự được Tòa án cấp trích lục bản án.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp, gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp, gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện.

4. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ bản án của Tòa án có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

Điều 197. Sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án

1. Sau khi bản án, quyết định của Tòa án được ban hành thì không được sửa chữa, bổ sung, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Văn bản sửa chữa, bổ sung phải được Tòa án gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp; trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật còn phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện.

2. Việc sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phối hợp với các thành viên Hội đồng xét xử vụ án hoặc Thẩm phán Chủ tọa phiên họp thực hiện. Trường hợp một trong những thành viên của Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán Chủ tọa phiên họp không thể thực hiện được việc sửa chữa, bổ sung thì việc sửa chữa, bổ sung do Chánh án Tòa án thực hiện.

Chương XII

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU KIỆN DANH SÁCH CỬ TRI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, DANH SÁCH CỬ TRI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU  HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, DANH SÁCH CỬ TRI TRƯNG CẦU Ý DÂN

Điều 198. Nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án

Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện về danh sách cử tri, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án.

Điều 199. Thời hạn giải quyết vụ án

1. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định đưa vụ án ra xét xử;

b) Đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện.

2. Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải gửi ngay quyết định đó cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử.

Điều 200. Sự có mặt của đương sự, đại diện Viện kiểm sát

Đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

Điều 201. Áp dụng các quy định khác của Luật này

Các quy định khác của Luật này được áp dụng để giải quyết vụ án hành chính đối với khiếu kiện về danh sách cử tri trong trường hợp Chương này không quy định, trừ các quy định về hoãn phiên tòa, gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi mở phiên tòa và các quy định về thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều 202. Hiệu lực của bản án, quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án

1. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

2. Tòa án phải gửi ngay bản án, quyết định đình chỉ vụ án cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Chương XIII

THỦ TỤC PHÚC THẨM

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC PHÚC THẨM

Điều 203. Tính chất của xét xử phúc thẩm

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Điều 204. Người có quyền kháng cáo

Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 205. Đơn kháng cáo

1. Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;

c) Kháng cáo toàn bộ hoặc một phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

d) Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;

đ) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

2. Người kháng cáo là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Người kháng cáo quy định tại khoản 2 Điều này nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

4. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp tổ chức kháng cáo là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền kháng cáo; tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

5. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

6. Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

7. Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. Kèm theo đơn kháng cáo người kháng cáo gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định tại Điều 216 của Luật này.

Điều 206. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.

3. Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Điều 207. Kiểm tra đơn kháng cáo

1. Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 205 của Luật này.

2. Trường hợp đơn kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.

3. Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 205 của Luật này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại đơn kháng cáo hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

4. Tòa án trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp sau đây:

a) Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;

b) Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo mặc dù đã có yêu cầu của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209 của Luật này.

Điều 208. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn

1. Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 206 của Luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm 03 Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp Kiểm sát viên, người kháng cáo quá hạn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

3. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của đương sự kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Viện kiểm sát cùng cấp và Tòa án cấp sơ thẩm; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục quy định tại các điều 209, 210 và 216 của Luật này.

Điều 209. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm

1. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo.

Khi nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí của người kháng cáo thì Tòa án phải cấp cho họ giấy xác nhận về việc nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.

Điều 210. Thông báo về việc kháng cáo

1. Khi gửi hồ sơ vụ án và đơn kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo.

2. Đương sự được thông báo về việc kháng cáo có quyền gửi văn bản ghi ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản ghi ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 211. Kháng nghị của Viện kiểm sát

Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 212. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát

1. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát phải bằng văn bản và có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;

b) Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;

c) Kháng nghị toàn bộ hoặc một phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

d) Lý do và căn cứ của việc kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;

đ) Họ, tên của người ký quyết định kháng nghị và đóng dấu của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị.

2. Quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục quy định tại Điều 216 của Luật này. Kèm theo quyết định kháng nghị là tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ và hợp pháp.

Điều 213. Thời hạn kháng nghị

1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

3. Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 214. Thông báo về việc kháng nghị

1. Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị.

2. Người được thông báo về việc kháng nghị có quyền gửi văn bản ghi ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản ghi ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 215. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị

1. Phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định được thi hành ngay.

2. Bản án, quyết định hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Điều 216. Gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị

Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị và hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Điều 217. Thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm

1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2. Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Điều 218. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị

1. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 206 của Luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.

Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 213 của Luật này thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.

2. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.

3. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.

Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

4. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị; thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo của đương sự.

Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Điều 219. Bổ sung chứng cứ mới

1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền bổ sung chứng cứ mới.

2. Tòa án cấp phúc thẩm tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự tiến hành xác minh chứng cứ mới được bổ sung. Tòa án có thể thực hiện ủy thác xác minh chứng cứ theo quy định tại Điều 92 của Luật này.

Điều 220. Phạm vi xét xử phúc thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Điều 221. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Trừ vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được quy định như sau:

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

2. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng không được quá 30 ngày.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 60 ngày.

4. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

5. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Điều 222. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm

Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 03 Thẩm phán, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 253 của Luật này.

Điều 223. Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm và Thư ký phiên tòa

1. Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa.

2. Trường hợp có Thẩm phán vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì người này được thay thế Thẩm phán vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án.

3. Trường hợp không có Thẩm phán dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên tòa.

4. Trường hợp Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.

Điều 224. Sự có mặt của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa khi Kiểm sát viên vắng mặt trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị.

2. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì người này được thay thế Kiểm sát viên vắng mặt tham gia phiên tòa xét xử vụ án.

Điều 225. Sự có mặt của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người phiên dịch và người làm chứng

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

Tòa án thông báo cho người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Đối với người kháng cáo mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt;

b) Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.

3. Sự có mặt của người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 159, 160 và 161 của Luật này.

4. Trường hợp người tham gia tố tụng có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Điều 226. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa, không phải triệu tập đương sự

1. Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa trong các trường hợp sau đây:

a) Xét kháng cáo, kháng nghị quá hạn;

b) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209 của Luật này; xét kháng cáo, kháng nghị về phần án phí;

c) Xét kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

2. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng xét xử không phải triệu tập đương sự, trừ trường hợp xét kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 2 Điều 208 của Luật này hoặc cần nghe ý kiến của họ. Nếu người được triệu tập vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

Điều 227. Giao nộp tài liệu, chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm

1. Đương sự được quyền giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm trong những trường hợp sau đây:

a) Những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng;

b) Những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 83 của Luật này.

Điều 228. Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

1. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, hậu quả của việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án và tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 141 và Điều 142 của Luật này.

2. Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi
hành ngay.

3. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 229. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

1. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của Luật này;

b) Trường hợp trả lại đơn kháng cáo theo quy định của Luật này mà Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý hồ sơ vụ án;

c) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;

d) Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn
vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

đ) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

4. Trường hợp Hội đồng xét xử đình chỉ việc xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều này mà phát hiện bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này thì phải kiến nghị với Chánh án Tòa án có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

5. Quyết định đình chỉ phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 230. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Chương V của Luật này.

Điều 231. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát

1. Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.

Điều 232. Hoãn phiên tòa phúc thẩm

1. Các trường hợp phải hoãn phiên tòa:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 161, khoản 3 và khoản 4 Điều 223, khoản 1 Điều 225 của Luật này;

b) Thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;

c) Người giám định bị thay đổi;

d) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

2. Trường hợp hoãn phiên tòa được quy định tại khoản 2 Điều 159 và khoản 2 Điều 160 của Luật này.

3. Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 163 của Luật này.

Mục 2

THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

Điều 233. Thủ tục xét xử phúc thẩm

1. Chuẩn bị khai mạc phiên tòa, thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm, thủ tục công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm, nghị án và tuyên án, sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm được thực hiện tương tự thủ tục xét xử sơ thẩm theo quy định của Luật này.

2. Sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm thì một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị.

3. Chủ tọa phiên tòa hỏi về vấn đề sau đây:

a) Hỏi người khởi kiện có rút đơn khởi kiện hay không;

b) Hỏi người kháng cáo, Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị hay không;

c) Hỏi đương sự có thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.

4. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Kiểm sát viên rút một phần kháng nghị thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên bổ sung nội dung mới không thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu thì Tòa án không xem xét nội dung đó.

5. Việc hỏi đương sự, Kiểm sát viên về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được Chủ tọa phiên tòa thực hiện như sau:

a) Hỏi người khởi kiện có rút đơn khởi kiện hay không;

b) Hỏi người kháng cáo, Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị hay không.

6. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của bản án sơ thẩm bị kháng nghị.

Điều 234. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm

1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện;

b) Đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Luật này quy định nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Điều 235. Người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện

1. Trường hợp người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; trong quyết định của bản án phải ghi rõ cam kết của đương sự để bảo đảm thi hành án hành chính.

2. Trường hợp người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện mà việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, dừng, khắc phục hành vi hành chính đó liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và họ chưa được tham gia tố tụng tại cấp sơ thẩm thì:

a) Nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục chung;

b) Nếu người khởi kiện không rút đơn khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm phải đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Mục 3

TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

Điều 236. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm

Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như quy định tại Điều 175 của Luật này.

Điều 237. Trình bày của đương sự, Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm

1. Trường hợp có đương sự vẫn giữ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát vẫn giữ kháng nghị thì việc trình bày tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như sau:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến.

Trường hợp tất cả đương sự đều kháng cáo thì việc trình bày được thực hiện theo thứ tự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện kháng cáo và người khởi kiện; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện kháng cáo và người bị kiện; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Trường hợp chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị. Trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo trước, sau đó Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị;

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khác có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến.

2. Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị và đề nghị của mình.

3. Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Điều 238. Tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm

Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 187 của Luật này.

Điều 239. Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm

1. Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.

2. Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;

b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;

c) Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa;

d) Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

3. Trình tự tranh luận đối với kháng nghị của Viện kiểm sát được thực hiện như sau:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ đối với kháng nghị của Viện kiểm sát. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;

b) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.

4. Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình tranh luận.

5. Trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự và người tham gia tố tụng khác thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

Điều 240. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

Điều 241. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm

1. Bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

2. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp sau đây:

a) Việc chứng minh, thu thập chứng cứ đã thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VI của Luật này;

b) Việc chứng minh, thu thập chứng cứ chưa thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.

3. Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc phải thu thập chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được.

4. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án nếu trong quá trình xét xử sơ thẩm có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 của Luật này.

5. Đình chỉ xét xử phúc thẩm, nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án cần phải có mặt người kháng cáo và họ đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Trường hợp này bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

6. Trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền và báo cáo Chánh án Tòa án có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý cho Tòa án biết để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để giải quyết vụ án.

7. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 112 của Luật này thực hiện việc kiến nghị. Trường hợp này, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để chờ ý kiến của Chánh án Tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền.

Điều 242. Bản án phúc thẩm

1. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án phúc thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Bản án phúc thẩm gồm có:

a) Phần mở đầu;

b) Phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định;

c) Phần quyết định.

3. Trong phần mở đầu phải ghi rõ tên của Tòa án xét xử phúc thẩm; số và ngày thụ lý vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử.

4. Trong phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) mà Tòa án áp dụng để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giải quyết các vấn đề khác có liên quan.

5. Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, về án phí sơ thẩm, phúc thẩm, chi phí tố tụng (nếu có).

6. Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy.

7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Điều 243. Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị

1. Tòa án cấp phúc thẩm phải tổ chức phiên họp và ra quyết định giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị.

2. Một thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, nội dung của kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

3. Đương sự kháng cáo được mời tham gia phiên họp trình bày ý kiến về việc kháng cáo, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành phiên họp.

4. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm và phát biểu ý kiến về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên họp khi Kiểm sát viên vắng mặt trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị.

5. Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:

a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.

6. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Điều 244. Gửi bản án, quyết định phúc thẩm

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho các đương sự, Viện kiểm sát và Tòa án đã giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện.

2. Bản án phúc thẩm được Tòa án cấp phúc thẩm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ bản án của Tòa án có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

Chương XIV

GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH THEO THỦ TỤC RÚT GỌN TẠI TÒA ÁN

Mục 1

GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH THEO THỦ TỤC RÚT GỌN TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM

Điều 245. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

1. Thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là thủ tục giải quyết vụ án hành chính khi có các điều kiện theo quy định của Luật này nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

2. Tòa án áp dụng những quy định của Chương này, đồng thời áp dụng những quy định khác của Luật này không trái với những quy định của Chương này để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

3. Trường hợp luật khác có quy định về khiếu kiện hành chính áp dụng thủ tục rút gọn thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 246. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

1. Vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Phát sinh các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất và cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;

b) Cần phải định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá;

c) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

đ) Phát sinh yêu cầu độc lập;

e) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Điều 247. Quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 125 của Luật này thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.

2. Quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Vụ án được đưa ra giải quyết theo thủ tục rút gọn;

d) Tên, địa chỉ; số fax, thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

đ) Họ, tên Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên; họ, tên Thẩm phán, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có);

e) Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;

g) Xét xử công khai hoặc xét xử kín;

h) Họ, tên những người được triệu tập tham gia phiên tòa.

3. Quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn phải được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp cùng hồ sơ vụ án ngay sau khi ra quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nghiên cứu và trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án.

Điều 248. Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn của Tòa án, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Giữ nguyên quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn;

b) Hủy quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn và chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và phải được gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 249. Phiên tòa theo thủ tục rút gọn

1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện.

2. Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định tại
Điều 169 của Luật này.

3. Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành đối thoại, trừ trường hợp không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135 của Luật này. Trường hợp đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán lập biên bản đối thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành theo quy định tại Điều 140 của Luật này. Trường hợp đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử.

Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương XI của Luật này.

4. Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới quy định tại khoản 2 Điều 246 của Luật này làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường và thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại theo quy định tại khoản 3 Điều 246 của Luật này.

Điều 250. Hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn

1. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục rút gọn phúc thẩm.

2. Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này.

Mục 2

GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH THEO THỦ TỤC RÚT GỌN TẠI TÒA ÁN CẤP PHÚC THẨM

Điều 251. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc được niêm yết.

2. Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.

Điều 252. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

2. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải có nội dung quy định tại khoản 2 Điều 247 của Luật này.

3. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nghiên cứu và trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án.

Trường hợp Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 246 của Luật này thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính theo quy định tại khoản 3 Điều 246 của Luật này.

4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định hủy bỏ, quyết định tạm đình chỉ vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Điều 253. Thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị

1. Việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm.

2. Phiên tòa có mặt các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

Trường hợp đương sự đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc đã có đơn xin xét xử vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.

3. Thẩm phán trình bày tóm tắt nội dung bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, nội dung của kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày, đương sự bổ sung ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án.

5. Sau khi kết thúc việc tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

6. Khi xem xét bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Thẩm phán có các quyền sau đây:

a) Giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

b) Sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

c) Hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc theo thủ tục thông thường nếu không còn đủ các điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn;

d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;

đ) Đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

7. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra bản án, quyết định.

Chương XV

THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM

Điều 254. Tính chất của giám đốc thẩm

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 255 của Luật này.

Điều 255. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

2. Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 của Luật này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và có đơn của người đề nghị theo quy định tại Điều 257 và Điều 258 của Luật này, trừ trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần thiết phải có đơn đề nghị.

Điều 256. Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

2. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này thì phải thông báo bằng văn bản cho những người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 của Luật này.

3. Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này.

Điều 257. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Đơn đề nghị phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;

b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;

c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;

d) Lý do và căn cứ đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;

đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn. Trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

2. Người đề nghị phải gửi đơn kèm theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ.

3. Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ được gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 260 của Luật này.

Điều 258. Thủ tục nhận và xem xét đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.

Trường hợp nhận được thông báo, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 256 của Luật này thì Tòa án, Viện kiểm sát phải vào sổ thụ lý để giải quyết.

2. Tòa án, Viện kiểm sát thụ lý đơn đề nghị khi có đủ nội dung và tài liệu kèm theo quy định tại Điều 257 của Luật này. Tòa án, Viện kiểm sát có thể yêu cầu đương sự bổ sung nội dung đơn và tài liệu trong trường hợp chưa đầy đủ. Trường hợp đương sự không thực hiện theo yêu cầu bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát thông báo bằng văn bản trả lại đơn đề nghị cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.

3. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án và báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định. Trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định kháng nghị. Trường hợp không kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Điều 259. Bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm

1. Đương sự được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu những tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc những tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.

2. Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, Tòa án, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết.

Điều 260. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Điều 261. Hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

1. Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Thời hạn hoãn không quá 03 tháng.

Đối với quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án thì người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Điều 262. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:

1. Số, ngày, tháng, năm của quyết định kháng nghị;

2. Chức vụ của người ra quyết định kháng nghị;

3. Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

4. Phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

5. Nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

6. Căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị;

7. Quyết định kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

8. Tên của Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án đó;

9. Đề nghị của người kháng nghị.

Điều 263. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 264. Gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải được gửi ngay cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, đương sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.

2. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án Viện kiểm sát nghiên cứu và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

4. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 260 của Luật này thì có quyền giao cho Tòa án nhân dân cấp cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

Điều 265. Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị

1. Người đã kháng nghị giám đốc thẩm có quyền thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị, nếu chưa hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 263 của Luật này.

2. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa, người kháng nghị có quyền rút kháng nghị. Việc rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và được gửi theo quy định tại Điều 264 của Luật này. Việc rút kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Điều 266. Thẩm quyền giám đốc thẩm

1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị như sau:

a) Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 03 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

b) Toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 03 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị như sau:

a) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

b) Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật quy định tại điểm a khoản này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

3. Những vụ án phức tạp quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Quy định của pháp luật về vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;

b) Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;

c) Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án hành chính cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.

Điều 267. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm

1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Trường hợp họ vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn tiến hành phiên tòa.

Điều 268. Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

Điều 269. Chuẩn bị phiên tòa giám đốc thẩm

Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi cho các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

Điều 270. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm

1. Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị.

2. Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm yêu cầu. Trường hợp họ vắng mặt nhưng có văn bản trình bày ý kiến thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm công bố ý kiến của họ.

3. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

4. Các thành viên của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và thảo luận. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nghị án, biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố nội dung quyết định về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa. Việc nghị án phải được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 191 của Luật này.

5. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 266 của Luật này thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.

Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 266 của Luật này thì phiên tòa xét xử của toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

6. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 266 của Luật này thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.

Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 266 của Luật này thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Điều 271. Phạm vi giám đốc thẩm

1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.

2. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không có liên quan đến nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.

Điều 272. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.

3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.

4. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án.

5. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 273. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới xét xử đúng pháp luật, nhưng đã bị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hủy bỏ, sửa đổi một phần hoặc toàn bộ.

Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.

Điều 274. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại trong các trường hợp sau đây:

1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không đúng quy định tại Chương VI của Luật này;

2. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật;

3. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm không đúng quy định của Luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.

Điều 275. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu trong quá trình xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 của Luật này. Tòa án cấp giám đốc thẩm giao lại hồ sơ vụ án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để trả lại đơn khởi kiện cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, nếu có yêu cầu.

Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.

Điều 276. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án;

b) Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

2. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.

Điều 277. Quyết định giám đốc thẩm

1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định giám đốc thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quyết định giám đốc thẩm phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên tòa;

b) Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm là Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ, tên, chức vụ của Chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;

c) Họ, tên Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa;

d) Tên vụ án mà Hội đồng đưa ra xét xử giám đốc thẩm;

đ) Tên, địa chỉ của đương sự trong vụ án;

e) Tóm tắt nội dung vụ án, phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

g) Quyết định kháng nghị, lý do kháng nghị;

h) Nhận định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị; lập luận của Hội đồng xử giám đốc thẩm về các vấn đề pháp lý đặt ra và được giải quyết trong vụ án (nếu có);

i) Điểm, khoản, điều của Luật tố tụng hành chính mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm căn cứ để ra quyết định;

k) Quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm.

3. Quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên nhân, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng (nếu có).

Điều 278. Hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định.

Điều 279. Gửi quyết định giám đốc thẩm

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây:

1. Đương sự;

2. Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, bị hủy, bị sửa;

3. Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát thi hành án;

4. Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền;

5. Cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện.

6. Quyết định giám đốc thẩm được Tòa án cấp giám đốc thẩm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ quyết định của Tòa án có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

Chương XVI

THỦ TỤC TÁI THẨM

Điều 280. Tính chất của tái thẩm

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Điều 281. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

4. Bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

Điều 282. Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

1. Đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi phát hiện tình tiết mới của vụ án thì có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 283 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

2. Trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho những người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 283 của Luật này.

3. Trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án tòa án nhân dân cấp cao kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Điều 283. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

3. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.

Điều 284. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 281 của Luật này.

Điều 285. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Luật này quy định.

3. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.

Điều 286. Áp dụng các quy định của thủ tục giám đốc thẩm

Các quy định khác về thẩm quyền, thủ tục tái thẩm được thực hiện như các quy định về thủ tục giám đốc thẩm theo quy định của Luật này.

Chương XVII

THỦ TỤC ĐẶC BIỆT XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 287. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Theo kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội;

c) Theo kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết quan trọng mới thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.

Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không nhất trí với kiến nghị, đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị quy định tại khoản 3 Điều này phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 288. Gửi văn bản, hồ sơ vụ án, thông báo liên quan đến thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Sau khi nhận được yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội hoặc sau khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 1 Điều 287 của Luật này, Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị đó kèm theo hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị theo quy định tại Điều 291 của Luật này. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 289. Thời hạn mở phiên họp và thông báo mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 3 Điều 287 của Luật này.

2. Tòa án nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thời gian mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị quy định tại khoản 3 Điều 287 của Luật này.

Điều 290. Thành phần tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị, đề nghị

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 4 Điều 287 của Luật này.

2. Đại diện Ủy ban tư pháp của Quốc hội được mời tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội.

Điều 291. Trình tự tiến hành phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị, đề nghị

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tự mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình bày tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ án

2. Đại diện Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình bày về các vấn đề sau đây:

a) Nội dung, căn cứ của việc kiến nghị, đề nghị;

b) Phân tích đánh giá các tình tiết của vụ án, chứng cứ cũ và chứng cứ mới bổ sung (nếu có) để làm rõ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc có tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội hoặc xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm và lý do nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị đó.

Ý kiến phát biểu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và phải được gửi cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp.

4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

5. Trường hợp nhất trí kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định tại phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

6. Trường hợp không nhất trí kiến nghị, đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, cá nhân quy định tại Điều 292 của Luật này và nêu rõ lý do.

7. Mọi diễn biến tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị và các quyết định được thông qua tại phiên họp phải được ghi vào biên bản phiên họp và lưu hồ sơ xem xét kiến nghị, đề nghị.

Điều 292. Thông báo kết quả phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban tư pháp của Quốc hội văn bản thông báo việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 293. Tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án

1. Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 5 Điều 291 của Luật này thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp cần thiết.

2. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm rõ có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 294. Mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 2 Điều 287 của Luật này hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 5 Điều 291 của Luật này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao văn bản thông báo về thời gian mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kèm theo hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 295. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 4 Điều 287 của Luật này và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.

2. Ý kiến phát biểu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và phải được gửi cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp.

Điều 296. Thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham dự (nếu có), Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định và tùy từng trường hợp mà quyết định như sau:

a) Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;

b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

c) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

d) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

đ) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh;

e) Xác định trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này, buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Tòa án nhân dân tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;

g) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

Điều 297. Thông báo kết quả phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định quy định tại khoản 1 Điều 296 của Luật này thì Tòa án nhân dân tối cao gửi quyết định cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án đã giải quyết vụ án và các đương sự.

Chương XVIII

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Điều 298. Nguyên tắc áp dụng

1. Chương này quy định thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài. Trường hợp trong Chương này không có quy định thì được áp dụng các quy định khác có liên quan của Luật này để giải quyết.

2. Vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài là vụ án hành chính thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

b) Có đương sự là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài;

c) Việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính đó xảy ra ở nước ngoài;

d) Có liên quan đến tài sản ở nước ngoài.

Điều 299. Quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam

1. Người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có quyền khởi kiện đến Tòa án Việt Nam để yêu cầu xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Khi tham gia tố tụng hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ tố tụng như công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam.

3. Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền tố tụng hành chính tương ứng của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam mà Tòa án của nước đó đã hạn chế quyền tố tụng hành chính đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức Việt Nam tại nước ngoài.

Điều 300. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của người nước ngoài

1. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của người nước ngoài được xác định như sau:

a) Theo pháp luật của nước mà người nước ngoài có quốc tịch. Trường hợp người nước ngoài là người không quốc tịch thì theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú. Nếu người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thì theo pháp luật Việt Nam;

b) Theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có quốc tịch và cư trú tại một trong các nước mà họ có quốc tịch nếu họ có nhiều quốc tịch nước ngoài.

Trường hợp người nước ngoài có nhiều quốc tịch và cư trú ở nước mà không cùng với quốc tịch của nước đó thì theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có thời gian mang quốc tịch dài nhất;

c) Theo pháp luật Việt Nam nếu người nước ngoài có nhiều quốc tịch và một trong các quốc tịch đó là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú tại Việt Nam.

2. Người nước ngoài có thể được công nhận có năng lực hành vi tố tụng hành chính tại Tòa án Việt Nam, nếu theo quy định của pháp luật nước ngoài thì họ không có năng lực hành vi tố tụng hành chính, nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì họ có năng lực hành vi tố tụng hành chính.

Điều 301. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam

1. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan, tổ chức nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi cơ quan, tổ chức đó được thành lập.

Năng lực pháp luật tố tụng hành chính của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được xác định theo pháp luật Việt Nam.

2. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính của tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế được xác định trên cơ sở điều ước quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổ chức quốc tế đó cùng là thành viên.

Trường hợp tổ chức quốc tế tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, quyền miễn trừ thì năng lực pháp luật tố tụng hành chính của tổ chức quốc tế đó được xác định theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 302. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam

Đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam có quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 303. Các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài

1. Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo một trong các phương thức sau đây:

a) Theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế;

c) Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện pháp luật nước đó đồng ý với phương thức tống đạt này;

d) Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài;

đ) Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam thì việc tống đạt có thể được thực hiện qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam theo quy định của Luật này;

e) Theo đường dịch vụ bưu chính cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam của đương sự ở nước ngoài.

2. Các phương thức tống đạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp.

3. Trường hợp các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

Điều 304. Thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa

1. Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại (gọi tắt là phiên họp), mở lại phiên họp, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ việc cho đương sự ở nước ngoài.

2. Thời hạn mở phiên họp, phiên tòa được xác định như sau:

a) Phiên họp phải được mở sớm nhất là 04 tháng và chậm nhất là 06 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp chậm nhất là 30 ngày.

b) Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 305 của Luật này.

Điều 305. Xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài

Khi nhận được kết quả tống đạt và kết quả thu thập chứng cứ ở nước ngoài, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

1. Không mở phiên họp khi đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều 303 của Luật này và đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và vụ án hành chính thuộc trường hợp không đối thoại được quy định tại Điều 135 của Luật này.

2. Hoãn phiên họp nếu đã nhận được thông báo về việc tống đạt đã hoàn thành nhưng đến ngày mở phiên họp mà Tòa án vẫn không nhận được lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự và họ không đề nghị được vắng mặt tại phiên họp. Nếu đến ngày mở lại phiên họp mà đương sự ở nước ngoài vẫn vắng mặt thì Tòa án xác định đây là trường hợp không tiến hành đối thoại được.

3. Tòa án hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự ở nước ngoài có đơn đề nghị hoãn phiên tòa lần thứ nhất;

b) Đương sự ở nước ngoài vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất, trừ trường hợp họ có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Tòa án không nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự ở nước ngoài và đến ngày mở phiên tòa đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ thì Tòa án hoãn phiên tòa.

Ngay sau khi hoãn phiên tòa thì Tòa án có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hoặc cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài trong trường hợp Tòa án thực hiện việc tống đạt thông qua các cơ quan này theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 303 của Luật này.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án, cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo cho Tòa án về kết quả thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tư pháp nhận được văn bản của Tòa án, Bộ Tư pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài trả lời về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài gửi về thì Bộ Tư pháp phải trả lời cho Tòa án.

Hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày chuyển văn bản của Tòa án cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài mà không nhận được văn bản trả lời thì Bộ Tư pháp phải thông báo cho Tòa án biết để làm căn cứ giải quyết vụ án.

5. Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều 303 của Luật này, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và đương sự đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ;

b) Tòa án không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều này về kết quả thực hiện việc tống đạt cho đương sự ở nước ngoài;

c) Tòa án đã thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 303 của Luật này.

Điều 306. Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận hoặc do cá nhân cư trú ở nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam qua dịch vụ bưu chính

1. Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận trong những trường hợp sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu và bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hoá lãnh sự;

b) Giấy tờ, tài liệu đó được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Tòa án Việt Nam công nhận những giấy tờ, tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu được lập bằng tiếng nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt có công chứng, chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Giấy tờ, tài liệu được lập ở nước ngoài được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nước ngoài và đã được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy tờ tài liệu do công dân Việt Nam ở nước ngoài lập bằng tiếng Việt có chữ ký của người lập giấy tờ, tài liệu đó đã được chứng thực theo quy định của pháp luật của Việt Nam.

Điều 307. Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài

1. Đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định tại Điều 206 của Luật này.

2. Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 305 của Luật này thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

Điều 308. Tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và xử lý kết quả tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm cho đương sự ở nước ngoài

Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và xử lý kết quả tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo quy định tại các điều 303, 304 và 305 của Luật này.

Chương XIX

THỦ TỤC THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 309. Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành

1. Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

3. Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án.

4. Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 296 của Luật này.

5. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.

Điều 310. Giải thích bản án, quyết định của Tòa án

1. Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu bằng văn bản với Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 309 của Luật này giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

2. Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa, phiên họp có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Tòa án thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa án.

3. Việc giải thích bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào bản án, quyết định, biên bản phiên tòa, phiên họp và biên bản nghị án.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án phải có văn bản giải thích và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, đã được cấp, gửi bản án, quyết định theo quy định của Luật này.

Điều 311. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án

1. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính quy định tại Điều 309 của Luật này được thực hiện như sau:

a) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án để thi hành;

c) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Tòa án;

d) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

đ) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

e) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

g) Trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định;

h) Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Thời hạn tự nguyện thi hành án được xác định như sau:

a) Người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

b) Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải thông báo kết quả thi hành án quy định tại khoản này bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.

3. Quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 312 của Luật này.

Điều 312. Yêu cầu, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án

1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án.

3. Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Điều 313. Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; định kỳ hằng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án hành chính.

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hành chính;

b) Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý thi hành án hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý thi hành án hành chính;

đ) Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính;

e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công tác thi hành án hành chính.

Điều 314. Xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 315. Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án

Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án.

Chương XX

XỬ LÝ CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Điều 316. Xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa

1. Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 153 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị Chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này rời khỏi phòng xử án. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa.

3. Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

4. Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.

Điều 317. Xử lý hành vi xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án

Người có hành vi xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 318. Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án

Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:

1. Làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án;

2. Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng;

3. Từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật;

4. Lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;

5. Lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;

6. Lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa;

7. Cản trở người tiến hành tố tụng xem xét, thẩm định tại chỗ, quyết định định giá, quyết định trưng cầu giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác theo quy định của Luật này;

8. Cố ý dịch sai sự thật;

9. Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng.

Điều 319. Xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án

1. Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ án thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.

3. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.

Điều 320. Xử lý hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án

Người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án không khách quan, không đúng pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 321. Trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát trong trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự

1. Trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 316 của Luật này thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố, Tòa án phải chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.

2. Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 322. Xử lý hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án

Người có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:

1. Không thực hiện việc cấp, giao, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng;

2. Hủy hoại văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao để cấp, tống đạt hoặc thông báo theo yêu cầu của Tòa án;

3. Giả mạo kết quả thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao thực hiện;

4. Ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.

Điều 323. Xử lý hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án

Người có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 324. Xử lý hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án

Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 325. Xử lý hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 326. Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, xử phạt

Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương XXI

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Điều 327. Quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính có thể bị khiếu nại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng hành chính ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Luật này.

Điều 328. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu nại;

b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết
khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án;

d) Chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại;

đ) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Điều 329. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại

1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại;

b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong tố tụng của mình.

2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật;

c) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 330. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Điều 331. Hình thức khiếu nại

Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

Điều 332. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng

1. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

2. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

3. Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.

Điều 333. Thời hạn giải quyết khiếu nại

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.

Điều 334. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;

c) Nội dung khiếu nại;

d) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

đ) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;

e) Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trường hợp là quyết định của Chánh án Tòa án thì còn phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 335. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 333 của Luật này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

2. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:

a) Nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 334 của Luật này;

b) Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu;

c) Kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại của người khiếu nại và việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần hai.

4. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trường hợp là quyết định của Chánh án Tòa án thì còn phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

5. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành.

Điều 336. Giải quyết khiếu nại về hoạt động giám định trong tố tụng hành chính

Việc giải quyết khiếu nại về hoạt động giám định trong tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 337. Người có quyền tố cáo

Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 338. Quyền, nghĩa vụ của người tố cáo

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Điều 339. Quyền, nghĩa vụ của người bị tố cáo

1. Người bị tố cáo các có quyền sau đây:

a) Được thông báo về nội dung tố cáo;

b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng
sự thật;

c) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.

2. Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

c) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 340. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.

2. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 341. Thủ tục giải quyết tố cáo

Thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 342. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 343. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính

Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp, Tòa án cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Chương XXII

ÁN PHÍ, LỆ PHÍ VÀ CÁC CHI PHÍ TỐ TỤNG KHÁC

Mục 1

ÁN PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 344. Tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí

1. Tiền tạm ứng án phí bao gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

2. Án phí bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.

3. Lệ phí bao gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định, giấy tờ khác của Tòa án và khoản lệ phí khác mà luật có quy định.

Điều 345. Xử lý tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí thu được

1. Toàn bộ án phí, lệ phí thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước.

2. Tiền tạm ứng án phí được nộp cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại kho bạc nhà nước và được rút ra để thi hành án theo quyết định của Tòa án.

3. Người đã nộp tiền tạm ứng án phí thì ngay sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành, số tiền tạm ứng đã thu được phải được nộp vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng án phí được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan thi hành án đã thu tiền tạm ứng án phí phải làm thủ tục trả lại tiền cho họ.

4. Trường hợp việc giải quyết vụ án hành chính bị tạm đình chỉ thì tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý khi vụ án được tiếp tục giải quyết.

Điều 346. Chế độ thu, chi trả tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí

Việc thu tiền tạm ứng án phí và án phí, việc chi trả tiền tạm ứng án phí, việc thu tiền lệ phí được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 347. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí

Người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Điều 348. Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm

1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp án phí hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành đối thoại nếu các bên đương sự đối thoại thành về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong vụ án có đương sự được miễn nộp án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Điều này.

Điều 349. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm

1. Đương sự kháng cáo phải nộp án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.

2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 348 của Luật này.

3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm; nghĩa vụ nộp án phí được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án.

Điều 350. Nghĩa vụ nộp lệ phí

Nghĩa vụ nộp lệ phí được xác định tùy theo từng loại việc cụ thể và do luật quy định.

Điều 351. Quy định cụ thể về án phí, lệ phí

Căn cứ vào quy định của Luật phí và lệ phí và Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về án phí, lệ phí Tòa án; mức thu án phí, lệ phí Tòa án đối với mỗi loại vụ án; các trường hợp được miễn, giảm hoặc không phải nộp án phí và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến án phí, lệ phí Tòa án.

Mục 2

CÁC CHI PHÍ TỐ TỤNG KHÁC

Điều 352. Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài

1. Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền mà Tòa án tạm tính để chi trả cho việc ủy thác tư pháp khi tiến hành thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, triệu tập người làm chứng, người giám định và các yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính.

2. Chi phí ủy thác tư pháp là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu ủy thác tư pháp.

Điều 353. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài

Người khởi kiện, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm hoặc đương sự khác trong vụ án phải nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài khi yêu cầu của họ làm phát sinh việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Điều 354. Nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài

Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài được xác định như sau:

1. Đương sự phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài nếu yêu cầu giải quyết vụ án của họ không được Tòa án chấp nhận;

2. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 234 của Luật này thì người khởi kiện phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 225, điểm c khoản 1 Điều 229 của Luật này thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;

3. Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Luật này thì người yêu cầu phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Điều 355. Xử lý tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài

1. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp không phải chịu chi phí ủy thác tư pháp thì người phải chịu chi phí ủy thác tư pháp theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp.

2. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp phải chịu chi phí ủy thác tư pháp, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí ủy thác tư pháp thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí ủy thác tư pháp thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.

Điều 356. Tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

1. Tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

2. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.

Điều 357. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

1. Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án.

2. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì người khởi kiện, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

Điều 358. Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:

1. Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;

2. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 234 của Luật này thì đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 225, điểm c khoản 1 Điều 229 của Luật này thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ;

3. Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Luật này thì người yêu cầu xem xét, thẩm định phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

Điều 359. Xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

1. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ không phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thì người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

2. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.

Điều 360. Tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định

1. Tiền tạm ứng chi phí giám định là số tiền mà người giám định tạm tính để tiến hành việc giám định theo quyết định của Tòa án hoặc theo yêu cầu giám định của đương sự.

2. Chi phí giám định là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc giám định và do người giám định tính căn cứ vào quy định của pháp luật.

Điều 361. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định

Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được xác định như sau:

1. Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.

Trường hợp các đương sự yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định về cùng một đối tượng thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa số tiền tạm ứng chi phí giám định;

2. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì người khởi kiện, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định;

3. Đương sự, người kháng cáo đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thì việc nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Điều 362. Nghĩa vụ chịu chi phí giám định

Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí giám định được xác định như sau:

1. Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là không có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ;

2. Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định chỉ có căn cứ một phần thì người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định tương ứng với phần yêu cầu đã được chứng minh là có căn cứ;

3. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 234 của Luật này thì người khởi kiện phải chịu chi phí giám định.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 225, điểm c khoản 1 Điều 229 của Luật này thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí giám định;

4. Trường hợp người tự mình yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 361 của Luật này, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là có căn cứ thì người thua kiện phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ;

5. Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Luật này thì người yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định.

Điều 363. Xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp

1 Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không phải chịu chi phí giám định thì người phải chịu chi phí giám định theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.

2. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định phải chịu chi phí giám định, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí giám định thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí giám định thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.

Điều 364. Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản

1. Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá theo quyết định của Tòa án.

2. Chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho việc định giá tài sản và do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật.

Điều 365. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản

Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:

1. Người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản;

2. Trường hợp các đương sự không thống nhất được về giá và cùng yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa tiền tạm ứng chí phí định giá tài sản. Trường hợp có nhiều đương sự, thì các bên đương sự cùng phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo mức mà Tòa án quyết định;

3. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này thì người khởi kiện, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.

Điều 366. Nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản được xác định như sau:

1. Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;

2. Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá quy định tại điểm d khoản 3 Điều 91 của Luật này thì:

a) Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;

b) Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.

3. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 234 của Luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người khởi kiện phải chịu chi phí định giá tài sản.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 225, điểm c khoản 1 Điều 229 của Luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản;

4. Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá phải chịu chi phí định giá tài sản.

5. Nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định giá tài sản của đương sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này.

Điều 367. Xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản

1. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản không phải chịu chi phí định giá tài sản thì người phải chịu chi phí định giá tài sản theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.

2. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí định giá thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí định giá thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa.

Điều 368. Chi phí cho người làm chứng

1. Chi phí hợp lý và thực tế cho người làm chứng do đương sự chịu.

2. Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp với sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị. Trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu.

Điều 369. Chi phí cho người phiên dịch, luật sư

1. Chi phí cho người phiên dịch là khoản tiền phải trả cho người phiên dịch trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thỏa thuận của đương sự với người phiên dịch hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong phạm vi quy định của tổ chức hành nghề luật sư và theo quy định của pháp luật.

3. Chi phí cho người phiên dịch, luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các đương sự có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp Tòa án yêu cầu người phiên dịch thì chi phí cho người phiên dịch do Tòa án trả.

Điều 370. Quy định cụ thể về các chi phí tố tụng khác

Căn cứ vào quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Chương XXIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 371. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định sau đây của Luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017:

a) Quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Quy định liên quan đến pháp nhân là người đại diện, người giám hộ;

c) Quy định liên quan đến hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân.

2. Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 372. Quy định chi tiết

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật./.

_______________________________________________________________

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015./.


 

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.