• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/04/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2023


NGHỊ QUYẾT

Tiếp tục đẩy mạnh lập lại trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị

 

Hội đồng nhân dân thành phố khoá 12 tiến hành kỳ họp bất thường từ ngày 27 đến 28/4/2001. Sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân về lập lại trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị; báo cáo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân về tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; báo cáo thuyết trình của các Ban Hội đồng nhân dân; báo cáo tham luận của một số ngành, địa phương, cơ sở và ý kiến của nhân dân thành phố tham gia vào nội dung kỳ họp.

 QUYẾT NGHỊ:

 

Sau gần một năm thực hiện chủ trương của Thành uỷ và Nghị quyết 06/NQ-HĐND12 của Hội đồng nhân dân thành phố, với sự cố gắng của các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân thành phố, tình hình trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị đã có những chuyển biến khá tích cực. Bộ mặt đô thị khang trang sạch đẹp hơn, cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp. Vệ sinh môi trường đã có chuyển biến một bước.

Hội đồng nhân dân thành phố biểu dương các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân thành phố đã có nhiều cố gắng, triển khai khá đồng bộ các hoạt động, đưa chủ trương của Thành ủy và Nghị quyết Hội đồng nhân dân vào cuộc sống.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm, kết quả đạt được chưa vững chắc. Tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dịch vụ diễn ra phức tạp. An toàn giao thông chưa đảm bảo. Vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị vẫn còn nhiều vấn đề chậm được khắc phục.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Nghị quyết, Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bổ sung một số chủ trương và giải pháp sau:

1. Bằng nhiều hình thức, biện pháp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn dân, tích cực thực hiện lập lại trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh cả nội và ngoại thành theo phương châm: “Toàn dân, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, bền vững”. Lấy động lực nhân dân làm chủ, phường, xã, thị trấn, cụm dân cư làm cơ sở để thực hiện. Đây là biện pháp quan trọng. Đề nghị ban Tuyên giáo Thành uỷ có kế hoạch hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng; Sở Văn hoá thông tin làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết. Nâng cao chất lượng nội dung các chuyên mục trên báo chí, Đài Phát thanh Truyền hình; triệt để khai thác có hiệu quả các cụm loa truyền thanh ở các phường đã được trang bị; ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện dự án chương trình giáo dục về Luật giao thông, bảo vệ môi trường, nếp sống văn minh vào trong nhà trường.

2. Thực hiện nghiêm các Nghị định của Chính phủ đã ban hành; tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản quy định về quản lý đường hè, cây xanh, quản lý nước thải, vệ sinh môi trường... Điều chỉnh giờ làm việc giữa giờ hành chính với giờ học sinh đi học, giờ công nhân đi làm để giảm mật độ người, phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường. Phát huy vai trò của đội thanh niên xung kích phối hợp với các đơn vị làm nhiệm vụ chuyên ngành để tăng cường kiểm tra thực hiện.

Nghiên cứu ban hành quy định mức thuế hợp lý để đăng ký và quản lý xe công nông đang lưu hành. Hạn chế sản xuất và lưu hành xe xích lô.

3. Phân cấp cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, của từng cấp, từng ngành và từng đơn vị, cá nhân, tạo nên sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng; cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong chỉ đạo sơ kết chủ trương của Thành uỷ trong cấp uỷ, với chính quyền, đoàn thể các cấp. Làm tốt hơn sự phối hợp điều hành quản lý của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.

4. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân. Trên cơ sở đó, vận động nhân dân thực hiện để đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Nâng cấp vỉa hè theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm (chỉ tính phần lát vỉa hè), Nhà nước đầu tư 70% kinh phí, dân đóng góp 30%. Xây dựng nhà vệ sinh tự hoại thay thế nhà vệ sinh thùng, dân lo làm phần nổi, Nhà nước làm phần ngầm của công trình. Cho phép Công ty Môi trường đô thị thực hiện thí điểm cơ chế dịch vụ công theo đề án được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt. Triển khai nhanh xã hội hoá thu gom, vận chuyển rác. Tiền thu phạt của thành phố cần chi hợp lý, ưu tiên chi cho công tác tuyên truyền và lực lượng trực tiếp thanh tra, kiểm tra đô thị.

5. Xây dựng quy hoạch sắp xếp các bến giao thông thuỷ, bộ, điểm giao thông tĩnh, nút giao thông, chợ, điểm trông coi xe, điểm thu gom rác, một số điểm kinh doanh xăng dầu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân... Tiếp tục phân luồng, phân tuyến giao thông hợp lý. Cấm một số phương tiện giao thông vào trong nội thành như: Xe thồ, xe đẩy, hạn chế xe xích lô ở những tuyến phố chính có mật độ giao thông cao. Sớm có giải pháp để chống ùn tắc giao thông đường Cầu Đất và một số các tuyến đường khác. Khẩn trương xây dựng đường Ngã Năm - Sân bay Cát Bi, Hồ Sen - Cầu Rào II. Khắc phục ngay tình trạng ùn tắc giao thông tại ngã ba Phạm Minh Đức - Lê Lợi, ngã tư Cột Đèn, ngã ba Hàng Kênh - Đình Đông. Đảm bảo duy trì trật tự, nề nếp các tuyến đường thành phố đã quy định.

6. Hoàn thành và đưa vào sử dụng đề án cải tiến quy trình thu gom, vận chuyển rác thải trong năm 2001, điều chỉnh mức thu phí vệ sinh. Tăng cường biện pháp giữ vệ sinh môi trường tại các khu vực: Dải trung tâm thành phố, hồ Quần Ngựa, khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà, các hồ điều hoà, hệ thống mương thoát nước. Xây dựng đề án xử lý chất thải công nghiệp và chất thải y tế độc hại.

7. Tăng vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện chủ trương lập lại trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị. Trước mắt, ngân sách thành phố chi 50 tỷ đồng và có giải pháp huy động các nguồn vốn khác. Ưu tiên đầu tư vốn cho các công trình xây dựng: Đường Đông Khê để khởi công vào dịp 13/5, phấn đấu xây dựng đường Cát Bi xong trong năm 2002; Tích cực đề nghị Bộ Giao thông vận tải cấp vốn để xây dựng đường Lán Bè, đường Ngô Quyền trong năm tới. Nâng cấp vỉa hè các đường phố chính theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, cơ bản xong trong năm 2002; hoàn thành ô rác số 2 bãi rác Tràng Cát đưa vào sử dụng. Cơ bản hoàn thành kế hoạch xoá các nhà vệ sinh thùng trên địa bàn 3 quận và khu trung tâm quận Kiến An, thị xã Đồ Sơn. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện Dự án thoát nước 1B. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước 1A. Lắp đặt hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, các cụm đèn tín hiệu giao thông tại một số điểm nút giao thông như: Chân cầu vượt Lạch Tray, ngã 5 thuộc quận Ngô Quyền... Xây dựng hệ thống giao thông tĩnh hợp lý; Có kế hoạch quản lý sử dụng các điểm đỗ xe gầm cầu vượt Lạch Tray và chân cầu An Dương II. Tăng cường quản lý và nâng cấp các bến xe, xây dựng bến xe Cầu Rào, bến tầu khách Bến Bính; sắp xếp lại các chợ trong thành phố. Tiếp tục nghiên cứu có dự án để từng bước đầu tư cải tạo chống lấn chiếm, gây ô nhiễm của các mương thoát nước Lông Vũ, mương Cầu Tre, tuyến kênh An Kim Hải, hồ Sen, hồ Thiên Nga và mương Đông Bắc. Có biện pháp nâng cao tác dụng hệ thống điện chiếu sáng đường phố, chiếu sáng ở ngõ nghẽn.

Hội đồng nhân dân thành phố giao cho Uỷ ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

 

T/M. HĐND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

                                                                                                    CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Trần Sáng

 

 

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.