• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/08/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2007
UBND TỈNH LAI CHÂU
Số: 07/2006/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 15 tháng 8 năm 2006

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2006 - 2007

_________________________

Năm học 2005 - 2006 thực hiện Chỉ thị số 22/2005/CT-BGD&ĐT ngày 29/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chỉ thị số 10/2005/CT-UBND ngày 11/8/2005 của UBND tỉnh Lai Châu, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục; kết quả xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được duy trì; công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở được đẩy mạnh và triển khai đúng tiến độ; cơ sở vật chất trường học được tăng cường; việc cải tiến công tác tuyển sinh, thi cử được chú trọng, công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới, đội ngũ cán bộ giáo viên được bổ sung; việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển gịáo dục được triển khai đồng bộ, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường.

Bên cạnh những mặt tiến bộ đã đạt được, việc khắc phục những yếu kém, tồn tại từ nhiều năm qua vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Chất lượng hiệu quả giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; các điều kiện đảm bảo phát triển giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý giáo dục còn hạn chế.

Bước vào năm học 2006 - 2007, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XI; Nghị quyết số 37/2004/QH11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI về giáo dục; Chỉ thị số 32/2006/CT-BGD&ĐT ngày 01/8/2006 của Bộ Giáo dục - Đào tạo; phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2005 - 2006 nhằm khắc phục những mặt yếu kém, tạo bước chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong năm học 2006 - 2007, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, Thị xã và ngành Giáo dục & Đào tạo, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện.

Ngành Giáo dục cần triển khai thật tốt việc giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 5 ở bậc Tiểu học, lớp 9 Bổ túc THCS, lớp 10 ở Trung học phổ thông; đưa việc giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 9 vào nề nếp. Quan tâm chỉ đạo để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Tiếp tục thực hiện các hình thức bồi dưỡng giáo viên trong năm học để đảm bảo yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa.

Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015; xây dựnh kế hoạch chi tiết để thực hiện Quyết định này.

Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 25/2006/CT-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phân ban THPT; tập trung chỉ đạo thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn ở lớp 10, trong đó chú trọng việc sắp xếp học sinh vào các ban phù hợp với điều kiện, năng lực của nhà trường và nhu cầu học tập của học sinh; sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên để dạy các môn học của chương trình; đáp ứng kịp thời, có chất lượng về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo yêu cầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 10, nhất là việc thực hiện đại trà môn tin học, ngoại ngữ và các yêu cầu thực hành thí nghiệm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục; đẩy mạnh chương trình dạy ngoại ngữ và tin học trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Đẩy mạnh giáo dục toàn diện: Giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng và hiệu quả về giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục quốc phòng. Làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, công tác y tế học đường, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên và xây dựng đời sống văn hoá trong trường học.

Quán triệt sâu sắc tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên yêu cầu “ dạy chữ” đi đôi với “dạy người”, tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; huy động sự tham gia của gia đình, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường và toàn thể xã hội trong chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo.

2. Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học phản ánh đúng chất lượng giáo dục.

Bảo đảm yêu cầu chính xác, nghiêm túc, công bằng trong việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh làm cho công tác thi, kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học thật sự trở thành khâu quan trọng, có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả giáo dục.

Tập trung làm tốt công tác xét tốt nghiệp Trung học cơ sở và tuyển sinh vào lớp 10.

Tăng cường kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức các kỳ thi; bàn giải pháp chống biểu hiện tiêu cực trong các khâu tổ chức thi, có biện pháp ngăn chặn gian lận trong thi cử.

3. Đẩy mạnh phổ cập giáo dục; thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

Tăng cường chỉ đạo để chuẩn bị ngôn ngữ Tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số đảm bảo thu hút tối đa trẻ 5 tuổi đến trường trước khi vào lớp 1, phát triển lớp học Mầm non công lập ở các cụm bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; duy trì, giữ vững kết quả xoá mù chữ, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng và tính bền vững của chương trình phổ cập.

Triển khai xây dựng Đề án xã hội học tập và Kế hoạch hành động thực hiện chương trình giáo dục cho mọi người, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng nhằm thoả mãn nhu cầu học tập của nhân dân. Thực hiện phân luồng sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nghiêm túc quy chế cử tuyển, tuyển sinh vào các trường nội trú và các chính sách đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, con em gia đình thuộc diện được hưởng chính sách xã hội và con em gia đình nghèo.

4. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng cả 3 mặt: đánh giá và sắp xếp, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Tiến hành rà soát phân loại giáo viên theo Quy chế đánh giá xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Thực hiện Quy định về việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn, ban hành kèm theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục do nhà nước đã ban hành.

5. Tiếp tục công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phấn đấu hết năm học 2006 - 2007, tất cả các xã thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều có cơ sở giáo dục mầm non, Trường Tiểu học, Trường THCS hoặc Trường PTCS. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Trường PTDTNT, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng.

Tập trung hoàn thành mục tiêu chương trình kiên cố hoá trường lớp học theo Quyết định 159/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiên độ để hoàn thành các công trình đã khởi công xây dựng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng trường lớp học.

Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các nhà trường cần sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học và sách thư viện trường học. Cung ứng kịp thời, đầy đủ, có chất lượng sách giáo khoa và thiết bị dạy học, thực hiện tốt công tác bảo quản và sử dụng thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới sách giáo khoa lớp 5, lớp 10. Đẩy mạnh xây dựng phòng thí nghiệm khuyến khích giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, thực hiện kết nối mạng cho các trường THCS ở những nơi có điều kiện. Tăng tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn Quốc gia ở tất cả các huyện, Thị xã.

6. Chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương; đổi mới cơ bản công tác thi đua - khen thưởng thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Các cơ quan quản lý giáo dục phối hợp chặt chẽ với công đoàn giáo dục các cấp phát động và thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” và phong trào học tập tấm gương, thầy giáo anh hùng lao động Nguyễn Văn Bôn trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, để rèn luyện, trau dồi đạo đức nhà giáo, bản lĩnh sư phạm, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp về người thầy, sứng đáng với truyền thống tôn sư trọg đạo của dân tộc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả  cuộc vận động “ nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp kiên quyết không thực hiện hành vi tiêu cực, không dung túng, tiếp tay, bao che, các biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh, kiên quyết ngăn chặn, khắc phục, sử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong việc thực hiện chương trình giáo dục, trong sử dụng tài chính, tài sản; trong tuyển sinh, thi cử, đánh giá kết quả học tập; trong cấp phát, sử dụng văn bằng chứng chỉ và các tiêu cực trong việc dạy thêm nhằm vụ lợi.

Tăng cường lực lượng và nâng cao trách nhiệm của thanh tra giáo dục các cấp làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục.

Tiến hành đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, chống bệnh thành tích theo hướng công tác thi đua phải phục vụ thiết thực việc dạy tốt hơn, học tốt hơn, quản lý hiệu quả hơn; rà soát lại nội dung các tiêu chí thi đua, cách tổ chức, đánh giá phong trào, nâng cao trách nhiệm và tính trung thực trong báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua trong nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục và các tập thể học sinh, sinh viên. Tập trung xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Uỷ ban nhân dân các cấp cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng cơ sở vật chất trường học và nhà ở cho giáo viên.

Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo có trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các phòng Giáo dục, các Trường THPT, các Trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc thực hiện Chỉ thị này và tham mưu với cấp uỷ và chính quyền địa phương, tranh thủ sự cộng tác, phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể để ngành Giáo dục và Đào tạo có điều kiện thuận lợi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2006 - 2007.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lò Văn Giàng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.