• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/04/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2020
UBND TỈNH LONG AN
Số: 16/2017/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 29 tháng 3 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An

________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác;

Căn cứ Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Nghị quyết số 174/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An;

Xét Tờ trình số 562/TTr-SNN ngày 28/02/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2017. Chính sách này được áp dụng thực hiện đến ngày 31/12/2020.

Quyết định này thay thế Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 02/4/2015 của UBND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An và Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 25/01/2016 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ; Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ và các tổ chức, cá nhân có liên quan thi hành quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

Về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng

trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An

(Ban hành kèm theo Quyết định số  16 /2017/QĐ-UBND  

ngày  29  tháng  3  năm 2017  của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)

________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng

Áp dụng tại các vùng nuôi tôm nước lợ theo quy hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ hợp tác, Hợp tác xã đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ trên phạm vi địa bàn các huyện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tôm nước lợ là: Tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei).

2. Tổ hợp tác đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND cấp xã, có từ 03 tổ viên trở lên, cùng liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực về: Con giống, vật tư, thuốc thú y thủy sản, kỹ thuật, quản lý dịch bệnh..., cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm cộng đồng và bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm.

3. Hợp tác xã đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong các hoạt động: Con giống, vật tư, thuốc thú y thủy sản, kỹ thuật, quản lý dịch bệnh..., tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã và bảo vệ môi trường.

4. Ao lắng là ao được xây dựng nhằm đảm bảo độ sâu, thuận lợi trong việc trữ và cấp nước, đảm bảo đủ lượng nước cấp cho các ao nuôi.

5. Ao lắng mới là ao được đầu tư mới hoàn toàn từ nền đất tự nhiên chưa được đào ao, đảm bảo độ sâu, thuận lợi trong việc trữ và cấp nước, đảm bảo đủ lượng nước cấp cho các ao nuôi.

6. Ao lắng cải tạo là ao được cải tạo từ ao nuôi tôm hoặc ao lắng đã có sẵn nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để làm ao lắng đảm bảo độ sâu, thuận lợi trong việc trữ và cấp nước, đảm bảo đủ lượng nước cấp cho các ao nuôi.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Điều kiện hỗ trợ

Tổ hợp tác, Hợp tác xã đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ phải đảm bảo các điều kiện hỗ trợ như sau:

1. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất làm ao lắng hoặc hợp đồng thỏa thuận sử dụng đất để làm ao lắng được UBND cấp xã xác nhận.

2. Có đăng ký đầu tư xây dựng ao lắng mới hoặc ao lắng cải tạo có xác nhận của UBND cấp xã.

3. Tổ hợp tác, Hợp tác xã xây dựng ao lắng phải đảm bảo tổng diện tích các ao lắng chiếm từ 15% trở lên so với tổng diện tích mặt nước nuôi tôm.

 4. Thiết kế ao lắng phải đúng yêu cầu kỹ thuật, độ sâu, thuận lợi trong cấp và thoát nước, đảm bảo đủ lượng nước cấp cho ao nuôi tôm.

Điều 4. Quy cách thiết kế ao lắng

Tùy theo điều kiện thực tế từng địa phương, các chỉ số thiết kế của ao lắng có thể dao động ± 0,3m.

 1. Đối với đầu tư xây dựng ao lắng mới: Chiều sâu của ao lắng tính từ mặt bờ đến đáy ao từ 1,8m - 2,0m; chiều rộng mặt bờ từ 1,0m trở lên.

2. Đối với ao lắng được cải tạo từ ao nuôi tôm hoặc ao lắng đã có sẵn nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để làm ao lắng: Chiều sâu của ao lắng tính từ mặt bờ đến đáy ao từ 1,8m - 2,0m; chiều rộng mặt bờ từ 1,0m trở lên.

Điều 5. Mức hỗ trợ

Tổ hợp tác, Hợp tác xã được hỗ trợ 01 lần sau khi đầu tư xong ao lắng.

1. Trường hợp đầu tư xây dựng ao lắng mới: Hỗ trợ 40% chi phí đầu tư xây dựng ao lắng nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 70 triệu đồng/hecta ao lắng.

2. Trường hợp cải tạo từ ao nuôi tôm hoặc ao lắng đã có sẵn nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để làm ao lắng: Hỗ trợ 40% chi phí đầu tư nạo vét, gia cố ao lắng nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/hecta ao lắng.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ do ngân sách tỉnh đảm bảo, phân bổ hàng năm.

Chương III

QUY TRÌNH LẬP, XÉT DUYỆT HỒ SƠ HỖ TRỢ

Điều 7. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

Tổ hợp tác, Hợp tác xã lập 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm có:

1. Bản đăng ký kê khai đầu tư ao lắng mới hoặc ao lắng cải tạo, có xác nhận của UBND cấp xã (theo mẫu 1).

2. Đơn đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng mới hoặc ao lắng cải tạo (theo mẫu 2).

3. Văn bản chứng thực hoặc chứng thực lại hợp đồng hợp tác của UBND cấp xã đối với Tổ hợp tác đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ hoặc giấy đăng ký kinh doanh của Hợp tác xã đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ (nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực nếu có chữ ký xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính của người đối chiếu nơi tiếp nhận hồ sơ).

4. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất làm ao lắng (nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực nếu có chữ ký xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính của người đối chiếu nơi tiếp nhận hồ sơ) hoặc hợp đồng thỏa thuận sử dụng đất để làm ao lắng được UBND cấp xã xác nhận (nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực nếu có chữ ký xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính của người đối chiếu nơi tiếp nhận hồ sơ).

5. Hóa đơn, chứng từ xác định mức đầu tư xây dựng ao lắng phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính đối với trường hợp mua sắm vật tư, thuê phương tiện máy cơ giới để đầu tư mới, cải tạo, gia cố  ao lắng. Đối với trường hợp thuê nhân công lao động để lót bạt bờ, làm cống, đào mới, cải tạo, gia cố ao lắng thì có bảng kê thuê nhân công lao động để xác định mức đầu tư xây dựng ao lắng phù hợp (mẫu 3).

Điều 8. Trình tự, thủ tục thực hiện

1. Đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã

a) Trước khi thực hiện đầu tư xây dựng ao lắng mới hoặc ao lắng cải tạo phải đăng ký và có xác nhận của UBND xã.

b) Sau khi đã đầu tư xây dựng ao lắng mới hay ao lắng cải tạo, Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoàn chỉnh 01 bộ hồ sơ (theo quy định tại Điều 7) gửi về UBND cấp xã.

c) Thời gian thực hiện: Đợt 01 trước ngày 01/3 hàng năm; Đợt 02 trước ngày 01/8 hàng năm.

2. Đối với UBND cấp xã

a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

b) Trong thời gian 10 ngày làm việc, UBND cấp xã có trách nhiệm:

- Thành lập Tổ thẩm định thực tế hồ sơ đề nghị hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng. Thành phần Tổ thẩm định gồm: Đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện Đoàn thể xã, Thú y viên hoặc Khuyến nông viên, Trưởng ấp. Triển khai lập biên bản thẩm định đầu tư ao lắng của Tổ hợp tác, Hợp tác xã (theo mẫu 4).

- Tổng hợp danh sách các hồ sơ đề nghị hỗ trợ đạt yêu cầu của Tổ hợp tác, Hợp tác xã gửi UBND cấp huyện (theo mẫu 5).

c) Thời gian thực hiện: Đợt 01 trước ngày 15/3 hàng năm; Đợt 02 trước ngày 15/8 hàng năm.

3. Đối với UBND cấp huyện

a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ của UBND cấp xã.

b) Trong thời gian 10 ngày làm việc, UBND cấp huyện có trách nhiệm:

- Thành lập Tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng. Thành phần Tổ thẩm định gồm: Đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính, đại diện Trạm Khuyến nông, đại diện Đoàn thể huyện. Nhiệm vụ của Tổ thẩm định: Tổ chức thẩm định, xét duyệt, lập biên bản thẩm định các hồ sơ (theo mẫu 6).

- Tổng hợp danh sách hồ sơ đề nghị hỗ trợ đạt yêu cầu của UBND cấp xã (theo mẫu 7).

- Công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các hồ sơ đề nghị hỗ trợ đạt yêu cầu (theo mẫu 8).

c) Thời gian thực hiện: Đợt 01 trước ngày 30/3 hàng năm; Đợt 02 trước ngày 30/8 hàng năm.

4. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ của UBND cấp huyện.

b) Trong thời gian 20 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Thẩm định hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ.

- Tổng hợp danh sách các hồ sơ đủ điều kiện được hỗ trợ.

- Công văn đề nghị Sở Tài chính trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

c) Thời gian thực hiện: Đợt 01 trước ngày 30/4 hàng năm; Đợt 02 trước ngày 30/9 hàng năm.

5. Đối với Sở Tài chính

a) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho ngân sách huyện triển khai thực hiện chính sách này để hỗ trợ Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

b) Sau khi trình UBND tỉnh ban hành quyết định cấp kinh phí, Sở Tài chính hoàn chỉnh thủ tục phân bổ kinh phí cho ngân sách các huyện để tổ chức cấp phát cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã theo quy định.

c) Thời gian thực hiện: Trong thời gian 15 ngày làm việc, đợt 01 trước ngày 20/5 hàng năm, đợt 02 trước ngày 20/10 hàng năm.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ và các cơ quan liên quan để hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch nhu cầu kinh phí thực hiện gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính.

- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời đề xuất những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh chính sách trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

2. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kinh tế kỹ thuật phục vụ nuôi tôm nước lợ.

4. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Hỗ trợ, tư vấn, khuyến khích người nuôi tôm liên kết sản xuất thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

5. UBND các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan tập trung phát triển nuôi tôm nước lợ phù hợp theo hướng phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

- Quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo đúng quy định.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và PTNT. Đợt 1 trước ngày 20/5 hàng năm; Đợt 2 trước ngày 20/11 hàng năm.

6. UBND cấp xã trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ

- Tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi tôm nước lợ thông suốt để triển khai thực hiện tốt chính sách này.

- Niêm yết công khai danh sách Tổ hợp tác, Hợp tác xã được xét hỗ trợ chính sách theo Quy định này tại trụ sở UBND cấp xã và công bố ra dân để mọi người được biết thông qua đài truyền thanh.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và đoàn thể liên quan và UBND các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát sinh mới, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương báo cáo bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Cần

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.