THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu
____________________
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 187/2007/NĐ-CP;
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư liên tịch quy định chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu, bao gồm:
1. Loại xuất bản phẩm lưu chiểu đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý.
2. Định mức, cách tính thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu.
3. Nguồn kinh phí và quản lý, sử dụng kinh phí đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cục Xuất bản thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Cục Xuất bản); Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Thông tin và Truyền thông).
2. Người đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu, bao gồm:
a) Công chức được giao nhiệm vụ thường xuyên đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu thuộc Cục Xuất bản và Sở Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi chung là công chức xuất bản);
b) Cộng tác viên, bao gồm:
- Người được Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông ký hợp đồng làm cộng tác viên đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu;
- Công chức của Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này được Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông ký hợp đồng làm cộng tác viên đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu.
c) Thành viên của hội đồng thẩm định nội dung xuất bản phẩm lưu chiểu do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng thẩm định hoặc do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này thành lập hội đồng thẩm định (sau đây gọi chung là thành viên thẩm định);
d) Chuyên gia tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký hợp đồng tư vấn xử lý hoặc do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này ký hợp đồng tư vấn (sau đây gọi chung là chuyên gia tư vấn).
Điều 3. Loại xuất bản phẩm lưu chiểu đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý
1. Xuất bản phẩm lưu chiểu đọc và kiểm tra:
a) Xuất bản phẩm của nhà xuất bản; tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và tổ chức nước ngoài do Cục Xuất bản cấp giấy phép xuất bản;
b) Tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương của cơ quan, tổ chức ở Trung ương do Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản.
2. Xuất bản phẩm lưu chiểu sau khi đọc và kiểm tra nếu thuộc các trường hợp sau phải thẩm định nội dung:
a) Xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật xuất bản;
b) Xuất bản phẩm có ý kiến khác nhau về nội dung.
3. Xuất bản phẩm lưu chiểu sau khi thẩm định nội dung nếu thuộc các trường hợp sau cần tư vấn xử lý:
a) Xuất bản phẩm đang xem xét xử lý vi phạm nhưng có ý kiến khác nhau trong nhận xét, đánh giá;
b) Xuất bản phẩm có nội dung chuyên môn sâu thuộc các ngành, lĩnh vực mà có ý kiến khác nhau trong nhận xét, đánh giá.
Điều 4. Định mức đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu
1. Cơ sở tính định mức đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu được quy định như sau:
a) Đối với xuất bản phẩm in trên giấy:
- Được tính theo trang sách quy chuẩn. Trang sách quy chuẩn là trang sách có khuôn khổ 14,5 cm x 20,5 cm;
- Hệ số quy đổi từ sách, tranh, ảnh, bản đồ, áp - phích, tờ rời, tờ gấp, các loại lịch không có khuôn khổ quy chuẩn thành trang sách quy chuẩn để tính định mức được tính theo công thức sau:
Hệ số quy đổi =
|
(Chiều dài của xuất bản phẩm) x (Chiều rộng của xuất bản phẩm)
|
14,5 cm x 20,5 cm
|
b) Đối với xuất bản phẩm điện tử:
- Xuất bản phẩm điện tử dưới dạng đọc tính theo dung lượng âm tiết đối với xuất bản phẩm tiếng Việt và dung lượng từ đối với xuất bản phẩm tiếng nước ngoài chứa trong xuất bản phẩm đó;
- Xuất bản phẩm điện tử dưới dạng nghe, nhìn tính theo thời lượng của xuất bản phẩm.
2. Định mức đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu là định mức áp dụng cho một ngày làm việc của công chức xuất bản, được quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Cách tính thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu
1. Đối với công chức xuất bản:
a) Cơ sở tính thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu được quy định theo công thức sau:
A = B – (C x D)
Trong đó:
A: Số trang sách quy chuẩn, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm vượt định mức quy định trong tháng;
B: Số trang sách quy chuẩn, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm mà công chức xuất bản thực hiện thực tế trong tháng;
C: Số ngày thực tế trong tháng mà công chức xuất bản thực hiện nhiệm vụ đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu;
D: Định mức đọc quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.
Ví dụ: Công chức xuất bản Nguyễn Văn X được giao nhiệm vụ đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu là sách văn học. Theo quy định tại Thông tư này, định mức đọc sách văn học là 90 trang/ngày. Nếu trong tháng, công chức xuất bản Nguyễn Văn X đọc được 2000 trang sách quy chuẩn trong 20 ngày thì số trang sách quy chuẩn vượt định mức quy định trong tháng đó của công chức xuất bản Nguyễn Văn X được tính như sau:
A= 2000 – (20 x 90) = 200 trang sách
b) Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu vượt định mức được chi trả tính theo công thức sau:
E = A x G
Trong đó:
E: Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu vượt định mức;
A: Số trang sách quy chuẩn, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm vượt định mức quy định trong tháng;
G: Mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
Ví dụ: Công chức xuất bản Nguyễn Văn T đọc vượt định mức quy định trong tháng là 200 trang sách văn học (tính theo trang sách quy chuẩn). Theo quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này, mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra sách văn học là 2.126 đồng/trang sách quy chuẩn. Như vậy, thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu vượt định mức của công chức xuất bản Nguyễn Văn T được tính như sau:
E = 200 x 2.126 = 425.200 đồng
c) Số trang sách, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm vượt định mức để làm căn cứ tính thù lao được chi trả đối với một công chức xuất bản không được vượt quá 1,5 lần định mức đọc quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này tính trong thời gian 01 (một) năm của công chức xuất bản đó.
2. Đối với cộng tác viên, thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu được chi trả tính theo công thức sau:
H = B x G
Trong đó:
H: Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu được chi trả;
B: Số trang sách quy chuẩn, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm mà cộng tác viên thực hiện trong tháng;
G: Mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
Ví dụ: Trong tháng cộng tác viên Nguyễn Văn N đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu là sách văn học được 2000 trang sách quy chuẩn. Theo quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này, mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra sách văn học là 2.126 đồng/trang sách quy chuẩn. Như vậy, thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu của cộng tác viên Nguyễn Văn N được tính như sau:
H = 2000 x 2.126 = 4.252.000 đồng
Điều 6. Cách tính thù lao thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu
1. Mức chi trả thù lao thẩm định được quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
2. Thù lao thẩm định được chi trả tính theo công thức sau:
I = K x L
Trong đó:
I: Thù lao thẩm định được chi trả;
K: Số trang sách quy chuẩn, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm phải thẩm định;
L: Mức chi trả thù lao thẩm định quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
Ví dụ: Thành viên thẩm định M đọc thẩm định nội dung được 200 trang sách văn học (tính theo trang sách quy chuẩn). Theo quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này, mức chi trả thù lao thẩm định sách văn học là 4.019 đồng/trang sách quy chuẩn. Như vậy, thù lao thẩm định của thành viên thẩm định M được tính như sau:
I = 200 x 4.019 = 803.800 đồng
3. Thù lao tư vấn được chi trả tối đa không quá 600.000 đồng/vấn đề/văn bản tham gia ý kiến (tối đa 05 ý kiến/01 vấn đề).
Điều 7. Chi tổ chức họp hội đồng thẩm định, hội thảo khoa học về những vấn đề liên quan đến xuất bản phẩm lưu chiểu
Mức chi thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về chế độ chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo.
Điều 8. Nguồn kinh phí và việc áp dụng mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu
1. Nguồn kinh phí chi trả thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu, bao gồm:
a) Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương;
b) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
2. Việc áp dụng mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu được quy định như sau:
a) Mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa;
b) Cục trưởng Cục Xuất bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ vào khả năng ngân sách và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để quy định mức chi cụ thể cho phù hợp và phải được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Điều 9. Lập dự toán, quản lý và thanh, quyết toán kinh phí
Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm cho phù hợp, cụ thể như sau:
1. Lập dự toán: Hàng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; căn cứ vào tình hình thực hiện dự toán kinh phí thực hiện chế độ thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu năm trước; căn cứ kế hoạch đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu năm kế hoạch, Cục Xuất bản và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí cần thiết thực hiện nhiệm vụ này của năm kế hoạch.
Việc tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định hiện hành, cụ thể như sau:
a) Đối với Cục Xuất bản:
Dự toán kinh phí cần thiết thực hiện nhiệm vụ đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu của năm kế hoạch (có căn cứ tính toán chi tiết kèm theo) được tổng hợp vào dự toán chi ngân sách thường xuyên của Cục Xuất bản, gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp chung, gửi về Bộ Tài chính để xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Đối với Sở Thông tin và Truyền thông:
Dự toán kinh phí cần thiết thực hiện nhiệm vụ đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu của năm kế hoạch (có căn cứ tính toán chi tiết kèm theo) được tổng hợp vào dự toán chi ngân sách thường xuyên của cơ quan, gửi Sở Tài chính thẩm định và tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Phân bổ và giao dự toán: Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc (trong đó bao gồm cả kinh phí thực hiện chế độ thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu) sau khi có ý kiến thẩm tra của cơ quan tài chính cùng cấp.
3. Thanh toán:
a) Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu đối với công chức xuất bản được quy định như sau:
- Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu vượt định mức được thanh toán hàng tháng. Trường hợp trong tháng, công chức đọc không đạt định mức thì số trang sách, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm còn thiếu so với định mức trong tháng được cộng vào định mức để tính thù lao của tháng sau.
- Hồ sơ thanh toán gồm:
+ Bảng kê thanh toán đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 2);
+ Bản sao Phiếu đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 4).
b) Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu đối với cộng tác viên được quy định như sau:
- Thù lao đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu đối với cộng tác viên được thanh toán hàng tháng trên cơ sở số trang sách, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm đọc và kiểm tra trong tháng.
- Hồ sơ thanh toán gồm:
+ Bảng kê thanh toán đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 3);
+ Bản sao Phiếu đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 4).
c) Thù lao thẩm định nội dung xuất bản phẩm lưu chiểu đối với thành viên thẩm định được quy định như sau:
- Thù lao thẩm định nội dung được thanh toán trên cơ sở số trang sách, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm phải thẩm định nội dung.
- Hồ sơ thanh toán gồm:
+ Bản sao Phiếu thẩm định nội dung xuất bản phẩm lưu chiểu (theo mẫu Phụ lục số 5);
+ Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này;
d) Thù lao tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu đối với chuyên gia tư vấn được quy định như sau:
- Thù lao tư vấn xử lý được thanh toán trên cơ sở số trang sách, số âm tiết, số từ, thời lượng nghe, nhìn xuất bản phẩm cần tư vấn xử lý.
- Hồ sơ thanh toán gồm:
+ Bản sao Phiếu tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu (theo mẫu Phụ lục số 6);
+ Hợp đồng tư vấn giữa chuyên gia tư vấn với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này.
4. Quyết toán:
a) Việc sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Định kỳ cuối năm, cơ quan, đơn vị tổng hợp quyết toán kinh phí thực hiện chế độ thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu vào quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT/BVHTT-BTC ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn định mức và chế độ thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu.
2. Mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu quy định tại Thông tư này được liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh khi phát sinh sự bất hợp lý hoặc có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương, tiền công và giá cả thị trường.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.