• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 31/2018/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 16 tháng 11 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI RỪNG

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về phân định ranh giới rừng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về phân định ranh giới rừng.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến phân định ranh giới rừng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiểu khu có diện tích khoảng 1.000 ha, trong cùng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Thứ tự tiểu khu được ghi số bằng chữ số Ả Rập trong phạm vi của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), từ tiểu khu số 1 đến tiểu khu cuối cùng (ví dụ: Tiểu khu 1, Tiểu khu 2).

2. Khoảnh có diện tích khoảng 100 ha, trong cùng đơn vị hành chính cấp xã. Thứ tự khoảnh được ghi số bằng chữ số Ả Rập, từ khoảnh 1 đến khoảnh cuối cùng, trong phạm vi từng tiểu khu (ví dụ: Khoảnh 1, Khoảnh 2).

3. Lô có diện tích khoảng 10 ha, có trạng thái rừng hoặc đất lâm nghiệp tương đối đồng nhất, cùng địa bàn trong cấp xã. Thứ tự lô được ghi số bằng chữ số Ả Rập, từ lô 1 đến lô cuối cùng, trong phạm vi từng khoảnh (ví dụ: Lô 1, Lô 2).

Số thứ tự của tiểu khu, khoảnh, lô được ghi số theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, trường hợp được bổ sung thì bên cạnh tiểu khu, khoảnh, lô gốc bổ sung ký hiệu A, B, C (ví dụ Tiểu khu 1A, Khoảnh 1A, Lô 1A).

4. Mốc phân định ranh giới là vật thể cố định được sử dụng để đánh dấu các vị trí quan trọng trên đường ranh giới cần phân định trên thực địa.

5. Điểm đặc trưng là các điểm địa hình, địa vật, dông núi, sông, suối, đường giao thông, đường phân thủy, đường tụ thủy.

6. Bản đồ hiện trạng rừng là bản đồ chuyên đề thể hiện ranh giới các lô trạng thái rừng theo hệ thống phân loại rừng hiện hành trên nền bản đồ địa hình tương ứng với từng loại tỷ lệ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI RỪNG TRÊN BẢN ĐỒ

Điều 3. Căn cứ phân định ranh giới rừng

1. Bản đồ hiện trạng rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016.

2. Một trong các tài liệu sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định thành lập khu rừng; quyết định giao đất; quyết định thuê đất; quyết định giao rừng; quyết định thuê rừng.

Điều 4. Nội dung phân định ranh giới rừng

1. Phân định ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô và ranh giới chủ rừng trên bản đồ hiện trạng rừng.

2. Thiết kế vị trí các mốc, bảng phân định ranh giới trên bản đồ hiện hạng rừng.

Điều 5. Phân định ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô và ranh giới chủ rừng trên bản đồ

1. Sử dụng bản đồ hiện trạng rừng làm bản đồ phân định ranh giới rừng.

2. Trường hợp có sự thay đổi về ranh giới, diện tích do chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng; điều chỉnh địa giới hành chính; chuyển nhượng có thay đổi tên chủ rừng, thực hiện hiệu chỉnh bản đồ hiện trạng rừng để sử dụng làm bản đồ phân định ranh giới theo trình tự sau:

a) Cập nhật, thu thập số liệu, tài liệu về sự thay đổi ranh giới, diện tích rừng;

b) Chuyển ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô và ranh giới chủ rừng lên bản đồ hiện trạng rừng.

3. Đơn vị thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hiệu chỉnh bản đồ hiện hạng rừng cấp tỉnh;

b) Cơ quan kiểm lâm cấp huyện hiệu chỉnh bản đồ hiện trạng rừng cấp huyện và xã; trường hợp không có cơ quan kiểm lâm cấp huyện, cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh thực hiện.

Điều 6. Thiết kế vị trí các mốc, bảng phân định ranh giới của chủ rừng

1. Sử dụng bản đồ phân định ranh giới rừng tại Điều 5 Thông tư này để xác định sơ đồ vị trí mốc, bảng.

2. Vị trí mốc: chỉ xác định vị trí mốc đối với ranh giới tiếp giáp giữa các chủ rừng lân cận tại các vị trí đổi hướng của đường ranh giới, nơi không có điểm đặc trưng, khó phân định ranh giới; không xác định mốc ở những nơi đường ranh giới có các điểm đặc trưng. Khoảng cách giữa các mốc không quá 2.000 m. Trường hợp những nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm hại, nơi ranh giới khó nhận biết do có quá ít các điểm đặc trưng như vùng đồi bát úp hoặc đất bằng ven biển, khoảng cách các mốc không quá 1.000 m. Số hiệu mốc đánh theo thứ tự từ mốc số 1 đến mốc cuối cùng trên đường ranh giới theo chiều kim đồng hồ.

3. Vị trí bảng: được xác định ở các vị trí có đường giao thông qua lại hoặc nơi gần các khu dân cư, nơi rừng có nguy cơ bị xâm hại cao.

Mục 2. PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI RỪNG TRÊN THỰC ĐỊA

Điều 7. Căn cứ phân định ranh giới rừng trên thực địa

1. Bản đồ phân định ranh giới quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Một trong các tài liệu sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định thành lập khu rừng; quyết định giao đất; quyết định thuê đất; quyết định giao rừng; quyết định thuê rừng.

4. Hồ sơ mốc ranh giới sử dụng đất theo quyết định giao đất, quyết định giao rừng, quyết định cho thuê đất, quyết định thuê rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu có).

Điều 8. Nội dung phân định ranh giới rừng trên thực địa

1. Những khu rừng đã được phân định ranh giới trên thực địa, không thực hiện phân định lại ranh giới rừng.

2. Trường hợp chưa thực hiện phân định ranh giới rừng trên thực địa hoặc có sự thay đổi về ranh giới rừng, tiến hành phân định ranh giới rừng theo trình tự sau:

a) Thu thập tài liệu và bản đồ quy định tại Điều 7 Thông tư này;

b) Mô tả đường phân định ranh giới rừng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 5 Thông tư này;

c) Xác định vị trí mốc, bảng trên thực địa theo sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư này;

d) Cắm mốc, bảng trên thực địa.

3. Đơn vị thực hiện:

a) Đối với nội dung quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức thực hiện;

b) Đối với nội dung quy định tại điểm d khoản 2 Điều này, chủ rừng thực hiện có sự chứng kiến của cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh đối với những địa phương không có cơ quan Kiểm lâm cấp huyện.

4. Đối với những khu vực có tranh chấp mà không thỏa thuận được giữa các chủ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập biên bản đối với từng trường hợp cụ thể theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư này; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi khu vực có tranh chấp được giải quyết, thực hiện phân định ranh giới rừng theo khoản 2 Điều này.

Điều 9. Mô tả đường phân định ranh giới rừng

1. Nội dung mô tả: các điểm đặc trưng, hướng, tọa độ, khoảng cách giữa các điểm đặc trưng và chiều dài đường ranh giới rừng.

2. Phương pháp mô tả

a) Trường hợp đường phân định ranh giới khu rừng đã có kết quả mô tả hoặc khu rừng liền kề đã mô tả thì sử dụng kết quả mô tả đó.

b) Trường hợp đường phân định ranh giới khu rừng chưa được mô tả, thực hiện như sau: đường phân định ranh giới bắt đầu từ điểm đặc trưng đầu tiên tại điểm cực Bắc của khu rừng, mô tả theo chiều kim đồng hồ, bảo đảm tính liên tục, khép kín trên toàn bộ đường phân định ranh giới rừng. Trường hợp trên đường phân định ranh giới khu rừng không có điểm đặc trưng, sử dụng máy định vị (GPS) để xác định tọa độ và mô tả đường phân định ranh giới theo tọa độ đó.

3. Lập bản mô tả đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

4. Lập bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Thông tư này. Tọa độ các điểm đặc trưng đo 03 lần bằng GPS và lấy giá trị bình quân.

Điều 10. Xác định vị trí mốc, bảng

1. Những khu rừng đã xác định vị trí mốc, bảng phù hợp với kết quả thiết kế vị trí các mốc, bảng theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, không thực hiện xác định lại vị trí.

2. Trường hợp không thuộc khoản 1 Điều này, tiến hành xác định vị trí mốc, bảng như sau:

a) Căn cứ kết quả thiết kế vị trí các mốc, bảng theo quy định tại Điều 6 Thông tư này để xác định vị trí mốc, bảng ngoài thực địa, trừ các vị trí mốc trùng với điểm đặc trưng;

b) Căn cứ kết quả tại điểm a khoản này để xác định cụ thể tọa độ vị trí mốc, bảng trên đường phân định ranh giới của khu rừng. Tọa độ vị trí mốc, bảng được đo 03 lần bằng GPS lấy giá trị bình quân và lập bản tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

c) Lập bảng tổng hợp vị trí tọa độ mốc, bảng theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp vị trí mốc, bảng trên thực địa có sai khác so với thiết kế trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư này, phải hiệu chỉnh vị trí mốc, bảng trên bản đồ cho phù hợp với thực địa.

Điều 11. Quy định về mốc, bảng

1. Quy định về mốc

a) Mốc làm bằng bê tông cốt thép đảm bảo bền vững, chắc chắn, có tiết diện hình chữ nhật, kích thước mốc: cao 100 cm, rộng 30 cm, dày 12 cm, có đế dùng để cắm mốc.

b) Mốc ghi tên chủ rừng, loại rừng và số hiệu mốc. Phần mốc nổi trên mặt đất sơn màu trắng, chữ số được viết trên mặt bên của mốc, cách mặt trên của mốc 3 cm; chữ in hoa đều nét, cỡ chữ cao 3 cm, rộng 2 cm bằng sơn đỏ.

2. Quy định về bảng

a) Bảng làm bằng bê tông cốt thép đảm bảo bền vững, chắc chắn, kích thước cao 100 cm, rộng 150 cm, dày 5 cm.

b) Bên trái bảng thể hiện sơ đồ khu rừng, bên phải ghi tên khu rừng và nội dung yêu cầu quản lý, bảo vệ rừng.

3. Đối với những nơi đã cắm mốc, bảng khác với quy định tại khoản 1 và 2 của Điều này, vẫn được tiếp tục sử dụng mốc, bảng cũ.

Điều 12. Cắm mốc, bảng trên thực địa

1. Những khu rừng đã cắm mốc, bảng phù hợp với quy định tại Điều 10 Thông tư này, không thực hiện cắm lại.

2. Trường hợp không thuộc khoản 1 Điều này, tiến hành cắm mốc, bảng như sau:

a) Mốc được cắm cố định xuống đất trên đường phân định ranh giới rừng bảo đảm bền vững, chắc chắn, phần nổi trên mặt đất cao 50 cm, mặt ghi số hiệu mốc và tên khu rừng quay ra phía ngoài.

b) Bảng được gắn vào cột hình vuông cao 300 cm, rộng 15 cm, dày 15 cm, được cắm cố định xuống đất, phần chôn sâu dưới mặt đất 100 cm đảm bảo vững chắc.

Điều 13. Quản lý, bảo vệ mốc, bảng

1. Chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc, bảng trong phạm vi ranh giới diện tích được giao, được thuê.

2. Trường hợp mốc, bảng bị xê dịch, bị mất hay hư hỏng, chủ rừng thực hiện khôi phục lại mốc, bảng theo đúng vị trí ban đầu.

Mục 3. HỒ SƠ PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI RỪNG

Điều 14. Hồ sơ phân định ranh giới rừng

1. Sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Bản mô tả đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

4. Bản tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

5. Bảng tổng hợp vị trí tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Quản lý hồ sơ phân định ranh giới rừng

1. Thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

2. Hồ sơ của chủ rừng là tổ chức được lập thành 04 bộ, quản lý tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh trong trường hợp không có cơ quan kiểm lâm cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ rừng.

3. Hồ sơ của các chủ rừng không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này do chủ rừng tự lập và quản lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ rừng có trách nhiệm cắm mốc, bảng trên thực địa và quản lý, bảo vệ mốc, bảng thuộc phạm vi quản lý của chủ rừng.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Quyết định số 3031/1997/QĐ-BNNPTNT ngày 20 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Website Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.