• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 18/01/2003
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 429-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 15 tháng 12 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

Quy định việc thi hành pháp lệnh về đê điều

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Pháp lệnh về đê điều ngày 9 tháng 11 năm 1989;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi;

NGHỊ ĐỊNH:

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Giao Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi chịu trách nhiệm:

Phê duyệt quy hoạch các loại đê, kè, cống và các công trình khác theo điều 1, điều 2 và điều 5 của Pháp lệnh về đê điều; riêng những vùng Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi xét thấy đặc biệt quan trọng thì trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.

Quản lý thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và thi công, quy trình bảo vệ và sử dụng các loại đê điều.

Điều 2.

1. Tiêu chuẩn phân cấp đê:

Căn cứ tầm quan trọng về dân sinh kinh tế, chính trị, xã hội của vùng được đê bảo vệ, mức độ thiệt hại và tác hại đến môi trường sinh thái khi đê bị vỡ, và căn cứ vào phạm vi vùng đê bảo vệ, độ sâu ngập nước nếu vỡ đê, đê được chia làm 5 cấp như sau:  

Cấp

Vùng bảo vệ

Độ sâu ngập

Đặc biệt

Nội thành HN và vùng lân cân

Trên 2m

I

2 tỉnh trở lên

Trên 2m

II

1 tỉnh

1m5 - 2m

III

2 huyện trở lên

1m - 1m5

IV

1 huyện

dưới 1m

Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên đây, Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi duyệt cấp đê cho từng đê sông, đê biển.

2. Phạm vi bảo vệ đê:

Phạm vi bảo vệ đê điều gồm thân đê, kè, cống và vùng phụ cận.

Vùng phụ cận quy định cụ thể như sau:

a/ Đối với đê sông: kể từ chân đê trở ra 20m về phía sông, 25m về phía đồng.

b/ Đối với đê biển: kể từ chân đê trở ra 100m về phía biển, 20m về phía đồng.

c/ Đối với kè: kể từ đầu kè trở ngược, cuối kè trở xuôi dọc theo bờ sông, bờ biển mỗi phía 100m, từ đỉnh kè lát mái, góc kè mỏ hàn trở vào bờ 50m và từ chân kè trở ra 20m.

d/ Đối với cống: kể từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía 50m, riêng đối với cống vùng triều là 80m.

Đối với đê bối và các tuyến đê không thường xuyên trực tiếp chịu tác động của nước sông, nước biển như đê bao thành phố, thị xã, khu công nghiệp, đê biển tuyến trong thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương quy định cụ thể nhưng phải được Bộ trửơng Bộ Thuỷ lợi chấp thuận.

Trường hợp đặc biệt cần phải thay đổi phạm vi bảo vệ đê, kè, cống đã quy định tại các mục a,b,c,d của điều 2 này cho phù hợp với tình hình thực tế thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương báo cáo Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi xem xét và tiếp trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, sau đó phải thông báo cho nhân dân địa phương và các cơ quan hữu quan biết.

CHƯƠNG II

XÂY DỰNG VÀ TU BỔ ĐÊ ĐIỀU

Điều 3.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và đơn vị hành chính tương đương chịu trách nhiệm cân đối việc sử dụng hợp lý quỹ ngày công lao động công ích của địa phương mình trong đó phải ưu tiên dành đủ lao động cho các huyện (quận) hoàn thành trước mùa lũ, bão kế hoạch xây dựng, tu bổ đê điều và thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão hàng năm.

Hàng năm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước lập kế hoạch điều hoà quỹ ngày công lao động công ích cho việc xây dựng tu bổ đê điều trong cả nước, trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Phương thức điều hoà công lao động nghĩa vụ bằng lao động trực tiếp hoặc đóng góp bằng tiền thực hiện theo Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích.

Điều 4.

Việc đầu tư cho xây dựng, tu bổ đê, kè, cống đối với các cấp đê quy định như sau:

Đê từ cấp III đến cấp đặc biệt do ngân sách trung ương đầu tư. Đê dưới cấp III do ngân sách địa phương đầu tư. Đê chuyên dùng của ngành nào, cơ sở nào do chủ công trình ấy đầu tư.

Hàng năm, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm ghi chỉ tiêu khối lượng chủ yếu và kinh phi tương ứng cho việc xây dựng, tu bổ đê điều thuộc ngân sách trung ương đầu tư thành một hạng mục riêng và giao cho Bộ Thuỷ lợi quản lý, phân bổ cho từng tuyến đê của các tỉnh, thành phố có đê.

Mức đầu tư cho các đê dưới cấp III do Hội đồng Nhân dân tỉnh, hoặc đơn vị hành chính tương đương quyết định. Trường hợp đặc biệt đối với địa phương có nhiều khó khăn, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương báo cáo Bộ Thuỷ lợi, Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xem xét trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Các ngành Tài chính, Ngân hàng, Thương nghiệp, Xây dựng... có trách nhiệm ưu tiên cấp kinh phí kịp thời và bán đủ vật tư theo kế hoạch hàng năm để bảo đảm hoàn thành cơ bản việc tu bổ đê điều vào 6 tháng đầu năm.

Bộ Thuỷ lợi chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế thích hợp trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp sức lao động, tiền của, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng, tu bổ, bảo vệ đê điều.

CHƯƠNG III

BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG ĐÊ ĐIỀU

Điều 5.

1. Thẩm quyền cấp giấy phép cho các hoạt động có liên quan tới an toàn của đê và khả năng thoát lũ của lòng sông ghi ở điều 15 của Pháp lệnh về đê điều quy định như sau:

a/ Bộ Thuỷ lợi duyệt cấp giấy cho phép các hoạt động và xây dựng có liên quan tới an toàn đối với đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và việc thoát lũ của lòng sông có ảnh hưởng từ 2 tỉnh trở lên.

b/ Uỷ ban Nhân dân tỉnh và đơn vị hành chính tương đương duyệt, cấp giấy cho phép các hoạt động và xây dựng có liên quan tới an toàn đối với đê dưới cấp III và việc thoát lũ của lòng sông chỉ ảnh hưởng tới địa phương mình.

2. Ngoài phạm vi bảo vệ đê điều đã ghi ở điều 3 của Nghị định này, muốn tiến hành khoan đào, khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, khoan đào giếng nước, nạo vét luồng lạch... thì cứ đào sâu xuống 1m phải cách xa phạm vi bảo vệ đê điều thêm 10m. Trường hợp đặc biệt không theo quy định trên phải có biện pháp gia cố bảo đảm an toàn đê được Bộ Thuỷ lợi duyệt.

Điều 6.

Các hoạt động giao thông liên quan tới an toàn của đê điều ghi ở điều 16, quy định như sau:

1. Ngành giao thông và chủ các phương tiện giao thông được phép kết hợp sử dụng mặt đê, cơ đê vào mục đích giao thông đường bộ và sử dụng sông ngòi và vùng biển ven đê vào mục đích giao thông thuỷ nhưng không được gây mất an toàn cho đê điều hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát lũ của sông.

2. Bảo đảm an toàn cho đê điều phải được ưu tiên hàng đầu trong việc xét giải quyết các mối quan hệ giữa đê điều, thoát lũ với các hoạt động giao thông thuỷ, bộ.

Bộ Thuỷ lợi và Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành.

Điều 7.

Việc xây dựng và sử dụng các công trình không thuộc phạm vi bảo vệ đê điều nhưng có liên quan tới an toàn của đê điều như các hồ chứa nước vừa và lớn, các công trình tạo luồng lạch, các cảng sông và cảng biển ở vùng có đê, các loại cầu qua sông phải có sự thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi ở giai đoạn duyệt Luận chứng kinh tế-kỹ thuật và duyệt quy trình vận hành công trình.

Điều 8.

Bộ Thuỷ lợi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Tổng cục quản lý ruộng đất có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê điều phù hợp với Luật đất đai và Pháp Lệnh về đê điều.

Điều 9.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và đơn vị hành chính tương đương chịu trách nhiệm xử lý đối với nhà cửa và các công trình khác đã xây dựng có ảnh hưởng đến việc bảo vệ đê điều theo những nguyên tắc sau đây:

1. Toàn bộ nhà cửa và các công trình khác hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều dù xây dựng trước hoặc sau ngày ban hành điều lệ bảo vệ đê điều 21-11-1963 đều phải được xem xét, xử lý.

2. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đến an toàn của đê điều để định ra biện pháp xử lý thích hợp. Việc xử lý nhà cửa và các công trình khác chia thành 3 loại:

Loại gây mất ổn định nghiêm trọng cho đê điều thì nhất thiết phải phá bỏ và phải gia cố, tu bổ lại đê điều.

Loại có ảnh hưởng tới an toàn của đê điều nhưng chưa nghiêm trọng thì di chuyển dần hoặc có biện pháp hạn chế sự ảnh hưởng đến an toàn của đê điều.

Loại ít ảnh hưởng đến an toàn của đê điều có thể tiếp tục cho sử dụng nhưng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt trong việc bảo vệ đê điều.

3. Về chính sách hỗ trợ:

Loại nhà cửa và công trình xây dựng từ trước khi ban hành Điều lệ bảo vệ đê điều năm 1963 được Nhà nước xét hỗ trợ một phần kinh phí cho việc di chuyển và được chính quyền địa phương ưu tiên bố trí đất ở hoặc mặt bằng xây dựng ở khu vực ngoài phạm vi bảo vệ đê điều.

Loại nhà cửa và công trình đã xây dựng từ khi đã có Điều lệ bảo vệ đê điều chỉ được xem xét bố trí mặt bằng nơi sẽ di chuyển đến. Riêng các gia đình thuộc đối tượng chính sách, chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ để các gia đình này có điều kiện di chuyển đi nơi khác.

4. Việc thống kê, phân loại, xử lý đối với nhà cửa và các công trình khác xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều phải được tiến hành nghiêm túc, chu đáo, từng bước vững chắc. Riêng các trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của đê điều nhất thiết phải xử lý ngay.

Điều 10.

Bộ Thuỷ lợi có nhiệm vụ phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và đơn vị hành chính tương đương xác định mức độ ảnh hưởng đến an toàn đê điều của nhà cửa và các công trình khác hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều như khoản 2, điều 9 đã quy định; cùng các ngành hữu quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ theo nguyên tắc nêu ở khoản 3 điều 9.

CHƯƠNG IV

HỘ ĐÊ

Điều 11.

1. Bộ Thuỷ lợi xây dựng phương án sử dụng các công trình phân lũ có ảnh hưởng từ 2 tỉnh trở lên. Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão trung ương có trách nhiệm đề xuất phân lũ khi đê có nguy cơ bị uy hiếp trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt và cùng với các ngành, các địa phương có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện lệnh phân lũ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

2. Việc giải quyết hậu quả đối với vùng bị ngập lụt do việc phân lũ gây ra theo nguyên tắc sau:

Phòng tránh và khắc phục hậu quả do việc phân lũ gây ra phải do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Phải lấy việc phòng tránh là chính. Phòng, tránh rồi mà vẫn bị thiệt hại thì Nhà nước xem xét, hỗ trợ để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất.

Động viên nhân dân các địa phương khác hỗ trợ thêm cho nhân dân vùng bị ngập lụt do việc phân lũ gây ra.

Bộ Thuỷ lợi phối hợp với các ngành và địa phương liên quan xây dựng, trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định chính sách cụ thể.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 12.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 13.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.