QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI NGHUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Về việc ban hành Quy định
về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGHUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ- CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định Quyết định số 46/2001/QĐ- TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001- 2005;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 65/2001/QĐ- BKHCNMT ngày 11 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH về bảo vệ môi trường đối với phế liệu
nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2004/QĐ- BTNMT
ngày 02 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về bảo vệ môi trường đối với việc nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất ở Việt Nam; không quy định đối với việc chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; tổ chức, cá nhân nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phế liệu là sản phẩm, vật liệu được loại ra trong sản xuất hoặc tiêu dùng nhưng đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất, bao gồm:
a) Nguyên liệu thứ phẩm là nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu về quy cách, phẩm chất để sản xuất một loại sản phẩm nhất định nhưng có thể được gia công để sản xuất lại sản phẩm ấy hoặc để sản xuất các loại sản phẩm khác;
b) Nguyên liệu vụn là nguyên liệu được loại ra của một quá trình sản xuất (đầu mẩu, đầu tấm, đầu cắt, phoi, sợi rối, mảnh vụn);
c) Vật liệu tận dụng là vật liệu đồng nhất về chất được tháo gỡ, bóc tách, thu hồi từ sản phẩm đã qua sử dụng hoặc từ thứ phẩm, phế phẩm.
2. Chất thải là chất được loại ra trong sản xuất, tiêu dùng hoặc trong các hoạt động khác mà không đồng nhất về chất với phế liệu nhập khẩu và dưới dạng khối, cục, bánh hoặc vật dụng cụ thể.
3. Tạp chất nguy hại là chất không đồng nhất về chất với phế liệu, bám dính vào phế liệu và có tính nguy hại như: hoá chất độc; chất phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ gây ăn mòn; chất thải y tế; các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc động vật, thực vật, thực phẩm có nguy cơ gây dịch bệnh.
Điều 4. Nguyên tắc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu
Việc nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;
2. Không được lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu để sản xuất chất thải dưới bất kỳ hình thức nào;
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu cho sản xuất phải tự chịu trách nhiệm đối với các phế liệu nhập khẩu khi xảy ra ô nhiễm môi trường.
4. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Quy định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Các loại phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm:
1. Nhóm kim loại và hợp kim;
a. Nguyên liệu thứ phẩm;
b. Nguyên liệu vụn ở dạng rời hoặc được ép thành khối hay đóng bánh;
c. Vật liệu tận dụng, bao gồm:
Thép đường ray, thép tà vẹt, thép tấm, thép lá, thép tròn, thép hình, thép ống, thỏi đúc, dây và lưới thép các loại;
Gang, thép, đồng, hợp kim đồng, nhôm, hợp kim nhôm, kẽm, hợp kim kẽm, niken, hợp kim niken thu hồi từ việc cắt phá, tháo dỡ các công trình xây dựng, các phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị và các sản phẩm khác;
Lõi dây điện, cáp điện bằng đồng hoặc nhôm, đã loại bỏ vỏ bọc cách điện bằng nhựa, cao su hoặc bằng các loại vật liệu cách điện khác;
Dây điện từ (dây đồng có lớp bọc cách điện bằng sơn men, sợi bông hoặc giấy).
2. Nhóm giấy và các tông:
a. Nguyên liệu thứ phẩm;
b. Nguyên liệu vụn;
c. Vật liệu tận dụng, bao gồm: giấy, các-tông thu hồi từ sản phẩm đã qua sử dụng; giấy, các- tông ở dạng thứ phẩm, phế phẩm;
3. Nhóm thuỷ tinh:
a. Nguyên liệu thứ phẩm;
b. Nguyên liệu vụn;
c. Vật liệu tận dụng: các loại thuỷ tinh thu hồi từ sản phẩm đã qua sử dụng.
4. Nhóm nhựa:
a. Nguyên liệu thứ phẩm;
b. Nguyên liệu vụn;
c. Vật liệu tận dụng: các loại bao bì đựng nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng.
Điều 6. Điều kiện đối với phế liệu nhập khẩu
Phế liệu trước khi nhập khẩu
Phế liệu trước khi nhập khẩu phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không lẫn những vật liệu, sản phẩm, hàng hoá không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;
2. Không chứa các tạp chất nguy hại;
3. Không lẫn chất thải, trừ tạp chất không nguy hại còn bám dính hoặc bị rơi ra trong quá trình bốc xếp, vận chuyển.
Điều 7. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu
Chỉ những tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện sau đây mới được phép nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;
1. Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu nhập khẩu bảo đảm các điều kiện về môi trường trong quá trình lưu giữ phế liệu nhập khẩu;
2. Có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm:
1. Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
2. Chỉ nhập khẩu phế liệu phù hợp với chủng loại nguyên liệu sản xuất của cơ sở mình;
3. Trong thời hạn ít nhất là năm (5) ngày làm việc trước khi tiến hành bốc dỡ, vận chuyển phế liệu nhập khẩu từ cửa khẩu về kho, bãi tập kết, phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường ở địa phương có cơ sở sản xuất hoặc kho, bãi chứa phế liệu nhập khẩu về: chủng loại, số lượng, trọng lượng phế liệu nhập khẩu; địa điểm cửa nhập khẩu phế liệu; tuyến vận chuyển phế liệu; địa điểm kho, bãi tập kết phế liệu; địa điểm đưa phế liệu vào sản xuất;
4. Tổ chức việc xử lý tạp chất sau khi loại ra khỏi phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, không được cho, bán tạp chất đó.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu; có kho, bãi tập kết phế liệu nhập khẩu; có nơi xử lý môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu, có trách nhiệm:
1. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo Quy định này và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ môi trường;
3. Đình kỳ sáu (6) tháng một lần báo cáo bằng văn bản với Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Bảo vệ môi trường) về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại địa bàn quản lý.
4. Báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vướng mắc xảy ra liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để được giải quyết kịp thời.
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thì tuỳ mức độ mà bị xử lý theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ mà không làm đầy đủ trách nhiệm để gây hậu quả xấu hoặc gây phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thì tuỳ mức độ mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Cục Bảo vệ môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; định kỳ sáu (6) tháng, một (1) năm báo cáo Bộ trưởng về tình hình thực hiện.
2. Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường trong công tác kiểm tra phát hiện vi phạm; kịp thời thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị đối với các vi phạm.
3. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.