• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/10/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 07/2001/CT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 30 tháng 10 năm 2001

CHỈ THỊ

Về việc mở rộng tín dụng có hiệu quả đối với doanh nghiệp

trong khu chế xuất, khu công nghiệp

 

Trong những năm gần đây, các tỉnh, thành phố đã thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương,...). Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này đã góp phần tăng trưởng nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.                       

Các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu lớn về vốn tín dụng, nhưng quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn hạn chế; tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: các tổ chức tín dụng còn hạn chế về khả năng tiếp thị và phong cách giao dịch, chưa chủ động tiếp cận, thiếu thông tin chính xác về hoạt động của doanh nghiệp; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất còn khó khăn, vướng mắc; các địa phương, bộ, ngành liên quan chưa có sự phối hợp để nghiên cứu và xử lý kịp thời các vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan đến việc vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp.           

Để mở rộng tín dụng ngân hàng tương xứng với nhu cầu, tiềm năng và hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, nơi có khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện một số việc như sau:

1. Các tổ chức tín dụng khẩn trương tiến hành những giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả đối với các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp:          

a. Đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ nghiệp vụ, năng lực quản trị điều hành kinh doanh, áp dụng kỹ thuật nghiệp vụ tín dụng và cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại, theo thông lệ quốc tế đối với các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp

b. Chủ động, thường xuyên tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin về hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhu cầu vốn tín dụng và giải thích, hướng dẫn cụ thể những quy định của cơ chế tín dụng mà doanh nghiệp chưa rõ; tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm việc cho vay vốn đối với doanh nghiệp ở các chi nhánh địa phương đã cho vay. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng cân đối khả năng của mình để mở rộng quy mô vốn tín dụng và đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng đối với doanh nghiệp (cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu...).

c. Mở rộng mạng lưới giao dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để giải quyết kịp thời các nhu cầu vay vốn và cung ứng dịch vụ ngân hàng có chất lượng cho doanh nghiệp.         

d. Các tổ chức tín dụng xem xét quyết định và tự chịu trách nhiệm đối với việc cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, kể cả việc tiếp nhận bảo lãnh của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để cho vay vốn đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp trên cơ sở nghiên cứu có tính hệ thống cơ chế tín dụng hiện hành, gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp để thực hiện đúng cơ chế, phát hiện và kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc trong quan hệ tín dụng với doanh nghiệp; khắc phục tình trạng áp dụng không đúng hoặc áp dụng còn máy móc, cứng nhắc các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; một số điểm về bảo đảm tiền vay thực hiện như sau:           

- Nhận bảo lãnh của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để cho doanh nghiệp vay vốn: thực hiện theo quy định tại các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia; hoặc, nhận chứng thư bảo lãnh (Letter Guarantee-L/G) của cơ quan tài chính hoặc ngân hàng lớn có uy tín trên thị trường vốn quốc tế; hoặc, bảo lãnh bằng tài sản, các bên có liên quan thực hiện việc bảo lãnh này theo quy định tại điểm 3 mục 1, mục 2 chương II Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 4/4/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước.                      

- Việc xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị lỗ: thực hiện theo quy định tại điểm 2.2 mục II Thông tư số 10/2000/TT-NHNN1 ngày 31/8/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; theo đó, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị lỗ theo kế hoạch do mới đi vào hoạt động tại Việt Nam chưa quá 3 năm, được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.      

- Về việc bên bão lãnh cầm cố, thế chấp tài sản: thực hiện theo quy định tại mục 2 Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 4/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các bảo lãnh mà tổ chức tín dụng nhận để cho khách hàng vay vốn phải là bảo lãnh bằng tài sản, việc bên bão lãnh làm thủ tục cầm cố, thế chấp tài sản hoặc không cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là do tổ chức tín dụng và bên bảo lãnh thoả thuận.

- Về giữ tài sản cầm cố, giấy tờ về tài sản cầm cố: thực hiện theo quy định tại điểm 2 Thông tư liên tịch số 12/2000/TTLT-NHNN-BTP-BTC-TCĐC ngày 22/11/2000; đối với tài sản là động sản có giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì doanh nghiệp giao bản chính cho tổ chức tín dụng giữ và thoả thuận doanh nghiệp được giữ và sử dụng tài sản cầm cố; đối với các động sản là máy móc, thiết bị không được lắp, đặt gắn liền với nhà xưởng, công trình xây dựng, các tài sản khác không gắn liền với đất mà tài sản này không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, đang dùng để sản xuất, kinh doanh, thì doanh nghiệp phải có giấy tờ chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, giao bản chính cho tổ chức tín dụng giữ và thoả thuận doanh nghiệp được giữ và sử dụng tài sản cầm cố.   

- Việc Công ty xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp cầm cố, bảo lãnh bằng nguồn thu từ các hợp đồng cho thuê đất, cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp: đây là quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng kinh tế, các tổ chức tín dụng nhận cầm cố, bảo lãnh các quyền về tài sản này của Công ty này theo quy định tại điểm 1.1 mục 2 chương II Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 4/4/2000 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

- Việc chứng nhận của cơ quan công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền đối với hợp đồng bảo đảm tiền vay: thực hiện theo quy định tại điểm 7.1 mục 2 chương II Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 4/4/2000; theo đó, việc chứng nhận hoặc chứng thực đối với hợp đồng bảo đảm tiền vay là do các bên thoả thuận; riêng các trường hợp văn bản pháp luật quy định phải có chứng nhận hoặc chứng thực, thì các bên phải tuân theo.

- Về việc tổ chức tín dụng yêu cầu Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp xác nhận giấy tờ làm thủ tục vay vốn của doanh nghiệp: văn bản pháp luật về cho vay và bảo đảm tiền vay hiện hành không quy định về thủ tục này, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không nên yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

đ. Phối hợp với các cơ quan nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển ở các địa phương tháo gỡ khó khăn về thủ tục thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, bảo lãnh cho các dự án vay vốn theo chính sách của Nhà nước về khuyến khích xuất khẩu và khuyến khích đầu tư trong nước.     

2. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất:

a. Chủ động, thường xuyên phối hợp với các chi nhánh Ngân hàng thương mại và các cơ quan nhà nước ở địa phương nghiên cứu thực tế, phát hiện những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quan hệ tín dụng với doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết; đồng thời báo cáo và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải pháp xử lý các vướng mắc về cơ chế tín dụng.

b. Tiến hành nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh trong việc phối hợp với cơ quan nhà nước có chức năng ở địa phương trong việc hỗ trợ hoạt động ngân hàng đối với doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp.

3. Về những vướng mắc của cơ chế bảo đảm tiền vay và xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp: Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế và các văn bản pháp luật mới được ban hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thực hiện đầy đủ, đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình trong việc cấp tín dụng cho khách hàng.     

4. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể ngày ký.          

5. Thủ trưởng các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng thi hành Chỉ thị này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Dương Thu Hương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.