• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/07/2014
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 08/2014/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 26 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định nội dung Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt

dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

_____________________

 

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 70/2010/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định nội dung Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nội dung Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân (sau đây được viết tắt là PTAT-DAĐT).

Các yêu cầu, hướng dẫn đối với thiết kế, các hệ thống và phân tích an toàn tại Thông tư này được hiểu là các yêu cầu, hướng dẫn phù hợp với mức độ chi tiết của thiết kế cơ sở ở giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định Báo cáo PTAT-DAĐT.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức xin cấp phép là tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, nộp hồ sơ xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

2. Chế độ vận hành nhà máy điện hạt nhân bao gồm khởi động, vận hành ở công suất danh định, ở một phần công suất danh định, dừng lò và thay đảo nhiên liệu.

3. Dừng nguội là trạng thái dừng của lò phản ứng sau quá trình làm mát khi hệ thống nước làm mát lò phản ứng có áp suất bằng áp suất khí quyển và nhiệt độ dưới 1000C.

4. Mô phỏng tốt nhất là mô phỏng được sử dụng trong phân tích an toàn tất định, bảo đảm để kết quả phân tích phù hợp nhất với thực tế, với mục đích bảo đảm an toàn.

5. Cấu trúc, hệ thống và bộ phận liên quan tới an toàn là cấu trúc, hệ thống và bộ phận (gọi chung là hạng mục) khi bị hư hỏng kết hợp với giả định xảy ra sai hỏng đơn có thể dẫn đến phát tán phóng xạ ra ngoài địa điểm hoặc buộc phải dừng lò để duy trì ở trạng thái an toàn.

6. Hệ thống an toàn là hệ thống có chức năng dừng lò an toàn, tải nhiệt dư từ vùng hoạt hoặc hạn chế hậu quả khi xảy ra trạng thái bất thường hay sự cố trong cơ sở thiết kế. Hệ thống an toàn và hạng mục liên quan tới an toàn được gọi chung là hạng mục quan trọng về an toàn.

7. Sai hỏng cùng chế độ là sai hỏng của hai hay nhiều cấu trúc, hệ thống và bộ phận theo cùng một cách thức hoặc cùng một chế độ do một nguyên nhân hoặc một sự kiện đơn lẻ.

8. Sự cố trong cơ sở thiết kế là sự cố được xem xét như điều kiện để thiết kế bảo đảm cho nhà máy điện hạt nhân chống chịu được với các sự cố đó khi chúng xảy ra, sao cho hư hại nhiên liệu và phát tán vật liệu phóng xạ thấp dưới giới hạn quy định của cơ quan có thẩm quyền.

9. Nguy cơ trong cơ sở thiết kế là bản mô tả các thuộc tính và đặc trưng của các nguy cơ tiềm ẩn đe dọa an ninh đến từ bên trong và bên ngoài nhà máy điện hạt nhân.

10. Văn hóa an toàn là tổng thể đặc tính và hành vi của tổ chức, cá nhân hướng tới việc chú trọng các vấn đề bảo đảm an toàn và bảo vệ con người, môi trường như là ưu tiên hàng đầu.

11. Đánh giá bảo thủ là việc sử dụng chương trình tính toán, mô hình, dữ liệu đầu vào và giả định, để theo đó có thể đánh giá tốt nhất từ khía cạnh an toàn dựa theo những gì đã biết. Mức độ bảo thủ tỷ lệ với mức độ không chắc chắn và tầm quan trọng của đánh giá tổng thể đối với thẩm định an toàn.

Điều 4. Nội dung Báo cáo phân tích an toàn

1. Báo cáo PTAT-DAĐT trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư gồm 12 (mười hai) nội dung: giới thiệu chung; mô tả chung nhà máy điện hạt nhân; quản lý an toàn; đánh giá địa điểm; các khía cạnh thiết kế chung; mô tả các hệ thống chính của nhà máy điện hạt nhân; phân tích an toàn; bảo vệ bức xạ; ứng phó sự cố; các khía cạnh môi trường; quản lý chất thải phóng xạ; tháo dỡ và các vấn đề kết thúc vận hành.

2. Các nội dung của Báo cáo PTAT-DAĐT được quy định chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị thẩm định Báo cáo phân tích an toàn

1. Tổ chức xin cấp phép nộp 06 bộ hồ sơ (bản in) bằng tiếng Việt (01 bộ gốc, 05 bộ sao chụp) và 05 bộ hồ sơ (bản in) dịch ra tiếng Anh của Báo cáo PTAT-DAĐT và văn bản đề nghị thẩm định cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Ngoài các bản in, tổ chức xin cấp phép nộp bản điện tử (tiếng Việt và tiếng Anh) của Báo cáo PTAT-DAĐT.

3. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và có quyền yêu cầu chủ đầu tư bổ sung các tài liệu cần thiết.

4. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức thẩm định Báo cáo PTAT-DAĐT trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc ngày nhận đủ tài liệu bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều này.

5. Trong quá trình thẩm định Báo cáo PTAT-DAĐT, tổ chức xin cấp phép có trách nhiệm giải trình, bổ sung hồ sơ khi có yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.