QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định về phân cấp thẩm định, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
____________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND - UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 33/TTr-SXD ngày 24/8/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về phân cấp thẩm định, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ký và thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND ngày 04/12/2007 của UBND tỉnh Lai Châu về việc ban hành Quy định về phân cấp thẩm định, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp & PTNT, Giao thông Vận tải, Công thương; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Lò Văn Giàng
|
QUY ĐỊNH
Về phân cấp thẩm định, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2009/QĐ-UBND
ngày 18 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Lai Châu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
1. Bản quy định này quy định về thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng (gọi chung là dự án đầu tư) sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn địa phương huy động nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định (gọi chung là vốn NSNN) do địa phương quản lý.
2. Các dự án đầu tư do UBND tỉnh, UBND huyện, thị phải có trong danh mục đầu tư đã được HĐND Tỉnh, huyện, thị thông qua hoặc đề án, dự án tổng thể được UBND Tỉnh, UBND huyện, thị phê duyệt; phù hợp về quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, an toàn môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật.
Đối với dự án đầu tư xây dựng không có trong quy hoạch xây dựng hoặc chưa có quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải báo cáo UBND cấp tỉnh để được xem xét chấp thuận về vị trí, quy mô, tổng mặt bằng của dự án.
Chương II
THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ, THẨM QUYỀN THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ THẨM QUYỀN THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ BẢN VẼ THI CÔNG - DỰ TOÁN
Điều 2. Thẩm quyền quyết định đầu tư.
1. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND thị xã quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư không lớn hơn 07 tỷ đồng, Chủ tịch UBND các huyện quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư không lớn hơn 05 tỷ đồng thuộc nguồn vốn đã phân cấp qua ngân sách huyện, thị xã hoặc bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã (trừ nguồn vốn Tái định cư các công trình thuỷ điện).
2. Các dự án phân cấp cho Chủ tịch UBND các huyện, thị quyết định đầu tư phải có trong quy hoạch, đề án hoặc dự án tổng thể được UBND tỉnh phê duyệt và nằm trong phạm vi kế hoạch vốn năm được giao.
3. Các quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo phân cấp phải gửi về UBND Tỉnh, sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng và các Sở chuyên ngành có liên quan để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
Điều 3. Phân cấp thẩm định đối với dự án đầu tư xây dựng phải lập dự án đầu tư.
a- Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh:
Giao Sở Kế hoạch Đầu tư là cơ quan đầu mối thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan có quản lý xây dựng chuyên ngành và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan đến dự án.
Thẩm quyền tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan có quản lý xây dựng chuyên ngành:
- Sở Công thương tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, chế tạo máy, luyện kim và các công trình công nghiệp chuyên ngành khác (Trừ công trình công nghiệp vật liệu xây dựng).
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đê điều và các công trình nông nghiệp chuyên ngành khác.
- Sở Giao thông Vận tải tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (trừ công trình trong đô thị).
- Sở Xây dựng tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác do Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình liên quan tới nhiều chuyên ngành thì Sở chủ trì tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở là Sở có chức năng quản lý nhà nước về ngành có yếu tố quyết định tính chất, mục tiêu của dự án. Khi tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, Sở chủ trì phải có trách nhiệm lấy ý kiến của các Sở có liên quan.
b- Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND các huyện, thị:
Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan đầu mối thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình, báo cáo và trình UBND huyện (thị) phê duyệt. Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan có quản lý xây dựng chuyên ngành và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan đến dự án.
Thẩm quyền tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở của các phòng có quản lý xây dựng chuyên ngành:
- Giao Phòng Nông nghiệp & PTNT (đối với thị xã Lai Châu là Phòng Kinh tế) tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi.
- Giao Phòng Công thương (đối với thị xã Lai Châu là Phòng Quản lý Đô thị) tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, công nghiệp.
Điều 4. Phân cấp thẩm định đối với dự án đầu tư xây dựng chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
a- Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh:
Giao Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật tới các Sở chuyên ngành để lấy ý kiến về các nội dung có liên quan.
b- Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND các huyện, thị:
Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, báo cáo và trình UBND huyện, thị phê duyệt. Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm gửi hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tới các phòng chuyên môn trực thuộc huyện, thị để lấy ý kiến về các nội dung có liên quan.
Điều 5. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán các dự án đầu tư xây dựng.
Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán công trình. Nếu không đủ năng lực có thể thuê tư vấn thẩm tra để làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt.
Chủ đầu tư được phép ký hợp đồng thuê các cơ quan có quản lý xây dựng chuyên ngành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán công trình để làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt.
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt có nghĩa là người có thẩm quyền quyết định đầu tư đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; chủ đầu tư không phải phê duyệt lại mà chỉ cần ký xác nhận và đóng dấu đã phê duyệt vào thiết kế bản vẽ thi công trước khi đưa ra thi công.
Chủ đầu tư phải gửi quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật về UBND tỉnh, Sở Xây dựng, các Sở chuyên ngành để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
Chương III
XỬ LÝ VI PHẠM, QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ CHUYỂN TIẾP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Xử lý vi phạm.
Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Xử lý chuyển tiếp.
Các dự án đầu tư được phê duyệt trước ngày quy định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang triển khai thực hiện dở dang thì các nội dung công việc tiếp theo của giai đoạn thực hiện đầu tư được thực hiện theo quy định này, không phải trình duyệt lại dự án.
Điều 8. Tổ chức thực hiện.
Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng với giám đốc các sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện quy định này.
Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này và phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục theo đúng Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành của các Bộ, ngành; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình./.