• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/10/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 05/04/2015
UBND TỈNH LAI CHÂU
Số: 22/2010/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 7 tháng 10 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu

___________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng;

Xét đề nghị của ông Giám đốc sở Giao thông Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Chương

QUY ĐỊNH

Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2010 của UBND tỉnh Lai Châu)

_____________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông nhằm đem lại sự thống nhất, đồng bộ trong việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo quy định này và các quy định của Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Điều 2. Mục đích sử dụng.

Sử dụng lòng đường, vỉa hè phải đúng mục đích, đảm bảo trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị; Nghiêm cấm việc xây dựng kiên cố, che chắn bằng mọi hình thức trên vỉa hè.

Điều 3. Nguyên tắc sử dụng.

Phần lòng đường, vỉa hè của các tuyến đường được phép sử dụng phải được kẻ vạch hoặc mốc chỉ giới để phân biệt phần vỉa hè dành cho người đi bộ, trên cơ sở đo đạc khảo sát chi tiết đối với từng đường, từng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè không vì mục đích giao thông bao gồm:

Nơi để phương tiện (xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp) của hộ gia đình hoặc khách hàng khi mua sắm, giao dịch tại chỗ (không làm điểm giữ xe cố định);

Nơi tạm thời tập kết hàng hoá, nguyên vật liệu xây dựng của cơ sở kinh doanh, hộ gia đình để chuyển vào trong nhà hoặc cửa hàng;

Hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ;

Hoạt động thi công xây dựng, sửa chữa các công trình;

Hoạt động xã hội như: các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ nhằm phục vụ cộng đồng, chào mừng lễ hội sự kiện lớn.

Điều 5. Giới hạn vỉa hè được sử dụng và thời gian tạm thời tập kết hàng hóa trên vỉa hè.

Tuỳ theo vỉa hè của từng con đường cụ thể để quy định giới hạn vỉa hè được phép sử dụng nhưng tối thiểu phải dành cho người đi bộ là 1,5 m tính từ mép trong của gờ bó vỉa;

Thời gian tập kết hàng hóa của cơ sở kinh doanh, hộ gia đình để chuyển vào trong nhà hoặc cửa hàng từ 18h hôm trước đến 06h sáng hôm sau. 

Điều 6. Phần bên trong của vỉa hè được sử dụng phải tuân thủ các quy định sau:

1. Đối với các khu vực chợ, trung tâm thương mại phải tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các điểm trông giữ xe do UBND huyện, thị xã cấp phép, phải có vạch sơn; xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng, quay đầu xe vào trong, không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn dọc ngang hè phố.

2. Không được phép sử dụng vỉa hè vào mục đích theo quy định tại điều 4 của quy định này ở nơi có: Trụ sở cơ quan, tổ chức và đơn vị lực lượng vũ trang; tượng đài, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hoá.

Điều 7. Các công trình xây dựng trên lòng đường, hè phố

Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường để tiến hành các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan có thẩm quyền thống nhất về phương án đảm bảo giao thông trước khi xin phép. Trường hợp cần thiết phải cấm đường thì cơ quan cấp phép phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông và thực hiện việc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và do UBND tỉnh cấp phép;

Việc đào đường, hè phố để xây lắp các công trình như: điện thắp sáng, cáp quang, tập kết vật liệu xây dựng thì phải xin phép sở Giao thông Vận tải (đối với các tuyến đường do sở quản lý); xin phép UBND huyện, thị xã (đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện, thị xã quản lý). Quá trình lắp đặt, xây dựng để khai thác sử dụng phải tuân thủ các quy định về khoảng cách bảo vệ và cách ly vệ sinh, an toàn đối với công trình hệ thống hạ tầng theo quy định hiện hành. Phải bố trí đèn, biển báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; khi thi công xong phải hoàn trả lại nguyên trạng.

Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp phép.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè không vì mục đích giao thông phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trình tự: Hồ sơ xin cấp phép được tiếp nhận theo cơ chế "Một cửa" nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ và kết quả trong giờ hành chính, vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Cụ thể như sau:

Sáng: Từ 08h00 đến 10h00; Chiều: từ 14h00 đến 16h30

- Thủ tục: Hồ sơ xin cấp phép gồm: Đơn xin cấp phép; phương án thi công và thời gian thi công hoặc thời gian sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ vào các nội dung của bản quy định này ban hành quyết định công bố danh mục đường phố thuộc địa bàn quản lý được phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè theo Mục IV, phần II của Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; Khoản 2, điều 36 của Luật Giao thông đường bộ và báo cáo về cơ quan chức năng của tỉnh để phối hợp, kiểm tra và tổ chức thực hiện. Có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc sử dụng vỉa hè thuộc địa bàn quản lý đúng mục đích, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; các trường hợp chiếm dụng, sử dụng trái phép phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 10. Trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc sở Giao thông Vận tải.

Có trách nhiệm huy động lực lượng thanh tra, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Giám đốc sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Giám đốc sở Giao thông Vận tải và các Sở, Ban, Ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành biểu thu phí khi sử dụng một phần bên trong vỉa hè đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh.

Điều 12. Chế độ báo cáo.

Giám đốc sở Giao thông Vận tải theo dõi, tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình tổ chức thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp có trách nhiệm phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết kịp thời./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Chương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.