NGHỊ QUYẾT
Về thông qua Đề án phát triển lâm nghiệp
tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2015
________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Sau khi xem xét Tờ trình số 528/TTr-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết thông qua Đề án phát triển lâm nghiệp tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2015; báo cáo thẩm tra số: 07/BC-BDT ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2015 với những nội dung sau đây:
I. QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG:
1. Quan điểm:
- Rừng Lai Châu có vị trí đặc biệt quan trọng đối với việc phòng hộ và gắn bó chặt chẽ với đời sống đồng bào các dân tộc, do đó rừng phải được bảo vệ, đầu tư không ngừng phát triển, phải thực hiện xã hội hoá nghề rừng, đảm bảo cho người dân sống bằng nghề rừng.
- Rừng và đất rừng phòng hộ thuộc sở hữu nhà nước được giao cho các tổ chức, hộ gia đình quản lý, bảo vệ, phát triển và hưởng lợi từ rừng; đảm bảo rừng có chủ thực sự và rừng gắn liền với đời sống của người dân.
2. Chủ trương:
- Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng; ưu tiên phát triển rừng phòng hộ theo phương thức bảo vệ khoanh nuôi tái sinh là chính. Tập trung trồng mới rừng sản xuất đảm bảo hiệu quả kinh tế để có thu nhập cho người dân, cùng với phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh của tỉnh Lai Châu.
- Tiếp tục thực hiện chính sách giao đất giao rừng để quản lý; rừng và đất rừng có chủ thực sự. Rừng và đất trống phòng hộ, đặc dụng giao đến tổ chức, cộng đồng thôn bản và hộ gia đình; rừng và đất sản xuất giao đến từng hộ gia đình; chuyển đổi rừng là đất rừng phòng hộ đã rà soát quy hoạch sang đất rừng sản xuất được bố trí theo kế hoạch sản xuất hàng năm.
- Thực hiện xã hội hoá nghề rừng; xây dựng các chính sách thu hút khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để phát triển và có hưởng lợi từ rừng; ưu tiên cho các doanh nghiệp trong tỉnh chuyển đổi ngành nghề kinh doanh sang trồng rừng sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài; các hộ nông dân, các chủ trang trại đầu tư phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện nghiêm túc Luật bảo vệ và phát triển rừng, có chính sách bảo vệ đa dạng sinh học các nguồn gien động, thực vật rừng quý hiếm, hạn chế phá rừng làm nương rẫy.
II. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2007 - 2015:
1. Mục tiêu phát triển lâm nghiệp đến năm 2015:
1.1. Về môi trường:
- Tập trung bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có, đầu tư khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng mới. Phấn đấu nâng độ che phủ của rừng đến năm 2010 trên 45% và đến năm 2015 độ che phủ của rừng đạt 52%.
- Bảo vệ đất, chống xói mòn, bảo vệ đa dạng sinh học các nguồn gien quý hiếm. Đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất tại chỗ đồng thời góp phần điều tiết nước cho các công trình thuỷ điện, phòng chống lũ lụt cho vùng đồng bằng.
1.2. Về kinh tế:
- Phấn đấu đến năm 2010: Tỷ trọng lâm nghiệp chiếm 20% GDP ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5 - 6%/năm.
- Hình thành các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất gắn với việc điều chỉnh bố trí dân cư nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới; để người dân có thu nhập từ rừng.
- Vận dụng các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện địa phương để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các lực lượng lao động tại chỗ tạo công ăn việc làm cho nhân dân góp phần xoá đói giảm nghèo nhất là những người dân sinh sống gần rừng ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.
- Phấn đấu đến năm 2015: Tỷ trọng lâm nghiệp chiếm 32 - 34% GDP ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị sản xuất hàng hoá xuất khẩu lâm nghiệp tăng bình quân 13 - 15%/năm.
1.3. Về xã hội:
Tạo việc làm mới cho 273.917 lao động; số lượt hộ tham gia 68.479 hộ:
- Từ năm 2007 đến 2010 là 180.413 lao động; số lượt hộ tham gia 45.103 hộ; Trong đó chương trình 21 xã biên giới giải quyết được 7.824 hộ gia đình tham gia, hai tổ chức, hai cộng đồng; cơ bản các xã biên giới đã ổn định được lương thực tại chỗ.
- Từ năm 2011 đến năm 2015 giải quyết thêm được 93.504 lao động và số lượt hộ tham gia 23.376 hộ; nâng cao đời sống cho nhân dân các xã biên giới và các xã ở vùng 3 có thu nhập từ rừng.
1.4. Về an ninh quốc phòng:
Cùng với các chương trình, dự án khác góp phần ổn định dân cư, nâng cao đời sống nhân dân qua đó đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực biên giới
2. Nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp đến 2015:
2.1 Nhiệm vụ chung:
- Đến năm 2010: Độ che phủ rừng đạt trên 45% tương đương với diện tích đất có rừng trên 425.320 ha; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động để họ gắn bó với rừng và sống được bằng nghề rừng.
- Đến năm 2015: Nâng độ che phủ rừng lên 52,65% tương đương với diện tích đất có rừng là 477.619 ha.
2.2 Nhiệm vụ cụ thể:
a. Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Bảo vệ bằng được 338.966 ha rừng hiện có.
b. Công tác phát triển rừng:
* Giai đoạn năm 2007 - 2010:
- Khoanh nuôi tái sinh rừng: 89.353 ha
- Trồng rừng mới: Trồng rừng tập trung 5.200 ha. Trong đó: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: 1500 ha; rừng sản xuất: 3.700 ha.
* Giai đoạn năm 2011 - 2015:
- Bảo vệ rừng hiện còn: 428.319 ha.
- Bảo vệ rừng đang trong giai đoạn đầu tư: 3.000 ha.
- Khoanh nuôi tái sinh: 41.100 ha.
- Trồng rừng mới: 9.000 ha.
- Trồng cây phân tán: 400.000 cây.
III. VỐN ĐẦU TƯ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:
1. Vốn đầu tư:
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2007 - 2015: 360.665 triệu đồng, đầu tư cho các hạng mục: Lâm sinh, xây dựng hạ tầng lâm sinh, chi phí quản lý, đầu tư công nghiệp chế biến.
Trong đó : Giai đoạn 2007 - 2010: 206.109 triệu đồng.
Giai đoạn 2011 - 2015: 154.556 triệu đồng.
2. Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia: 242.214 triệu đồng.
- Vốn Ngân sách địa phương: 105.936 triệu đồng.
- Vốn Dân doanh: 12.515 triệu đồng.
IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Công tác tuyên truyền.
- Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đất đai và các văn bản liên quan về quản lý bảo vệ và phát triển rừng được tuyên truyền phổ biến đến các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng nhiều hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh - truyền hình, báo chí...
- Làm cho người dân hiểu rõ rừng phải có chủ thực sự, chủ rừng là tổ chức, cá nhân chủ rừng phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng và đất rừng đã được giao. Các xã, thôn, bản phải xây dựng quy ước quản lý bảo vệ rừng để nhân dân cùng tham gia thực hiện.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, phân rõ trách nhiệm giữa các ngành và huyện, thị để thực hiện.
2. Quy hoạch.
- Trên cơ sở rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) trên bản đồ và ngoài thực địa, tiến hành cắm mốc ranh giới các loại rừng theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Xây dựng quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2007 - 2015, tầm nhìn 2020; quy hoạch phát triển lâm nghiệp các huyện, Thị xã; quy hoạch chi tiết các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất.
- Gắn quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu với nhà máy sản xuất, chế biến; lồng ghép các chương trình dự án trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
3. Tổ chức bộ máy lâm nghiệp.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm lâm từ tỉnh đến huyện, cán bộ bảo lâm xã có phẩm chất chính trị, có năng lực và nhiệt tình đối với công tác bảo vệ rừng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản.
- Thành lập Công ty Lâm nghiệp, Công ty Cao su hoạt động trên nguyên tắc tự hạch toán kinh doanh. Củng cố hệ thống Ban quản lý dự án 661 cơ sở trở thành nòng cốt ở từng huyện; vận động nhân dân tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy, ván dăm, cây đặc sản... theo vùng quy hoạch.
4. Phát triển nguồn nhân lực:
- Cấp huyện, thị các phòng kinh tế cần bố trí đủ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, trung học kỹ thuật lâm nghiệp, ưu tiên cán bộ là người địa phương.
- Cấp xã, thôn, bản phát triển hệ thống khuyến lâm cơ sở để phổ cập các chính sách giao đất, khoán rừng, chuyển giao kỹ thuật lâm nghiệp và các nội dung khác liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng.
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng yêu cầu về đổi mới ngành và hội nhập quốc tế
- Chú trọng các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người nghèo, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ, để họ có đủ năng lực thực hiện đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi và tạo thu nhập ổn định
5. Quản lý, thực thi Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), với phương châm phòng là chính; quan tâm PCCCR ngay từ lựa chọn cơ cấu loài cây trồng, thiết kế các biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Đầu tư dự án nâng cao năng lực PCCCR, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
6. Cơ chế chính sách.
6.1 Chính sách về đất đai và vốn đầu tư:
- Thực hiện theo Nghị quyết số: 91/2007/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII kỳ họp thứ 10 ban hành quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
- Thực hiện Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010.
- Tăng ngân sách địa phương cho lâm nghiệp đáp ứng với nhu cầu phát triển rừng; thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả các dự án nước ngoài; tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị và hộ gia đình vay vốn để phát triển kinh tế rừng, vận động và huy động nguồn vốn tự có của nhân dân để phát triển rừng.
- Đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung đối với các cơ sở, xây dựng vườn giống, rừng giống, các công trình cơ sở hạ tầng lâm sinh.
- Nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để nhân dân chuyển những diện tích đất sản xuất lương thực trên đất dốc năng suất thấp sang trồng rừng sản xuất trong thời kỳ đầu.
- Khuyến khích, đầu tư vốn cho người dân trong và ven vùng nguyên liệu trồng cây phân tán, vừa có thêm nguồn nguyên liệu dự trữ, vừa tăng độ che phủ và đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
6.2 Chính sách thị trường thương mại:
- Nghiên cứu, vận dụng Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng phù hợp với địa phương.
- Ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để tiếp thị, tìm kiếm thị trường, quảng cáo tiêu thụ sản phẩm lâm sản qua chế biến; hỗ trợ một phần cước tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến lâm sản trong 3 năm đầu.
- Khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thành lập các công ty hoạt động và kinh doanh ngành nghề lâm nghiệp.
6.3 Chính sách hưởng lợi:
- Giao cho các ngành chức năng cụ thể hoá và triển khai thực hiện Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT-BNN-BTC ngày 03/9/2003 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
- Chính sách khai thác sử dụng gỗ tại chỗ cho các hộ gia đình thuộc chương trình tái định cư các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2007./.