• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/04/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 16/01/2006
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 09/LĐTBXH-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 18 tháng 3 năm 1997
Thông tư

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài

làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam

 

Căn cứ Nghị định số 58/CP ngày 3/10/1996 của Chính về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam, căn cứ Điều 51 của Nghị định số 12/CP ngày 18/2/1997 của Chính phủ quy định chi tiết Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Đối tượng áp dụng việc cấp giấy phép lao động theo Nghị định 58/CP là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là lao động nước ngoài) làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam sau đây:

a) Doanh nghiệp Nhà nước;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài; doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với nước ngoài trên cơ sở hợp đồng; doanh nghiệp đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao; công ty thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao - kinh doanh hoặc dự án xây dựng, chuyển giao theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất, khu công nghiệp; nhà thầu (thầu chính, thầu phụ), công ty nước ngoài được thuê để quản lý, thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

c) Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, chi nhánh Ngân hàng liên doanh với nước ngoài; công ty liên doanh bảo hiểm hoặc công ty liên doanh môi giới bảo hiểm; chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

d) Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã có tư cách pháp nhân;

đ) Các đơn vị sự nghiệp hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế;

e) Các tổ chức kinh doanh phục vụ thuộc cơ quan hành chính Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội khác.

2. Đối tượng không áp dụng việc cấp giấy phép lao động theo Nghị định 58/CP:

a) Lao động nước ngoài làm việc cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam, cho cá nhân người Việt Nam;

b) Lao động nước ngoài là thành viên của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả các Ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, Công ty Bảo hiểm, liên doanh Bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài;

c) Lao động nước ngoài làm việc cho các cơ quan ngoại giao; cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài; các văn phòng đại diện cho các tổ chức quốc tế, văn hoá, thông tin, giáo dục, khoa học của nước ngoài; chi nhánh công ty của nước ngoài; công ty dịch vụ của nước ngoài; luật sư quản lý, điều hành chi nhánh và các luật sư của các chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, và người được thuê để giúp việc gia đình cho nhân viên của các cơ quan đó;

d) Lao động nước ngoài được người sử dụng lao động thuê để xử lý khó khăn trong trường hợp khẩn cấp (trường hợp khẩn cấp là những sự cố, tình huống kỹ thuật công nghệ phức tạp xảy ra do các nguyên nhân khách quan, chủ quan làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh mà các chuyên gia của Việt Nam hoặc chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam không thể xử lý được); lao động nước ngoài làm việc theo hình thức chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

đ) Lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài nhận thầu các công trình tại Việt Nam, lao động nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam;

e) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam đầu tư vào Việt Nam theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước; lao động nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam, học sinh, sinh viên nước ngoài đang học tại Việt Nam.

 

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI.

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động.

Người sử dụng lao động phải làm 3 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, mỗi bộ hồ sơ gồm có các giấy tờ quy định tại điểm a, b dưới đây:

a) Các giấy tờ của người sử dụng lao động:

Đơn xin cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài (theo mẫu số 1);

Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận cho tuyển lao động nước ngoài (theo mẫu số 2) quy định tại Điều 7 của Nghị định 58/CP (trừ trường hợp tuyển người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại Điều 10 của Nghị định 58/CP và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển lao động nước ngoài theo Điều 51 của Nghị định 12/CP ngày 12/2/1997 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam);

Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép cho đặt chi nhánh tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp có chứng nhận của cơ quan công chứng Nhà nước Việt Nam;

b) Các giấy tờ của lao động nước ngoài:

Đơn xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam (theo mẫu số 3);

Bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người sử dụng lao động có chứng nhận của cơ quan công chứng Nhà nước Việt Nam, hợp đồng lao động được ký kết theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ấn hành;

Bản sao chứng chỉ về trình độ chuyên môn tay nghề của lao động nước ngoài. Chứng chỉ về trình độ chuyên môn tay nghề là bằng tốt nghiệp trường đại học, cao đẳng, trường chuyên nghiệp, giấy chứng nhận về tay nghề của lao động nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp theo quy định của pháp luật nước đó; đối với lao động nước ngoài là các nghệ nhân, làm các công việc có tính chất truyền thống nếu không có chứng chỉ thì phải có chứng nhận của công ty cử sang Việt Nam làm việc;

Giấy chứng nhận sức khoẻ do bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên của Việt Nam hoặc bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam cấp. Nếu chứng nhận sức khoẻ được cấp ở nước ngoài thì theo quy định của nước sở tại;

Sơ yếu lý lịch của lao động nước ngoài có dán ảnh (theo mẫu số 4). Việc xác nhận sơ yếu lý lịch được quy định như sau: đối với người do các công ty mẹ cử sang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì sơ yếu lý lịch của người lao động nước ngoài do công ty mẹ xác nhận; đối với người do doanh nghiệp tự tuyển thì sơ yếu lý lịch do cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước mà người đó là công dân hoặc cư trú cuối cùng xác nhận; trường hợp pháp luật của nước đó không quy định về việc xác nhận sơ yếu lý lịch thì người lao động phải ghi rõ;

Các giấy tờ của lao động nước ngoài gồm: bản sao chứng chỉ về trình độ chuyên môn tay nghề, giấy chứng nhận sức khoẻ (nếu được cấp ở nước ngoài), sơ yếu lý lịch của người nước ngoài nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt Nam và có chứng nhận của cơ quan công chứng Nhà nước Việt Nam; nếu đã được hợp pháp hoá lãnh sự theo Thông tư 1413/NG-TT ngày 31/7/1994 của Bộ Ngoại giao về thể lệ hợp pháp hoá lãnh sự thì không phải sao dịch và chứng nhận của cơ quan công chứng Nhà nước Việt Nam.

2. Người sử dụng lao động lưu một bộ hồ sơ tại đơn vị, nộp 2 bộ hồ sơ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi có trụ sở chính của người sử dụng lao động để xin cấp giấy phép lao động.

3. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân loại hồ sơ và thực hiện quy định sau:

a) Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép có thời hạn dưới 3 tháng và những trường hợp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội uỷ quyền bằng văn bản thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với công an cùng cấp theo quy định của Bộ Nội vụ, xem xét việc cấp hay không cấp giấy phép lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp không cấp giấy phép lao động thì trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động, trong đó nói rõ lý do;

b) Đối với những hồ sơ xin cấp giấy phép có thời hạn từ 3 tháng trở lên (trừ những trường hợp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội uỷ quyền), thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Công văn chuyển một bộ hồ sơ tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét việc cấp giấy hay không cấp giấy phép lao động trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp không cấp giấy phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động, trong đó nói rõ lý do;

4. Việc cấp giấy phép lao động thực hiện theo mẫu thống nhất do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành theo Quyết định số 178/LĐTBXH-QĐ ngày 18 tháng 3 năm 1997 về việc in, phát hành và quản lý giấy phép lao động cấp cho người nước ngoài. Giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động đã được ký kết, trong đó nói rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và thời điểm hết hiệu lực.

Người sử dụng lao động và lao động nước ngoài thoả thuận gia hạn hợp đồng theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 58/CP thì người sử dụng lao động phải làm ba bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm:

Đơn xin gia hạn giấy phép lao động (theo mẫu số 5), trong đó giải trình rõ về việc thực hiện kế hoạch đào tạo người Việt Nam thay thế;

Bản sao hợp đồng lao động đã gia hạn;

Giấy phép lao động đã được cấp.

Người sử dụng lao động lưu 1 bộ và gửi 2 bộ tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đã cấp giấy phép lao động cũ chậm nhất là 30 ngày, trước ngày giấy phép lao động hết hạn. Việc xem xét gia hạn hoặc không gia hạn giấy phép lao động được thực hiện theo quy định tại Điểm 3 Mục này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Lao động nước ngoài phải nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định của Bộ Tài chính.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các doanh nghiệp quy định tại điểm 1.b, c Mục I của Thông tư này có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài), các doanh nghiệp, tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động là người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài thì chỉ phải làm hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, không phải xin phép và có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư cho phép tuyển.

2. Người sử dụng lao động đang sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam chưa có giấy phép lao động, thẻ lao động trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định 58/CP và Thông tư này. Lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đã được cấp thẻ lao động hoặc giấy phép lao động có thời hạn dưới 3 năm thì tiếp tục được sử dụng cho đến hết thời hạn.

Trường hợp thẻ, giấy phép lao động được cấp có thời hạn trên 3 năm mà thời hạn hiệu lực còn 2 năm nữa kể từ ngày 3-10-1996 hoặc không xác định thời hạn hiệu lực thì người sử dụng lao động và người lao động phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.

3. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 58/CP, Thông tư này và sự uỷ quyền bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; theo dõi quản lý lao động nước ngoài làm việc tại địa phương, hàng năm tổng hợp, báo cáo tình hình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đình Hoan

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.