• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/09/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 116-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 5 tháng 9 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

Về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế 

___________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Trọng tài kinh tế là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế; các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau, liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty; các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu.

Điều 2.

1- Trọng tài kinh tế được tổ chức dưới hình thức Trung tâm Trọng tài kinh tế.

2- Tổ chức và hoạt động của mỗi Trung tâm Trọng tài kinh tế được xác định trong Điều lệ phù hợp với Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 3.

1- Các bên có quyền thoả thuận lựa chọn Trung tâm Trọng tài kinh tế để giải quyết tranh chấp cho mình, không phụ thuộc vào nơi đặt trụ sở hoặc nơi cư trú của các bên.

2- Trung tâm Trọng tài kinh tế chỉ nhận đơn yêu cầu giải quyết các tranh chấp kinh tế được quy định tại Điều 1 Nghị định này, nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, các bên đã có thoả thuận bằng văn bản về việc đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại chính Trung tâm Trọng tài kinh tế đó.

Điều 4.

Việc giải quyết tranh chấp kinh tế có thể do một Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên hoặc do một Trọng tài viên thực hiện.

Điều 5.

Quyết định giải quyết tranh chấp của Trung tâm Trọng tài kinh tế (sau đây gọi là quyết định trọng tài) có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo.

Điều 6.

Trọng tài viên giải quyết tranh chấp kinh tế phải tôn trọng sự thật khách quan, vô tư và đúng pháp luật.

Chương II

TỔ CHỨC TRUNG TÂM TRỌNG TÀI KINH TẾ

Điều 7.

1- Trung tâm Trọng tài kinh tế chỉ được phép thành lập khi có ít nhất năm Trọng tài viên là sáng lập viên.

2- Đơn xin phép thành lập Trung tâm Trọng tài kinh tế được gửi đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), nơi Trung tâm Trọng tài dự định đặt trụ sở.

3- Đơn xin phép thành lập Trung tâm Trọng tài kinh tế có nội dung sau đây:

a) Họ tên, nghề nghiệp và địa chỉ của các Trọng tài viên là sáng lập viên;

b) Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Trọng tài kinh tế;

c) Địa điểm dự định đặt trụ sở của Trung tâm Trọng tài kinh tế;

4- Kèm theo đơn phải có:

a) Dự thảo Điều lệ của Trung tâm Trọng tài kinh tế;

b) Danh sách Trọng tài viên;

c) Sơ yếu lý lịch của sáng lập viên đã được Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn, nơi người đó thường trú xác nhận;

d) Bản sao thẻ Trọng tài viên.

Điều 8.

1- Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được công nhận là Trọng tài viên:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, vô tư, khách quan;

b) Có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và kinh tế.

2- Người mất trí, người bị kết án tù mà chưa được xoá án, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được làm Trọng tài viên.

3- Thẩm phán, kiểm sát viên không được đồng thời là Trọng tài viên.

4- Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng xét chọn Trọng tài viên và quy định thủ tục xét chọn Trọng tài viên và cấp thẻ Trọng tài viên theo đề nghị của Hội đồng xét chọn Trọng tài viên.

Điều 9.

1- Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các Trung tâm Trọng tài kinh tế trong cả nước.

2- Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý tổ chức, hoạt động của Trung tâm Trọng tài kinh tế tại địa phương, bao gồm các công tác chủ yếu sau đây:

a) Tiếp nhận đơn xin phép thành lập Trung tâm Trọng tài kinh tế trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

b) Báo cáo thường kỳ về hoạt động của Trung tâm Trọng tài kinh tế, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các biện pháp quản lý tổ chức, hoạt động của Trung tâm Trọng tài kinh tế;

c) Xem xét, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các kiến nghị của Trung tâm Trọng tài kinh tế và của Trọng tài viên;

d) Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép thành lập Trung tâm Trọng tài kinh tế, trong trường hợp Trung tâm Trọng tài kinh tế vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

đ) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi thẻ Trọng tài viên, trong trường hợp Trọng tài viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Điều 10..

1- Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập Trung tâm Trọng tài kinh tế, sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trong trường hợp từ chối, phải thông báo và nói rõ lý do cho đương sự.

2- Giấy phép thành lập Trung tâm Trọng tài kinh tế phải ghi rõ:

a) Họ, tên các Trọng tài viên là sáng lập viên;

b) Địa chỉ trụ sở; tên gọi của Trung tâm Trọng tài kinh tế;

c) Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Trọng tài kinh tế.

3- Thời hạn có giá trị của giấy phép là năm năm. Khi giấy phép hết hạn, nếu Trung tâm Trọng tài kinh tế muốn tiếp tục hoạt động thì phải xin phép lại.

4- Khi cấp giấy phép thành lập, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đồng thời chuẩn y Điều lệ của Trung tâm Trọng tài kinh tế.

Điều 11.

1- Trung tâm Trọng tài kinh tế có Chủ tịch và Phó Chủ tịch do các Trọng tài viên của Trung tâm bầu ra.

2- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế chỉ định Thư ký của Trung tâm.

3- Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trọng tài kinh tế, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch được quy định trong Điều lệ của Trung tâm.

Điều 12.

1- Trung tâm Trọng tài kinh tế chấm dứt hoạt động khi:

a) Hết thời hạn đã ghi trong giấy phép;

b) Theo các điều kiện đã được thoả thuận trong Điều lệ;

c) Hết thời hạn sáu tháng kể từ khi Trung tâm không có đủ số lượng 5 Trọng tài viên mà không được bổ sung;

d) Bị thu hồi giấy phép.

2- Khi chấm dứt hoạt động, Trung tâm Trọng tài kinh tế phải nộp lại giấy phép thành lập cho cơ quan đã cấp giấy phép.

Chương III

TỐ TỤNG TRỌNG TÀI KINH TẾ

Điều 13.

1- Khi yêu cầu giải quyết tranh chấp, nguyên đơn phải gửi cho Trung tâm Trọng tài kinh tế văn bản thoả thuận của các bên về việc đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài kinh tế đó.

Đơn yêu cầu phải có nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm viết đơn;

b) Tên và địa chỉ các bên;

c) Tên Trung tâm Trọng tài kinh tế được yêu cầu giải quyết tranh chấp;

d) Tóm tắt nội dung tranh chấp và yêu cầu giải quyết;

đ) Các biện pháp thương lượng, hoà giải mà các bên đã thực hiện nhưng không đạt kết quả;

e) Họ tên Trọng tài viên mà nguyên đơn chọn trong danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài kinh tế.

2- Kèm theo đơn yêu cầu, nguyên đơn phải gửi cho Trung tâm Trọng tài kinh tế các tài liệu cần thiết để chứng minh cho yêu cầu của mình.

Điều 14.

1- Khi gửi đơn yêu cầu, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng lệ phí trọng tài.

2- Lệ phí trọng tài do Trung tâm Trọng tài kinh tế ấn định theo khung lệ phí trọng tài do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định.

3- Lệ phí trọng tài do người thua kiện trả, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 15.

1- Trong thời gian bảy ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Thư ký Trung tâm Trọng tài kinh tế phải gửi bản sao đơn yêu cầu của nguyên đơn và danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài kinh tế cho bị đơn.

2- Trong thời hạn đã được Trung tâm Trọng tài kinh tế ấn định, bị đơn phải gửi văn bản trả lời cho Trung tâm và cho nguyên đơn. Văn bản trả lời có nội dung như đơn yêu cầu của nguyên đơn.

Bị đơn có thể gửi kèm theo các tài liệu cần thiết khác cho Trung tâm Trọng tài kinh tế.

Điều 16.

Trong trường hợp vụ tranh chấp do một Hội đồng Trọng tài giải quyết, thì mỗi bên chọn một Trọng tài viên; hai Trọng tài viên được các bên chọn sẽ chọn Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày Trọng tài viên thứ hai đã được chọn, nếu hai Trọng tài viên được các bên chọn không chọn được Trọng tài viên thứ ba, thì Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế chỉ định Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Điều 17.

Trong trường hợp các bên có thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên giải quyết, nhưng không thoả thuận được việc chọn Trọng tài viên nào thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày các bên được thông báo về việc chọn Trọng tài viên, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế chỉ định Trọng tài viên để giải quyết tranh chấp.

Điều 18.

1- Trọng tài viên phải khước từ hoặc bị các bên yêu cầu khước từ nếu có căn cứ cho thấy Trọng tài viên có thể không vô tư trong việc giải quyết tranh chấp.

2- Mỗi bên chỉ có thể khước từ Trọng tài viên mà mình đã chọn.

3- Bên yêu cầu khước từ phải làm đơn gửi đến Trung tâm Trọng tài kinh tế.

4- Đơn yêu cầu khước từ phải được Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế xem xét và quyết định trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận đơn.

5- Nếu đơn yêu cầu khước từ được chấp nhận thì việc chọn hoặc chỉ định Trọng tài viên thay thế được tiến hành theo quy định tại Điều 16, Điều 17 của Nghị định này.

Điều 19.

Trong trường hợp có Trọng tài viên không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp, thì việc chọn, chỉ định Trọng tài viên khác thay thế được tiến hành theo quy định tại Điều 16, Điều 17 của Nghị định này.

Điều 20.

1- Trọng tài viên nghiên cứu hồ sơ và tiến hành các công việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp.

Theo yêu cầu của một hoặc các bên, hoặc theo sáng kiến của mình, Trọng tài viên có thể nghe các bên trình bày ý kiến. Trọng tài viên cũng có thể tìm hiểu sự việc từ những người khác với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã báo cho các bên biết.

2- Theo yêu cầu của các bên, Trọng tài viên có thể trưng cầu giám định.

3- Khi cần thiết, Trọng tài viên có thể yêu cầu các bên cung cấp các bản giải thích, các bằng chứng và tài liệu khác có liên quan.

Điều 21.

1- Thời gian, địa điểm phiên họp giải quyết tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên ấn định, nếu các bên không có thoả thuận.

2- Giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp phải được gửi cho các bên trước mười lăm ngày khi mở phiên họp.

Điều 22.

1- Các bên có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp tham gia vào việc giải quyết tranh chấp.

2- Các bên có thể mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 23.

1- Theo đề nghị của các bên hoặc được các bên chấp thuận, vụ tranh chấp có thể được giải quyết không có mặt của các bên.

2- Trong trường hợp một hoặc các bên vắng mặt mà không có lý do chính đáng, thì việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành căn cứ vào tài liệu và chứng cứ đã có.

Điều 24.

1- Tiếng nói, chữ viết dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp là tiếng Việt.

2- Các bên có thể yêu cầu Trung tâm Trọng tài kinh tế mời phiên dịch hoặc tự mời phiên dịch, nhưng phải được Trung tâm Trọng tài kinh tế chấp thuận. Bên yêu cầu phải trả chi phí phiên dịch.

Điều 25.

Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành căn cứ vào những điều khoản của hợp đồng và pháp luật hiện hành.

Điều 26.

Khi quyết định, Hội đồng Trọng tài biểu quyết theo đa số.

Điều 27.

1- Mọi diễn biến của phiên họp giải quyết tranh chấp phải được Thư ký Trung tâm Trọng tài kinh tế ghi thành biên bản.

2- Biên bản phải được các Trọng tài viên và Thư ký cùng ký.

3- Các bên có quyền tìm hiểu nội dung của biên bản. Những điểm thay đổi hoặc bổ sung biên bản theo yêu cầu của một bên hoặc các bên do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên quyết định.

Điều 28.

1- Quyết định trọng tài có các nội dung sau đây:

a) Tên Trung tâm Trọng tài;

b) Địa điểm và ngày ra quyết định;

c) Họ, tên Trọng tài viên giải quyết tranh chấp;

d) Tên, địa chỉ của các bên;

đ) Nội dung tranh chấp;

e) Căn cứ ra quyết định, nội dung quyết định;

f) Mức lệ phí trọng tài mà các bên phải chịu.

2- Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên có thể ra quyết định giải quyết từng phần của vụ tranh chấp, nếu thấy điều đó là hợp lý.

3- Quyết định trọng tài phải có chữ ký của tất cả các Trọng tài viên.

4- Sau khi quyết định trọng tài được công bố, Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên không được sửa đổi, bổ sung, trừ trường hợp có sai sót rõ ràng về số liệu tính toán hoặc về chính tả và phải thông báo ngay cho các bên biết.

Điều 29.

1- Quyết định trọng tài được công bố cho các bên ngay khi kết thúc phiên họp hoặc có thể công bố sau, nhưng chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp.

2- Quyết định trọng tài được gửi cho các bên trong vòng ba ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Điều 30.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu các bên đạt được thoả thuận bằng thương lượng, thì Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên chấm dứt việc giải quyết. Các bên có thể yêu cầu Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế xác nhận sự thoả thuận đó bằng văn bản. Văn bản này có giá trị như quyết định trọng tài.

Điều 31.

Trong trường hợp quyết định trọng tài không được một bên chấp hành thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 32.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 33.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.