THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của
tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (sau đây gọi là Thông tư số 30/2015/TT-NHNN)
1. Khoản 14 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“14. Bên thuê tài chính (bao gồm cả Bên bán và thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính) là pháp nhân, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình.
Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, khi tham gia quan hệ thuê tài chính thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê tài chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê tài chính.”.
2. Khoản 17 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“17. Bên thuê vận hành là pháp nhân, cá nhân hoạt động tại Việt Nam.
Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, khi tham gia quan hệ thuê vận hành thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê vận hành hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê vận hành.”.
3. Điểm a khoản 4 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 Thông tư này; Phiếu lý lịch tư pháp:
Đối với người có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
Đối với người không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định;
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng;”.
4. Điểm b (ii) khoản 3 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“(ii) Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 Thông tư này; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
Phiếu lý lịch tư pháp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng;”.
5. Điểm d (ii) khoản 3 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“(ii) Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 Thông tư này; Phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật, người được cử đại diện phần vốn góp của tổ chức tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư này;”.
6. Điểm c khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với nội dung Giấy phép cấp đổi, cấp bổ sung và phải gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày được thông qua.”.
7. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22. Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ
1. Điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải có các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật các tổ chức tín dụng và không được trái với quy định của Luật các tổ chức tín dụng, các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
2. Khi được cấp Giấy phép, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải gửi Ngân hàng Nhà nước Điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên thông qua trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày được thông qua. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Điều lệ, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày được thông qua.”.
8. Điểm c khoản 5 Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.”.
9. Bổ sung cụm từ “cho vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;” vào cuối điểm a khoản 2 Điều 4 Phụ lục số 09A và cuối điểm a khoản 2 Điều 4 Phụ lục số 09C.
10. Bổ sung điểm n vào khoản 3 Điều 4 Phụ lục số 09A, điểm m vào khoản 3 Điều 4 Phụ lục số 09B, điểm n vào khoản 3 Điều 4 Phụ lục số 09C và điểm k vào khoản 7 Điều 4 Phụ lục số 09D như sau:
“Gửi tiền, nhận tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.”.
Điều 2.
1. Thay đổi cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân” thành “Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân” tại điểm c (vi) khoản 3 Điều 15, khoản 1 Phụ lục số 02, khoản 1 Phụ lục số 04A Thông tư số 30/2015/TT-NHNN.
2. Thay đổi cụm từ “số chứng minh nhân dân” thành “số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân” tại khoản 6 Phụ lục số 01, khoản 1 Phụ lục số 02, Phụ lục số 03, khoản 1 Phụ lục số 04A, khoản 2, khoản 3 Phụ lục số 04B, khoản 1 Hướng dẫn kê khai theo mẫu của Phụ lục số 05, khoản 3 Phụ lục số 06 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN.
3. Thay đổi cụm từ “Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng” thành “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (đối với địa bàn có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng)” tại điểm a khoản 3 Điều 10, điểm d khoản 1 Điều 41, Điều 7 Phụ lục số 09A, Điều 7 Phụ lục số 09B, Điều 7 Phụ lục số 09C, Điều 7 Phụ lục số 09D Thông tư số 30/2015/TT-NHNN.
4. Bãi bỏ cụm từ “vốn ủy thác,” tại điểm b khoản 4 Phụ lục số 04A và điểm b khoản 6 Phụ lục số 04B Thông tư số 30/2015/TT-NHNN.
5. Bãi bỏ điểm b (iv), điểm d (iv) khoản 3 Điều 15; điểm d (i), điểm đ (i) khoản 2 Điều 19; khoản 1, khoản 4 Điều 39; Điều 40; điểm c, điểm g khoản 1 Điều 41 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng phi ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.
2. Thông tư này bãi bỏ khoản 9, khoản 10 Điều 1 Thông tư số 15/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN./.