• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/08/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 101/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 6 tháng 7 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23 tháng 06 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động ngày 02 tháng 04 năm 2002;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2006/NQ-CP ngày 29 tháng 06 năm 2006 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung:

Góp phần thực hiện mục tiêu chung của nền kinh tế về bảo đảm việc làm cho khoảng 49,5 triệu lao động, tạo việc làm mới cho 8 triệu lao động trong 5 năm 2006 - 2010 (trong đó, trực tiếp từ Chương trình này là 2 - 2,2 triệu lao động) và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 5% vào năm 2010.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

a) Tạo việc làm cho 2 - 2,2 triệu lao động thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm trong 5 năm 2006 - 2010, trong đó:

- Tạo việc làm trong nước cho 1,7 - 1,8 triệu lao động theo các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm;

- Tạo việc làm ngoài nước cho 40 - 50 vạn lao động từ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

b) Nâng cao năng lực và hiện đại hoá 30 - 40 trung tâm giới thiệu việc làm và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng số người được tư vấn và giới thiệu việc làm lên 4 triệu người trong 5 năm; xây dựng và đưa vào sử dụng trang Web về thị trường lao động vào năm 2008;

c) Tập huấn nghiệp vụ cho 75 nghìn cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ Trung ương đến địa phương.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian thực hiện: đến năm 2010.

2. Phạm vi: thực hiện trên toàn quốc.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình hoạt động với 3 dự án và 2 hoạt động chủ yếu sau:

1. Dự án vay vốn tạo việc làm:

 a) Mục tiêu: tạo việc làm cho 1,7 - 1,8 triệu lao động thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

 b) Nội dung:

- Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với người thất nghiệp, người thiếu việc làm, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, làng nghề có khả năng tạo nhiều việc làm mới, đặc biệt đối với thanh niên chưa có việc làm;

- Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm cho 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng và các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Mục tiêu: đưa 40 - 50 vạn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

b) Nội dung:

- Hỗ trợ khai thác, mở thị trường tiếp nhận lao động;

- Hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay đối với các đối tượng chính sách vay vốn đi làm việc ở nước ngoài;

- Hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo định hướng, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

3. Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động:

a) Mục tiêu: nâng cao năng lực và hiện đại hoá 30 - 40 Trung tâm giới thiệu việc làm; nâng số người được tư vấn và giới thiệu việc làm lên 4 triệu người trong 5 năm; xây dựng và đưa vào sử dụng trang Web về thị trường lao động vào năm 2008.

b) Nội dung:

- Nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động;

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động;

- Hàng năm, tổ chức điều tra thị trường lao động giúp cho việc đánh giá thực hiện các mục tiêu của Chương trình và xây dựng kế hoạch lao động trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên.

4. Hoạt động giám sát, đánh giá:

a) Mục tiêu: đánh giá, giám sát các hoạt động, dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.

b) Nội dung:

- Đánh giá kết quả thực hiện các dự án trong Chương trình, kết quả từng năm và thực hiện Chương trình;

- Giám sát việc thực hiện các hoạt động trong Chương trình;

- Nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc thù của Chương trình.

5. Hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm:

a) Mục tiêu: hướng dẫn nghiệp vụ cho 75 nghìn cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ Trung ương đến địa phương;

b) Nội dung: tổ chức tập huấn về phương pháp xây dựng và triển khai Chương trình, các văn bản mới; phương pháp xây dựng và quản lý dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, nghiệp vụ giới thiệu việc làm cho cán bộ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cán bộ lao động - việc làm ở địa phương.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải pháp về chính sách, cơ chế:

a) Về chính sách:

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách về lao động - việc làm và Chương trình xây dựng pháp luật liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp, xuất khẩu lao động, dạy nghề...;

- Xây dựng nội dung hướng dẫn về quản lý và điều hành các dự án, hoạt động thuộc Chương trình.

b) Về cơ chế:

- Cơ chế sử dụng nguồn vốn: phân vốn vay theo khả năng tạo việc làm mới thông qua các dự án vay vốn, ưu tiên các tỉnh đạt hiệu quả cao trong hoạt động vay vốn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc, nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn chuyển sang đất phi nông nghiệp;

- Cơ chế phối hợp: tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và tổ chức thực hiện dự án vay vốn với các tổ chức đoàn thể và các địa phương; trong việc lập kế hoạch sử dụng vốn vay hàng năm, trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc quản lý, cho vay, bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ;

- Cơ chế phân cấp: tăng cường phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, trong đó coi trọng phân cấp cho cấp huyện trong việc tổ chức và thực hiện các dự án cho vay đối với các đối tượng;

- Cơ chế lồng ghép: đẩy mạnh lồng ghép các dự án của Chương trình với một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các Chương trình khác;

- Cơ chế giám sát, đánh giá:

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức cho vay theo các dự án, đặc biệt là các dự án cho vay với số tiền lớn, ở những nơi có khả năng xảy ra rủi ro cao do điều kiện tự nhiên không thuận lợi hoặc do môi trường kinh doanh ít thuận lợi;

+ Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

2. Quản lý, điều hành Chương trình:

a) Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình gồm:

- Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Phó Trưởng ban: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Các uỷ viên gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Chương trình. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

3. Nguồn kinh phí thực hiện:

Tổng nguồn vốn cho Chương trình là 5.985 tỷ đồng (không kể nguồn vốn hỗ trợ việc làm ngoài nước). Trong đó, phân theo nguồn vốn như sau:

- Ngân sách Trung ương: 4.895 tỷ đồng (trong đó, 2.600 tỷ đồng là nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ năm 2005 chuyển sang);

- Ngân sách địa phương: 560 tỷ đồng (trong đó, 164 tỷ đồng là nguồn vốn vay giải quyết việc làm của các địa phương từ năm 2005 chuyển sang);

- Huy động cộng đồng: 500 tỷ đồng;

- Huy động quốc tế: 30 tỷ đồng.

Ngân sách Trung ương cấp mới cho Chương trình là 2.295 tỷ đồng, trong đó:

- Dự án cho vay tạo việc làm: 2.000 tỷ đồng;

- Dự án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động: 225 tỷ đồng;

- Hoạt động giám sát, đánh giá: 40 tỷ đồng;

- Hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm: 30 tỷ đồng.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Chương trình, bao gồm: kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ;

- Chủ trì và phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế thực hiện các dự án: vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; thực hiện các hoạt động giám sát, đánh giá; hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình ở các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện chế độ báo cáo việc thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế đầu tư đối với các dự án trong Chương trình;

- Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối và bố trí kế hoạch hàng năm trên cơ sở thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện Chương trình; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình;

c) Bộ Tài chính có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án của Chương trình; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí và bảo đảm ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình;

đ) Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý nguồn vốn và tổ chức giải ngân kịp thời đối với các dự án hỗ trợ việc làm theo cơ chế, chính sách Nhà nước quy định về vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm và thẩm quyền được giao;

e) Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện Chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến Chương trình.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đoàn thể:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã được Chính phủ phê duyệt và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định đối với Chương trình này.

b) Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tổ chức việc thực hiện Chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến Chương trình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.