• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2020
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2024
BỘ XÂY DỰNG
Số: 13/2019/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 26 tháng 12 năm 2019

THÔNG TƯ 

Quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

 

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng,

          Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

          Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựngthuộcChương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp,chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

            Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý vàxác định chi phí đầu tư xây dựng

1. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thuộc các công trình thực hiệnChương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, quy mô thực hiện và ngân sách của địa phương.

2. Nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng phải theo đúng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và phù hợp với cơ chế đặc thù của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

3. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế,chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, kế hoạch thực hiện dự án. Việc thiết kế, thi công xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong đầu tư xây dựng công trình, giám sát thi công; ưu tiên việc sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, vật liệu, nhân công, máy tại địa phương; đảm bảo minh bạch,tiết kiệm, hiệu quả và giành tối đa nguồn kinh phí cho xây dựng công trình.

Điều 4. Dự toán xây dựng công trình

Dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng.

1. Chi phí xây dựng

a) Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựngcông trình được lập cho các công trình chính, công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công hoặc bộ phận, phần việc, công tác của công trình, hạng mục công trình.Chi phí xây dựng công trình, hạng mục công trình, bộ phận, phần việc, bao gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng.Chi phí xây dựng xác định theo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

b) Chủ đầu tư căn cứ tính chất, điều kiện đặc thù của công trình, hệ thống định mức đã được ban hành và phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình hoặc áp dụng hệ thống đơn giá xây dựng do cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định chi phí xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

c) Đối với phần khối lượng do người dân tự làm sử dụng nhân công, vật tư, vật liệu khai thác tại chỗ, khối lượng của những hạng mục công trình sử dụng kinh phí đóng góp của dân thì không tính chi phí quản lý chung của doanh nghiệp, chi phí quản lý, điều hành sản xuất tại công trường xây dựng trong chi phí gián tiếp; thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng trong dự toán.

2. Chi phí thiết bị

Chi phí thiết bị xác định theo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

3. Chi phí quản lý dự án

Chi phí quản lý dự án được xác định bằng 2,763%chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình được duyệt. Trường hợp các dự án đầu tư xây dựng trên biển; trên đảo; dự án trải dài dọc theo tuyến biên giới trên đất liền, dự án tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn) theo quy định của Chính phủ thì xác định bằng tỷ lệ trên nhân với hệ số điều chỉnh 1,35.

4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

a) Chi phí khảo sát xây dựng (nếu có)

Chi phí khảo sát xây dựng phục vụ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặcHồ sơ xây dựng công trìnhđược xác định bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn tại Phụ lục Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựngdo Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

b) Chi phí lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình

Chi phí lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình được xác định bằng 2,5% chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng)theo khối lượng tính toán từ bản vẽ thiết kế, theo suất vốn đầu tư hoặc dữ liệu chi phí của các dự án có tính chất, quy mô tương tự đã hoặc đang thực hiện.

Trường hợp Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình có sử dụng thiết kế điển hình, thiết kế mẫu do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sử dụng thiết kế lặp lại, sử dụng lại thiết kế thì chi phí lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trìnhđược tính theo mức trên nhân với hệ số điều chỉnh là 0,8.

c) Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu thi công xây dựng và mua sắm vật tư, thiết bị

Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu thi công xây dựng được xác địnhbằng0,346% chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong dự toán gói thầu thi công xây dựng. Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầumua sắm vật tư, thiết bị được xác định bằng 0,261% chi phí vật tư, thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị. Trong đó, chi phí lập hồ sơ mời thầu bằng 45%, chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu bằng 55%.

d) Chi phí giám sát thi công xây dựng và chi phí giám sát lắp đặt thiết bị công trình

Chi phí giám sát thi công xây dựng xác định bằng 2,566% chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong dự toán gói thầu thi công xây dựng.Chi phí giám sát lắp đặt thiết bị xác địnhbằng 0,677% chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng)trong dự toán gói thầu thiết bị.Trường hợp các dự án đầu tư xây dựng trên biển; trên đảo; dự án trải dài dọc theo tuyến biên giới trên đất liền, dự án tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì xác định bằng tỷ lệ trên nhân với hệ số điều chỉnh 1,2.

e) Trường hợp áp dụng định mứcchi phí tư vấn đầu tư xây dựng nêu trên không phù hợp, thì chi phí được xác định bằng cách lập dự toán theo quy định.

5.Chi phí khác được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền hoặc bằng cách lập dự toán hoặc giá trị hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật.Trường hợp một số chi phí khác chưa đủ điều kiện để xác định thì được ước tính trong dự toán xây dựng công trình.

6. Chi dự phòng

Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình. Việc xác định chi phí dự phòng theo Thông tưhướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

7. Trường hợp phải có chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì tính bổ sung vào dự toán xây dựng công trình.

Dự toán xây dựng công trình được lập như phụ lục ban hành kèm theo

Điều 5. Thẩm định dự toán xây dựng công trình

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình áp dụng theo cơ chế đặc thù thuộcChương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững việc thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP. Đối với các dự án khác thực hiện theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều 6. Điều chỉnhdự toán xây dựng và giá gói thầu xây dựng

Việc điều chỉnh dự toán xây dựng và giá gói thầu xây dựng được thực hiện theo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Điều 7. Xử lý chuyển tiếp

Việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn chuyển tiếp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn có liên quan.Đối với các công việc, gói thầu đã triển khai ký hợp đồng thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Phạm Khánh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.