• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/10/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 30/04/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 32/2011/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 6 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng

___________________________________

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1006/VPCP-KTTH ngày 08 tháng 9 năm 2011;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29 tháng 4 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Thông tư 11/2011/TT-NHNN) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN như sau:

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 3.

1. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng trước đây thành đồng Việt Nam và các hình thức bằng tiền khác.

2. Căn cứ vào tình hình thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép ngân hàng thương mại đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều này được chuyển đổi lượng vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ (sau đây gọi là vàng tồn quỹ) và mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng. Vàng tồn quỹ là số dư vàng huy động và giữ hộ trừ đi số dư vàng cho vay, gửi tại các ngân hàng thương mại khác và sử dụng cho các mục đích khác.

Căn cứ vào tình hình thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng ngân hàng thương mại được phép chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài.

3. Ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Có kinh nghiệm hoạt động từ 05 (năm) năm trở lên trong hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay bằng vàng.

b) Có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả; có quy định về quản lý rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

c) Có địa bàn hoạt động chính tại các thành phố trực thuộc trung ương;

d) Không vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

4. Ngân hàng thương mại có nhu cầu chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối), bao gồm:

a) Đơn xin chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này);

b) Đề án chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng tại nước ngoài để bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng với các nội dung tối thiểu bao gồm: kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh vàng, quy trình thực hiện chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và giao dịch trên tài khoản vàng ở nước ngoài và hệ thống giám sát rủi ro trong quá trình chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài;

c) Báo cáo tình hình kinh doanh vàng, nhập khẩu vàng trong 6 tháng gần nhất và lượng vàng tồn quỹ tại thời điểm đề nghị cho phép chuyển đổi lượng vàng tồn quỹ thành tiền (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này).

5. Căn cứ vào hồ sơ xin chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài, trong thời hạn tối đa 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho phép ngân hàng thương mại chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài hoặc có văn bản từ chối. Văn bản chấp thuận cho phép ngân hàng thương mại chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước quy định rõ lượng vàng tồn quỹ được phép chuyển đổi.

6. Việc chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài của ngân hàng thương mại được thực hiện như sau:

a) Ngân hàng thương mại được chuyển đổi tối đa 40% lượng vàng tồn quỹ thành tiền tại thời điểm nộp hồ sơ xin chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài.

b) Ngân hàng thương mại thực hiện mua vàng vật chất tại thị trường trong nước để bù đắp lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi thành tiền theo văn bản cho phép chuyển đổi của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc mua vàng vật chất bù đắp lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi thành tiền tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho phép nhập khẩu vàng để bù đắp lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi.

c) Ngân hàng thương mại được mở tối đa 02 (hai) tài khoản vàng ở nước ngoài. Ngân hàng thương mại phải đăng ký tài khoản với Ngân hàng Nhà nước và thỏa thuận với đối tác nước ngoài để đối tác nước ngoài hàng ngày gửi sao kê chi tiết giao dịch trong ngày trên tài khoản của ngân hàng thương mại cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

d) Ngân hàng thương mại chỉ được mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài khi đã chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và với khối lượng không vượt quá lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi ở trong nước.

đ) Ngân hàng thương mại chỉ được bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài khi đã mua vàng vật chất trong nước hoặc nhập khẩu vàng theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước để bù đắp lượng vàng tồn quỹ và chuyển đổi thành tiền và với khối lượng không vượt quá lượng vàng vật chất đã mua trong nước hoặc nhập khẩu.

e) Ngân hàng thương mại phải cân bằng trạng thái vàng tồn quỹ với vàng trên tài khoản ở nước ngoài vào 7h00 sáng hàng ngày (trừ ngày chủ nhật và ngày nghỉ lễ);

g) Ngân hàng thương mại không được giữ trạng thái đoản (short position) trên hai tài khoản vàng ở nước ngoài.

h) Căn cứ vào tình hình thị trường vàng và mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại ngừng chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và thực hiện đóng tài khoản vàng ở nước ngoài. Ngân hàng thương mại phải ngừng chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền ngay sau khi có thông báo của Ngân hàng Nhà nước và đóng tài khoản vàng ở nước ngoài trong vòng 02 (hai) ngày làm việc từ khi có thông báo của Ngân hàng Nhà nước.

7. Trách nhiệm của ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài:

a) Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả và tính an toàn trong hoạt động chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các quy định tại Thông tư này.

c) Hàng ngày gửi báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Chính sách tiền tệ) về lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi thành tiền, lượng vàng mua lại tại thị trường trong nước và các giao dịch trên tài khoản vàng ở nước ngoài từ 7h00 sáng ngày hôm trước đến 7h00 sáng ngày báo cáo (theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này).

d) Hàng ngày gửi bản sao kê chi tiết các giao dịch trong ngày trên tài khoản vàng ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao kê.

đ) Báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước ngay khi chuyển đổi hết 40% vàng tồn quỹ và khi có sự thay đổi về tài khoản vàng ở nước ngoài.”

2. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Bổ sung Khoản 2 Điều 4 như sau:

“c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc mua, bán vàng tại thị trường trong nước và trên tài khoản vàng ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại trên địa bàn và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.”

b) Sửa đổi Khoản 3 Điều 4 như sau:

“Đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: Thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng, việc chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mua vàng tại thị trường trong nước và giao dịch trên tài khoản vàng ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư này; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; báo cáo và đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các khó khăn và vướng mắc liên quan.”

c) Bổ sung Điều 4 như sau:

“4. Đối với Vụ Quản lý Ngoại hối: Xem xét, trình Thống đốc hồ sơ xin chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài của ngân hàng thương mại; theo dõi biễn biến thị trường vàng, theo dõi và tổng hợp báo cáo về việc chuyển đổi vàng tồn quỹ, mua vàng để bù đắp vàng tồn quỹ đã chuyển đổi và các giao dịch phát sinh trên tài khoản vàng ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại trong thời hạn ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển đổi vàng tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài để tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phương án triển khai, xử lý.

5. Đối với Vụ Chính sách tiền tệ: Theo dõi việc sử dụng số vàng tồn quỹ của các ngân hàng thương mại”.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 10 năm 2011.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc của ngân hàng thương mại và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.