• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/01/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 22/11/2020
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 211/2011/TTLT-BQP-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 30 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và

Phát triển nông thôn về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa

lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

___________________________________

 

Căn cứ Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất hướng dẫn khoản 3 Điều 5, Điều 11, khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 66/2010/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây viết gọn là Quy chế), như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có liên quan đến các hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (hướng dẫn khoản 3 Điều 5 của Quy chế)

1. Trao đổi những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động thủy sản trên biển.

2. Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thủy sản có liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển.

3. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các mặt hoạt động sau:

a) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động thủy sản trên biển;

b) Bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ tài nguyên; phòng, chống ô nhiễm môi trường biển; tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục sự cố trên biển;

c) Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển và phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền;

d) Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực thủy sản và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát biển; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Tổ chức tổng kết công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hướng dẫn Điều 11 của Quy chế)

1. Khoản 1 được hướng dẫn như sau:

a) Cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu về hoạt động thủy sản trên biển; điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động thủy sản mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Cung cấp các loại mẫu giấy phép, giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn có liên quan đến hoạt động thủy sản trên biển, bao gồm:

- Giấy phép khai thác thủy sản;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá;

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu;

- Sổ danh bạ thuyền viên;

- Sổ thuyền viên tàu cá;

- Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá;

- Các mẫu giấy tờ khác áp dụng trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật.

2. Khoản 2 được hướng dẫn như sau:

a) Thông báo cho Cục Cảnh sát biển tên, ký hiệu, số hiệu đăng ký, đặc điểm nhận dạng, tuyến hành trình, khu vực hoạt động của tàu, thuyền và phương tiện nước ngoài, các phương tiện, tàu, thuyền của các tổ chức cá nhân trong nước thuê của nước ngoài vào hoạt động thủy sản tại vùng biển Việt Nam ít nhất 05 ngày trước khi các tàu, thuyền và phương tiện nước ngoài vào hoạt động thủy sản tại vùng biển Việt Nam;

b) Người và phương tiện nước ngoài tham gia hoạt động thủy sản nêu tại điểm a khoản 2 Điều này, bao gồm cả người và phương tiện thuộc doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi tiến hành công tác điều tra, thăm dò, khai thác, nuôi trồng, thu gom vận chuyển và dịch vụ nghề cá trong các vùng biển Việt Nam.

3. Khoản 3 được hướng dẫn như sau:

Hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển về công tác chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành thủy sản để xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Khoản 4 được hướng dẫn như sau:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thống nhất lập phương án kiểm soát các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản ở ngư trường trọng điểm, vùng biển tập trung nhiều tàu cá, vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ quốc gia khác.

5. Khoản 5 được hướng dẫn như sau:

Chủ trì các hội nghị, hội thảo quốc tế về hợp tác thủy sản; chủ trì đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế về thủy sản theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập thực hiện điều ước quốc tế; bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về thủy sản mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Khoản 6 được hướng dẫn như sau:

Giáo dục, tuyên truyền những văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng Cảnh sát biển và các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản cho tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên biển.

Điều 5. Trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát biển (hướng dẫn khoản 1 Điều 19 của Quy chế)

1. Cung cấp cho Tổng cục Thủy sản và các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tài liệu về tình hình vi phạm pháp luật của tàu cá nước ngoài, tàu cá Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tên tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản, hình thức xử lý của từng vụ việc do lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra, xử lý.

2. Triển khai kịp thời lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu của các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có sự cố của tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tiến hành kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản theo quy định của Chính phủ, quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc và các quy định khác của pháp luật.

3. Bàn giao hồ sơ, phương tiện, tang vật và đối tượng cho lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản xử lý đối với những vụ việc vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân bị lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản.

4. Chỉ đạo các Vùng Cảnh sát biển phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thủy sản tại địa phương và lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển để thực hiện nhiệm vụ thủy sản.

5. Chủ trì tổng kết công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 6. Trách nhiệm của lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hướng dẫn Khoản 2 Điều 19 của Quy chế)

1. Tổng cục Thủy sản thông báo cho Cục Cảnh sát biển các loại tàu, thuyền và phương tiện tham gia hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép vào đánh bắt thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; hành vi vi phạm các quy định về việc sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nghề cá, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ các loài thủy sản, quản lý khai thác thủy sản và công tác quản lý tàu, thuyền đánh bắt thủy sản.

2. Đối với các vùng biển có nhiều tàu, thuyền và phương tiện hoạt động nghề cá vi phạm pháp luật thì lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển để cùng kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Tàu, thuyền và phương tiện của lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện việc huy động của lực lượng Cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn và ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra trên các vùng biển Việt Nam.

4. Lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản tiếp nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện và đối tượng những vụ vi phạm pháp luật về thủy sản do lực lượng Cảnh sát biển chuyển giao thuộc thẩm quyền.

5. Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các Chi cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương, lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản địa phương phối hợp, hiệp đồng cụ thể với các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển để thực hiện nhiệm vụ thủy sản.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Giao cho Cục Cảnh sát biển, Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng triển khai, tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này và có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền phối hợp, hiệp đồng cụ thể để duy trì pháp luật về lĩnh vực thủy sản trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên tịch số 27/2003/TTLT-BQP-BTS ngày 31 tháng 3 năm 2003 giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Thủy sản hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Thủy sản trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng - Trung tướng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thành Cung

Vũ Văn Tám

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.