• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/11/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 27/06/2012
CHÍNH PHỦ
Số: 87/1998/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 31 tháng 10 năm 1998
Nghị định

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về phát hành, thu hồi và thay thế tiền giấy, tiền kim loại

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;

Nhằm cung ứng đủ tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế, bảo đảm lưu thông thông suốt; bảo vệ đồng tiền trong lưu thông; bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tiền giấy, tiền kim loại;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

 

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định việc phát hành, thu hồi và thay thế tiền giấy, tiền kim loại.

Điều 2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan duy nhất phát hành, thu hồi và thay thế tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Tiền mặt" là các loại tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;

2. "Tiền đã công bố lưu hành" là các loại tiền giấy, tiền kim loại đã được Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành sau khi Chính phủ cho phép lưu hành;

3. "Tiền chưa công bố lưu hành" là các loại tiền giấy, tiền kim loại đã được in, đúc và dự trữ tại các kho tiền của Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa được phép lưu hành;

4. "Tiền đình chỉ lưu hành" là các loại tiền giấy, tiền kim loại không có giá trị lưu hành khi Ngân hàng Nhà nước đã công bố thu hồi và rút khỏi lưu thông;

5. "Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông" là các loại tiền giấy, tiền kim loại đã lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

CHƯƠNG II
PHÁT HÀNH TIỀN

Điều 4. Ngân hàng Nhà nước căn cứ kế hoạch cung ứng tiền tăng thêm hàng năm được Chính phủ phê duyệt; nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt của nền kinh tế; nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; tiền đình chỉ lưu hành để xác định số lượng và cơ cấu các loại tiền mặt cần phát hành vào lưu thông theo các yêu cầu trên.

Điều 5. Ngân hàng Nhà nước được lập Quỹ dự trữ phát hành và Quỹ nghiệp vụ phát hành trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước để quản lý tiền dự trữ phát hành.

Quỹ dự trữ phát hành được bảo quản và quản lý ở các Kho tiền Trung ương của Ngân hàng Nhà nước và các kho tiền tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quỹ nghiệp vụ phát hành được bảo quản và quản lý tại Kho tiền Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các Kho tiền tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 6. Nguồn hình thành Quỹ dự trữ phát hành bao gồm:

1. Tiền mới in, đúc nhập từ các nhà máy in, đúc tiền;

2. Tiền thu hồi từ lưu thông, kể cả các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và tiền đình chỉ lưu hành nhập từ Quỹ nghiệp vụ phát hành.

Điều 7. Nguồn hình thành Quỹ nghiệp vụ phát hành bao gồm:

1. Tiền nhập từ Quỹ dự trữ phát hành;

2. Tiền thu hồi từ lưu thông, kể cả các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và tiền đình chỉ lưu hành.

Điều 8. Ngân hàng Nhà nước thực hiện phát hành tiền vào lưu thông và thu tiền từ lưu thông về thông qua dịch vụ ngân quỹ, thanh toán và các hoạt động nghiệp vụ khác của Ngân hàng Nhà nước cho khách hàng.

Điều 9.

1. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thu, chi tiền mặt cho tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước trên cơ sở số dư tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

2. Các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt kịp thời, chính xác và an toàn cho khách hàng.

Điều 10. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trong việc tuyển chọn, phân loại tiền theo tiêu chuẩn tiền lưu thông.

Điều 11. Căn cứ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế và yêu cầu ổn định tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ cho công bố lưu hành các loại tiền mới chưa phát hành.

Việc công bố phát hành loại tiền mới được quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

Điều 12. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ:

1. Cơ cấu, mệnh giá các loại tiền mới phát hành phù hợp với mặt bằng giá và tập quán sử dụng tiền mặt của nhân dân;

2. Thời điểm và hình thức phát hành, thu hồi, thay thế tiền phù hợp với yêu cầu của chính sách tiền tệ.

Điều 13. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành và kiểm tra thực hiện:

1. Chế độ điều hoà tiền mặt; chế độ xuất, nhập Quỹ dự trữ phát hành và Quỹ nghiệp vụ phát hành trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước;

2. Chế độ kế toán, thống kê và thông tin báo cáo về nghiệp vụ phát hành tiền, phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

 

CHƯƠNG III
THU HỒI, THAY THẾ TIỀN

Điều 14. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thường xuyên việc đổi tiền rách nát, hư hỏng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ý thức giữ gìn, bảo vệ đồng tiền Việt Nam; phát hiện và ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 29 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 15. Ngân hàng Nhà nước quy định tiền rách nát, hư hỏng không đủ tiêu chuẩn lưu thông, công bố công khai những tiêu chuẩn đó và hướng dẫn, kiểm tra Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước thực hiện việc đổi các loại tiền rách nát, hư hỏng cho các tổ chức và cá nhân theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

Điều 16. Việc đổi tiền rách nát, hư hỏng được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông của các tổ chức, cá nhân được đổi hoặc nộp vào tài khoản tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước một cách thuận tiện, không hạn chế số lượng, không phân biệt nơi cư trú, không phải nộp lệ phí, không cần một thủ tục giấy tờ nào.

2. Tiền rách nát, hư hỏng do bị cháy, mục, mối xông, chuột cắn thì người có tiền phải làm đơn trình bày rõ lý do để Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước xét đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Người có tiền được đổi phải nộp lệ phí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với quy định của Nhà nước về phí và lệ phí.

3. Tiền hư hỏng do viết, vẽ, cắt, xé hoặc làm biến dạng; nếu xét thấy không do hành vi huỷ hoại thì được xét đổi như quy định tại khoản 2 Điều này; nếu bị nghi do hành vi huỷ hoại thì Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước tạm thu giữ và phối hợp với cơ quan Công an điều tra, xử lý.

Điều 17. Khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi tiền đình chỉ lưu hành, công bố lưu hành tiền mới, Ngân hàng Nhà nước phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về:

1. Chủ trương của Chính phủ thay thế một phần hay toàn bộ các loại tiền đang lưu hành;

2. Hình thức, thủ tục, thời gian phát hành các loại tiền mới; thời hạn thu hồi các loại tiền đình chỉ lưu hành thống nhất trong cả nước;

3. Đặc điểm, mệnh giá, màu sắc, kích thước, trọng lượng của từng loại tiền mới sẽ phát hành kèm theo mẫu tiền;

4. Tỷ lệ đổi tiền mới so với tiền đình chỉ lưu hành, nếu có.

Điều 18. Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi cho Bộ Tài chính về việc phát hành, thu hồi và thay thế các loại tiền theo quy định kỳ quý, năm hoặc đột xuất.

 

CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ CÓ LIÊN QUAN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 19. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

1. Kiểm tra việc thực hiện quy chế về nghiệp vụ phát hành, thu hồi và thay thế tiền theo quy định tại Nghị định này.

2. Kiểm tra và chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện những quy định có liên quan tại Nghị định này.

Điều 20. Bộ Công an có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo công an các cấp chủ trì và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cùng cấp điều tra, kết luận để xử lý theo pháp luật đối với các hành vi huỷ hoại tiền, làm, vận chuyển, tàng trữ và lưu hành tiền giả.

2. Tổ chức giám định đối với hiện vật nghi là tiền giả, tiền bị huỷ hoại khi được yêu cầu.

Điều 21. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

Chỉ đạo các ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ đồng tiền Việt Nam; chống hành vi huỷ hoại tiền, làm, vận chuyển, tàng trữ và lưu hành tiền giả.

 

CHƯƠNG V
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị định này.

Điều 23. Các đơn vị, cá nhân vi phạm Nghị định này, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 25. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Điều 26. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.