• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/07/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 17/03/2000
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TƯ PHÁP
Số: 05/1998/TTLT-BKHĐT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 10 tháng 7 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh
đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty

______________


Để đơn giản thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty và thay thế các Thông tư hướng dẫn về thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty đã ban hành;

Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty như sau:

 

I. Hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký kinh doanh

1. Đối với doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ gồm:

1.1. Đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp tư nhân (mẫu kèm theo), trường hợp có xin hưởng ưu đãi đầu tư thì đơn đề nghị thành lập bao gồm cả nội dung xin hưởng ưu đãi đầu tư;

1.2. Phương án kinh doanh ban đầu hoặc dự án đầu tư đối với trường hợp xin hưởng ưu đãi đầu tư;

1.3. Giấy chứng nhận của Ngân hàng về số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng của chủ doanh nghiệp có trong tài khoản ở ngân hàng;

1.4. Biên bản của Hội đồng định giá tài sản đầu tư ban đầu bằng hiện vật của chủ doanh nghiệp tư nhân có xác nhận của công chứng nhà nước.

Vốn đầu tư ban đầu không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành nghề chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, vốn đầu tư ban đầu không được thấp hơn mức vốn pháp định của ngành nghề có mức vốn pháp định cao nhất;

1.5. Giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch của doanh nghiệp tư nhân (giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà hoặc các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở của doanh nghiệp);

1.6. Giấy chứng thực về trình độ chuyên môn của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc của người được thuê quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật đòi hỏi người điều hành phải có trình độ chuyên môn.

Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chưa chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh mà cần xin trước Giấy phép thành lập, thì cần có đơn đề nghị thành lập, phương án kinh doanh ban đầu hoặc dự án đầu tư. Khi đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân phải bổ sung thêm giấy tờ còn thiếu trong hồ sơ quy định tại điểm 1, Mục I của Thông tư này.

2. Đối với công ty, hồ sơ gồm:

2.1. Đơn đề nghị thành lập công ty (mẫu kèm theo). Trường hợp có xin hưởng ưu đãi đầu tư thì đơn đề nghị thành lập bao gồm cả nội dung xin hưởng ưu đãi đầu tư;

2.2. Phương án kinh doanh ban đầu hoặc dự án đầu tư đối với trường hợp xin hưởng ưu đãi đầu tư;

2.3. Điều lệ công ty, kèm theo:

2.3.1. Biên bản cuộc họp bầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát công ty đối với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 12 thành viên trở lên hoặc biên bản cuộc họp các thành viên phân công người làm Giám đốc công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có không quá 11 thành viên.

2.3.2. Biên bản góp vốn đã được Hội đồng thành viên công ty thông qua, trong đó ghi rõ vốn góp bằng tiền, vốn góp bằng giá trị tài sản.

Vốn điều lệ công ty không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành nghề công ty đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định của ngành nghề có mức vốn pháp định cao nhất.

2.4. Giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch của công ty (giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà hoặc các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở của công ty);

2.5. Giấy chứng thực về trình độ chuyên môn của người điều hành hoạt động kinh doanh của công ty đối với trường hợp công ty đăng ký kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật đòi hỏi người điều hành phải có trình độ chuyên môn.

Trong trường hợp các thành viên công ty chưa chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh mà cần xin trước Giấy phép thành lập, thì cần có đơn đề nghị thành lập, phương án kinh doanh ban đầu hoặc dự án đầu tư. Khi đăng ký kinh doanh công ty phải bổ sung thêm giấy tờ còn thiếu trong hồ sơ quy định tại điểm 2, Mục I của Thông tư này.

3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, các sáng lập viên công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký kinh doanh.

II. Trình tự xét cấp giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân, sáng lập viên công ty hoặc người đại diện theo uỷ quyền nộp 3 (ba) bộ hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp, công ty dự định đặt trụ sở chính.

Trường hợp doanh nghiệp tư nhân, công ty đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi là khu công nghiệp) thì phải nộp hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký kinh doanh tại Ban quản lý khu công nghiệp để Ban quản lý khu công nghiệp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) cấp Giấy phép thành lập và Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (nếu có). Ban quản lý khu công nghiệp phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi có Giấy phép thành lập của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại Mục I của Thông tư này, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở quản lý ngành có liên quan. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ Sở quản lý ngành phải có ý kiến bằng văn để Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thành lập.

Trường hợp thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cùng một lúc với Giấy phép thành lập.

Sau khi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thành lập, nếu đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ngay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân, công ty.

2. Trình tự xét cấp Giấy phép thành lập và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty kinh doanh những ngành nghề quy định tại Điều 5 của Luật doanh nghiệp tư nhân, Điều 11 của Luật công ty như sau:

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Mục I của Thông tư này, Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ quản lý ngành. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng quản lý ngành phải có ý kiến bằng văn bản trình Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng quản lý ngành có ý kiến thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ Bộ trưởng quản lý ngành phải có ý kiến bằng văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xin ý kiến. Quá thời hạn trên mà Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không nhận được văn bản của Bộ quản lý ngành thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép thành lập cho doanh nghiệp tư nhân, công ty.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thông báo của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Bộ trưởng quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thành lập cho doanh nghiệp tư nhân, công ty. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép thành lập, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản giải thích lý do.

Trường hợp thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cùng một lúc với Giấy phép thành lập.

Sau khi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thành lập, nếu có đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ngay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân, công ty.

3. Trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có Chứng chỉ hành nghề hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh như sau:

3.1. Đối với những ngành nghề kinh doanh mà theo quy định tại các Luật phải có giấy phép được cấp trước khi đăng ký kinh doanh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp giấy phép. Cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy phép hoặc trả lời bằng văn bản việc không cấp giấy phép trong thời hạn quy định của Luật. Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được tính từ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được giấy phép hoặc văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

3.2. Đối với những ngành nghề kinh doanh không thuộc diện quy định tại điểm 3.1 nói trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm 1, Mục II của Thông tư này.

Doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đòi hỏi phải có giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có nghĩa vụ làm thủ tục để được cấp giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

III. Thủ tục đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở ngoài địa phương cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp tư nhân, công ty

Đại diện của doanh nghiệp tư nhân, công ty nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện; hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị đặt chi nhánh, văn phòng đại diện;

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, công ty (bản sao hợp lệ);

3. Quy định của người có thẩm quyền của doanh nghiệp tư nhân, công ty về quyền hạn và phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện và bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;

4. Giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch của chi nhánh, văn phòng đại diện (giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà hoặc các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với trụ sở giao dịch của chi nhánh, văn phòng đại diện).

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chi nhánh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho văn phòng đại diện.

IV. Đăng ký thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh

1. Đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh:

1.1. Doanh nghiệp tư nhân, công ty muốn thay đổi ngành nghề kinh doanh phải nộp tờ khai thay đổi ngành nghề kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đã đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp xin bổ sung kinh doanh các ngành nghề theo quy định tại Điều 5 của Luật doanh nghiệp tư nhân, Điều 11 của Luật công ty thì doanh nghiệp tư nhân, công ty phải có bản giải trình phương án kinh doanh.

Vốn đầu tư ban đầu của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc vốn điều lệ của công ty không được thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh có mức vốn pháp định cao nhất mà doanh nghiệp tư nhân, công ty đăng ký.

Xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cấp.

1.2. Trình tự đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh:

Doanh nghiệp tư nhân, công ty đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh phải nộp hồ sơ đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư như quy định tại điểm 1.1 Mục này;

Nếu doanh nghiệp tư nhân, công ty đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh mới thuộc các ngành nghề quy định tại Điều 5 của Luật doanh nghiệp tư nhân, Điều 11 của Luật công ty thì thực hiện theo quy định tại điểm 2, Mục II của Thông tư này;

Nếu doanh nghiệp tư nhân, công ty đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh mà theo quy định của các Luật phải có giấy phép hành nghề, thì thực hiện theo điểm 3.1 Mục II của Thông tư này.

1.3. Trường hợp doanh nghiệp tư nhân, công ty không kinh doanh ngành nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải khai báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xoá ngành nghề đó trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp.

2. Đăng ký thay đổi trụ sở doanh nghiệp:

2.1. Thay đổi trụ sở trong địa bàn tỉnh, thành phố.

Doanh nghiệp tư nhân, công ty nộp tờ khai thay đổi trụ sở cùng với giấy tờ chứng thực trụ sở giao dịch của doanh nghiệp tư nhân, công ty (giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà hoặc các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với địa điểm dự định đặt trụ sở mới) tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 5 ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký thay đổi trụ sở trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân, công ty.

2.2. Thay đổi trụ sở sang tỉnh, thành phố khác.

Doanh nghiệp tư nhân, công ty làm đơn đề nghị di chuyển trụ sở gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi đặt trụ sở mới tiếp nhận đơn, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận đơn phải thông báo việc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp nhận hay không chấp nhận cho doanh nghiệp tư nhân, công ty đặt trụ sở tại tỉnh, thành phố. Nếu được chấp nhận, doanh nghiệp tư nhân, công ty gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận đơn để đăng ký thay đổi trụ sở trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký thay đổi trụ sở sang tỉnh, thành phố khác gồm:

2.2.1. Giấy chấp nhận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho doanh nghiệp tư nhân, công ty đặt trụ sở mới;

2.2.2. Giấy tờ chứng thực trụ sở giao dịch của doanh nghiệp tư nhân, công ty (giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà hoặc các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với địa điểm làm trụ sở doanh nghiệp tư nhân, công ty);

2.2.3. Hồ sơ gốc thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty xin rút tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp tư nhân, công ty rút hồ sơ khi đã có:

a. Giấy chấp nhận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho doanh nghiệp tư nhân, công ty đặt trụ sở mới (bản sao hợp lệ);

b. Xác nhận của cơ quan thuế về việc doanh nghiệp tư nhân, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế tại tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở cũ; c. Báo cáo tài chính năm cuối cùng của doanh nghiệp tư nhân, công ty trong quá trình kinh doanh tại tỉnh, thành phố cũ và cam kết của doanh nghiệp tư nhân, công ty về việc kế thừa nghĩa vụ pháp lý khi di chuyển trụ sở sang tỉnh khác.

3. Đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp tư nhân, công ty:

Doanh nghiệp tư nhân, công ty muốn thay đổi tên phải làm đơn xin đổi tên gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi đã cấp Giấy chứng nhận kinh doanh và bản cam kết kế thừa mọi nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp tư nhân, công ty mang tên cũ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét nếu tên mới của doanh nghiệp tư nhân, công ty phù hợp với quy định của pháp luật, trong phạm vi cùng lĩnh vực kinh doanh và trên địa bàn tỉnh, thành phố không trùng với tên doanh nghiệp tư nhân, công ty khác thì chấp thuận việc đổi tên và đăng ký tên mới của doanh nghiệp tư nhân, công ty vào phần đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 7 ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đăng ký tên mới cho doanh nghiệp tư nhân, công ty. Doanh nghiệp tư nhân, công ty phải làm thủ tục khắc dấu mới, đăng báo thời gian đăng ký tên mới và cam kết kế thừa mọi nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp tư nhân, công ty mang tên cũ.

4. Đăng ký thay đổi đại diện hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân, công ty:

Khi thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân; thay đổi đại diện hợp pháp của công ty, thành viên Hội đồng quản trị, kiểm soát viên, Ban giám đốc công ty; doanh nghiệp tư nhân, công ty phải đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

5. Đăng ký thay đổi vốn đầu tư ban đầu, vốn điều lệ:

Khi thay đổi vốn đầu tư ban đầu, thay đổi vốn điều lệ, doanh nghiệp tư nhân, công ty phải kê khai và đăng ký thay đổi tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

5.1. Đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân kê khai mức tăng (giảm) vốn đầu tư ban đầu.

Khi giảm vốn đầu tư ban đầu phải bảo đảm số vốn còn lại không thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh có mức vốn pháp định cao nhất.

5.2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn:

5.2.1. Hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ gồm:

a. Biên bản tăng vốn điều lệ và biên bản sửa đổi điều lệ công ty do đại hội các thành viên góp vốn thông qua;

b. Tăng vốn bằng tài sản phải có biên bản xác định giá trị tài sản được các thành viên công ty thông qua.

5.2.2. Hồ sơ đăng ký giảm vốn điều lệ gồm:

a. Biên bản giảm vốn điều lệ và biên bản sửa đổi điều lệ công ty do đại hội các thành viên góp vốn thông qua;

b. Xác nhận của cơ quan thuế về việc công ty hoàn thành nghĩa vụ thuế;

c. Báo cáo cân đối tài chính có xác nhận của kiểm toán tại thời điểm xin giảm vốn điều lệ;

d. Đăng báo về việc giảm vốn điều lệ.

Khi giảm vốn điều lệ phải đảm bảo số vốn còn lại không thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề công ty kinh doanh có mức vốn pháp định cao nhất.

Sau 30 ngày kể từ ngày đăng báo nếu không có khiếu nại của chủ nợ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố chấp thuận đăng ký giảm vốn điều lệ cho công ty; Công ty phải cam kết kế thừa trách nhiệm pháp lý về việc giảm vốn điều lệ của công ty đối với các chủ nợ trước ngày xin giảm vốn.

5.3. Đối với công ty cổ phần:

5.3.1. Tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu mới:

a. Biên bản sửa đổi điều lệ công ty;

b. Giấy phép phát hành cổ phiếu;

c. Ngân hàng xác nhận về số vốn thực tế sau khi phát hành cổ phiếu;

Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký số vốn điều lệ thực tế vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi có xác nhận của Ngân hàng về số vốn thực tế được tăng.

Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng cách tăng mệnh giá cổ phiếu (không phát hành cổ phiếu mới) phải được Đại hội cổ đông nhất trí theo quy định của Điều lệ và phù hợp với pháp luật. Nếu vốn tăng bằng tài sản thì phải có biên bản xác định giá tài sản được Đại hội cổ đông thông qua theo quy định của Điều lệ công ty.

5.3.2. Trường hợp giảm vốn điều lệ được thực hiện các quy định tại điểm 5.2.2, Mục IV của Thông tư này.

6. Đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

Khi có yêu cầu đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do bị hỏng, do thay đổi trụ sở, doanh nghiệp tư nhân, công ty làm đơn xin đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho doanh nghiệp hoặc công ty với số đăng ký kinh doanh cũ đồng thời thu lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũ.

7. Xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do bị mất:

7.1. Doanh nghiệp tư nhân, công ty bị mất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải khai báo với cơ quan Công an nơi bị mất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng báo về việc mất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

7.2. Doanh nghiệp tư nhân, công ty làm đơn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh để xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có kèm theo xác nhận của cơ quan Công an.

7.3. Sau thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng báo mà doanh nghiệp không tìm lại được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số đăng ký kinh doanh cũ và ghi rõ cấp lại lần thứ hai.

V. Tổ chức thực hiện

1. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thay đổi cho doanh nghiệp tư nhân, công ty, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tờ khai thay đổi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan thuế, thống kê, quản lý ngành cùng cấp.

Doanh nghiệp tư nhân, công ty phải đăng báo theo quy định của pháp luật.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các Thông tư sau đây hết hiệu lực:

2.1. Thông tư số 141/PLDSKT ngày 3/3/1992 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Điều 3 Nghị định số 221/HĐBT ngày 23/7/1991 và Điều 4 Nghị định số 222/HĐBT ngày 23/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);

2.2. Thông tư số 472-PLDS/KT ngày 20/5/1993 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty;

2.3. Thông tư số 07/TT-ĐKKD ngày 29/7/1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thực hiện đăng ký kinh doanh.

3. Các doanh nghiệp tư nhân, công ty đã được cấp Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phải làm lại thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh quy định tại Thông tư này.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố thực hiện việc báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình đăng ký kinh doanh theo quy định về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thời hạn gửi báo cáo vào ngày mùng 5 hàng tháng.

5. Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện thủ tục cấp Giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh của các tỉnh, thành phố.

6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được quy định thêm thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh ngoài các quy định của Thông tư này, nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện đề nghị phản ánh bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để xử lý./.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Xuân Giá

Nguyễn Đình Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.