• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/10/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 18/01/2013
UBND TỈNH QUẢNG NINH
Số: 3085/2010/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 13 tháng 10 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định xử lý đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

____________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/ NĐ-CP ngày15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2005/NĐ-CP;

Thực hiện Văn bản số 1242/BNN-TY ngày 28/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn việc thí điểm xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 781/NN&PTNT ngày 18/6/2010; số 1278/NNPTNT ngày 23/9/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định xử lý đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 2. Các ông (bà) Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Công an, Biên phòng, Hải quan tỉnh, Chi cục Kiểm dịch vùng Quảng Ninh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nhữ Thị Hồng Liên

QUY ĐỊNH

Quy định xử lý đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

(Ban hành kèm theo QĐ số: 3085/2010/QĐ-UB ngày 13/10/2010 của UBND tỉnh)

______________________________

Điều 1. Phạm vi đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi áp dụng: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các loại gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (dưới đây gọi tắt là hàng hoá động vật) nhập lậu qua biên giới Trung Quốc bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý.

Việc xử lý đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ phải nhanh gọn, hạn chế lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Góp phần hạn chế việc nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng vào địa bàn tỉnh, đồng thời giảm chi phí cho việc tổ chức bắt giữ, tiêu huỷ các sản phẩm trên từ ngân sách tỉnh.

Điều 3. Trình tự xử lý.

- Ngay sau khi bắt giữ và tịch thu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm nhập lậu, lực lượng bắt giữ có trách nhiệm kịp thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) nơi bắt giữ để bàn giao toàn bộ số lượng, chủng loại, trọng lượng gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm bị bắt giữ đó cho cơ sở nuôi cách ly (đối với gia súc, gia cầm) hoặc cơ sở bảo quản đối với sản phẩm gia súc, gia cầm). Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y trên địa bàn để kiểm tra lâm sàng hàng hoá động vật bị bắt giữ theo quy định.

- Trường hợp gia súc, gia cầm khoẻ mạnh, sản phẩm an toàn thì cơ quan chuyên môn về thú y phối hợp với đại diện lực lượng bắt giữ lập biên bản về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tình trạng hàng hoá động vật bị bắt giữ, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức phát mại cho các cơ sở giết mổ động vật theo quy định.

- Trường hợp lô hàng nghi ngờ mắc các dịch bệnh nguy hiểm (Bệnh truyền nhiễm, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn), cơ quan chuyên môn về thú y phải lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm. Chậm nhất 12 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y đề xuất phương án xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức phát mại hoặc tiêu huỷ.

Điều 4. Phương pháp xử lý.

- Toàn bộ số gia súc, gia cầm phát mại khi giết mổ phải được thực hiện việc kiểm soát giết mổ theo quy định hiện hành.

- Đối với trứng gia cầm: xử lý xông hơi hóa chất, diệt khuẩn vỏ trứng trước khi bán thanh lý.

- Đối với hàng hóa đông lạnh: kiểm tra nhãn mác, bao bì, kiểm tra vi sinh vật nếu đảm bảo an toàn thực phẩm, bán thanh lý làm thực phẩm, nếu không đủ tiêu chuẩn, xử lý tiêu hủy.

- Lấy mẫu phân tích: Nếu nghi ngờ gia súc, gia cầm bị nhiễm các loại bệnh: Cúm đối với gia cầm, tai xanh với lợn, lở mồm long móng với gia súc phải lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm; Đối với trứng kiểm tra Vi sinh Salmonella, chất tồn dư Sudan.

- Thực hiện tiêu huỷ đối với gia cầm giống; gia súc, gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ theo quy định và nội tạng gia súc, gia cầm (trừ tim, gan, thận). Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi bắt giữ ra quyết định và quy định nơi tiêu hủy. Việc tiêu huỷ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y.

Điều 5. Điều kiện xác định địa điểm nuôi cách ly gia súc, gia cầm và kho lưu giữ, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu.

1. Địa điểm nuôi cách ly gia súc, gia cầm và kho lưu giữ, bảo quản sản phẩm gia súc gia cầm chờ xử lý: Phải đảm bảo tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1242/BNN-TY ngày 28/4/2010 “V/v thí điểm xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ”.

2. Quy định địa điểm nuôi cách ly gia súc, gia cầm chờ xử lý:

- Thành phố Móng Cái: Trong khi chờ Chi cục kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh xây dựng khu cách ly kiểm dịch tại Móng Cái, việc nuôi cách ly giao thực hiện tại Trung tâm chuyển giao TBKT NLN Quảng Ninh.

- Thị xã Cẩm Phả: Tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Công ty cổ phần Thái Hoà, phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả.

- Thành phố Hạ Long: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Công ty Thiên Trường, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long.

- Huyện Yên Hưng: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của ông Nguyễn Mạnh Hợi, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng.

- Thị xã Uông Bí: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của ông Đỗ Xuân Hợp, khu 6, phường Bắc Sơn.

- Các địa phương khác hoặc chọn các địa điểm trên hoặc tự bố trí địa điểm để thực hiện việc nuôi cách ly có đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 1242/BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 6. Về cơ chế tài chính.

Việc quản lý sử dụng nguồn thu từ xử lý hàng hóa: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 về sửa đổi bổ sung Thông tư số 59/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ tài chính. Các nội dung chi như sau:

- Chi cho lực lượng bắt giữ, gồm cả chi phí xăng xe, mua tin, ngoài giờ;

- Chi phí theo dõi về thú y, chi phí chẩn đoán, xét nghiệm thú y;

- Chi nuôi giữ gia súc, gia cầm; chi phí lưu giữ, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm;

- Chi phí vệ sinh, phun phòng tiêu độc môi trường;

- Chi phí tiêu huỷ gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm;

- Chi phí kiểm tra, giám sát, khen thưởng, chi khác.

Chế độ thanh toán: Khi kết thúc vụ việc các đơn vị trực tiếp bắt giữ, các cơ sở nuôi giữ động vật tập hợp toàn bộ chứng từ chi phí liên quan đến vụ việc bắt giữ gửi phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) để tổng hợp, thẩm định và đề nghị phòng Tài chính duyệt chi phí và trích thưởng vụ việc theo quy định hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính theo dõi, hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện, tổng hợp kết quả báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh ./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nhữ Thị Hồng Liên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.