• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 12/06/2005
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 995/TC-QĐ-TCDN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 1 tháng 11 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc sửa đổi bổ sung "Quy chế tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước"

ban hành kèm theo quyết định số 838 TC/QĐ-TCDN ngày 28/8/1996

______________

- Căn cứ Luật doanh nghiệp Nhà nước ngày 30/4/1995;

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;

- Căn cứ Nghị định số 39/CP ngày 27/6/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Nhà nước;

- Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý Tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Sửa đổi, bổ sung một số điều trong "Quy chế tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước" đã ban hành kèm theo Quyết định số 838 TC/QĐ/TCDN ngày 28/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo văn bản "Quy định sửa đổi bổ sung Quy chế Tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước" đính kèm.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh văn phòng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

 

 

 

 

Bộ trưởng

Hồ Tế

(Đã ký)

 

 

QUY ĐỊNH

SỬA ĐỔI BỔ SUNG QUY CHẾ TÀI CHÍNH MẪU
TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 995 TC/QĐ/TCDN

 ngày 01/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Điều 4.- Bổ sung: "Khi thay đổi vốn điều lệ, Tổng công ty phải công bố công khai số vốn điều lệ mới theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với trường hợp vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định của các ngành nghề mà Tổng công ty đó kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Tổng công ty đó phải cấp bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty hoặc giảm ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với mức vốn điều lệ hiện có".

Điều 5 khoản 1: Bỏ câu "... các quy định tại Chỉ thị số 138/CT ngày 23/4/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ)".

Điều 8: Bổ sung thêm khoản 7 "trường hợp mua cổ phiếu phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật".

Điều 9: Bỏ khoản 2 cũ và thay thế bằng khoản 2 mới như sau:

"Những tài sản sau đây:

a) Toàn bộ hoặc bộ phận chủ yếu của dây chuyền công nghệ chính. b) Những tài sản có giá trị lớn theo quy định của Bộ Tài chính;

Khi cho thuê, cầm cố, thế chấp phải được thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp xem xét, quyết định sau khi có sự thẩm tra của cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi nhượng bán cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép".

- Bỏ khoản 4 cũ và thay bằng khoản 4 mới như sau: "khoản chênh lệch giữa số tiền thu được do nhượng bán tài sản với giá trị còn lại của tài sản và chi phí nhượng bán tài sản (nếu có) được hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp".

Điều 13: Bỏ câu: "Trường hợp tổn thất vì lý do bất khả kháng, Hội đồng quản trị quyết định xử lý sau khi tham khảo ý kiến cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan quyết định thành lập" thay thế bằng cầu "Trường hợp tổn thất vì lý do bất khả kháng, Hội đồng quản trị lập phương án xử lý báo cáo cơ quan quản lý lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi trao đổi với cơ quan quyết định thành lập Tổng công ty, cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp quyết định phương án xử lý hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xử lý".

Điều 14: Thay thế khoản 3 cũ bằng khoản 3 mới như sau: "khoản chênh lệch giữa giá trị thu được (kể cả giá trị phụ tùng, phế liệu để dùng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) khi thanh lý tài sản với giá trị còn lại của tài sản và chi phí thanh lý (nếu có) được hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp".

Bổ sung thêm một điều sau Điều 15 gọi là "Điều 15B" như sau:

"Nếu Tổng công ty có trực tiếp quản lý vốn, tài sản và tiến hành hoạt động kinh doanh thì có trách nhiệm bảo tồn vốn Nhà nước giao theo quy định dưới đây:

1. Thực hiện đúng chế độ, quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của Nhà nước.

2. Mua bảo hiểm tài sản.

3. Được hạch toán vào chi phí kinh doanh các khoản dự phòng sau đây:

a) Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: là khoản dự kiến giảm giá vật tư, hàng hoá tồn kho sẽ xảy ra trong kỳ kinh doanh tiếp theo.

b) Dự phòng các khoản phải thu khó đòi: là dự kiến các khoản công nợ không có khả năng thu hồi được trong tổng số phải thu của Tổng công ty.

c) Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư chứng khoán trong hoạt động tài chính.

Việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng này theo quy định của Bộ Tài chính.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Tế

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.