• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/01/1980
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 4-TC/QLNS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 26 tháng 1 năm 1980

THÔNG TƯ

Về việc lập quyết toán ngân sách năm 1979

________________________

Lập quyết toán ngân sách là công việc mà các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các UBND địa phương, các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức kinh tế có nhiệm vụ thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước, đều phải làm và phải đảm bảo số liệu quyết đoán chính xác, trung thực có kèm theo bản phân tích tình hình chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, theo các biểu mẫu thống nhất do Bộ Tài chính quy định ( điều 38 trong Điều lệ về lập và chấp hành Ngân sách Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 168/CP ngày 20/10/61 của Hội đồng Chính phủ).

Thông tư này nhắc lại một số điểm cần được chú ý và quy định thêm một số điểm cụ thể trong công tác quyết toán ngân sách năm 1979 cho phù hợp với tình hình và đặc điểm về mặt quản lý ngân sách trong năm:

I. QUYẾT TOÁN CỦA ĐƠN VỊ CƠ SỞ:

1/ Để bảo đảm quyết toán đầy đủ, chính xác tất cả các đơn vị cơ sở,  kể cả các xí nghiệp và các đơn vị dự toán hành chính sự nghiệp trung ương và địa phương, đều phải chú ý thực hiện:

a) Kiểm kê toàn bộ tài sản; bao gồm cả tài sản hiện vật và vốn bằng tiền, theo thể lệ hiện hành, cụ thể là:

- Các xí nghiệp sản xuất kinh doanh tiến hành tổng kiểm kê tài sản theo đúng thể lệ quy định trong công văn số 732-TC/CDKT ngày 01/12/62 của Bộ Tài chính;

- Các đơn vị hành chính - sự nghiệp theo quy định tại chương V chế độ kế toán đơn vị dự toán ban hành kèm theo quyết định số 03-TC/TDT ngày 30/3/1972 của Bộ Tài chính;

Yêu cầu là nắm lại thực chất tình hình tài sản, vốn, kinh phí hiện có,làm căn cứ chính xác để quyết toán thu, chi ngân sách; đồng thời, xử lý những trường hợp thừa, thiếu theo đúng chế độ và có kế hoạch huy động tài sản, tận dụng năng lực máy móc, thiết bị vật tư vào  sản xuất - kinh doanh hoặc có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng vật tư, thiết bị một cách tiết kiệm, có hiệu quả.

b) Kiểm soát sổ sách kế toán và đối chiếu số liệu đảm bảo khớp đúng giữa các sổ sách, các tài khoản có liên quan với nhau, trong nội bộđơn vị, giữa đơn vị cấp dưới và đơn vị cấp trên, giữa đơn vị với cơ quan Ngân hàng và cơ quan Tài chính đồng cấp. Qua đối chiếu số liệu, nếu phát hiện có sự chênh lệch thì phải tìm nguyên nhân và tiến hành điều chỉnh theo đúng chế độ của Nhà nước.

c) Phân tích, thuyết minh quyết toán thu, chi ngân sách gắn với các hoạt động kinh tế sản xuất - kinh doanh, xây dựng cơ bản hoặc với kết quả công tác hành chính - sự nghiệp đã thực hiện trong năm. Qua phân tích, phải nêu lên được những yếu tố do nguyên nhân khách quan (như giá cả do Trung ương quyết định v.v...) và những ưu khuyết điểm do chủ quan gây ra (như công tác quản lý lao động, vật tư, tài sản, quản lý tiêu chuẩn, định mức, tinh thần khắc phục khó khăn tìm nguyên liệu thay thế, tận dụng phế liệu phế phẩm v.v...) Đồng thời, phải chú ý phân tích những yếu tố bất bình thường ( như số thu năm trước nộp vào Ngân sách năm nay, những khoản chi tiêu đột xuất phục vụ chiến đấu hay chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu v.v...) để đánh giá những ưu khuyết điểm nói trên một cách trung thực.

2/ Về biểu mẫu quyết toán:

Nói chung, các đơn vị cơ sở đều phải lập đầy đủ các báo biểu quyết toán đã quy định trong chế độ kế toán mà mỗi đơn vị hiện đang áp dụng, cụ thể là:

- Các đơn vị sản xuất - kinh doanh, xây dựng cơ bản: lập các biểu mẫu theo bản quy định kèm theo Quyết định số 233/CP ngày 1/12/1970 của Hội đồng Chính phủ;

- Các đơn vị dự toán hành chính và sự nghiệp: báo cáo theo tập phụ lục số 3 kèm theo chế độ kế toán đơn vị dự toán ban hành tại Quyết định số 03-TC/TDT ngày 30/3/1972 của Bộ Tài chính.

Trong các biểu mẫu nói trên, cần đặc biệt chú ý làm tốt và gửi sớm bảng tổng kết tài sản (đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh, xây dựng cơ bản) hoặc các biểu mẫu số 11/BC, 12/BC, 13/BC, 14/BC, 59/BC và 60/BC (đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp). Ngoài ra, tuỳ theo nội dung công tác sự nghiệp mà đơn vị phụ trách phải lập những báo biểu chuyên đề giành cho từng loại sự nghiệp: nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông hay giáo dục, y tế, văn hoá ... như đã quy định trong chế độ kế toán đơn vị dự toán.

II/ QUYẾT TOÁN CỦA CÁC TY, BỘ CHỦ QUẢN:

1/ Các Ty chủ quản (ở địa phương) và các Bộ, Tổng cục chủ quản (ở Trung ương) phải xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc để tổng hợp thành quyết toán của toàn ngành ỏ địa phương và toàn ngành trong cả nước, gửi cho cơ quan Tài chính đồng cấp.

2/ Khi xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc, cơ quan chủ quản ở địa phương (Ty, Sở) cũng như ở Trung ương (Bộ, Tổng cục) đều phải chú ý kiểm tra, đối chiếu những số liệu quyết toán của mỗi đơn vị với sổ sách theo dõi của cơ quan chủ quản và phân tích đến từng đơn vị đó. Đồng thời phải so sánh giữa quyết toán của đơn vị này với đơn vị khác so sánh với nhiệm vụ kế hoạch đã giao với thực chất tiềm lực sẵn có ở cơ sở để nhận xét ưu khuyết điểm của từng đơn vị và chung toàn ngành.

3/ Trên cơ sở quyết toán tổng hợp toàn ngành, cơ quan chủ quản tiến hành phân tích quyết toán của ngành mình theo những nội dung chủ yếu như sau:

a- Về kết quả sản xuất kinh doanh: cần đi sâu phân tích hiệu quả kinh tế đồng vốn sản xuất của từng xí nghiệp và của toàn ngành, số tài sản cố định tăng lên so với số vốn đầu tư cơ bản, so với số sản lượng tăng lên, so với số khấu hao cơ bản đã trích nộp, và so với số doanh lợi thực hiện tăng lên - số doanh lợi nộp Ngân sách Nhà nước.

b- Về hoạt động hành chính, sự nghiệp:

- Phân tích tình hình biên chế, lao động và quỹ lương, tình hình quản lý và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức chi tiêu;

- Phân tích tình hình thực hiện các chỉ tiêu công tác hành chính - sự nghiệp, so sánh kết quả đã thực hiện với số chi ngân sách đã sử dụng để phân tích về hiệu quả sử dụng (tiền của Nhà nước).

c- Chú ý: Để tạo điều kiện bảo đảm nhiệm vụ quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, đề nghị các Bộ, Tổng cục chủ quản ở Trung ương không chỉ phân tích quyết toán của các đơn vị, do Bộ, Tổng cục trực tiếp quản lý, mà cần có phần phân tích chung toàn ngành trong cả nước. Để thực hiện được như vậy, các Ty, Sở, Chi cục chủ quản ở địa phương phải gửi kịp thời bản quyết toán tổng hợp cho các Bộ, Tổng cục để có tài liệu phân tích được đầy đủ.

4/ Thời hạn gửi quyết toán tổng hợp:

- Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản: Phải gửi quyết toán cho cơ quan Tài chính trong vòng 90 ngày sau khi hết năm (tức là trước ngày 31/3/1980 đối với quyết toán tổng hợp năm 1979 theo điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước).

- Đối với khu vực hành chính và sự nghiệp: Các đơnvị dự toán cấp I Trung ương cũng như địa phương phải gửi quyết toán tổng hợp cho cơ quan Tài chính đồng cấp trước 40 ngày sau khi hết năm (tức là trước ngày 10/2/1980 theo chế độ kế toán đơn vị dự toán hiện hành).

III/ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH CAO CẤP

1/ Việc lập tổng quyết toán Ngân sách Trung ương, Ngân sách tỉnh hoặc thành phố, Ngân sách huyện cấp tương đương do Bộ, Ty hoặc Sở Tài chính và các Ban Tài chính và giá cả huyện đảm nhiệm.

2/ Năm 1979, ở các địa phương, có nơi đã phân cấp quản lý tài chính và Ngân sách Nhà nước cho tất cả các huyện, thị xã ngay từ đầu năm; có nơi làm thí điểm ở một số huyện hoặc đến giữa năm mới bắt đầu hình thành Ngân sách cấp huyện. Việc lập tổng quyết toán ngân sách năm 1979 được quy định như sau:

a- Ban Tài chính và giá cả các huyện đã có ngân sách riêng lập Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện và Tổng quyết toán chi Ngân sách huyện kể từ ngày được phân cấp quản lý tài chính đến cuối năm.

b- Ty hoặc Sở Tài chính lập Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố trên cơ sở tổng hợp Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước ở cấp tỉnh hoặc thành phố (bao gồm cả phần thu Ngân sách Nhà nước ở các huyện trong thời gian chưa được phân cấp quản lý tài chính) cùng với Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn các huyện đã được phân cấp quản lý tài chính đã nói trong điểm a ở trên. Đồng thời, Ty, Sở Tài chính lập Tổng quyết toán chi ngân sách địa phương, bao gồm phần chi của ngân sách cấp tỉnh, thành phố  và ngân sách các huyện đã được phân cấp quản lý tài chính.

Cần chú ý là: Vừa tổng hợp chung Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn của từng cấp (huyện hoặc tương đương cấp tỉnh hoặc thành phố)  vừa phân tích riêng tổng quyết toán thu của từng cấp ngân sách (Trung ương, tỉnh hoặc thành phố và huyện hoặc cấp tương đương). Về chi cũng phải vừa tổng hợp chung Tổng quyết toán chi Ngân sách địa phương, vừa phân tích riêng Tổng quyết toán chi Ngân sách cấp tỉnh hoặc thành phố và Ngân sách cấp huyện hoặc tương đương.

c/ Bộ Tài chính (Vụ quản lý Ngân sách Nhà nước) lập Tổng quyết toán thu và Tổng quyết toán chi Ngân sách Nhà nước, có phân tích riêng từng cấp Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương.

3/ Đối với một số huyện, thị xã thuộc địa phương A, giữa năm 1979 sát nhập vào địa phương B thì:

- Quyết toán thu, chi của huyện, thị xã đó từ đầu năm đến ngày bàn giao phải tổng hợp vào Tổng quyết toán của địa phương A.

- Quyết toán từ ngày bàn giao đến cuối năm phải tổng hợp vào Tổng quyết toán của địa phương B.

Do đó, những huyện, thị xã nay phải khẩn chương làm sớm phần quyết toán thu, chi từ đầu năm đến ngày bàn giao gửi về Ty Sở Tài chính thuộc địa phương A; đồng thời làm quyết toán thu chi từ ngày bàn giao đến cuối năm gửi về địa phương B để tổng hợp cho đầy đủ và không trùng lắp.

Riêng đối với đặc khu Vũng tàu- Côn đảo, quyết toán thu, chi ngân sách từ đầu năm đến ngày thành lập đặc khu:

- Phần của Vũng tàu do Ty Tài chính Đồng nai tổng hợp

- Phần của Côn đảo do Ty Tài chính Hậu giang tổng hợp.

Sở Tài chính đặc khu lập Tổng quyết toán thu, chi ngân sách từ ngày thành lập đến cuối năm.

4/ Sau khi tổng hợp lập Tổng quyết toán thu, chi ngân sách địa phương, các Ty Sở Tài chính phải kiểm tra kỹ, đối soát để nắm vững số tồn quỹ và kết dư cuối năm của từng cấp ngân sách, phân biệt rõ phần gửi ở Ngân hàng tỉnh, thành phố và phần gửi ở Ngân hàng từng huyện cụ thể để đề nghị xử lý trong năm sau cho được sát, đúng. Đồng thời, phải đối chiếu kết quả thu chi so với kế hoạch, so với năm trước và so sánh giữa các đơn vị dự toán, giữa các huyện để đánh giá ưu khuyết điểm của từng đơn vị, từng huyện, trên cơ sở mà tiến hành thuyết minh, phân tích Tổng quyết toán thu, chi ngân sách gắn liền với kết quả các hoạt động kinh tế và hành chính sự nghiệp ở địa phương. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm tốt, những tồn tại trong công tác quản lý và kế toán Ngân sách Nhà nước ở địa phương. Đối với các huyện đã được phân cấp quản lý tài chính, phải phân tích, đánh giá những tiến bộ và tồn tại từ khi được phân cấp quản lý tài chính so với thời kỳ trước về các mặt quản lý kinh tế tài chính và công tác kế toán trên địa bàn huyện.

5/ Thời hạn gửi Tổng quyết toán ngân sách các cấp:

- Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện, Tổng quyết toán chi Ngân sách huyện và bảng cân đối tài khoản của huyện phải gửi về Ty, Sở Tài chính trước ngày 10/2/1980;

- Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố gửi về Bộ Tài chính trước ngày 29/2/1980;

- Tổng quyết toán chi bà bảng cân đối tài khoản Ngân sách địa phương gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/3/1980;

- Bảng thuyết minh, phân tích Tổng quyết toán thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố và Tổng quyết toán chi Ngân sách địa phương có kèm theo các mẫu số liệu cơ bản dùng làm căn cứ để thuyết minh, phân tích, gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30/4/1980.

Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các Sở, Ty Tài chính tổ chức hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc lập quyết toán ngân sách năm 1979 theo đúng chế độ của Nhà nước và đúng với những quy định trong Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có trở ngại, khó khăn, đề nghị phản ảnh cho Bộ Tài chính (Vụ Quản lý Ngân sách Nhà nước) để cùng nghiên cứu giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Thiện Thi

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.