• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1988
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/1999
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 33 TC/CN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 1 tháng 8 năm 1988

THÔNG TƯ

Về chế độ thu bù chênh lệch tỷ giá đối với các đơn vị kinh tế Việt Nam nhận thầu trực tiếp công tác dịch vụ với xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô

_____________________________

Do các tỷ giá ngoại tệ áp dụng đối với Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô thường là những tỷ giá phải đàm phán, thoả thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của 2 nước Việt Nam và Liên Xô, nên khi những mức tỷ giá tương ứng của hệ thống tỷ giá áp dụng trong kinh tế Việt Nam ở cùng thời điểm, thì không tránh khỏi phát sinh chênh lệch tỷ giá trong quan hệ thanh toán giữa XNLD dầu khí Việt Xô với các tổ chức kinh tế Việt Nam.

Bộ Tài chính qui định chế độ thu - bù chênh lệch tỷ giá trong thanh toán bằng đồng Việt Nam cho các đơn vị kinh tế  nhận thầu trực tiếp với XNLD dầu khí Việt Xô như sau:

1. Tất cả các đơn vị kinh tế Việt Nam nhận thầu xây dựng cơ bản, dịch vụ và  các loại hoạt động kinh tế khác trực tiếp với XNLD dầu khí Việt Xô đều phải trên cơ sở ký hợp đồng kinh tế với XNLD này. Giá cả tính theo giá trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế (nếu tính bằng Rúp chuyển nhượng), hoặc giá quốc tế của khu vực Đông Nam Á (nếu tính bằng đô la Mỹ) rồi chuyển đổi ra Rúp chuyển nhượng theo hệ số tỷ giá kết toán nội bộ và chuyển đổi ra đồng Việt Nam và Rúp chuyển nhượng qui định đối với XNLD dầu khí Việt Xô.

Trường hợp không có giá quốc tế, đơn giá thanh toán phải được xác định trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật, các chế độ tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp đang áp dụng với XNLD dầu khi theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí và có tích luỹ.

2. Nếu tỷ giá kết toán nội bộ thấp hơn tỷ giá áp dụng đối với XNLD dầu khí Việt Xô thì các đơn vị Việt Nam phải nộp ngân sách Nhà nước phần chênh lệch tỷ giá nói trên.

- Nếu tỷ giá kết toán nội bộ cao hơn tỷ giá áp dụng đối với XNLD dầu khí Việt Xô thì các đơn vị Việt Nam  được ngân sách Nhà nước cấp bù phần chênh lệch tỷ giá đó (các đơn vị thuộc cấp nào quản lý do ngân sách cấp đó xét duyệt và cấp bù).

- Trường hợp chi phí sản xuất thực tế trong nước cao hơn tỷ giá kết toán nội bộ do nguồn vật tư chủ yếu mua theo giá thoả thuận (lỗ về tỷ giá xuất khẩu) thì phải được sự thoả thuận  của cơ quan tài chính trên cơ sở phương án được cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt theo thể thức qui định.

3. Để đảm bảo thống nhất chế độ thanh toán kinh tế của các đơn vị kinh tế Việt Nam, doanh thu tiêu thụ của các đơn vị (phần nhận thầu trực tiếp với XNLD dầu khí Việt Xô) được xác định bằng doanh thu thực tế được XNLD dầu khí Việt Xô thanh toán cộng (+) số được ngân sách Nhà nước cấp bù hoặc trừ (-) số phải nộp ngân sách Nhà nước về chênh lệch tỷ giá nói ở điểm 2 trên đây.

4. Tỷ giá thanh toán giữa đồng Việt Nam và Rúp chuyển nhượng áp dụng đối với XNLD dầu khí Việt Xô sẽ do Bộ Tài chính thông báo cho các ngành và địa phương liên quan. Các đơn vị, ngành và địa phương phải kịp thời điều chỉnh lại hợp đồng kinh tế với XNLD dầu khí và số thu, bù chênh lệch tỷ giá gửi các cơ quan tài chính.

- Việc thu, bù chênh lệch tỷ giá và bù lỗ tỷ giá xuất khẩu phải được các ngành và địa phương ghi vào kế hoạch tài chính hàng quý, năm của ngành, địa phương và quyết toán với cơ quan tài chính theo chế độ hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/1988 ./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thiết Thạch

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.