• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 80/2016/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày 1 tháng 7 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của

Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012

của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt

_____________

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật các công cụ chuyển nhượng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 4 như sau:

“4. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là:

a) Tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.

5. Chủ tài khoản thanh toán (sau đây gọi là chủ tài khoản) là cá nhân đứng tên mở tài khoản đối với tài khoản của cá nhân hoặc là tổ chức mở tài khoản đối với tài khoản của tổ chức.

6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này.

8. Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.”

2. Bổ sung khoản 6 Điều 6 như sau:

“6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.”

3. Sửa đổi khoản 1 Điều 8 như sau:

“1. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khoản 4 Điều 55 Luật ngân sách nhà nước và các Điều 101, Điều 109, Điều 114, khoản 4d Điều 118, Điều 121 Luật các tổ chức tín dụng.”

4. Sửa đổi khoản 2 Điều 10 như sau:

“2. Người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.”

5. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 12 như sau:

“b) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.”

6. Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 12.

7. Sửa đổi khoản 3 Điều 14 như sau:

“3. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm: Dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.”

8. Sửa đổi, bổ sung điểm a, b, đ, e, g, h khoản 2 Điều 15 như sau:

“a) Có giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức, trong đó tối thiểu phải có các nội dung: Quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép; cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp; quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình cung ứng dịch vụ;

đ) Điều kiện về kỹ thuật: Có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; hệ thống kỹ thuật dự phòng xây dựng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố và tuân thủ các quy định khác về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng;

e) Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan;

g) Đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện chuyển mạch và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức;

h) Trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có hệ thống thông tin kế toán quản trị đảm bảo theo dõi riêng được nguồn vốn, tài sản và xác định được kết quả của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.”

9. Bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 15 như sau:

“3. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trừ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

4. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi cung ứng dịch vụ ví điện tử chịu sự quản lý và kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.”

10. Sửa đổi điểm đ, e khoản 2 Điều 16 như sau:

“đ) Hồ sơ về nhân sự: Sơ yếu lý lịch, bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

e) Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức (bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu).”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.