• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/01/2022
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 153/2021/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ, QUY TRÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KINH PHÍ HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP, CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP VÀ KẾ HOẠCH KINH PHÍ HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP TRONG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và kế hoạch kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của bảo hiểm xã hội; hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quân nhân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là người lao động).

2. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là người sử dụng lao động) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ hỗ trợ kinh phí từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Quy định viết tắt

- Bảo hiểm xã hội: BHXH;

- Bảo hiểm y tế: BHYT;

- Bảo hiểm thất nghiệp: BHTN;

- Tai nạn lao động: TNLĐ;

- Bệnh nghề nghiệp: BNN.

Điều 4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ

1. Hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc (theo quy định tại Điều 5 và Mẫu số 03, Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này); Hồ sơ hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (theo quy định tại Điều 9 và Mẫu số 09, Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) được lập thành 04 bộ, lưu tại BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; Tổng cục Kỹ thuật: 01 bộ; cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; cơ quan kỹ thuật cấp trung đoàn và tương đương: 01 bộ.

Riêng quyết định về việc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và quyết định về việc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Mẫu số 03, 04, 09 và Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) được lập thêm 01 bản để làm chứng từ thanh toán và lưu tại cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương (nơi thanh toán trực tiếp cho người sử dụng lao động).

2. Hồ sơ hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN (theo quy định tại Điều 7 và Mẫu số 05, Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) được lập thành 03 bộ, lưu tại BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ, Tổng cục Kỹ thuật hoặc Tổng cục Hậu cần: 01 bộ; cơ quan tài chính đơn vị trực tiếp thanh toán: 01 bộ.

Chương II

HỒ SƠ, QUY TRÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Mục 1. HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 5. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (sau đây viết gọn là Nghị định số 88/2020/NĐ-CP), cụ thể gồm:

1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

3. Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.

Điều 6. Quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

1. Đối với cơ quan kỹ thuật các đơn vị

a) Cơ quan kỹ thuật cấp trung đoàn và tương đương

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, kèm theo tệp tin (file) hồ sơ chuyển cơ quan kỹ thuật cấp trên;

- Nhận lại hồ sơ đã được giải quyết từ cơ quan kỹ thuật cấp trên để tổ chức thực hiện.

b) Cơ quan kỹ thuật cấp trên trung đoàn và tương đương

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc do cơ quan kỹ thuật cấp dưới chuyển đến, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ của cấp mình theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo file hồ sơ chuyển cơ quan kỹ thuật đơn vị cấp trên.

c) Cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc do cơ quan kỹ thuật cấp dưới chuyển đến, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ của cấp mình theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo file hồ sơ chuyển Tổng cục Kỹ thuật.

2. Đối với cơ quan tài chính các đơn vị

a) Cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương

- Chủ trì phối hợp với cơ quan kỹ thuật cùng cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN cùng với dự toán chi các chế độ BHXH gửi cơ quan tài chính cấp trên trung đoàn và tương đương cho đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp gửi BHXH Bộ Quốc phòng trước ngày 20 tháng 6 hằng năm;

- Khi nhận được hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp (được BHXH Bộ Quốc phòng quyết định hỗ trợ), thực hiện thanh quyết toán theo quy định. Hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH gửi cơ quan tài chính cấp trên trung đoàn và tương đương cho đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

b) Cơ quan tài chính cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Hằng quý, năm tiếp nhận báo cáo quyết toán (bao gồm cả nội dung thanh toán hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị TNLĐ, BNN) do cơ quan tài chính cấp trực thuộc chuyển đến, tổng hợp cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH để quyết toán với BHXH Bộ Quốc phòng.

3. Tổng cục Kỹ thuật

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chuyển đến, thẩm định hồ sơ, lập văn bản đề nghị kèm theo danh sách hỗ trợ, thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và chuyển BHXH Bộ Quốc phòng;

- Trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ, Tổng cục Kỹ thuật phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do cho đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng chuyển đến.

4. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị kèm theo danh sách hỗ trợ theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này do Tổng cục Kỹ thuật chuyển đến; BHXH Bộ Quốc phòng thẩm định, ra quyết định hỗ trợ, thực hiện theo Mẫu số 03, Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, chuyển Tổng cục Kỹ thuật, cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến cơ quan kỹ thuật cấp trung đoàn và tương đương; trường hợp không chi trả phải có văn bản gửi Tổng cục Kỹ thuật và nêu rõ lý do;

- Hằng quý, cấp kinh phí chi các chế độ BHXH (trong đó có kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị TNLĐ, BNN) cho các đơn vị và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

Mục 2. HỖ TRỢ ĐIỀU TRA LẠI CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP THEO YÊU CẦU CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 7. Hồ sơ đề nghị kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Hồ sơ đề nghị kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:

1. Văn bản của BHXH Bộ Quốc phòng đề nghị điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc BNN.

2. Quyết định thành lập đoàn điều tra TNLĐ hoặc BNN.

3. Biên bản điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc BNN.

4. Bản chính chứng từ thanh quyết toán chi phí cho việc điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quy trình và trách nhiệm đề nghị hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

a) Có văn bản đề nghị Tổng cục Kỹ thuật điều tra lại TNLĐ hoặc Tổng cục Hậu cần điều tra lại các trường hợp BNN;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, BHXH Bộ Quốc phòng ra quyết định hỗ trợ thực hiện theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, chuyển tới Tổng cục Kỹ thuật hoặc Tổng cục Hậu cần.

2. Tổng cục Kỹ thuật

a) Ra quyết định thành lập đoàn điều tra lại TNLĐ, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này gửi BHXH Bộ Quốc phòng, nhận lại hồ sơ từ BHXH Bộ Quốc phòng để thực hiện thanh, quyết toán theo quy định;

b) Giao Phòng Tài chính/Tổng cục Kỹ thuật phối hợp với Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động quân đội/Tổng cục Kỹ thuật lập dự toán hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ cùng với dự toán chi các chế độ BHXH gửi BHXH Bộ Quốc phòng; khi nhận được hồ sơ đề nghị và quyết định hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ thực hiện thanh quyết toán theo quy định; hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH gửi BHXH Bộ Quốc phòng.

3. Tổng cục Hậu cần

a) Ra quyết định thành lập đoàn điều tra lại BNN, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này gửi BHXH Bộ Quốc phòng, nhận lại hồ sơ từ BHXH Bộ Quốc phòng để thực hiện thanh, quyết toán theo quy định;

b) Giao cơ quan tài chính Cục Quân y/Tổng cục Hậu cần phối hợp với đoàn điều tra lại các trường hợp BNN, lập dự toán hỗ trợ kinh phí điều tra lại các trường hợp BNN cùng với dự toán chi các chế độ BHXH gửi Phòng Tài chính Tổng cục Hậu cần để tổng hợp gửi BHXH Bộ Quốc phòng; khi nhận được hồ sơ đề nghị và quyết định hỗ trợ kinh phí điều tra lại các trường hợp BNN thực hiện thanh quyết toán theo quy định; hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH gửi cơ quan tài chính cấp trên cho đến BHXH Bộ Quốc phòng.

Mục 3. HỖ TRỢ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 9. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:

1. Văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng về việc đề nghị hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện theo Mẫu số 07, Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao hồ sơ, chứng từ chứng minh việc tổ chức huấn luyện theo quy định của pháp luật và các chi phí thực tế có liên quan đến việc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng đề nghị hỗ trợ.

Điều 10. Quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Thực hiện như quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thực hiện tại Điều 6 Thông tư này; phần mẫu biểu thực hiện theo Mẫu số 07, 08, 09 và Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

KẾ HOẠCH KINH PHÍ HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP, CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 11. Nguyên tắc giao kế hoạch và sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Việc giao kế hoạch và sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro dựa trên nguyên tắc sau:

1. Cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, đề xuất kế hoạch hỗ trợ;

2. Ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ phòng ngừa rủi ro cho những ngành, lĩnh vực đặc thù trong Quân đội có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN;

3. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

Lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro và kinh phí quản lý về TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 37/2017/TT-BQP ngày 16 tháng 02 năm 2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quản lý thu chi BHXH bắt buộc trong Bộ Quốc phòng (Thông tư số 37/2017/TT-BQP).

Điều 13. Nguồn kinh phí bảo đảm

Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro TNLĐ, BNN quy định tại Thông tư này được bảo đảm từ nguồn kinh phí chi BHXH của Bộ Quốc phòng.

Chương IV

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ DOANH NGHIỆP

Điều 14. Trách nhiệm của Tổng cục Kỹ thuật

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN; bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN.

2. Thành lập đoàn điều tra lại TNLĐ theo đề nghị của BHXH Bộ Quốc phòng, gồm: Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động quân đội/Tổng cục Kỹ thuật (làm trưởng đoàn); Ban Công đoàn quốc phòng; Cục Quân y; Cục Chính sách; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng và các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị có vụ TNLĐ cung cấp đầy đủ hồ sơ cho đoàn điều tra lại TNLĐ.

4. Tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

5. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, căn cứ mục tiêu phòng, chống TNLĐ, BNN và các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ, có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch năm về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và triển khai các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Phê duyệt kế hoạch để các đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện.

6. Chủ trì, kiểm tra, giám sát, giải quyết việc thực hiện các khoản kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và điều tra lại các vụ TNLĐ theo quy định của Thông tư này.

7. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội việc triển khai các khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định của Thông tư này.

Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Hậu cần

1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN; bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN.

2. Thành lập đoàn điều tra lại BNN theo đề nghị của BHXH Bộ Quốc phòng, gồm: Thủ trưởng Cục Quân y (làm trưởng đoàn); Thủ trưởng Phòng Y học dự phòng/Cục Quân y; cán bộ Viện y học Dự phòng quân đội hoặc Viện y học Dự phòng quân đội Phía Nam/Cục Quân y; đại diện Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động quân đội/Tổng cục Kỹ thuật, BHXH Bộ Quốc phòng và các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị có vụ BNN cung cấp đầy đủ hồ sơ cho đoàn điều tra lại BNN.

4. Chủ trì, kiểm tra, giám sát, giải quyết việc thực hiện các khoản kinh phí hỗ trợ điều tra lại BNN theo quy định của Thông tư này.

5. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Điều 16. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

1. Kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động.

2. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu Tổng cục Kỹ thuật điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc Tổng cục Hậu cần điều tra lại các trường hợp BNN. Cử cán bộ chuyên môn tham gia đoàn điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN.

4. Ra quyết định hỗ trợ kinh phí: Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, điều tra lại TNLĐ, BNN; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Thông tư này.

5. Phối hợp giải quyết việc thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này.

6. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao dự toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro và kinh phí quản lý về TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 37/2017/TT-BQP; hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện BHXH về TNLĐ, BNN thực hiện theo Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp

1. Tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư này.

2. Lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN và chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Mẫu số 11 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện; đồng thời gửi BHXH Bộ Quốc phòng để theo dõi, quản lý và bảo đảm kinh phí hỗ trợ.

3. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động theo quy định của pháp luật.

4. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 01 năm 2022.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Lê Huy Vịnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.