• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 22/12/2006
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 17/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày 9 tháng 5 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chế độ điều dưỡng đối với
người có công với cách mạng

- Căn cứ Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

- Thực hiện Công văn số 6014/KGVX ngày 29/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung chính sách điều dưỡng người có công với cách mạng.

Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ điều dưỡng đối với người có công với cách mạng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐIỀU DƯỠNG:

1. Đối tượng được điều dưỡng mỗi năm một lần:

1.1. Người hoạt động cách mạng trước năm 1945.

1.2. Người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

1.3. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

1.4. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) và bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên đang an dưỡng tại gia đình.

1.5. Người có công giúp đỡ cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945 được tặng Bằng "có công với nước" đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

2. Đối tượng được điều dưỡng luân phiên:

2.1. Thân nhân liệt sĩ (kể cả thân nhân của 2 liệt sĩ) đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

2.2. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

2.3. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày nhiều năm sức khoẻ yếu hoặc người đã bị địch tuyên án tử hình.

2.4. Người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến già yếu cô đơn không nơi nương tựa, đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

II. PHƯƠNG THỨC, THỜI GIAN VÀ MỨC CHI:

1. Phương thức: Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao, các địa phương tổ chức đưa đối tượng đi điều dưỡng tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình.

2. Thời gian điều dưỡng tập trung: Thời gian 10 ngày (không kể thời gian đi và về).

3. Mức chi điều dưỡng:

3.1 Mức chi điều dưỡng tập trung: 800.000 đồng tính cho 01 người điều dưỡng 10 ngày; bao gồm:

- Tiền ăn sáng và 2 bữa chính: 500.000 đồng

- Thuốc bổ và thuốc bệnh thông thường: 50.000 đồng

- Quà tặng đối tượng khi về gia đình: 50.000 đồng

- Chi tiền điện, nước cho nhà nghỉ: 80.000 đồng

- Chi khác (gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh, nghe chuyện thời sự, văn nghệ, tham quan, chụp ảnh, báo chí, thể thao, phục hồi chức năng ...):120.000 đồng

Trong thời gian điều dưỡng tập trung nếu bị ốm đau đột xuất thì được giới thiệu đi khám và điều trị tại bệnh viện gần nhất theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành.

3.2 Mức chi điều dưỡng tại gia đình: 600.000 đồng/01 người.

Mức chi quy định tại điểm 3 này được thực hiện từ năm 2005.

III. NGUỒN KINH PHÍ CHI ĐIỀU DƯỠNG:

1. Kinh phí chi theo tiêu chuẩn điều dưỡng quy định tại điểm 3 phần II của Thông tư này do Ngân sách Nhà nước đảm bảo theo kế hoạch được thông báo hàng năm.

2. Kinh phí đưa đón và chi khác (nếu có) cho người đi điều dưỡng tập trung do Ngân sách địa phương cấp từ nguồn chi đảm bảo xã hội được giao hàng năm.

3. Kinh phí chi điều dưỡng được cấp phát, sử dụng, quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Hàng năm, căn cứ vào tổng mức kinh phí điều dưỡng được Nhà nước thông báo và thực tế đối tượng thuộc diện điều dưỡng của từng địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kinh phí và thông báo để các địa phương thực hiện.

Nghiêm cấm việc sử dụng kinh phí điều dưỡng vào các mục đích trái với quy định tại Thông tư này.

2. Căn cứ vào mức kinh phí điều dưỡng được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông báo và nhu cầu điều dưỡng của các đối tượng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định đối tượng được điều dưỡng quy định tại điểm 2 phần I Thông tư này.

Việc điều dưỡng tập trung đối với người có công với cách mạng được thực hiện chủ yếu tại các Trung tâm Điều dưỡng người có công thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Những địa phương do hoàn cảnh đặc biệt không thường xuyên đưa đón đối tượng điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thuộc ngành thì được tổ chức một số đợt điều dưỡng cho đối tượng tại các cơ sở điều dưỡng của ngành y tế hoặc của Liên đoàn lao động tại địa phương theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Ngoài phương thức tổ chức điều dưỡng tập trung, để phù hợp tình hình thương tật, bệnh tật và sức khoẻ của đối tượng, các địa phương được dùng một phần kinh phí để điều dưỡng tại gia đình theo mức chi điều dưỡng là 600.000 đồng/người . Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định và tổ chức việc thăm khám tại gia đình, cấp thuốc, hướng dẫn chế độ ăn phù hợp đảm bảo nâng cao sức khoẻ cho đối tượng được điều dưỡng tại gia đình.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo; thay thế Thông tư số 141/1999/TT-BTC ngày 7/12/1999 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện mức chi điều dưỡng đối với người có công với cách mạng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Huỳnh Thị Nhân

Nguyễn Đình Liêu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.