• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/03/2008
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 21/2008/TTLT- BQP-BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày 26 tháng 2 năm 2008

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2005 của Bộ Quốc phòng,  Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện  Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005  về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước

-------------------------------

 Căn cứ Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg) về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước (sau đây gọi tắt là Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg),  Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2005 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC) như sau: 

I. BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN TÍNH HƯỞNG CHẾ ĐỘ

1. Bổ sung đối tượng được hưởng chế độ

a) Bổ sung đối tượng hưởng chế độ một lần theo hướng dẫn tại điểm 1.1, khoản 1, Mục II, Phần I Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC, gồm:

- Hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội, công an tham gia chiến đấu và hoạt động tại chiến trường B, C, K trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến 30/4/1975, nhưng không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc;

- Cán bộ xã (phường) hoạt động ở miền Nam, trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến 30/4/1975.

b) Bổ sung đối tượng hưởng chế độ một lần theo hướng dẫn tại điểm 1.1, khoản 1, Mục III, Phần I Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC, gồm: Du kích thôn, ấp ở miền Nam trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến 30/4/1975 đã về gia đình, hiện không thuộc diện người đang công tác có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng chế độ hưu trí, bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng.

2. Bổ sung thời gian hưởng chế độ theo hướng dẫn tại điểm 2.1, khoản 2, Mục III Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC đối với dân quân tập trung trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước thuộc 07 xã giáp ranh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 (gồm các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh ô, Vĩnh Hà) và 05 xã nằm trong khu phi quân sự (gồm các xã: Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Hoà, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thuỷ) của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 cho đến khi giải thể về gia đình.

II. CÁCH TÍNH HƯỞNG CHẾ ĐỘ

Cách tính hưởng chế độ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 191/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC, nay bổ sung một số điểm sau:

1. Đối với đối tượng nêu tại khoản 1, 2 Mục I, nếu có thời gian đã được tính hưởng các chế độ một lần theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ hoặc Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì lấy tổng thời gian được hưởng chế độ trừ đi thời gian đã hưởng chế độ một lần trước đó (kể cả thời gian đã được làm tròn). Thời gian còn lại được tính theo mức hưởng quy định.

Ví dụ 1: ông Nguyễn Văn A, nhập ngũ tháng 4/1967 là hạ sỹ quan, chiến sỹ, đến tháng 9/1972 được bổ nhiệm B bậc phó; từ khi nhập ngũ đến 30/4/1975, ông chiến đấu ở chiến trường miền Nam, không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc. ông Nguyễn Văn A đã được tính hưởng chế độ một lần cho thời gian ông là người hưởng lương từ tháng 9/1972 đến 30/4/1975 là 2 năm 8 tháng (theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg).

Cách tính bổ sung hưởng chế độ một lần của ông Nguyễn Văn A theo quy định tại Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg như sau:

- Tổng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam từ tháng 4/1967 đến 30/4/1975 là 8 năm 1 tháng.

- Thời gian đã được tính hưởng chế độ một lần của người hưởng lương từ tháng 9/1972 đến tháng 4/1975 là 2 năm 8 tháng (đã được tính là 3 năm).

- Thời gian tính hưởng chế độ một lần còn lại là 5 năm 1 tháng (8 năm 1 tháng trừ đi 3 năm).

- Số tiền được hưởng là: 5 năm 1 tháng được tính là 5,5 năm x 500.000 đồng = 2.750.000 đồng (Hai triệu, bảy trăm, năm mươi nghìn đồng).

Ví dụ 2: ông Nguyễn Văn B, tham gia du kích thôn từ tháng 2/1957 đến 5/1962, từ tháng 6/1962 đến 10/1967 chuyển sang du kích xã tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. ông đã được tính hưởng chế độ của thời gian tham gia du kích xã từ tháng 6/1962 đến 10/1967 là 5 năm 5 tháng (theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg).

Cách tính bổ sung hưởng chế độ trợ cấp một lần của ông Nguyễn Văn B theo quy định tại Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg như sau:

- Tổng thời gian tham gia du kích từ tháng 2/1957 đến 10/1967 là 10 năm 9 tháng.

- Thời gian tham gia du kích xã đã được tính hưởng chế độ là 5 năm 5 tháng (đã được tính là 5,5 năm = 5 năm 6 tháng).

- Thời gian được tính hưởng chế độ một lần còn lại là 5 năm 3 tháng (10 năm 9 tháng trừ đi 5 năm 6 tháng).

- Số tiền được hưởng là: 5 năm 3 tháng được tính là 5, 5 năm x 400.000 đồng = 2.200.000 đồng (Hai triệu, hai trăm nghìn đồng).

Ví dụ 3: ông Trần Văn C, tham gia dân quân tập trung thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ tháng 6/1958 đến tháng 2/1971 về gia đình. ông đã được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần của thời gian tham gia dân quân tập trung từ tháng 8/1964 đến 2/1971 là 6 năm 7 tháng (theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg).

Cách tính bổ sung hưởng chế độ trợ cấp một lần của ông Trần Văn C theo quy định tại Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg như sau:

- Tổng thời gian tham gia dân quân tập trung chống Mỹ cứu nước từ tháng 6/1958 đến tháng 2/1971 là 12 năm 9 tháng.

- Thời gian đã được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần từ tháng 8/1964 đến 2/1971 (theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg) là 6 năm 7 tháng (đã được tính là 7 năm).

- Thời gian được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần còn lại là 5 năm 9 tháng (12 năm 9 tháng trừ đi 7 năm).

- Số tiền được hưởng là: 5 năm 9 tháng được tính là 6 năm x 400.000 đồng = 2.400.000 đồng (Hai triệu, bốn trăm nghìn đồng).

2. Trường hợp đối tượng có quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B, C, K vừa là dân quân, du kích; vừa là hạ sỹ quan, chiến sỹ, sĩ quan hoặc người hưởng lương; vừa là cán bộ xã (phường) hoặc thuộc hai loại đối tượng này trở lên, thì tính hưởng chế độ cho từng giai đoạn công tác theo mức hưởng tương ứng theo hướng dẫn tại Mục II, III, Phần I Thông tư số 191/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC. Cách tính cụ thể như sau:

- Phân thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ thành 2 nhóm: Nhóm thời gian tham gia dân quân, du kích và nhóm thời gian tham gia kháng chiến còn lại thuộc đối tượng hưởng chế độ B, C, K.

- Lấy tổng thời gian từng nhóm trừ đi thời gian đã tính hưởng chế độ trước đó theo loại đối tượng tương ứng theo cách tính tại khoản 1 nêu trên.

- Sau đó tính hưởng chế độ của thời gian còn lại theo từng nhóm và cộng dồn số tiền được hưởng.

3. Trường hợp, những người thuộc đối tượng hưởng chế độ B, C, K đã hy sinh, thời gian tính hưởng chế độ tương ứng với thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ.

III. HỒ SƠ THỦ TỤC, TRÌNH TỰ XÉT DUYỆT HƯỞNG CHẾ ĐỘ

Bổ sung một số điểm về hồ sơ, thủ tục, trình tự xét duyệt như sau:

1. Đối với đối tượng chỉ có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước là hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội, công an và cán bộ xã (phường) theo hướng dẫn tại khoản 1, 2 Mục I Thông tư này thì hồ sơ, thủ tục, quy trình xét duyệt thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.

2. Đối với những trường hợp thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP hoặc Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, đồng thời là đối tượng bổ sung theo quy định tại Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg mà nay mới lập hồ sơ để thực hiện chế độ thì hồ sơ, thủ tục, quy trình xét duyệt thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC. Khi lập hồ sơ kê khai toàn bộ thời gian được tính hưởng chế độ theo quy định.

Những trường hợp này, ở danh sách đối tượng (mẫu 9B, 9C kèm theo Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC) tại cột ghi chú phải ghi rõ số năm được tính hưởng chế độ một lần là du kích tập trung (mẫu 9B), hoặc số năm được tính hưởng chế độ B, C, K (mẫu số 9C).

3.  Đối với những trường hợp thuộc đối tượng đã được hưởng chế độ hoặc đã lập hồ sơ để hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP hoặc Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg nay được bổ sung hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg  thực hiện như sau:

a) Nếu đối tượng có thời gian công tác là hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội, công an và cán bộ xã (phường) thì lập hồ sơ bổ sung, gồm: Bản khai cá nhân (theo mẫu 2A-1) hoặc Bản khai thân nhân (theo mẫu 2B-1); bản phôtô Quyết định hưởng chế độ một lần theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP hoặc Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg (nếu đã được chi trả chế độ); tổng hợp danh sách bổ sung (theo mẫu 9B-1); quy trình xét duyệt và các văn bản khác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.

b) Nếu đối tượng có thời gian là du kích thôn, ấp thì lập hồ sơ bổ sung, gồm: Bản khai cá nhân (theo mẫu 3A-1) hoặc Bản khai thân nhân (theo mẫu 3B-1); bản phôtô Quyết định hưởng chế độ một lần theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP hoặc Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg (nếu đã được chi trả chế độ); tổng hợp danh sách bổ sung (theo mẫu 9C-1); quy trình xét duyệt và các văn bản khác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.

4. Trường hợp đối tượng có hồ sơ gốc đã chứng minh đầy đủ quá trình tham gia kháng chiến để tính hưởng chế độ theo quy định thì hồ sơ chỉ cần Bản khai cá nhân (hoặc Bản khai thân nhân); bản sao giấy tờ gốc có chứng nhận của Uỷ ban nhân xã (phường); văn bản đề nghị và danh sách tổng hợp của Uỷ ban nhân dân xã (phường).

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

Sửa đổi khoản 3, Mục V, Phần I Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC như sau:

1. Kinh phí chi cho công tác chi trả chế độ một lần đối với đối tượng B, C, K bằng 3%, các đối tượng còn lại bằng 4% trên tổng kinh phí chi trả chế độ một lần của đối tượng. Kinh phí cho công tác quản lý, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí thực hiện theo quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội.

2. Nội dung chi cho công tác chi trả chế độ một lần cho đối tượng bao gồm: Lệ phí chi trả trợ cấp cho đối tượng; xét duyệt, thẩm định hồ sơ; chi tuyên truyền, phổ biến chính sách; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; sơ kết, tổng kết; in ấn mẫu biểu, giấy tờ quản lý và mua sắm, sửa chữa nhỏ các trang bị, đồ dùng văn phòng phục vụ công tác chi trả. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bổ sung về trách nhiệm và trình tự thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn tại Phần III Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC như sau:

1. Trường hợp đối tượng có thời gian công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì căn cứ lĩnh vực công tác cuối cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ của người đó để thực hiện việc phân công xét duyệt, quyết định hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.

2. Đối với cán bộ xã (phường) hoạt động ở miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước quy định tại điểm a, khoản 1 Mục I Thông tư này, Ban Thường vụ tỉnh (thành) uỷ căn cứ chức danh của từng loại hình xã (phường) của địa phương trong kháng chiến, chỉ đạo các ban, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền xem xét, tổng hợp và quyết định từng trường hợp được hưởng chế đ�. Giao cho các cấp lập hồ sơ và thực hiện việc xét duyệt, quyết định hưởng chế độ theo hướng dẫn tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC và Thông tư này.

3. Các cấp cần tổ chức xét duyệt chặt chẽ, công khai từng đối tượng, đúng quy trình hướng dẫn tại Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC và Thông tư này; căn cứ kết quả xét duyệt các đợt trước đây để xác định rõ thời gian đã tính hưởng chế độ của đối tượng và tính thời gian hưởng bổ sung; đồng thời, lưu giữ danh sách để theo dõi, tránh trùng hưởng chế độ.

Đối với cấp thôn, ấp; xã (phường) khi tổ chức xét duyệt công khai mời đại diện những người cùng công tác nay sinh sống tại địa bàn và đại diện các đối tượng cùng lĩnh vực công tác đã được hưởng chế độ các đợt trước cùng dự.

Các trường hợp có hồ sơ gốc hoặc hồ sơ đã rõ xét duyệt trước; số chưa rõ tiếp tục xác minh, xét duyệt sau. Trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ thì trả lời cho đối tượng rõ.

4. Sửa đổi tiết d, điểm 1.4, khoản 1, Phần III Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC (về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) như sau: Ra quyết định hưởng chế độ một lần đối với các đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức, dân chính đảng, cán bộ xã (phường), thanh niên xung phong thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết.

5. Sửa đổi tiết e, điểm 1.4, khoản 1, Phần III Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC (về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) như sau: Tổng hợp danh sách và kinh phí thực hiện chế độ một lần gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định để gửi Bộ Tài chính cấp kinh phí; chỉ đạo chi trả chế độ cho đối tượng và thanh quyết toán tài chính theo chế độ hiện hành.

6. Sửa đổi khoản 3, Phần IV Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC (về trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) như sau: Chỉ đạo hệ thống ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xét duyệt, tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố) ra quyết định hưởng chế độ một lần, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí và chế độ hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với các đối tượng; thẩm định và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ đối với đối tượng do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý theo hướng dẫn trợ cấp kinh phí uỷ quyền đối với người có công với cách mạng.

7. Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định Quyết định hưởng chế độ một lần của các đơn vị, địa phương, tổng hợp đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí và tổng hợp quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

8. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về liên Bộ để xem xét, giải quyết./.  

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Văn Được

Bùi Hồng Lĩnh

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.