QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Qui trình vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến, huyện Núi Thành.
_______________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04/4/2001;
Căn cứ tiêu chuẩn ngành 14 TCN 156-2005 "Hệ thống công trình thuỷ lợi - Qui định về lập và ban hành qui trình vận hành hệ thống" của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 2456 QĐ/BNN-KHCN ngày 21/9/2005);
Xét Tờ trình số 356/ TT-CT ngày 18/8/2006 của Công ty KTCT thủy lợi Quảng Nam về việc đề nghị phê duyệt và ban hành Qui trình vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến - huyện Núi Thành;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam tại Công văn số 817/NN&PTNT ngày 17/8/2006 về việc báo cáo kết quả thẩm định Qui trình vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến - huyện Núi Thành.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Qui trình vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến, huyện Núi Thành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những Qui trình vận hành trước đây trái với Qui trình này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi; Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh; UBND huyện Núi Thành, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Ngọc Quang
|
QUY TRÌNH VẬN HÀNH
NHỊP THÔNG THUYỀN CẦU MÁNG TAM TIẾN HUYỆN NÚI THÀNH - TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2006/QĐ-ubnd ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
__________________________
Chương I
những Qui định chung
Điều 1. Mọi hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành khai thác và bảo vệ an toàn công trình cầu máng Tam Tiến đều phải tuân thủ:
1. Luật tài nguyên nước số 08/1998/QH10, Nghị định số 197/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ qui định việc thi hành Luật Tài nguyên nước.
2. Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 và Nghị đinh số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
3. Luật điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực.
4. Quyết định số 41/2001/QĐ-BCN ngày 30/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về an toàn điện nông thôn.
5. Các tiêu chuẩn, Qui phạm hiện hành
- TCVN 5556 - 1991 Thiết bị điện hạ áp. Yêu cầu chung về bảo vệ chống điện giật;
- TCVN 3145 - 79 Khí cụ đóng cắt mạch điện, điện áp đến 1000V. Yêu cầu an toàn;
- TCVN 4756 - 89 Qui phạm nối đất và nối không các thiết bị điện;
- TCVN 5588-1991 ủng cách điện và TCVN 5586-1992 Găng cách điện;
- 11 TCN 18,19,20,21-84 Quy phạm trang bị điện của Bộ điện lực (cũ).
Điều 2. Việc vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Đảm bảo an toàn công trình trong mọi trường hợp, đặc biệt là an toàn trong sử dụng điện và phòng chống cháy nỗ.
2. Khai thác hết công suất và năng lực thiết kế của công trình.
3. Chỉ được phép sử dụng công trình thuỷ nông và các thiết bị cơ điện vào mục đích cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo lưu thông tàu thuyền.
4. Công nhân vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến phải được đào tạo đúng chuyên môn, có văn bằng tốt nghiệp và đủ sức khoẻ, được sát hạch an toàn định kỳ và đảm bảo theo qui định. Công nhân mới ra trường phải qua thời gian tập sự ba tháng với sự kèm cặp của công nhân vận hành có tay nghề và kinh nghiệm.
Điều 3. Các thiết bị máy móc cơ, điện chỉ được phép vận hành theo đúng các điều kiện kỹ thuật qui định.
Điều 4. Nhân viên vận hành chịu trách nhiệm bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ các thiết bị cơ, điện và các hạng mục công trình thuộc phạm vi mình quản lý.
Điều 5. Trong thời gian nghỉ vận hành nhịp thông thuyền, phải có ít nhất một công nhân thường trực làm nhiệm vụ bảo vệ, bảo dưỡng, tiểu tu các thiết bị cơ, điện và công trình.
Điều 6. Hàng năm công nhân vận hành được bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề và thi nâng bậc theo chế độ của Nhà nước.
Chương II
ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT CẦN THIẾT
Điều 7. Các điều kiện kỹ thuật về thiết bị cơ, điện qui định như sau:
1. Các vôn kế, ampe kế, công tơ phải đủ và chính xác. Những đồng hồ đo đếm nào hỏng, không chính xác cần được thay thế, sửa chữa ngay.
2. Tại nơi trực cần có các văn bản và các dụng cụ cần thiết sau:
a/ Các văn bản:
- Qui trình vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến;
- Bản vẽ sơ đồ điện chính của nhịp thông thuyền;
- Bản vẽ cấu tạo cơ cấu truyền động và các yêu cầu kỹ thuật;
- Sổ vận hành máy, sổ theo dõi sửa chữa và sự cố cơ, điện công trình;
b/ Các dụng cụ cần thiết:
- Kìm cách điện, bút thử điện, mêgôm mét và bộ clê các loại;
- Tay quay trục chính hệ vít me để dự phòng vận hành khi mất điện.
3. Tiêu chuẩn cách điện của các thiết bị điện hạ thế đo bằng mêgômmet 500V qui định như sau:
a/ Động cơ điện: Rcđ ≥ 0,5MÙ ở nhiệt độ 700C;
b/ Khởi động từ, aptomat, cầu dao hộp sắt: Rcđ ≥ 10MÙ (đo giữa các bộ phận mang điện với nhau và với đất);
c/ Cáp điện Rcđ ≥ 10MÙ;
d/ Mạch nhị thứ Rcđ ≥ 1MÙ.
4. Cần có hệ thống ánh sáng làm việc và bảo vệ. Hệ thống ánh sáng an toàn 220V/12V-36V. Các ổ cắm điện 220V và 12-36V cần được lắp sẵn ở những nơi cần thiết.
Điều 8. Điều kiện kỹ thuật về an toàn điện cho thiết bị và người qui định như sau:
1. Tiêu chuẩn điện trở tiếp đất: Tiếp đất bảo vệ Rtđ ≤ 4Ù.
2. Các động cơ, tủ điện, bảng điện và các thiết bị điện khác phải được tiếp đất chắc chắn. Chỗ tiếp đất với các thiết bị được nối bằng bulông.
3. Tại nơi trực phải có găng tay cách điện và ủng cách điện.
Chương III
CÔNG TÁC KIỂM TRA ĐỊNH KỲ
I. tổ chức kiểm tra:
Điều 9. Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành chịu trách nhiệm kiểm tra cầu máng và nhịp thông thuyền trước và sau mỗi vụ sản xuất, lập văn bản gửi về Công ty KTCT thuỷ lợi Quảng Nam. Thành phần đoàn kiểm tra gồm:
- Giám đốc hoặc phó giám đốc xí nghiệp: Trưởng đoàn;
- Trưởng hoặc phó phòng kỹ thuật xí nghiệp: Thành viên;
- Cụm trưởng cụm quản lý công trình cầu máng: Thành viên;
- Nhân viên vận hành nhịp thông thuyền: Thành viên.
Điều 10. Khi nhịp thông thuyền bị sự cố lớn như: Động cơ điện bị cháy, bộ truyền động cơ khí hỏng không thể vận hành được, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành cần kiểm tra kịp thời, lập và gửi báo cáo về Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam. Thành phần đoàn kiểm tra như điều 9.
II. NộI dung kiểm tra:
Điều 11. Nội dung kiểm tra phần thiết bị cơ khí gồm:
1. Độ bắt chặt của các bulông bệ động cơ, các bulông định vị của 4 vít me trên thân nhịp thông thuyền.
2. Toàn bộ các ổ bi trong bộ truyền động cơ khí và trong động cơ.
3. Độ đồng tâm giữa trục động cơ và trục truyền động. Độ quay trơn tại khớp nối giữa chúng.
4. Kiểm tra độ đồng tâm của 4 trục vít me, độ vênh và lệch của nhịp thông thuyền cầu máng.
5. Kiểm tra độ kín nước tại 2 đầu nhịp thông thuyền và độ kín của cánh cửa điều tiết thượng lưu cầu máng Tam Tiến.
Điều 12. Nội dung kiểm tra phần thiết bị điện gồm:
1. Đối với bảng phân phối điện, tủ điện:
- Vệ sinh công nghiệp tủ điện, bảng điện;
- Các thiết bị đóng, ngắt điện và tình trạng cầu chì, dây chảy;
- Điện trở cách điện giữa các bộ phận kim loại và giữa bộ phận kim loại với đất;
- Độ chính xác của đồng hồ vôn, đồng hồ ampe và công tơ;
- Tình trạng lõi thép, cuộn dây và độ cách điện của các biến dòng;
- Tình trạng tiếp đất của tủ điện.
2. Đối với khởi động từ, áptomat, thiết bị khởi động và cầu dao hộp:
- Các tiếp điểm, má cầu dao, độ tiếp xúc đồng đều của 3 pha tiếp điểm. Cơ cấu truyền động, thao tác;
- Độ cách điện của các bộ phận tải điện.
3. Đối với cáp điện:
- Kiểm tra tình trạng vỏ cáp, lớp cách điện của cáp;
- Đo điện trở cách điện vỏ cáp;
- Các điểm nối đất an toàn của cáp.
4. Đối với động cơ điện:
- Kiểm tra dầu, mỡ bôi trơn ổ bi;
- Tình trạng tiếp đất của động cơ;
- Kiểm tra hộp đấu dây và đo điện trở cách điện của các bối dây.
Điều 13. Nội dung kiểm tra việc ghi chép sổ sách và bảo quản vật tư:
1. Việc ghi chép trong sổ vận hành, sổ theo dõi sự cố và sửa chữa.
2. Việc hoàn chỉnh, bổ sung và lưu trữ các hồ sơ, lý lịch công trình, thiết bị điện.
3. Công tác quản lý vật tư, thiết bị và các hạng mục công trình.
Chương IV
CHẾ ĐỘ VẬN HÀNH NHỊP THÔNG THUYỀN
I. lịch vận hành nhịp thông thuyền:
Điều 14. Qui định lịch vận hành nhịp thông thuyền hàng ngày như sau:
1. Phiên 1: Thời gian từ 02 giờ 00’ đến 04 giờ 00’;
2. Phiên 2: Thời gian từ 07 giờ 00’ đến 09 giờ 00’;
3. Phiên 3: Thời gian từ 11 giờ 00’ đến 12 giờ 00’;
4. Phiên 4: Thời gian từ 15 giờ 00’ đến 17 giờ 00’.
5. Để đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và giao thông bộ qua lại cầu máng Tam Tiến yêu cầu trong khoảng thời gian của 1 phiên vận hành, chỉ được vận hành nhịp thông thuyền tối đa là 1giờ.
II. Kiểm tra trước khi khởi động máy:
Điều 15. Trước khi khởi động máy, nhân viên vận hành phải kiểm tra các hạng mục công trình cơ, điện theo yêu cầu của các điều 16 và 17.
Thời gian kiểm tra ít nhất là nửa giờ trước khi khởi động máy.
Điều 16. Đối với hạng mục công trình và cơ khí:
1. Kiểm tra mực nước trên kênh phải đảm bảo an toàn trước khi đóng cửa điều tiết tại thượng lưu cầu máng.
2. Kiểm tra và đóng cửa điều tiết để không cho nước vào cầu máng.
3. Kiểm tra dầu, mỡ bôi trơn trên 4 vít me và tại các ổ bi của bộ truyền động.
4. Độ bắt chặt của các bulông bệ động cơ, các bulông định vị của 4 vít me trên thân nhịp thông thuyền.
5. Kiểm tra trục động cơ và bộ truyền động có quay nhẹ nhàng hay không.
Điều 17. Đối với phần điện:
1. Các thiết bị khởi động phải ở đúng vị trí ngắt điện và các tiếp điểm của chúng không bị cháy xờm, áp lực các lò xo đồng đều.
2. Vỏ động cơ và thiết bị điện phải tiếp đất tốt, điện trở tiếp đất phải nhỏ hơn 4Ù;
3. Điện trở cách điện của động cơ tối thiểu phải đạt 0,5 MÙ. Nếu không đạt phải sấy động cơ cho tới khi đạt trị số trên.
4. Dùng chỉnh mạch vôn tại tủ điện kiểm tra điện áp ba pha phải đủ và cân bằng, trị số điện áp đo được không sai lệch quá ± 5% điện áp định mức của động cơ điện.
III. Khởi động máy:
Điều 18. Khi khởi động máy phải đóng điện theo trình tự sau:
1. Đóng aptomát (AP2) ở tủ điện hạ thế.
2. Trường hợp vận hành nhịp thông thuyền đi lên:
- ấn nút đóng thuận màu xanh NĐ1 để khởi động động cơ điện. Lúc này đèn Đđ1 và đèn Đc2 sáng, báo hiệu khởi động từ K1 ở trạng thái làm việc và khởi động từ K2 ở trạng thái nghỉ;
- Theo dõi khi nhịp thông thuyền lên đến độ cao yêu cầu thì ấn nút cắt màu đỏ NC để dừng động cơ. Lúc này đèn Đc1 và đèn Đc2 sáng, báo hiệu cả 2 khởi động từ K1 và K2 đều ở trạng thái nghỉ.
3. Trường hợp vận hành nhịp thông thuyền đi xuống:
- ấn nút đóng nghịch màu xanh NĐ2 để khởi động động cơ điện. Lúc này đèn Đđ2 và đèn Đc1 sáng, báo hiệu khởi động từ K2 ở trạng thái làm việc và khởi động từ K1 ở trạng thái nghỉ;
- Theo dõi khi nhịp thông thuyền đi xuống cách vị trí yêu cầu 5 cm thì ấn nút cắt màu đỏ NC để dừng động cơ. Sau đó dùng tay quay để đưa máng vào đúng vị trí yêu cầu (tránh tình trạng va đập thân máng).
4. Trường hợp dừng nhịp thông thuyền giữa 2 chuyển động lên và xuống:
- Muốn thay đổi hướng chuyển động của nhịp thông thuyền tuyệt đối phải ấn nút cắt NC để dừng hẳn động cơ điện, sau đó muốn điều khiển nhịp thông thuyền đi lên thì ấn nút NĐ1 (đóng thuận) hoặc điều khiển nhịp thông thuyền đi xuống thì ấn nút NĐ2 (đóng nghịch);
- Khi nhịp thông thuyền đang chuyển động lên tuyệt đối không được ấn nút NĐ2 để điều khiển nhịp thông thuyền chuyển động xuống và ngược lại.
IV. theo dõi vận hành
Điều 19. Trong khi vận hành, công nhân vận hành phải theo dõi sự làm việc của các thiết bị cơ điện. Dòng điện và điện áp của thiết bị điện phải đạt các yêu cầu sau:
1. Trị số dòng điện ổn định, không được vượt quá trị số định mức của động cơ điện.
2. Điện áp của lưới điện ổn định, sai lệch không quá ± 5% trị số điện áp định mức của động cơ điện. Nếu công suất thực tế của động cơ điện dưới công suất định mức thì có thể cho phép chênh lệch điện áp tối đa đến 10% với điều kiện khi đó dòng điện stato không vượt quá định mức.
Điều 20. Yêu cầu đối với các rơle, côngtăctơ, aptomat, đèn tín hiệu như sau:
1. Không có tiếng kêu lạ.
2. các tiếp điểm tiếp xúc đều, chắc chắn, không bị rung và đánh lửa.
3. Đèn tín hiệu báo đúng với trạng thái làm việc, trạng thái nghỉ và sự cố của động cơ điện.
Điều 21. Yêu cầu đối với động cơ điện:
1. Quạt gió của động cơ làm việc bình thường.
2. các ổ bi làm việc êm, nhiệt độ không vượt quá 700C.
3. Dầu mỡ không bắn vào cuộn dây của Stato.
4. Nhiệt độ vỏ động cơ không vượt quá 700C.
5. các điểm đấu nối tại hộp đấu dây động cơ không đánh lửa.
Điều 22. Yêu cầu đối với nhịp thông thuyền và bộ truyền động:
1. Khi nhịp thông thuyền chuyển động lên và chuyển động xuống không bị rung lắc, 2 đầu nhịp thông thuyền phải chuyển động đều.
2. Bộ truyền động khi làm việc phải nhẹ nhàng, các ổ bi làm việc êm và nhiệt độ không vượt quá 700C.
3. Khi nhịp thông thuyền chuyển động xuống gần đến vị trí khớp nối khoảng 5 cm, phải kiểm tra độ lệch của nhịp thông thuyền để xử lý kịp thời. Trường hợp khi ấn nút cắt màu đỏ NC để dừng động cơ nhưng nút không có tác dụng (do hư hỏng) thì phải ngắt điện động cơ bằng aptomat.
Điều 23. Nếu xảy ra một trong những trường hợp sau, công nhân vận hành phải ngừng máy ngay:
1. Xảy ra tai nạn;
2. Động cơ điện bốc khói hoặc ngừng chạy;
3. Động cơ điện hoặc bộ truyền động bị rung động mạnh, có tiếng kêu lạ;
4. Vòng quay của động cơ bị giảm nhanh chóng;
5. Nhiệt độ của động cơ và các ổ bi vượt quá 700C;
6. Hai đầu nhịp thông thuyền chuyển động lên hoặc chuyển động xuống không đều;
7. Các trục truyền động của bộ truyền động bị cong vênh hoặc bị gãy;
8. Đang làm việc bị mất điện lưới hoặc điện áp các pha không cân bằng (phải ngắt điện động cơ bằng aptomat).
V. ngừng máy
Điều 24. Yêu cầu khi ngừng máy:
1. Khi nhịp thông thuyền chuyển động lên hoặc chuyển động xuống, muốn ngừng máy để thay đổi hướng chuyển động thì phải ấn nút cắt NC.
2. Khi hết phiên vận hành nhịp thông thuyền trước tiên phải ấn nút cắt NC, sau đó ngắt aptomát và khoá chắc cửa tủ điện.
VI. Chế độ ghi chép sổ sách
Điều 25. Công nhân vận hành nhịp thông thuyền chịu trách nhiệm ghi chép sổ vận hành, sổ theo dõi sự cố và sửa chữa sau mỗi phiên vận hành. Cần ghi đầy đủ, rõ ràng, kịp thời các số liệu kỹ thuật, những hiện tượng bất bình thường, những sự cố đột xuất, những việc đã xử lý, tồn tại và những trường hợp nghi vấn.
Chương V
BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA ĐỊNH KỲ
I. công tác bảo dưỡng:
Điều 26. Sau một phiên vận hành, phải tiến hành bảo dưỡng như sau:
1. Làm sạch tòan bộ thiết bị cơ, điện chính.
2. Xử lý các chỗ rò rỉ dầu và nước.
3. Xiết chặt các bulông, đai ốc ở các bộ phận máy bị rung.
4. Thu dọn đồ nghề quanh máy.
5. Kiểm tra cho thêm dầu, mỡ vào các ổ bi.
6. Ghi chép những hư hỏng chưa được xử lý vào sổ theo dõi sự cố và sửa chữa. Ghi chép các diễn biến về cơ điện và các thông số kỹ thuật trong phiên vận hành vào sổ vận hành.
II. Công tác sửa chữa:
Điều 27. Đối với bộ truyền động và các thiết bị cơ khí, cứ sau một năm vận hành, phải kiểm tra theo các nội dung sau:
1. Sửa chữa hoặc thay thế bánh răng, trục vít của các bộ phận truyền động.
2. Điều chỉnh độ đồng tâm của trục vít me, thanh răng và trục truyền động của bộ truyền động.
3. Thay dầu mỡ bôi trơn ổ bi, bánh răng, trục vít và thanh răng.
4. Thay các gioăng su làm kín nước bị hỏng.
5. Sơn chống gỉ cửa điều tiết và thân nhịp thông thuyền.
Điều 28. Đối với động cơ điện thời gian sửa chữa nhỏ và sửa chữa lớn như sau:
1. Cứ sau 600 - 800 giờ vận hành, cần sửa nhỏ một lần.
2. Cứ sau 8.000 - 10.000 giờ vận hành, cần sửa chữa lớn một lần.
Điều 29. Nội dung sửa chữa nhỏ động cơ điện gồm:
1. Lau sạch bụi bẩn bám vào động cơ.
2. Thay thế dầu mỡ bôi trơn ổ bi.
3. Xiết chặt các đầu nối dậy tại hộp đấu dây.
4. Xiết chặt các bulông, đai ốc trên động cơ và bệ máy.
5. Kiểm tra tình trạng tiếp đất của động cơ.
6. Đo điện trở cách điện.
7. Kiểm tra khe hở giữa stato và rôto.
Điều 30. Công tác sửa chữa lớn động cơ bao gồm các nội dung ở điều 29 và thêm các nội dung sau:
1. Tháo động cơ, rút rôto và làm vệ sinh công nghiệp.
2. Sơn cách điện và sấy cuộn dây stato.
3. Kiểm tra và thay ổ bi.
Điều 31. Nội dung sửa chữa khởi động từ bao gồm:
1. Kiểm tra và sửa chữa các đầu dây ra.
2. Kiểm tra buồng dập hồ quang, rơle nhiệt và nút ấn.
3. Đánh sạch các tiếp điểm, sửa chữa hoặc thay thế các tiếp điểm chính và phụ.
4. Đo điện trở cách điện cuộn dây.
Điều 32. Nội dung sửa chữa aptomat gồm:
1. Kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế các tiếp điểm không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
2. Kiểm tra tình trạng của lõi thép.
3. Kiểm tra và sửa chữa cơ cấu đóng ngắt.
4. Đo điện trở cách điện cuộn dây.
Điều 33. Cứ sau một năm vận hành, phải sửa chữa tủ điều khiển & khởi động một lần. Nội dung kiểm tra sửa chữa tủ bao gồm:
1. Xử lý các chỗ võ tủ không áp khít.
2. Xiết chặt các bulông, đai ốc trên tủ và các thiết bị bên trong tủ.
3. Đo điện trở cách điện giữa các phần mang điện và vỏ tủ.
4. Kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế các đồng hồ ampe, đồng hồ vôn và khoá chỉnh mạch vôn.
5. Kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế các đèn tín hiệu và các nút ấn.
Điều 34. Đối với dây điện, cáp điện:
1. Cứ sau một năm vận hành, cần sửa chữa nhỏ một lần.
2. Sau 10 năm vận hành, sửa chữa lớn dây điện, cáp điện một lần.
Điều 35. Nội dung sửa chữa nhỏ gồm:
1. Kiểm tra cột điện, các phểu điện, hộp nối dây, sửa lại đường dây bị võng quá mức.
2. Kiểm tra, xiết chặt bulông tại các điểm nối dây, tại hộp đấu dây động cơ điện và tại các đầu vào và đầu ra của các thiết bị điện.
3. Kiểm tra, sửa chữa cầu dao và thay thế cầu chì.
4. Kiểm tra tình trạng cáp điện và đo điện trở cách điện.
Điều 36. Công tác sửa chữa lớn cáp điện bao gồm các nội dung ở điều 35 và thêm các nội dung sau:
1. Thay thế các đoạn dây điện, cáp điện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
2. Kiểm tra và làm lại các hộp nối cáp.
3. Kiểm tra, thay thế các sứ cách điện trên đường dây đã bị hỏng.
Chương VI
BẢO VỆ VÀ AN TOÀN
Điều 37. Tại nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến phải có các biển báo với nội qui qui định:
1. Người không phận sự không được lên sàn công tác;
2. Phạm vi cấm đánh mìn cách công trình cầu máng là 100m;
Điều 38. - Những người không phải là công nhân vận hành hay cán bộ quản lý không được phép lên sàn công tác của nhịp thông thuyền;
- Khi nhịp thông thuyền đang họat động, tuyệt đối cấm người và phương tiện đi lại, lưu thông trên nhịp thông thuyền.
Điều 39. Nhịp thông thuyền phải sạch sẽ, ngăn nắp; Không được ngũ, nấu ăn và để các dụng cụ khác ngoài những thiết bị cơ điện đã qui định trên sàn công tác.
Điều 40. Khi vận hành, công nhân phải mặc quần áo bảo hộ lao động. Nữ công nhân hoặc không để tóc dài hoặc tết lại và đội mũ cẩn thận khi vận hành.
Điều 41. Tại nhịp thông thuyền phải trang bị đầy đủ các dụng cụ an toàn lao động như găng tay cách điện, ủng cách điện và bút thử điện... tất cả các dụng cụ cách điện phải được sử dụng, bảo quản tốt, phải để nơi khô ráo, không được tiếp xúc với dầu mỡ, đất cát.
Điều 42. Tại những nơi có điện phải treo biển “có điện nguy hiểm” hay nơi có người đang làm việc phải treo biển “cấm đóng điện”... Khi làm việc dưới nước phải sử dụng đèn có điện áp an toàn 36V, cấm sử dụng đèn 220V.
Điều 43. Cấm các tổ chức sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cấm sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp để bảo vệ tài sản cá nhân, bẫy chim, bẫy chuột, bảo vệ hoa màu hoặc phục vụ cho mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống, gây sự cố làm thiệt hại tài sản nhà nước, tài sản công dân.
Chương VII
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN
I. xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi núi thành:
Điều 44. Trách nhiệm:
1. Chịu trách nhiệm tổ chức vận hành an toàn công trình trong mọi trường hợp.
2. Thực hiện nghiêm chỉnh các qui định trong Qui trình này để vận hành nhịp thông thuyền đúng yêu cầu thiết kế và đảm bảo nhu cầu dùng nước của khu tưới. Trên cơ sở đảm bảo an toàn công trình và hiệu quả.
3. Tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương thực hiện đúng các qui định trong Qui trình này và tham gia bảo vệ an toàn công trình.
4. Khi xảy ra các tình huống như nêu tại điều 23 phải kịp thời báo cáo và thực hiện các quyết định của Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam.
5. Trong quá trình quản lý khai thác, hàng năm Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành phải tổng kết, đánh giá việc vận hành nhịp thông thuyền và thực hiện Qui trình này. Nếu thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung Qui trình thì báo cáo bằng văn bản lên Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam.
Điều 45. Quyền hạn:
1. Yêu cầu các cấp chính quyền, ngành liên quan và các địa phương trong hệ thống thực hiện Qui trình này.
2. Lập biên bản và báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý các hành vi ngăn cản, xâm hại đến việc thực hiện Qui trình này.
II. công ty khai thác công trình thuỷ lợi quảng nam:
Điều 46.
1. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Qui trình và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Qui trình theo thẩm quyền.
2. Quyết định giải pháp khẩn cấp đảm bảo an toàn công trình và phương án khắc phục hậu quả khi xảy ra các tình huống như qui định tại điều 23.
3. Tổng hợp các nội dung sửa đổi, bổ sung Qui trình theo đề nghị của Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành, trình Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam thẩm định.
III. sở nông nghiệp & ptnt quảng nam:
Điều 47.
1. Theo dõi và tạo điều kiện cho Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam thực hiện tốt Qui trình này;
2. Thẩm định nội dung sửa đổi, bổ sung Qui trình theo đề nghị của Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam, trình UBND tỉnh Quảng Nam quyết định.
IV. các cấp chính quyền, huyện Núi Thành:
Điều 48.
1. Nghiêm chỉnh thực hiện Qui trình này.
2. Ngăn chặn, xử lý và thông báo cho Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam những hành vi ngăn cản, xâm hại việc thực hiện qui trình này theo thẩm quyền.
V.Các hộ dùng nước và đơn vị hưởng lợi:
Điều 49.
1. Chấp hành triệt để lịch vận hành nhịp thông thuyền cầu máng Tam Tiến và lịch phân phối nước đã được Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành thông báo. Không tự ý vận hành công trình.
2. Hằng năm các hộ dùng nước phải ký hợp đồng dùng nước với Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Núi Thành để Xí nghiệp lập kế hoạch dùng nước hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế và an toàn công trình.
3. Các đơn vị và cá nhân có tàu thuyền qua lại, phải nộp lệ phí giao thông thuỷ theo qui định để đơn vị quản lý có điều kiện tổ chức vận hành công trình an toàn và hiệu quả.
Chương VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 50.
1. Mọi qui định về vận hành nhịp thông thuyền Cầu máng Tam Tiến trước đây trái với những qui định trong qui trình này đều bãi bỏ. Qui trình này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện Qui trình vận hành, nếu có nội dung cần sửa đổi bổ sung, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam phải tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam thẩm định, trình UBND tỉnh Quảng Nam Quyết định./.