QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy chế quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
__________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ qui định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Quyết định 649/2000/QĐ-BTS ngày 04/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Qui chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 12/2005/TTLT-BYT-BTS ngày 08/12/2005 của Bộ Y tế và Bộ Thủy sản hướng dẫn phân công, phối hợp quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Nam tại Tờ trình số 52/TTr- STS ngày 11 tháng 9 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Lê Minh Ánh
|
QUY CHẾ
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh QuảngN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
_________________________
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định nội dung quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản ( gọi tắt là VSATTP TS) trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thủy sản (sau đây gọi tắt là cơ sở) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong quy chế này các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Sản phẩm thủy sản: Là tất cả các loài động vật, thực vật sống trong nước và lưỡng cư kể cả trứng và những bộ phận của chúng được sử dụng làm thực phẩm hoặc thực phẩm phối chế mà thành phần của nó có chứa thủy sản.
2. Sản phẩm thủy sản sơ chế: Là sản phẩm thủy sản đã trải qua quá trình xử lý làm ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn về thể hình (như bỏ đầu, bỏ nội tạng, bóc vỏ, lột da, phi lê….) nhưng chưa làm thay đổi kết cấu tự nhiên của nguyên liệu thủy sản.
3. Sản phẩm thủy sản chế biến: Là sản phẩm thủy sản đã trải qua quá trình xử lý hóa học hoặc vật lý (như xử lý nhiệt, xông khói, ướp muối, khử nước, ngâm dấm, tẩm gia vị, tẩm bột, lên men…) hoặc một tổ hợp các quá trình này.
4. Cơ sở nuôi thủy sản: Là nơi có hoạt động trực tiếp nuôi các đối tượng thủy sản và do một tổ chức, cá nhân làm chủ.
- Vùng nuôi tôm tập trung: Là vùng nuôi tôm trên một diện tích từ 30 ha trở lên (không phân biệt địa giới hành chính), có cùng nguồn nước cấp; tôm được nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh.
5. Cơ sở thu mua thủy sản: Là một địa điểm cố định diễn ra các hoạt động mua gom, sơ chế, bảo quản nguyên liệu thủy sản để cung cấp cho thị trường hoặc các cơ sở chế biến.
6. Tàu cá: Là phương tiện thủy chuyên dùng để khai thác, thu gom, bảo quản, vận chuyển nguyên liệu thủy sản, có trang bị động cơ.
7. Bến cá: Là nơi diễn ra hoạt động bốc dỡ, vận chuyển thủy sản từ tàu cá lên bờ nhưng không có cầu tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá.
8. Cảng cá: Là công trình xây dựng chuyên dùng, được trang bị phương tiện để tiếp nhận, bốc dỡ, xử lý, bảo quản nguyên liệu thủy sản từ các tàu cá và cung ứng dịch vụ cho tàu cá.
9. Vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản: Là các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm sản phẩm thủy sản không gây hại cho sức khoẻ, tính mạng con người và môi trường xung quanh.
10. Phụ gia sản phẩm thủy sản: Là chất có hoặc không có giá trị dinh dưỡng được bổ sung vào sản phẩm thủy sản trong quá trình chế biến, xử lý, bảo quản, bao gói, vận chuyển sản phẩm thủy sản nhằm giữ nguyên hoặc cải thiện đặc tính nào đó của sản phẩm thủy sản.
11. Chất hỗ trợ chế biến thủy sản: Là chất được sử dụng trong quá trình chế biến thủy sản nhằm Hòan thiện công nghệ xử lý, chế biến thủy sản.
12. Sản xuất, kinh doanh thủy sản: Là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến, vận chuyển, buôn bán sản phẩm thủy sản.
13. Nước sạch: Nước đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế hoặc tiêu chuẩn của nước nhập khẩu đã được Bộ Thủy sản Chấp thuận.
14. Nước biển sạch: Nước biển không bị ô nhiễm hoặc đã được xử lý đảm bảo các yêu cầu vệ sinh như nước sạch.
15. GAP (Good Aquaculture Practices). Viết tắt là “Qui phạm thực hành nuôi tốt” là qui phạm thực hành để ứng dụng trong nuôi tôm được xây dựng dựa trên một số qui định tại Điều 9 của “Bộ Qui tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm” nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm.
16. CoC (Code of Conduct for Responsible Aquaculture) Viết tắt là “qui phạm nuôi có trách nhiệm” là qui phạm thực hành để ứng dụng trong nuôi tôm được xây dựng dựa trên các qui định tại Điều 9 – Phát triển nuôi trồng thủy sản - của “Bộ qui tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm” của FAO, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm nuôi, nâng cao tính cộng đồng và hiệu quả tổng hợp của nghề nuôi tôm.
Điều 3. Công tác quản lý nhà nước về VSATTP TS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bao gồm
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chính sách, qui hoạch, kế hoạch về VSATTP TS;
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật, các qui định và tiêu chuẩn về VSATTP TS;
- Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP TS;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP TS.
Điều 4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thủy sản phải chịu trách nhiệm về VSATTP của thủy sản, sản phẩm thủy sản do mình sản xuất, kinh doanh.
Điều 5. Nghiêm cấm các hành vi sau đây
1. Nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, buôn bán sản phẩm thủy sản trái với các qui định của Pháp luật.
2. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản
- Bị hư hỏng, biến chất, nhiễm bẩn có thể gây hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người, vật nuôi khác.
- Chứa chất độc hoặc nhiễm chất độc hại.
- Có vi sinh vật gây bệnh vượt quá mức qui định.
- Bị nhiễm bẩn do bao gói, đồ chứa đựng không sạch, bị vỡ, rách trong quá trình vận chuyển.
- Quá hạn sử dụng.
3. Sử dụng phương tiện bị ô nhiễm, không đảm bảo VSATTP để vận chuyển sản phẩm thủy sản.
4. Sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản bị cấm.
5. Thông tin, quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa sai sự thật hoặc có hành vi gian dối khác về VSATTP.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỶ SẢN
MỤC I. NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 6. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản (NTTS) phải đảm bảo các điều kiện sau
1. Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về NTTS, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn ngành nêu tại mục 1 phụ lục 1.
2. Các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về bảo vệ môi trường liên quan cơ sở NTTS được nêu tại mục 2 phụ lục 1.
Cơ sở nuôi tôm trong vùng nuôi tôm tập trung phải thực hiện các qui định tại Qui chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung được ban hành kèm theo Quyết định số 04/2002/QĐ-BTS ngày 24/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
3. Các cơ sở nuôi tôm phải áp dụng GAP, CoC theo lộ trình quy định tại Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Qui chế Quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn.
Điều 7. Việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y trong NTTS phải tuân thủ các quy định sau
- Phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Thủy sản công bố.
- Không chứa các chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định của Bộ Thủy sản và các quy định pháp luật hiện hành khác.
- Ngừng dùng thuốc kháng sinh cho động vật thủy sản nuôi thương phẩm trước thu hoạch ít nhất là 4 tuần.
Điều 8. Cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm phải tuân thủ các quy định sau
- Qui chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật nuôi ban hành kèm theo Quyết định số 15/2002/QĐ-BTS ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
- Đối với các cơ sở nuôi thủy sản theo hình thức bán thâm canh, thâm canh phải thực hiện việc kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP theo quy định tại Quyết định 649/2000/QĐ-BTS ngày 04/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP.
MỤC 2. KHAI THÁC THỦY SẢN
Điều 9. Tàu đánh bắt, xử lý, bảo quản và vận chuyển thủy sản dùng làm thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện VSATTP theo tiêu chuẩn ngành 28 TCN 135:1999 (Tàu cá - Điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm)
Điều 10. Các tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90cv trở lên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP theo quy định của Bộ Thủy sản.
Điều 11. Sử dụng hóa chất bảo quản thủy sản trên các tàu cá phải nằm trong danh mục hóa chất cho phép sử dụng của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Bộ Y Tế.
MỤC 3. CHẾ BIẾN SẢN PHẨM THỦY SẢN
Điều 12. Các cơ sở chế biến thủy sản phải đảm bảo các quy định sau
- Đảm bảo điều kiện VSATTP theo quy định tại các tiêu chuẩn ngành được nêu tại mục 1 phụ lục 2 của Quy chế này.
- Tuân thủ quy chế quản lý môi trường cơ sở chế biến thủy sản ban hành kèm theo Quyết định số 19/2002/QĐ-BTS ngày 18/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP theo quy định của Bộ Thủy sản.
- Phải đảm bảo tiêu chuẩn chất thải theo quy định tại các TCVN, TCN được nêu tại mục 2 phụ lục 2 của Quy chế này.
- Chỉ được phép sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong danh mục được phép sử dụng theo quy định của Bộ Thủy sản, Bộ Y tế và phải sử dụng đúng liều lượng, giới hạn quy định.
- Người lao động trực tiếp chế biến thủy sản không được mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế (có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền), phải định kỳ kiểm tra sức khoẻ (mỗi năm một lần) và phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết theo quy định.
Điều 13. Các cơ sở xây dựng mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó đưa ra các giải pháp xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường và chế độ giám sát môi trường. Báo cáo này phải được cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh phê duyệt. Trước khi đưa vào hoạt động sản xuất 15 ngày, cơ sở phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra và công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP.
Điều 14. Cơ sở chế biến thủy sản theo phương thức công nghiệp phải có ít nhất một cán bộ hoặc nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học về một trong các chuyên ngành công nghệ thực phẩm, chế biến thủy sản, sinh học, hóa sinh.
MỤC 4. THU MUA NGUYÊN LIỆU THỦY SẢN
Điều 15. Các cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản phải đảm bảo các quy định sau
- Đảm bảo điều kiện VSATTP theo tiêu chuẩn ngành 28TCN 164:2000 (Cơ sở thu mua thủy sản - Điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP theo quy định của Bộ Thủy sản.
- Chỉ được phép sử dụng hóa chất bảo quản nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001 của Bộ Y tế, tuyệt đối không được sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản trong bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản.
- Đảm bảo tiêu chuẩn chất thải để bảo vệ môi trường theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945 –1995 (Nước thải công nghiệp – Tiêu chuẩn nước thải).
MỤC 5. VẬN CHUYỂN SẢN PHẨM THỦY SẢN
Điều 16. Việc vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật thủy sản trên thị trường phải đảm bảo các quy định sau
- Động vật và sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện kiểm dịch phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát.
- Sản phẩm thủy sản thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa bắt buộc kiểm tra chất lượng được ban hành kèm theo Quyết định 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ phải được kiểm tra chất lượng theo quy định.
Điều 17. Quy định về yêu cầu vệ sinh đối với phương tiện vận chuyển
- Thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thủy sản phải được làm bằng vật liệu không chứa các chất độc hại, bề mặt nhẵn, dễ làm vệ sinh, không bị ngấm nước, không gỉ, không bị ăn mòn, chịu được tác động cọ rửa và sát trùng.
- Phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng dùng trong quá trình vận chuyển thủy sản phải được làm vệ sinh, khử trùng trước và sau mỗi chuyến vận chuyển.
- Trong quá trình vận chuyển thủy sản phải đảm bảo duy trì nhiệt độ bảo quản từ -10C đến +40C.
Điều 18. Các chất dùng để bảo quản thủy sản và dùng tẩy rửa, khử trùng phương tiện vận chuyển phải nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế và không thuộc danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng của Bộ Thủy sản.
MỤC 6. DỊCH VỤ HẬU CẦN NGHỀ CÁ
Điều 19. Nước đá dùng để phục vụ cho bảo quản, chế biến thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh:
- Sản xuất từ nước sạch hoặc nước biển sạch.
- Sản xuất hợp vệ sinh.
- Bảo quản, vận chuyển, phân phối và sử dụng hợp vệ sinh.
- Thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh. Chỉ tiêu vi sinh của nước đá phải đạt yêu cầu như đối với nước sạch dùng cho công nghiệp thực phẩm theo qui định của Bộ Y tế.
Điều 20. Các cơ sở sản xuất và phân phối nước đá có phục vụ cho bảo quản, chế biến thủy sản, các cảng cá, chợ cá phải đáp ứng các điều kiện về VSATTP theo tiêu chuẩn ngành 28 TCN 174:2002 (Cơ sở sản xuất nước đá thủy sản - Điều kiện đảm bảo VSATTP), 28TCN 163:2000 (Cảng cá - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm), 28 TCN 165:2000 (Chợ cá - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo VSATTP theo quy định của Bộ Thủy sản.
Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC KIỂM TRA, CÔNG NHẬN CƠ SỞ
ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VSATTP
Điều 21. Cơ quan kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (dưới đây gọi tắt là cơ quan kiểm tra) tại các địa phương là Chi cục Thủy sản Quảng Nam. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 22. Cơ quan công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (dưới đây gọi tắt là cơ quan công nhận) tại các địa phương là Sở Thủy sản Quảng Nam.
Sở Thủy sản công nhận các cơ sở do Cơ quan kiểm tra địa phương kiểm tra. Trong một số trường hợp cần thiết để tạo sự thuận lợi cho các cơ sở, Cơ quan công nhận có thể uỷ quyền cho Cơ quan kiểm tra thực hiện việc công nhận.
Điều 23. Trình tự, thủ tục kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP
1. Cơ sở phải lập và gởi 02 bộ hồ sơ cho Cơ quan kiểm tra khi đăng ký kiểm tra và công nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP.
2. Hồ sơ đăng ký
- Kiểm tra lần đầu bao gồm: Giấy đăng ký kiểm tra và báo cáo về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở.
- Kiểm tra lại bao gồm: Giấy đăng ký kiểm tra lại và báo cáo thay đổi điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc báo cáo khắc phục sai lỗi của cơ sở.
3. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải xem xét hồ sơ, hướng dẫn cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định. Nếu hồ sơ đăng ký phù hợp, cơ quan kiểm tra phải xác nhận đã nhận đủ hồ sơ, trong vòng 07 ngày làm việc phải thông báo cho cơ sở khoảng thời gian sẽ kiểm tra và trong vòng 30 ngày phải tiến hành kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở.
Điều 24. Trình tự và thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Đối với các Cơ sở đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra phải gởi hồ sơ cho cơ quan công nhận đề nghị công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm:
- Biên bản kiểm tra và các hồ sơ tài liệu liên quan kèm theo;
- Văn bản của Thủ trưởng cơ quan kiểm tra đề nghị công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP.
Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan công nhận thẩm tra hồ sơ; trường hợp cần thiết có thể thẩm tra lại điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ sở được đề nghị công nhận; nếu phù hợp, cơ quan công nhận phải ban hành Quyết định công nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp mã số cho cơ sở.
Điều 25. Các trường hợp chưa đủ điều kiện công nhận
Đối với các cơ sở được Đoàn kiểm tra kết luận không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải ra thông báo Cơ sở chưa đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông báo được làm thành 03 bản gửi: Cơ sở được kiểm tra, cơ quan công nhận cùng cấp và lưu hồ sơ của cơ quan kiểm tra.
Cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sau 02 lần kiểm tra liên tiếp, Cơ quan Kiểm tra gửi văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất của Cơ sở cho đến khi cơ sở được kiểm tra và công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 26. Thu hồi giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Khi cơ quan kiểm tra kết luận cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
b) Khi Cơ sở từ chối việc kiểm tra của cơ quan chức năng.
c)Cơ sở không hợp tác kiểm tra sau khi đã đề nghị hoãn kiểm tra 02 lần liên tiếp.
d) Cơ sở vi phạm các qui định về sử dụng mã số công nhận.
đ) Cơ sở vi phạm các qui định của Bộ Thủy sản về chương trình kiểm soát dư
lượng, tạp chất.
Điều 27. Cấp lại giấy chứng nhận
1. Sau khi khắc phục sai lỗi, các cơ sở phải đăng ký kiểm tra lại theo thủ tục quy định tại Điều 23 của Quy chế này.
2. Cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra lại theo quy định tại Chương III. Nếu cơ sở được xếp loại A hoặc B, cơ quan kiểm tra gửi văn bản đề nghị cơ quan công nhận ra quyết định công nhận cho cơ sở theo thủ tục quy định tại Điều 24.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN
Điều 28. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở
1. Trách nhiệm
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Quy chế này và theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm thủy sản do mình sản xuất, kinh doanh.
- Thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ theo quy định.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ kiểm tra và Thanh tra chuyên ngành khi làm việc tại cơ sở.
- Duy trì thường xuyên điều kiện đảm bảo VSATTP đã được công nhận.
- Thực hiện nghiêm túc việc sửa chữa các sai lỗi đã nêu trong biên bản kiểm tra và thông báo của Cơ quan Kiểm tra, Cơ quan công nhận.
- Nộp các khoản phí, lệ phí về VSATTP theo quy định.
2. Quyền hạn
- Đề xuất các biện pháp thực hiện công tác VSATTP nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tại địa phương.
- Có quyền khiếu nại đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền là trái pháp luật, trái với Quy chế này, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Mọi công dân đều có quyền tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế này của bất cứ, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Điều 29. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý
1. Sở Thủy sản
- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục kiến thức đảm bảo ATTP của các cơ sở thuộc phạm vi được phân công.
- Phối hợp với Sở Y Tế và các Sở, Ban, ngành liên quan tham gia hệ thống cảnh báo nhanh thực phẩm không an toàn.
- Phối hợp với các địa phương trong công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng các vùng nuôi an toàn, tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện GAP, CoC.
- Công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản và công bố danh sách các cơ sở được công nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện:
+ Việc kiểm soát VSATTP trong sản phẩm thủy sản cho tiêu dùng nội địa, trong nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển, quá trình chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
+ Kiểm tra, thanh tra (định kỳ, đột xuất) các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về VSATTP thủy sản.
2. Chi cục Thủy sản
Là cơ quan tham mưu giúp Sở Thủy sản quản lý nhà nước về VSATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện các quy định của ngành, của Tỉnh về VSATTP Thủy sản.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về VSATTP thủy sản cho nhân dân tại địa phương và đôn đốc, kiểm tra việc Chấp hành quy định tại các Cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
- Thực hiện việc kiểm tra và đề xuất Sở Thủy sản công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo VSATTP.
- Lưu trữ có hệ thống toàn bộ hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; cung cấp hồ sơ và giải trình đầy đủ, chính xác về kết quả kiểm tra khi Cơ quan công nhận cùng cấp hoặc Cơ quan kiểm tra Trung ương yêu cầu.
- Xây dựng các phương án và phối hợp tổ chức thực hiện việc kiểm soát VSATTP Thủy sản trong nuôi trồng, khai thác, thu mua, vận chuyển, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho tiêu dùng nội địa.
- Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền các biện pháp thực hiện quản lý VSATTP TS để cải thiện công tác này tại địa phương.
- Giải quyết các khiếu nại, tố cáo của cơ sở theo thẩm quyền.
- Có quyền cử người đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản nắm tình hình, lấy mẫu, thu thập các tài liệu cần thiết để đánh giá các điều kiện và các vấn đề khác có liên quan đến VSATTP tại cơ sở.
- Thu phí kiểm tra về VSATTP theo quy định.
3. Trung tâm Khuyến ngư và Phát triển giống thủy sản tỉnh
- Phổ biến kiến thức về VSATTP cho người nuôi, hướng dẫn áp dụng thực hiện GAP, CoC trong nuôi trồng thủy sản, các biện pháp sử dụng an toàn thuốc, hóa chất trong phòng, trị bệnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản.
- Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng cộng đồng, mô hình nuôi bền vững, đảm bảo VSATTP để khuyến khích người nuôi trồng thủy sản áp dụng rộng rãi.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (cơ quan quản lý tại địa phương)
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan chỉ đạo thực hiện công tác quản lý VSATTP Thủy sản tại địa phương.
- Chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo các hoạt động đảm bảo VSATTP Thủy sản trên địa bàn trong suốt quá trình sản xuất từ nuôi trồng, khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Chỉ đạo tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về VSATTP Thủy sản. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về VSATTP Thủy sản trên địa bàn.
- Chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương xây dựng vùng sản xuất thủy sản an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, giám sát việc đảm bảo VSATTP Thủy sản tại địa phương.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 30. Các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp hiệu quả vào việc quản lý VSATTP thủy sản hoặc có công phát hiện vi phạm pháp luật về VSATTP được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 31. Các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ mà xử lý bằng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 32. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có những vấn đề mới phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Thủy sản để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.