• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
CHÍNH PHỦ
Số: 30/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 11 tháng 3 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
đo đạc và bản đồ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 về hoạt động đo đạc và bản đồ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

2. Vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động đo đạc và bản đồ do tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm mà không phải là tội phạm nhưng theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác, không quy định tại Nghị định này mà có liên quan đến lĩnh vực xuất bản và phát hành các sản phẩm bản đồ thì thực hiện xử phạt hành chính theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam đều bị xử phạt như tổ chức, cá nhân Việt Nam, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng theo quy định của các Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 3 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt, nhưng bị áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị định này để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 4. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 69 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó.

Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 6. Các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Mức quy định phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ là 100.000.000 đồng.

3. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ;

b) Tịch thu trang thiết bị, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

4. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý sử dụng công trình đo đạc và bản đồ;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc hủy bỏ sản phẩm đo đạc và bản đồ mà pháp luật Việt Nam cấm;

d) Buộc hủy bỏ sản phẩm, thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

đ) Buộc cung cấp thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ đúng quy định;

e) Buộc thực hiện đúng quy định về kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; về trao đổi quốc tế, kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm, thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ.

Điều 7. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền

Khi xử phạt bằng hình thức phạt tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định tại Nghị định này đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể giảm thấp hơn nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; đối với vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng cao hơn nhưng không được cao hơn mức tối đa của khung tiền phạt.

CHƯƠNG II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG
ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Điều 8. Vi phạm các quy định về thi công các công trình đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện việc kiểm định, kiểm nghiệm thiết bị máy móc thuộc diện phải kiểm định, kiểm nghiệm trước khi đưa vào sử dụng;

b) Sử dụng thiết bị, máy móc không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để thi công công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công công trình đo đạc và bản đồ khi chưa có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Thi công không đúng thiết kế kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Huỷ bỏ sản phẩm đã thi công đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 9. Vi phạm các quy định về đăng ký, cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đã hết thời hạn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện các hoạt động đo đạc và bản đồ không có đăng ký theo quy định hoặc giả mạo, gian dối trong việc đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo, gian dối trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hoạt động đo đạc và bản đồ không có giấy phép theo quy định hoặc không đúng với nội dung của giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sửa đổi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức được cấp.

6. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời hạn một năm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Huỷ bỏ sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều này.

Điều 10. Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ và sử dụng các công trình đo đạc

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không báo cáo với cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn khi sử dụng điểm đo đạc cơ sở hoặc điểm gốc đo đạc quốc gia;

b) Chủ sử dụng đất, chủ sở hữu công trình hoặc chủ quản lý công trình nơi có dấu mốc đo đạc (điểm đo đạc cơ sở hoặc điểm gốc đo đạc quốc gia) không báo cáo với cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn khi xây dựng hoặc cải tạo các công trình mà có ảnh hưởng đến điểm mốc đo đạc nói trên;

c) Không khôi phục lại tình trạng ban đầu sau khi sử dụng điểm đo đạc cơ sở hoặc điểm gốc đo đạc quốc gia.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi dịch chuyển, xâm hại điểm đo đạc cơ sở hoặc điểm đo đạc quốc gia.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dịch chuyển, xâm hại điểm gốc đo đạc quốc gia;

b) Làm hư hỏng các thiết bị của trạm kiểm nghiệm thiết bị đo đạc.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 11. Cản trở nhân viên đo đạc và bản đồ thực hiện công vụ

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở nhân viên đo đạc và bản đồ thực hiện công vụ.

Điều 12. Giả mạo số liệu đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo giá trị đo của các tham số không phải là đại lượng đo chính.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo giá trị đo của các đại lượng đo chính làm sai lệch kết quả đo đạc và bản đồ.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời hạn một năm hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc hủy bỏ sản phẩm đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 13. Vi phạm các quy định về quản lý chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định về việc xác nhận chất lượng trên sản phẩm đã hoàn thành.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ không bảo đảm đầy đủ các hạng mục theo quy định;

b) Giao việc kiểm tra chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ cho cán bộ không đạt các yêu cầu về trình độ chuyên môn;

c) Sử dụng phương tiện thiết bị kiểm tra chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ không đạt yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện đúng quy định về kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Buộc hủy kết quả kiểm tra đối với hành vi vi phạm điểm b và c khoản 2 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo trong quá trình thi công công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không báo cáo trong quá trình thi công công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo kịp thời những phát sinh trong quá trình thi công.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Hủy bỏ sản phẩm phát sinh đã thi công đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Vi phạm các quy định thanh tra, kiểm tra hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi từ chối cung cấp thông tin liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra hoạt động đo đạc và bản đồ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở thanh tra, kiểm tra hoạt động đo đạc và bản đồ.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời hạn một năm hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 16. Vi phạm các quy định về cung cấp và khai thác sử dụng thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ không đúng thẩm quyền;

b) Sử dụng thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ không rõ nguồn gốc.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cung cấp thông tin, tư liệu đúng quy định và chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quyền sở hữu thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 18. Vi phạm các quy định về trao đổi quốc tế thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trao đổi với tổ chức, cá nhân nước ngoài thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ ghi không đúng về địa giới hành chính các cấp và địa danh của Việt Nam;

b) Mang vào Việt Nam các thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ ghi không đúng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo, quần đảo trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đối với các địa danh khác trên lãnh thổ Việt Nam nhằm mục đích tuyên truyền.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh xuất, nhập khẩu thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ ghi không đúng về địa giới hành chính các cấp và địa danh.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi quốc tế các thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ ghi không đúng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo, quần đảo trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đối với các địa danh khác trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh xuất, nhập khẩu thông tin, tư liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ ghi không đúng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo, quần đảo trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đối với các địa danh khác trên lãnh thổ Việt Nam.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện đúng quy định về trao đổi quốc tế, kinh doanh xuất, nhập khẩu sản phẩm, thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

CHƯƠNG III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, trang thiết bị, phương tiện đã sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại điểm a và d khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ;

d) Tịch thu tang vật, trang thiết bị, phương tiện đã sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại điểm a, b và d khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ;

d) Tịch thu tang vật, trang thiết bị, phương tiện đã sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

Điều 20. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ của Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường

1. Thanh tra viên Tài nguyên và Môi trường đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, trang thiết bị, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại điểm a, b và d khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ;

d) Tịch thu tang vật, trang thiết bị, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại điểm a, b và d khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ;

d) Tịch thu tang vật, trang thiết bị, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại điểm a, b và d khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

Điều 21. ủy quyền và nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 14 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 13 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 22. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Thủ tục, trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Các vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt tiền phải nộp tiền theo quy định tại Điều 54 và Điều 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

4. Khi áp dụng hình thức tịch thu tài liệu đo đạc bản đồ, tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền phải thực hiện đúng quy định tại Điều 60 và khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 23. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định xử phạt của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn quy định. Nếu tổ chức, cá nhân bị xử phạt không thi hành quyết định xử phạt hoặc trốn tránh thi hành quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ, cơ quan, người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 24. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt của cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ trái với pháp luật.

3. Thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 118 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 25. Xử lý đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động đo đạc và bản đồ

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ mà sách nhiễu, dung túng, bao che cho người vi phạm, không xử phạt hoặc xử phạt không đúng mức, xử phạt vượt thẩm quyền, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Xử lý vi phạm đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính

Người bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.