• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/05/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 24/09/1993
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 139/CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 24 tháng 5 năm 1989

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 139/CT NGÀY 24-5-1989

VỀ VIỆC CHO PHÉP CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH,

TẬP THỂ, HỘ KINH TẾ CÁ THỂ KINH DOANH VÀNG BẠC, ĐÁ QUÝ

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Tiếp theo Quyết định số 193-HĐBT ngày 23-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về kinh doanh thương mại và dịch vụ ở thị trường trong nước;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mở rộng kinh doanh vàng bạc, đá quý để đáp ứng nhu cầu của xã hội; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức việc quản lý khai thác, thu mua vàng và kinh doanh vàng bạc, đá quý trên từng địa bàn.

Ngoài hệ thống kinh doanh vàng, bạc của Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị kinh tế quốc doanh khác của một số ngành sản xuất kinh doanh có liên quan chặt chẽ đến khai thác, chế biến vàng bạc, nếu có đủ các điều kiện quy định tại điều 4 và 5 dưới đây và xét cần thiết cũng được phép kinh doanh vàng bạc.

Điều 2. - Nhà nước cho phép các đơn vị kinh tế tập thể, hộ kinh tế cá thể được kinh doanh vàng bạc, đá quý ở những nơi tập trung dân cư thực sự có nhu cầu và theo đúng các quy định nói tại Quyết định này.

Điều 3.- Các đơn vị kinh tế kinh doanh vàng bạc được mua bán, gia công sửa chữa, làm mới các tư trang bằng vàng bạc ở trong nước theo sự hướng dẫn và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 4.- Các dơn vị kinh tế kinh doanh vàng bạc phải có đủ điều kiện sau đây:

- Phải có vốn bằng hiện kim tối thiểu theo quy định.

- Ký quỹ một phần vốn bằng hiện kim ở Ngân hàng.

- Có chuyên môn kỹ thuật.

- Có cửa hàng (cửa hiệu) địa chỉ rõ ràng.

- Có giấy phép kinh doanh vàng bạc do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 5.- Các đơn vị kinh tế kinh doanh vàng bạc phải thực hiện mua bán có hoá đơn, có sổ sách kế toán theo quy định của Bộ Tài chính; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thuế, pháp luật hiện hành; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Các trường hợp vi phạm những quy định trên đây, tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ đều bị phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh, tịch thu tang vật hoặc truy tố trước pháp luật.

Điều 6.- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vàng bạc, quy định vốn bằng hiện kim, mức ký quỹ, nhận ký quỹ vốn hiện kim, kiểm tra nội dung hoạt động kinh doanh, phương tiện cân đo, sổ sách kế toán, ký mã hiệu và chất lượng hàng hoá... của các đơn vị kinh doanh vàng bạc.

Điều 7.- Từ nay các đơn vị và cá nhân không có giấy phép kinh doanh vàng bạc do Ngân sách Nhà nước cấp, không được tiếp tục kinh doanh, nếu vẫn tiếp tục kinh doanh sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính về các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và xử lý các vi phạm theo pháp luật hiện hành.

Điều 8.- Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ tướng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể để thi hành.

 

 

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.