• Hiệu lực: Ngưng hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/04/1984
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 31 tháng 3 năm 1984

 

 

 

 

PHÁP LỆNH

BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ,

VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Để bảo vệ và sử dụng có hiệu quả di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trong việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc, nâng cao kiến thức, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và văn hoá của nhân dân, xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, làm giàu đẹp kho tàng di sản văn hoá dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá thế giới;

Để tạo điều kiện đảm bảo vệ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ tập thể trong việc bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh;

Để đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trong việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh;

Căn cứ vào Điều 46 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Pháp lệnh này quy định việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Di tích lịch sử, văn hoá là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật cũng như có giá trị văn hoá khác hoặc có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá, xã hội.

Danh lam, thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên có cảnh đẹp hoặc có công trình xây dựng cổ, đẹp nổi tiếng.

Mọi di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đều được Nhà nước bảo vệ.

Điều 2

Nhà nước thống nhất quản lý các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh. Việc quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh gồm:

1- Kiểm kê, đăng ký, công nhận và xác định các loại hình di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

2- Quy định chế độ bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh và tổ chức việc thực hiện các chế độ đó.

3- Thanh tra việc thi hành những quy định của pháp luật về việc bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Hội đồng bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trong cả nước.

Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Bộ Văn hoá và các cơ quan văn hoá thuộc hệ thống Bộ này tại các địa phương là những cơ quan giúp Hội đồng bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Điều 3

Di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân được Nhà nước bảo hộ.

Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ tập thể hoặc cá nhân là chủ sở hữu trong việc bảo quản và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá của mình.

Việc ký gửi, tặng di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân cho Nhà nước được khuyến khích.

Khi chuyển quyền sở hữu di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân, người chủ phải báo trước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải báo kịp thời với Sở văn hoá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương.

Trong trường hợp người chủ muốn bán di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu của mình thì Nhà nước được quyền mua ưu tiên.

Điều 4

Nghiêm cấm việc làm hư hại, tiêu huỷ, chiếm giữ trái phép di tích lịch sử, văn hoá hoặc danh lam, thắng cảnh.

Nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán trái phép di tích lịch sử, văn hoá.

Điều 5

Di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh phải được sử dụng vào việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc, phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến khoa học, nghệ thuật và tham quan du lịch.

Điều 6

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, mọi công dân có nghĩa vụ bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh, chấp hành các chế độ, quy định của Nhà nước về di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

 

CHƯƠNG II

VIỆC CÔNG NHẬN DI TÍCH LỊCH SỬ,

VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Điều 7

Mọi đối tượng có dấu hiệu như quy định ở Điều 1 của Pháp lệnh này đều phải được đăng ký theo thể thức do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 8

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương chịu trách nhiệm tổ chức việc đăng ký các đối tượng có dấu hiệu như quy định ở Điều 1 của Pháp lệnh này tại địa phương mình và lập hồ sơ đề nghị công nhận.

Căn cứ vào đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương, Bộ trưởng Bộ văn hoá ra quyết định công nhận di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Việc đăng ký những đối tượng có dấu hiệu như quy định ở Điều 1, khoản 1 của Pháp lệnh này thuộc các bảo tàng, thư viện, cơ quan lưu trữ tiến hành theo chế độ do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 9

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có nhiệm vụ kê khai những đối tượng có dấu hiệu như quy định ở Điều 1 của Pháp lệnh này thuộc quyền sử dụng hoặc sở hữu của mình với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương.

Điều 10

Người phát hiện những đối tượng có dấu hiệu như quy định ở Điều 1, khoản 1 của Pháp lệnh này có trách nhiệm bảo vệ nguyên trạng và báo cáo với cơ quan quản lý di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Điều 11

Việc xoá tên một di tích lịch sử, văn hoá hoặc danh lam, thắng cảnh trong sổ danh mục do Bộ trưởng Bộ Văn hoá quyết định.

 

CHƯƠNG III

VIỆC BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ,

VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Điều 12

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương có trách nhiệm quản lý các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh tại địa phương mình.

Điều 13

Những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đặc biệt quan trọng được bảo vệ và sử dụng theo chế độ đặc biệt do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 14

Tổ chức và cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc trực tiếp bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh, tập thể và cá nhân là chủ sở hữu di tích lịch sử, văn hoá có nghĩa vụ bảo quản thường xuyên di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh theo những quy định về bảo tồn của Nhà nước.

Khi di tích lịch sử, văn hoá hoặc danh lam, thắng cảnh có nguy cơ bị hư hại, người chủ sử dụng hoặc sở hữu, tổ chức, cá nhân trực tiếp bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá hoặc danh lam, thắng cảnh đó có nhiệm vụ tiến hành những biện pháp bảo vệ cấp thiết và phải báo ngay với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết để giúp đỡ và báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

Điều 15

Mỗi di tích lịch sử, văn hoá là bất động sản và danh lam, thắng cảnh có từ một đến ba khu vực bảo vệ:

- Khu vực I là khu vực phải được bảo vệ nguyên trạng.

- Khu vực II là khu vực bao quanh khu vực I được phép xây dựng những công trình nhằm mục đích tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

- Khu vực III là khung cảnh thiên nhiên của di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Các khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh được xác định theo chế độ do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hoá.

Điều 16

Những đối tượng có dấu hiệu như quy định ở Điều 1 của Pháp lệnh này đang trong thời gian nghiên cứu để công nhận đều được bảo vệ theo Pháp lệnh này.

Điều 17

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân, khi lập đề án xây dựng, cải tạo các công trình kinh tế, văn hoá, quốc phòng, hoặc các công trình khác có liên quan đến di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ văn hoá. Trong trường hợp không được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, chủ công trình xây dựng có quyền kiến nghị lên Hội đồng bộ trưởng.

Điều 18

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quyết định quy hoặc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh do mình quản lý.

Đề án tu bổ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh do Bộ trưởng Bộ Văn hoá duyệt.

Hội đồng bộ trưởng quyết định quy hoạch và đề án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đặc biệt quan trọng.

Việc tu bổ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh phải bảo đảm nguyên trạng và tăng cường sự bền vững của di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Nhà nước khuyến khích việc đóng góp tự nguyện của nhân dân vào việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Điều 19

Việc thăm dò và khai quật khảo cổ học chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép. Việc cấp giấy phép do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 20

Việc giao các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh thuộc sở hữu Nhà nước cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân để sử dụng vào các mục đích quy định ở Điều 5 của Pháp lệnh này, do Hội đồng bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quyết định theo quy định của pháp luật.

Những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh thuộc sở hữu Nhà nước không được sử dụng đúng quy định của pháp luật thì có thể bị thu hồi.

Điều 21

Việc sử dụng di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu và bảo đảm lợi ích của Nhà nước và xã hội.

Khi cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước có thể trưng dụng trong một thời gian nhất định di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc sở hữu cá nhân, theo quy định của pháp luật.

Tập thể, cá nhân không bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật thì những di tích lịch sử, văn hoá đó có thể bị trưng mua theo quy định của pháp luật.

Điều 22

Người sưu tập di tích lịch sử, văn hoá phải có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hoá.

Điều 23

Cấm mang di tích lịch sử, văn hoá ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 24

Những di tích lịch sử, văn hoá là tài liệu lưu trữ quốc gia thì được bảo vệ và quản lý theo Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia.

 

CHƯƠNG IV

VIỆC KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 25

Tập thể, cá nhân nào có sáng kiến, phát hiện hoặc có công trình nghiên cứu khoa học làm phong phú kho tàng di tịch lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh, có thành tích trong việc bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Người tặng di tích lịch sử, văn hoá cho Nhà nước được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 26

Người nào vi phạm những điều quy định trong Pháp lệnh này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Người nào gây thiệt hại đến di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh cũng như các khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật.

 

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 27

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bị bãi bỏ.

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trường Chinh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.